15/12/2011 16:26 PM

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho tất cả lao động nữ.

Sáng nay (15/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ đều tán thành với đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng.

   Lao động nữ có thể được nghỉ thai sản 6 tháng. Ảnh minh họa: camnangiadinh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, mức sàn tối thiểu là nghỉ 4 tháng và cho phép thời gian tối đa là 6 tháng. Quy định này được đưa ra để phù hợp với điều kiện thực tế và các nhóm công việc khác nhau. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ trong khoảng thời gian 4 tháng đến 6 tháng và vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.

Người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với chủ sử dụng.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh, Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng tán thành nâng thời gian nghỉ lên 6 tháng, tuy nhiên bà tỏ ra e ngại về các trường hợp làm việc trong môi trường độc hại (lâu nay vẫn được nghỉ dài hơn).

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, nâng thời gian nghỉ thai sản theo hướng linh hoạt như vậy để đảm bảo quyền lợi của bà mẹ và trẻ em. Nếu dự án luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy định trong một số bộ luật liên quan. Theo kế hoạch, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được biểu quyết vào kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5/2012.

Vấn đề điều chỉnh thời gian nghỉ thai sản cũng từng được tranh luận sôi nổi tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Đa số đại biểu đều đồng ý nên tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 5 tháng như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng phân tích các hệ lụy liên quan. Chẳng hạn, cân nhắc đến khó khăn của các chủ doanh nghiệp tại những cơ sở có sử dụng nhiều lao động nữ.

Hoặc, nếu thời gian nghỉ của tất cả lao động tăng lên 6 tháng, thì nên chăng kéo dài thêm thời gian nghỉ của phụ nữ ở khu vực lao động mệt nhọc, độc hại lên 7 tháng.

Thậm chí, một số ĐBQH cho rằng nên bổ sung quy định người chồng được nghỉ một số ngày nhất định, có thể là nghỉ 10 ngày và hưởng nguyên lương. Hoặc, ban soạn thảo cũng nên cân nhắc tình huống là người mẹ sinh con song thì mất hoặc bị bệnh tật, hoặc bỏ đi và gánh nặng đặt lên vai người cha. Khi đó, người cha cũng cần phải được nghỉ 6 tháng nuôi con, hoặc được hỗ trợ để nhờ người khác nuôi con trong khoảng thời gian này để bảo đảm trọn vẹn quyền lợi đứa trẻ.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,260

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]