Xây dựng cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù

28/05/2015 15:21 PM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan để kịp thời bổ sung các quy định về tạm tha có điều kiện vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). 

Đồng thời, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Đoàn khảo sát, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm về biện pháp tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù của một số nước, phục vụ việc xây dựng Đề án.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí xây dựng Đề án trong dự toán kinh phí thường xuyên của Bộ Công an.

Biện pháp tạm tha thực chất là việc trả tự do sớm cho phạm nhân khi có đủ điều kiện nhất định và người này phải tuân thủ một số nghĩa vụ trong thời gian thử thách, nếu vi phạm sẽ phải quay lại trại giam chấp hành phần hình phạt còn lại (tương tự án treo, chỉ khác về thời điểm áp dụng). Biện pháp này vừa bảo đảm an toàn cho cộng đồng, vừa bảo đảm chính sách hình sự nhân đạo và hiệu quả giáo dục người phạm tội, giảm ngân sách đầu tư cho công tác cải tạo phạm nhân, giảm biên chế cán bộ.

Biện pháp tạm tha đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...), riêng Thái Lan đã áp dụng biện pháp tạm tha gần 20 năm nay.

Phương Nhi

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,850

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]