Bộ trưởng Thăng 'kích' đi xe buýt, tài xế bắt khách quỳ

24/10/2011 08:49 AM

Sau khi báo chí đăng tải vụ việc phụ xe buýt bắt hành khách phải quỳ, nhiều độc giả đã chia sẻ rất nhiều những câu chuyện “chướng tai gai mắt” tương tự ở trên hành trình xe buýt Hà Nội.

>> Cả Bộ Giao thông đi làm bằng xe buýt



Khách đồng loạt “tố” xe buýt Hà Nội

Trong khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đang ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, trong đó có việc vận động sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại thì mới đây trên địa bàn Hà Nội lại xảy ra việc lái xe, phụ xe bắt hành khách phải quỳ. Trong khi tình trạng móc túi trên xe buýt chưa được giải quyết rốt ráo, thì vụ việc này như một ngòi nổ vào phương tiện công cộng với vô vàn bất cập này.

Hầu hết các ý kiến phản hồi của bạn đọc đều nhấn mạnh: "Nhà nước kêu gọi đi xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm tải tình trạng tắc đường. Với cách "hành xử giang hồ” thế này của nhân viên xe buýt thử hỏi ai còn dám đi nữa?”

Xe buýt đã khiến nhiều người dân chưa hài lòng (Ảnh: Doanh nghiệp 24h)

Vụ việc gây bất bình trên xảy ra vào khoảng 14h ngày 22/10 trên chuyến xe buýt 34 mang BKS 30K-1550 của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy tuyến Mỹ Đình - Gia Lâm. Trước khi lên xe này, hành khách Nguyễn Ngọc Phúc quê ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã hỏi về đường Lê Văn Lương thì được phụ xe cho biết là xe chạy qua tuyến đó. Nhưng trên đường đi, biết là nhầm đường, anh Phúc chạy lên thắc mắc và yêu cầu được xuống xe thì bị lái, phụ xe chửi mắng. Sau đó, tài xế dừng lại và cùng với phụ xe lao xuống đạp, chửi hành khách này, bắt phải quỳ xuống xin thì mới mở cửa. Hiện tại, lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh đã bị đình chỉ công tác và phải viết bản tường trình.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự bất bình về cách hành xử côn đồ trên của lái, phụ xe buýt nhiều độc giả cũng tỏ ra thản nhiên cho rằng đây là “chuyện thường ngày ở huyện” bởi họ còn được chứng kiến nhiều câu chuyện đáng sợ hơn nữa. Trên một diễn đàn của báo mạng, bạn đọc Đỗ Quốc Thắng kể: “Đi nhiều xe buýt tôi thấy mấy ông lái xe và phụ xe rất chi là “hổ báo”, không coi hành khách ra gì. Có lần tôi còn thấy xe buýt va quyệt vào xe máy rồi cả tài xế lẫn phụ xe lao xuống đánh chửi tới tấp người lái xe máy”.

Một bạn đọc cũng cho biết: “Thái độ phục vụ khách hàng thì không khác gì mình phải đi nhờ họ, lời lẽ thì tục tĩu. Bản thân tôi truớc kia khi còn là sinh viên cũng bị họ đánh chỉ vì lỗi thẻ xe buýt cũ nhàu nát và họ không chấp nhận”. “Trên xe buýt còn cả tình trạng ăn chặn tiền của hành khách. Phụ xe vẫn cầm tiền của khách mà cố tình không đưa vé xe”, bạn đọc tên Phương phản hồi trên Afamily.

Bạn đọc Trinh cũng ấm ức: “Có lần do xe hỏng, mình đi xe buýt tuyến 19 từ Ngã Tư Sở về Vĩnh Tuy. Hôm đó xe khá vắng, đường thì lại rất tắc (tầm 6h15). Xe chỉ mở cửa dưới cho khách đi xuống mà không mở cửa trên cho khách lên. Mình thì bụng mang dạ chửa 7 tháng, chạy tới cửa trên không mở, chạy về cửa dưới thì lúc đó cửa bắt đầu khép lại. Mình vẫn cố lên, thấy vậy nhưng phụ và lái xe không cho xe chậm lại, và tiếp tục cho xe lăn bánh tiếp. Lên xe còn bị mắng này nọ, rất bực mình”.

Nhiều hành khách đã từng đi xe buýt đều rất bức xúc khi rõ ràng xe quy định lên cửa trước, xuống cửa sau, nhưng nhiều lúc hành khách đứng chờ ở cửa trước thì không mở, thấy mở mỗi cửa sau lại phải lóc cóc lên bằng cửa sau. Hay hành khách trả tiền rồi mà không xé vé, thắc mắc thì phụ xe mới chịu đưa nhưng thái độ rất khó chịu. “Bên cạnh đó, có xe buýt còn mở nhạc ầm ĩ trên xe chỉ khổ người ngồi ngay dưới cái loa. Nhiều khi phụ xe còn “chiếm” nguyên 1 ghế, thấy người già trẻ em cũng chẳng chịu đứng dậy nhường …”, bạn đọc ở địa chỉ muaha…@yahoo.com phản hồi.

Hãy lên tiếng nếu có thể

Trên diễn đàn webtretho, một thành viên có nickname là Datnuoctoi chia sẻ: “Có lần tôi đi xe buýt cũng bị lái và phụ tỏ thái độ không hay chỉ vì tôi đau chân, lên xe chậm. Tôi đã ngay lập tức gọi điện thoại ngay vào số điện thoại in trên xe về Trung tâm điều hành xe buýt, phản ánh thái độ của lái và phụ xe, thuật lại những câu họ nói và nêu rõ biển số xe. Lái và phụ xe sau đó đã phải chùng giọng xuống. Một số hành khách tỏ ra sợ sệt trước việc tôi gọi điện, chỉ có lác đác một vài người thì thầm lên tiếng ủng hộ tôi. Cho nên, sự dũng cảm (không phải là hung hăng gây hấn) là cần thiết”.

Theo kết quả điều tra xã hội học 16% hành khách không đi xe buýt vì lý do mức độ phục vụ kém (Ảnh: VietNamNet)

Tuy nhiên, không ít lần những khiếu nại của hành khách không hiểu vì lý do gì đã “chìm vào quên lãng”. Bạn đọc MeBeChu2011 bức xúc: “Có lần bất bình trên xe buýt, mình cũng lấy điện thoại ra để gọi cho đường dây nóng nhưng nhân viên và tài xế thấy thế càng thách thức. Điều lạ lùng là đường dây nóng mà không một ai bắt máy. Hành khách trên xe thì toàn im lặng cho qua chuyện, cuối cùng người bị đẩy xuống xe giữa đường đó là mình mặc dù mình đã mua vé đi hết tuyến”.

Thành viên này cũng cho biết, vì quá ức chế, ngay hôm đó bạn đã vào tận trạm điều hành của xe buýt, khiếu nại trình bày rõ tuyến xe, số xe và tên nhân viên…nhưng chỉ nhận được lời nói mong thông cảm và chấm hết ! Đồng tình với ý kiến trên, một bạn đọc khác cũng bất bình: “Lạ nhất là đường dây nóng của công ty xe buýt không bao giờ gọi được, lúc nào cũng bận. Mình gọi 10 lần đều thế cả. Có khi tới tận trạm điều hành thì thấy có ai nghe máy đâu, mình gọi thử mà vẫn bận. không hiểu nổi?”

Trước đó, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Phi Thường cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học, 65% hành khách không đi xe buýt vì lý do chờ lâu; 16% cho rằng do mức độ phục vụ kém; 10% nói phải đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe ẩu. Nhiều người dân đã lắc đầu khi cho rằng, mặc dù đi xe buýt tiết kiệm chi phí nhưng với tình trạng chen lấn, móc túi, xe buýt bỏ bến, thái độ phục vụ kém…đã khiến họ từ chối phương tiện giao thông công cộng này.

Lê Ngọc (Tổng hợp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,434

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]