Sinh con không chỉ là chuyện cá nhân

18/09/2015 07:42 AM

Quyền lựa chọn sinh con, bao giờ sinh nên là quyền quyết định của các cặp vợ chồng. Do đó, cần chuyển chính sách mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 - 2 con sang chính sách mỗi gia đình nên có 2 con. Việc sinh con không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện của quốc gia. Sinh ít thì nhàn nhưng về tương lai của quốc gia là tiềm ẩn nhiều bất ổn.

nguyễn thiện nhân

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Long

Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị đối thoại chính sách về dân số và phát triển bền vững do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội.

Phát biểu với tư cách là nhà khoa học, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình trạng mức sống càng tăng thì tỉ suất sinh càng thấp ở nhiều nước là không thể tránh khỏi. Nếu ở thời điểm hiện tại chúng ta đưa ra một xu hướng mức sinh không hợp lý thì 20 năm nữa, chính chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả.

Bài học này đã xảy ra ở Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc khi duy trì tỉ suất sinh dưới mức sinh thay thế trong 30, 40 năm qua. Hiện nay, các quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, tỉ lệ lao động nhập cư nhiều, tình trạng người trẻ càng giảm còn người già ngày càng tăng.

Trung Quốc cũng vấp phải tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng khi có tới 30 triệu nam giới nước này khó lập gia đình vì duy trì chính sách chỉ sinh 1 con.
Bài học của các quốc gia kể trên cho thấy mức sinh thay thế thấp sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động, già hóa dân số. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng chính sách khuyến khích sinh con nhưng không thành công.

Trong những năm qua, để giảm tỉ suất sinh, Việt Nam áp dụng chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 - 2 con” và áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát mức sinh. Kết quả, tỉ suất sinh đã giảm từ 6,49 năm 1969 xuống còn 2,11 vào năm 2005 và bình quân 2,06 từ năm 2005 đến năm 2014.

Tuy nhiên, điều lo lắng là tỉ suất sinh của cả nước hiện xuống dưới ngưỡng mức sinh thay thế. Tỉ suất sinh bình quân cả nước 9 năm qua (từ 2006-2014) là 2,055. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới ở trẻ sơ sinh chưa giảm đáng kể (112 nam/100 nữ).

Đáng ngại hơn là tình trạng “đô thị sinh ít, nông thôn sinh nhiều” ngày càng rõ khi mà năm 2014, trong khi tỉ suất sinh cả nước là 2,09 thì tỉ suất sinh tại một số khu vực rất thấp. Đơn cử khu vực thành thị là 1,85; vùng Đông Nam Bộ 1,56; Đồng bằng sông Cửu Long là 1,84 và một số thành phố lớn như TPHCM chỉ là 1,39.

Tỉ suất sinh bình quân ở khu vực thành thị 14 năm qua (từ 2001-2014) là 1,795. Thực chất, do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, chi phí cho nhà trẻ, trường học cao, khó khăn về nhà ở, lo ngại giảm thu nhập sau khi sinh… đã khiến cho nhiều người có tâm lý sợ sinh con.

phiên họpẢnh: VGP/Hoàng Long

Từ thực tế Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế 9 năm nay, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để tránh lặp lại tình trạng tương tự như các quốc gia khác, cần phải thay đổi mục tiêu của chính sách dân số ở Việt Nam sau năm 2015.

Cần bảo đảm duy trì mức sinh thay thế để bảo đảm duy trì lực lượng lao động của quốc gia. Nếu không có chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con thì các đô thị ở Việt Nam rất dễ rơi vào tình trạng như ở các nước là nơi điều kiện thì lại sinh ít con. Mặt khác, dù 40% dân số đang sinh sống tại đô thị nhưng tỉ suất sinh thay thế chỉ vào khoảng 1,9 con. Do đó, cần nghiên cứu để bảo đảm nếu mức sinh thay thế ở đô thị xuống thấp thì mức sinh ở nông thôn không bị kiềm chế nhằm bảo đảm mức sinh tổng thể của cả nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ đã nhận diện được các tác động bất lợi của tình trạng kéo dài tỉ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế đối với phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nếu phản ứng chậm thì sẽ đạt kết quả thấp hoặc thậm chí không đạt kết quả.

Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi chính sách dân số để ngăn chặn tình trạng tỉ suất sinh thấp hơn mức sinh thay thế kéo dài nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam nên chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định tỉ suất sinh bằng mức sinh thay thế và cân bằng giới tính khi sinh.

Từ Lương

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,272

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn