Tăng lương tối thiểu: Hại nhiều hơn lợi?

17/09/2016 08:33 AM

Nhiều ý kiến tham gia cuộc Tọa đàm Tăng lương tối thiểu và chính sách xã hội do Viện Nghiên cứu kinh doanh và Viện Hanns Seidel (Đức) tổ chức ngày 16-9 tỏ ý không đồng tình với đề xuất tăng lương tối thiểu.

Việc tăng lương tối thiểu luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa DN và người lao động. Ảnh internet

Thiệt hại kép?

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần đưa ra quan điểm cần phải tăng lương tối thiểu bởi hiện mức lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo mức nhu cầu sống tối thiểu.

Tuy nhiên, tham dự Tọa đàm nhiều đại biểu đều chung nhận định rằng, lương tối thiểu có quan hệ trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, lương tối thiểu sẽ hiệu quả nếu được xác định hài hòa giữa yếu tố đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN. Do vậy vấn đề then chốt trong cuộc tranh luận về tiền lương tối thiểu vùng hiện nay không phải tăng bao nhiêu % mà là nhu cầu sống tối thiểu để làm cột mốc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã được xác định chuẩn hay chưa.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiền lương tối thiểu có đủ đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của người lao động và gia đình họ hay không sẽ quyết định việc người lao động có đủ sức nuôi sống gia đình mình và xây dựng tương lai.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Đăng Doanh đưa ra quan điểm, tiền lương phải gắn trực tiếp với năng suất lao động chứ không phải là đảm bảo nhu cầu đời sống tối thiểu của họ và gia đình họ.

Còn ông Đặng Đức Đạm, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh doanh phân tích: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 49% GDP của Việt Nam là thu nhập từ lao động (tiền lương, tiền công và thu nhập khác từ lao động); đem chia cho số lao động đang làm việc là 52,74 triệu người (năm 2014), thấy tiền lương trung bình của toàn nền kinh tế là 3,048 triệu đồng/người/tháng. Đem số tiền này so với tiền lương tối thiểu bình quân 4 vùng năm 2014 là 2,275 triệu đồng thì cho hệ số tiền lương tối thiểu chỉ còn ở mức 1,34 trong khi hệ số tiền lương trong hệ thống tiền lương chung hiện hành là 2,34.

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2015 cho kết quả tiền lương trung bình khu vực DN là 3,817 triệu đồng, đem chia cho tiền lương tối thiểu khu vực vùng 2,6 triệu đồng (bình quân 4 vùng) thì được hệ số tiền lương khu vực DN cũng chỉ là 1,47. Năm 2016-2017 tiền lương tối thiểu vùng mà tiếp tục tăng nhanh hơn GDP, thì hệ số tiền lương này lại càng thu hẹp hơn nữa. Như vậy nếu chỉ chăm chăm tăng lương tối thiểu thì chả mấy năm nữa tiền lương tối thiểu sẽ bằng tiền lương trung bình, tức là tất cả người lao động chỉ còn được trả lương bằng tiền lương tối thiểu.

Đồng tình với ông Đặng Đức Đạm, ông Đặng Vương Anh- Viện Nghiên cứu kinh doanh cho rằng, khi mọi người lao động chỉ còn được trả bằng tiền lương tối thiểu, khi đó sẽ là một thảm họa của hệ thống tiền lương quốc gia.

Sở dĩ như vậy là do, mức lương tối thiểu dù tăng song vẫn “hụt hơi” so với nhu cầu sống tối thiểu được định quá cao, tạo dư luận xã hội không đúng và ảo tưởng vào tiền lương có thể và còn phải tăng nhanh nữa.

Quyết định đối với đời sống người thợ là mức lương trung bình, nếu ép mức lương tối thiểu tăng quá mức, DN buộc phải phản ứng bằng cách thu hẹp hệ số tiền lương, kết quả chính người lao động bị ảnh hưởng khi cuộc sống không những không được cải thiện mà tác dụng kích thích tăng năng suất lao động cũng không còn.

Một chuyên gia về lĩnh vực lao động và tiền lương là bà Phan Thị Hà cũng cho rằng, nếu lương tối thiểu vùng bị áp mức tăng quá cao, các khoản chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn... DN phải đóng cũng tăng thêm và như vậy người lao động cũng sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại phí nói trên.

Hơn nữa nếu DN phải tăng lương, tăng các khoản chi phí khác, tất cả chi phí trên sẽ tính vào chi phí sản xuất thành phẩm. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh đối với hàng nội địa và hàng ngoại nhập. Chi phí tăng cao trong khi sức cạnh tranh giảm, chủ DN sẽ tính tới việc phải cắt giảm lao động để đảm bảo lợi nhuận tái đầu tư. Hệ quả là dẫn đến thật nghiệp gia tăng. Ngoài ra tình trạng nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội của DN sẽ tiếp diễn.

Lương gắn với năng suất lao động?

Theo ông Đặng Đức Đạm, để cải cách chính sách tiền lương tối thiểu, Nhà nước cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp xã hội và linh hoạt hơn trong quy định về mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường. Theo kết quả lao động trong tổng thể phát triển của DN và trình độ phát triển của nền kinh tế của nền kinh tế làm căn cứ cho việc thỏa thuận, thương lượng giữa các bên có liên quan về tiền lương.

Bên cạnh đó cần thống nhất cơ chế tiền lương trong các loại hình DN, mở rộng quyền tự chủ của DN; khuyến khích hình thành thương lượng; thỏa thuận và tự định đoạt về tiền lương; thống nhất định mức lao động; đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, làm thêm giời, tiền thưởng, phụ cấp... giữa DN và người lao động.

“Đồng thời từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để đảm bảo người lao động có tích lũy từ tiền lương và mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong DN, để họ vừa là lao động, vừa là người đầu tư, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công trong DN”, ông Đam nói.

Bà Phạm Thị Hà cho rằng chính sách tăng lương tối thiểu muốn bền vững phải dựa trên nền tảng cải thiện năng suất và ổn định vĩ mô, tức là phải xem xét mối tương quan giữa mức lương tối thiểu đối với các vấn đề như phát triển DN, sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh hội nhập, đã phù hợp chưa? Nếu lương tối thiểu tăng cao ở mức không hợp lý với các tương quan này, DN không cạnh tranh nổi mà chết hàng loạt, lúc đó việc làm cho công nhân cũng thiếu, tình trạng của họ còn khốn đốn hơn.

“Năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều chuyện khác như giáo dục, đào tạo nghề. Chắc chắn rất nhiều DN sẵn sàng trả lương cao nếu họ tìm được người có tay nghề cao vì DN không bao giờ muốn mất người giỏi, hoặc lương cao kích thích năng suất lao động cao nhưng đó không phải là chuyện của lương tối thiểu mà là chuyện cạnh tranh tự nhiên trong thị trường lao động”, bà Hà nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 1-2016, hơn 12.000 DN tạm dừng hoạt động, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong cả năm 2015, hơn 80.000 DN phải đóng cửa, dừng hoạt động.

D.Ngân

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,950

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn