Nguy cơ lao động mất việc làm

26/09/2016 09:01 AM

Theo các chuyên gia, mức lương tối thiểu vùng cao sẽ giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn nhưng ngược lại cũng có thể khiến người lao động bị mất việc hoặc DN trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để tiết kiệm chi phí.

Tăng lương tối thiểu vẫn đang là bài toán khó cho cả DN và người lao động

Tác động đến tổng cầu việc làm

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang thảo luận, xem xét tăng lương tối thiểu năm 2017. Theo lộ trình, đến đầu năm 2018, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện lương tối thiểu chỉ đáp ứng 74-75% nhu cầu sống tối thiểu. Theo đó, trong hai năm 2016 - 2017, mức lương tối thiểu phải tăng khoảng 25- 26% so với mức lương hiện tại. Đây được coi là thách thức lớn đối với DN và người lao động.

Tại buổi Tọa đàm “Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội”, PGS-TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học lao động và xã hội- cho hay: Theo báo cáo của các DN, điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu việc làm, ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội (ASXH). Theo đó, nêu tuân thủ đúng, chủ sử dụng lao động phải đóng các khoản ASXH rất cao, gần 31% trên số tiền thực lĩnh. Do vậy, các DN sẽ trốn đóng BHXH và các khoản chi khác để bù vào các khoản chi phí phát sinh có liên quan đến lao động.

Cụ thể, theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tăng tiền lương tối thiểu thực tế lên 3%, sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc nếu không sẽ mất việc làm. Và nếu tăng tiền lương tối thiểu thực tế lên 5%, sẽ có khoảng 17.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 51.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ có tác dụng kích thích người chủ chuyển đầu tư từ ngành thu hút nhiều lao động có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao, do vậy có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế. Đối với một số ngành thiếu lao động, việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ dẫn tới tăng việc làm.

Cần hài hòa 3 yếu tố

TS. Đặng Đức Đạm - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh- cho rằng, tăng lương tối thiểu cần xử lý hài hòa giữa yếu tố: Đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.

Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 12,2%/năm, tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) là một nghịch lý. Mục tiêu là bảo đảm ASXH nhưng tăng trưởng kinh tế lại chậm, thiếu bền vững là do chủ yếu dựa vào vốn (52-53%) và lao động (19-20%). Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh thấp vì chi phí nhân công chiếm khoảng 18,3% trong giá thành phẩm, cao hơn khu vực ASEAN (16,8%).

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, đặc biệt là khả năng chi trả của DN, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập, tiền lương trước và sau khi điều chỉnh lương tối thiểu… Còn theo TS. Đặng Đức Đạm, chính sách lương tốt phải phát huy được sức sáng tạo và năng lực, hiệu quả của đội ngũ lao động, nhất là lao động có chất lượng cao… Đặc biệt, chính sách thu nhập thỏa đáng còn giúp giảm thiểu các xung đột lợi ích và đình công trong DN, giữ ổn định và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh.

TS. Đặng Đức Đạm - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh:

Tăng lương tối thiểu vùng sẽ chỉ đạt được hiệu quả nhất nếu hài hòa được cả ba yếu tố: Đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.

 

Nguyễn Hạnh

Theo Báo Công Thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,673

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]