Chủ trì cuộc họp báo có ông Đinh Thế Huynh (ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Hoàng Bình Quân (ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương), ông Thuận Hữu (ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam), ông Mai Văn Chính (ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương), ông Lê Quang Vĩnh (Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng), ông Nguyễn Thế Kỷ (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông).
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết trung tâm báo chí Đại hội XII của Đảng được thành lập ngày 3-4-2015. Trong nhiều tháng qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp tích cực triển khai các công việc, trong đó có khai trương trang thông tin điện tử Đại hội XII (http://daihoi12.dangcongsan.vn).
Ông Đinh Thế Huynh cho biết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại thủ đô Hà Nội.
Chủ đề của Đại hội XII là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Thuận Hữu giới thiệu các nội dung cốt lõi của các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII. Quá trình soạn thảo Văn kiện thể hiện tinh thần đổi mới, có cơ chế phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đã có 2,6 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện. Các ý kiến trái chiều cũng được nghiêm túc xem xét. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD.
Ông Hoàng Bình Quân giới thiệu đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó xác định mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia - dân tộc. Triển khai, thực hiện công tác đối ngoại để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Sau phần giới thiệu chung, các PV trong và ngoài nước đặt câu hỏi.
* VTV: Xin cho biết những nội dung mới của dự thảo Văn kiện Đại hội XI. Có ý kiến nói Đại hội XII là khởi đầu của đổi mới lần II, xin cho biết ý kiến về nội dung này?
- Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân:
Chủ đề của dự thảo Văn kiện đã được bổ sung một số điểm mới, cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, lần này chủ đề cũng nêu rõ là phát huy dân chủ XHCN; bảo vệ vững chắc tổ quốc, đồng thời với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Chủ đề lần này không nêu mốc đến thời gian nào chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà đưa cụm từ là phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết cấu của báo cáo chính trị chia ra 15 phần, tương đương với 15 lĩnh vực, khái quát những hạn chế, những thành tựu và hướng phát triển sắp tới…
Về nội dung hỏi đây có phải là cuộc đổi mới lần II? Trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, Đại hội XII tiếp tục tinh thần đổi mới của 30 năm đổi mới vừa qua.
* Tuổi Trẻ: Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 14 kết thúc, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin nêu cụ thể về danh sách 4 ứng cử viên cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước (mà ta hay gọi là “tứ trụ”). Đề nghị bình luận về việc này?
- Ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông:
Đúng là có một số thông tin như vậy. Nhưng chúng ta không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự của Đại hội XII. Vì công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII đã được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình và đúng quy định của Đảng. Việc nhân sự ban chấp hành Trung ương, các vị trí chủ chốt, các vị trí quan trọng sẽ được công bố khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội.
* TTXVN: Xin cho biết những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam?
- Ông Hoàng Bình Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương:
Chúng tôi coi trọng quan hệ với các quốc gia láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng. Sao cho Việt Nam có nhiều cơ hội để thể hiện tinh thần Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trung tâm.
* Nhân Dân: Ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII tập trung vào những nội dung nào?
- Ông Lê Quang Vĩnh - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng:
Đã có 2,6 triệu lượt ý kiến góp ý, trước hết là của Đại hội các cấp, của các đại biểu Quốc hội, MTTQ VN, đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Các ý kiến phong phú, đề cập đến tất cả các lĩnh vực, có nhiều ý kiến tập trung góp ý vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tái cơ cấu nền kinh tế; phòng chống tham nhũng; các ý kiến tâm huyết về xây dựng Đảng…
Nổi lên có các ý kiến về bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới, trong đó có vấn đề biển Đông. Các ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được Trung ương Đảng chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa…
* VOV: Dự thảo quy chế làm việc và quy chế bầu cử tại Đại hội XII có gì mới. Ban chấp hành Trung ương khoa XII dự kiến có bao nhiêu ủy viên?
- Ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương:
Với trách nhiệm của Trung ương khóa XI đã chuẩn bị các nội dung liên quan, đây mới là dự thảo, đến khi trình Đại hội XII thông qua thì mới có giá trị. Về số lượng Trung ương khóa XII, theo phương án của Trung ương khóa XI đã thông qua để trình Đại hội có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Đây cũng là phương án trình Đại hội XII, chưa chính thức.
* Vietnamnet: Việc rút khỏi danh sách giới thiệu để Đại hội XII bầu ban chấp hành Trung ương mới được tiến hành như thế nào?
- Ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương:
Việc rút khỏi danh sách giới thiệu để Đại hội bầu ban chấp hành Trung ương khóa mới do Đoàn chủ tịch xem xét, đề xuất với Đại hội cho rút hay không.
* SGGP: Đại hội XII có xem xét sửa đổi điều lệ Đảng hay không? Quy chế bầu cử trong Đảng hiện nay (quyết định số 244) so với điều lệ Đảng, trong Đại hội XII có được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi gì không?
+ Ông Mai Văn Chính -Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương:
Điều lệ Đảng là hệ trọng, mới được Đại hội XI thông qua, thời gian chưa dài, một số điểm mới cần thêm thời gian kiểm chứng. Qua tổng kết thực hiện điều lệ Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI tới nay cho thấy, những vướng mắc, hạn chế, chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân ở khâu tổ chức thi hành điều lệ Đảng chưa nghiêm.
Những vướng mắc xuất phát từ quy định điều lệ Đảng cần bổ sung sửa đổi không nhiều, vì vậy Trung ương khoá XI trình Đại hội XII xem xét, bổ sung sửa đổi hay không (nếu có).
Hiện đang trình, khi Đại hội thông qua có kết quả thì chúng tôi sẽ thông tin. Đối với quyết định 244 cũng vậy, Đại hội XII có quy chế bầu cử của Đại hội, chúng tôi chuẩn bị trình Đại hội xem xét, quyết định, khi có quyết định thì chúng tôi sẽ công bố.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trung tâm báo chí được bố trí trên diện tích 1.000 m2, trang bị 170 máy tính cố định. Trung tâm đã nhận được đăng ký của gần 600 phóng viên, kỹ thuật viên của các cơ quan báo chí trong nước, đăng ký của khoảng 20 cơ quan báo chí nước ngoài với 118 phóng viên. Ông Mai Văn Chính (ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương) giới thiệu về cơ cấu đại biểu dự Đại hội XII: - Tổng số 1.510 đại biểu, trong đó có 197 đại biểu đương nhiên là ủy viên Trung ương Đảng chính thức và ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết khóa XI. - Về trình độ học vấn: Giáo sư, phó giáo sư có 55 đại biểu; Tiến sĩ có 241 đại biểu; Thạc sĩ có 511 đại biểu; Đại học có 757 đại biểu. - Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp có 1.501 đại biểu; Trung cấp có 8 đại biểu. - Từ 30 tuổi trở xuống: 2 đại biểu. - Từ 31 đến 40 tuổi: 65 đại biểu. - Từ 41 đến 50: 384 đại biểu. - Từ 61 đến 70 tuổi: 64 đại biểu - Trên 70 tuổi: 2 đại biểu. |