Tăng giờ làm thêm là đi ngược xu hướng thế giới

17/11/2011 17:18 PM

TT - Đã có nhiều tranh luận về các nội dung trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) như quy định về tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, chế độ thai sản... khi các đại biểu Quốc hội thảo luận dự luật này vào chiều qua (16-11). Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là nên quy định chế độ nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) phát biểu trong phiên họp chiều 16-11 - Ảnh: V.Dũng

Ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nêu thực tế công việc của các đại biểu Quốc hội cũng có trường hợp phải làm xuyên đêm, làm cả thứ bảy, chủ nhật và đề nghị nên đồng tình cho quy định nâng thời gian làm thêm giờ.

Tăng giờ làm thêm là tăng sức ép cho người lao động

Không đồng tình tăng giờ làm thêm, ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Làm thêm chỉ nên giữ nguyên quy định hiện tại là tối đa 200 giờ/năm. Nếu tăng lên 360 giờ/năm như dự luật thì bằng 15 ngày lao động. Người lao động sẽ chịu sức ép rất lớn, không còn thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Sức ép lao động sẽ làm gia tăng tai nạn lao động. Doanh nghiệp sẽ lợi dụng vào quy định này để tăng giờ, tăng ca, đỡ phải tuyển thêm công nhân. Tăng giờ làm thêm cũng đi ngược lại xu hướng tiến bộ của thế giới”.

Cần thống nhất tên gọi tổ chức công đoàn

Đối với dự án Luật công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) nhận xét: Hiện nay vai trò của công đoàn không được như trước nữa, không chỉ ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nước ngoài mà ngay cả trong doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, dự luật nêu ra phương án công đoàn có quyền tham gia quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước... là không hợp lý.

Ông Quang cũng như đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tên gọi của tổ chức công đoàn phải thống nhất từ trên xuống dưới, vì vậy ở trung ương nên lấy tên là Tổng công đoàn VN thay vì tên gọi hiện nay là Tổng liên đoàn Lao động VN.

Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai). Ông Tùng khẳng định nếu tăng giờ làm thêm như vậy thì người lao động không còn thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái chứ chưa nói đến thăm bà con, tham gia hoạt động thể thao, văn hóa. Ông Tùng đề nghị nếu muốn tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm thì phải quy định thời gian làm việc chính thức là 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện tại.

 Một số đại biểu ở đoàn TP.HCM thì đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ cơ sở khoa học của việc tăng thời gian làm thêm lên mức tối đa 360 giờ/năm.

Đối thoại thực chất mới có lương thực chất

Ông Trần Thanh Hải (TP.HCM) đánh giá cao cơ chế đối thoại với tập thể người lao động được đề cập trong dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), tuy nhiên cần bổ sung các quy định cụ thể về chế độ đối thoại định kỳ, trình tự tổ chức đối thoại, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ở cơ sở...

Theo ông Hải, nhiệm vụ của thương lượng tập thể được dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) thiết kế chủ yếu để thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chưa phát huy đúng tầm quan trọng của thương lượng tập thể.

Ông Hải phân tích: “Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương, tiền công luôn luôn vận động. Người lao động mong muốn có thu nhập hợp lý. Người sử dụng lao động lại muốn có mức lợi nhuận cần thiết. Do đó hài hòa tương đối về lợi ích là yêu cầu của cả hai bên. Do vậy giải pháp nêu trên sẽ trở thành điều kiện mở đường cho người lao động được chủ động thương lượng về tiền lương cơ bản”.

Liên hệ đến tiền lương cán bộ, công chức, bà Bùi Thị An (Hà Nội) phân tích: “Việc tăng lương lên 1.050.000 đồng là tốt nhưng đề nghị cần thống nhất quan điểm: lương phải đủ ăn để tái sản xuất sức lao động”.

Bà An nêu ví dụ một sinh viên mới ra trường, theo lương mới sẽ được khoảng 2,7 triệu đồng. Trong khi đó tiền thuê nhà ở, xe đi lại đã mất ít nhất 800.000-900.000, còn lại khoảng 1,7 triệu, theo bà An là “không làm được gì cả”.

Hai vợ chồng có đứa con, khoảng 5 triệu đồng thì không đủ tái sản xuất sức lao động, vì vậy bà An đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại mức lương để người lao động có thể sống tạm đủ, nếu không phải có chính sách về nhà ở cho họ để công chức có thể có cuộc sống tối thiểu.

L.KIÊN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá liệu có khả thi?

Thảo luận Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, sáng qua (16-11), đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) lại băn khoăn về tính khả thi của dự án luật này. Ông Cương đặt vấn đề: “Với tư cách người không hút thuốc thì tới đây khi luật này được thông qua, người dân sẽ thực hiện quyền của mình khi được luật ghi nhận như thế nào đây?

Trẻ em sẽ phải nói với ông bố nghiện thuốc lá của mình rằng dừng hút thuốc lá ở trong nhà. Vậy ai sẽ là người đứng ra để bảo vệ quyền của đứa trẻ? Là một cán bộ, công chức ở bộ liệu rằng tôi có dám đề nghị ông vụ trưởng hay ông bộ trưởng dừng hút thuốc lá?”.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,068

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn