Bị cáo Ong Văn Sệt trong một lần hầu tòa Bình Chánh.
Đáng nói người ký kết luận điều tra và cáo trạng truy tố là đại tá Nguyễn Văn Quý- trưởng CA huyện Bình Chánh và Phó viện trưởng Viện kiểm sát huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng.
Cướp “bất đắc dĩ”
Ngày 9/12/2015, ông Lê Thanh Tòng- Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, ban hành cáo trạng (lần 2) số 03/KSĐT, truy tố ba thanh niên Trần Văn Uống, Ong Văn Sệt và Khưu Khánh Sỹ (cùng ngụ tỉnh Sóc Trăng, tạm trú huyện Bình Chánh) tội danh “Cướp tài sản”.
Theo cáo trạng, Uống, Sệt, Sỹ và Trần Văn Đen có quen biết và cùng làm chung tại cơ sở sản xuất thức ăn gia súc trên đường Trần Đại Nghĩa, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Khoảng 22 giờ ngày 5/12/2012, trong lúc nhậu tại nơi làm việc, Uống rủ Sỹ, Đen và Sệt ra đường Trần Đại Nghĩa chặn xe người đi đường để ‘xin tiền’ mua bia nhậu tiếp.
Đen và Sỹ đồng ý đi cùng, Sệt không nói gì nhưng vẫn đi theo. Khi ra khỏi cổng cơ sở, Uống và Đen mỗi người nhặt một khúc cây tầm vong dài khoảng 60-65cm cầm theo, rồi đi về phía Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Sỹ và Sệt đi theo sau được một lúc thì Đen đi qua bên kia đường.
Đi được một đoạn, cả nhóm phát hiện anh Phan Thanh Quyền đang đi xe máy chở chị Lê Thị Hoài Phương lưu thông theo hướng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân về đường Mai Bá Hương.
Uống cầm cây tầm vong tiến ra đường, giơ cây lên định đánh thì anh Quyền phát hiện nên hoảng sợ, quay đầu xe chạy ngược lại, Uống liền ném cây tầm vong về phía anh Quyền nhưng không trúng, anh Quyền điều khiển xe chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân trình báo.
Công an xã Lê Minh Xuân cùng dân phòng liền đến hiện trường và bắt được Uống, Sỹ và đưa về công an xã lập biên bản quả tang, lập hồ sơ ban đầu rồi chuyển đến công an huyện Bình Chánh. Riêng Đen và Sệt đã bỏ chạy thoát.
Ngày 10/12/2012, Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi “Cướp tài sản” đối với Trần Văn Uống, Ong Văn Sệt và Khưu Khánh Sỹ. Sau thời gian điều tra, bản kết luận điều tra đã được Công an huyện Bình Chánh chuyển đến cho VKS huyện Bình Chánh. Ông Lê Thanh Tòng đã ký cáo trạng như nói trên. Và từ đây, số phận ba thanh niên đã gần như trong vòng lao lý vì tội cướp. Nhiều lần ra tòa, vụ án đến nay vẫn chưa khép lại.
Cơ quan điều tra có tưởng tượng?
Ngày 15/7/2014, TAND huyện Bình Chánh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1 vụ án. Tại phiên tòa, Uống và Sỹ được cách ly và khai rất thống nhất, rằng đêm đó họ tổ chức nhậu trong xưởng, xong thì Uống và hai người kia ra ngoài hóng mát và đi tiểu.
Lát sau Sỹ ra gọi thì đúng lúc này có đám đông người lao đến hô vang: “Bắt nó, bắt nó”. Đám đông đó chạy xe máy không mở đèn xe, ồn ào, hung tợn. Trong đêm tối, cả hai bị bất ngờ, không biết ai, lại tưởng là cướp nên buộc phải chạy né đi. Sau khi bị bắt, do bị đánh nên buộc phải ký tên vào bản ghi lời khai có sẵn và viết bản tự khai nhận tội theo ý cán bộ.
Đáng lưu ý, biên bản bắt người phạm tội quả tang lại được lập sau khi bắt người hơn 15 giờ và cũng không ghi nhận được sự việc quả tang gì ngoài lời trình báo của người bị hại, lời khai nhận tội ban đầu của hai bị cáo và lời khai của hai người đi bắt (biên bản ghi vai trò của hai người này là người làm chứng).
Mặc dù diễn biến phiên tòa và chứng cứ “lạc tông” như vậy nhưng VKS Bình Chánh vẫn cương quyết buộc tội, đã đề nghị HĐXX tuyên mỗi bị cáo 7-8 năm tù cho tội danh “Cướp tài sản”.
Đáp lại đề nghị của VKS, TAND huyện Bình Chánh nhận định hành vi của Uống và Sỹ là cướp chưa đạt do chưa gây hậu quả và không thu được hung khí. Từ đó tòa tuyên phạt Uống và Sỹ 1 năm 7 tháng 9 ngày tù, bằng thời gian tạm giam và thả tự do ngay tại tòa.
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng những phi lý, uẩn khúc của vụ án là rõ ràng.
Ngày 20/9/2014, TAND TP.HCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại vì những vi phạm nghiêm trọng. Đó là điều tra làm rõ việc lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai bị hại, ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người này thì không có chứng cứ buộc tội khác.
Cáo buộc sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây gậy nào. Uống và Sỹ không biết anh Quyền, anh Quyền cũng không biết hai bị cáo trước khi xảy ra “vụ cướp”. Thế nhưng anh Quyền lại có thể khai rành mạch tên tuổi, quê quán của hai bị cáo trong những lời khai ban đầu. Đặc biệt, chiếc xe không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo…
Điều tra lại, Công an huyện Bình Chánh đã về Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt ngày 11/2/2015. Tại CQĐT, ban đầu Sệt bị khởi tố tội không tố giác tội phạm. Sau đó thì xuất hiện các bản khai của Sệt thừa nhận đã tham gia vụ cướp nên bị đổi tội danh thành “cướp tài sản”.
Chiều 17/3/2016, TAND huyện Bình Chánh sau khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, HĐXX đã quyết định hoãn xử vì vắng mặt bị cáo Khưu Khánh Sỹ và người bị hại Phan Thanh Quyền. Đến nay số phận ba thanh niên bỗng dưng thành cướp vẫn treo lơ lửng.
Trong khi đó, những người ký kết luận điều tra, truy tố họ là đại tá Nguyễn Văn Quý và ông Lê Thanh Tòng thì đã bị tạm đình chỉ…Dư luận đang đặt câu hỏi liệu đây có phải là vụ hàm oan nữa xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh?
“Đây là vụ án mà tôi đã theo dõi từ năm 2013, cần tiếp tục nghiên cứu hồ sơ, lắng nghe lời kêu oan của bị cáo, xem xét thấu đáo các tình tiết để tìm ra được sự thật của vụ án, những điểm phi lý, những uẩn khúc đã được chỉ ra, cần nhìn nhận một cách khách quan” - luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, nói . Còn Luật sư Trịnh Công Minh cho biết cả hai bị cáo nói họ không biết gì về vụ cướp mà bị tố giác, trong khi người bị hại vẫn giữ lời khai là thấy hai thanh niên đứng bên đường chuẩn bị cướp nên rất mâu thuẫn. |
Tân Châu
Theo Tiền phong