Không thừa nhận chuyển giới là xâm phạm quyền con người?

18/08/2015 17:45 PM

Trình bày báo cáo về một số nội dung dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết nhiều ý kiến lưu ý rằng quy định không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính có thể xâm phạm quyền con người.

hà hùng cường

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết các nước cũng quy định chặt chẽ chuyện đặt tên, không thể để tình trạng đặt tên loạn xì ngầu - Ảnh: VIỆT DŨNG

Khoản 2 điều 36 dự thảo bộ luật quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác".

“Chuyển đổi giới tính là quyền con người”

Nêu quan điểm về nội dung này, ông Lý cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng việc khẳng định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính cần được cân nhắc kỹ, bởi có thể xâm phạm đến quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp”.

“Hơn nữa, một mặt vừa quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định cho phép cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là mâu thuẫn nhau”.

Ông Lý nhấn mạnh: “Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần phải được ghi nhận trong luật. Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...”.

“Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định đây là quyền con người, quyền này sẽ thực hiện theo quy định của luật. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này bằng một văn bản luật” - ông Lý nói.

Đồng tình với quan điểm trên, phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh phân tích: Luật hôn nhân và gia đình không thừa nhận hôn nhân đồng tính. Bây giờ nếu thừa nhận chuyển giới thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý.

“Ví dụ trong gia đình đang bình thường, bỗng dưng vợ hoặc chồng muốn chuyển đổi giới tính thì quan hệ gia đình sẽ như thế nào? Trong trường hợp này họ yêu cầu thay đổi công nhận về nhân thân thì sẽ thực hiện thế nào? Cạnh đó là phải có hành lang pháp lý cho các hoạt động y học liên quan đến chuyển đổi giới tính” - ông Khánh nói.

“Đặt tên Hàn Quốc, tên Ronaldo loạn xị lên là không được”

Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định “họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái” trong dự thảo luật, lý do là “chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định của Hiến pháp.

“Một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được thực hiện thông qua phương pháp tuyên truyền, giáo dục” - ông Phan Trung Lý cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đồng ý với việc bỏ quy định giới hạn 25 chữ cái đối với họ tên người, nhưng ông đề nghị vẫn phải quy định chặt chẽ.

“Thực tế việc đặt tên hiện nay hết sức phức tạp. Pháp luật các nước cũng quy định rất chặt chẽ. Người Kinh mà đặt tên người dân tộc, tên nước ngoài, tên tạp âm thì cũng phản cảm. Đặt tên phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục của cộng đồng, của dân tộc, tập quán tốt đẹp” - ông Cường phân tích.

Theo Bộ trưởng Cường, “cần quy định nếu đặt tên mà không phù hợp với tập quán thì cơ quan đăng ký phải giải thích, chứ cứ đặt tên nước ngoài, tên Hàn Quốc, tên Ronaldo… loạn xị lên thì không được”.

Lê Kiên

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,053

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]