06 điểm mới nhiều người chưa biết về lương tối thiểu vùng 2017

18/11/2016 10:14 AM

Từ ngày 01/01/2017, Nghị định 153/2016/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng 2017 sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giới thiệu toàn văn điểm mới Nghị định này đến quý thành viên.

Toàn văn điểm mới Lương tối thiểu vùng 2017 bằng File Word

Lương tối thiểu vùng 2017

1. Tăng lương tối thiểu vùng từ 180.000 - 250.000 đồng/tháng

Áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2017 lần lượt là  3.750.000 đồng/tháng, 3.320.000 đồng/tháng, 2.900.000 đồng/tháng, 2.580.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Vùng I, II, III, IV.

(Khoản 1 Điều 3)

2. Rút ngắn tiêu đề của Nghị định

Tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP thì tiêu đề là: “Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”; nay sửa thành: “Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động”.

(Tiêu đề)

3. Chỉnh sửa phạm vi điều chỉnh

Xét về bản chất thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định 153/2016/NĐ-CP không khác gì Nghị định 122/2015/NĐ-CP nhưng có sự rút ngắn câu từ giống như tiêu đề của Nghị định. Nay, trở thành: “Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động”.

(Điều 1)

4. Bổ sung đối tượng áp dụng

Nghị định 153/2016/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng áp dụng, đó là: “Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động”.

(Khoản 1 Điều 2)

5. Thay đổi trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng

(i) Mức lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất (So với quy định hiện hành, thì Nghị định 153/2016/NĐ-CP đã bỏ cụm “chưa qua đào tạo”.

(Điểm a Khoản 1 Điều 5)

(ii) Mức lương của người lao động phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (So với quy định hiện hành, thì Nghị định 153/2016/NĐ-CP đã bổ sung đầy đủ hơn, cụ thể là thêm cụm “"làm công việc đòi hỏi người lao động" và "đào tạo nghề theo").

(Điểm b Khoản 1 Điều 5)

6. Thay đổi địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng

(i) Huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là Vùng I (hiện hành là Vùng II).

(ii) Thành phố Sông Công, Thị xã Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

(iii) Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

(iv) Thành phố Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

(v) Huyện Quế Sơn, Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam sẽ là Vùng III (hiện hành là Vùng IV).

(vi) Thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh sẽ là Vùng III (hiện hành là Vùng IV).

(vii) Huyện Giang Thành  thuộc tỉnh Kiên Giang sẽ là Vùng IV (hiện hành là Vùng III).

(Phụ lục)

Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,337

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn