Ngưng cấp phép các dự án bất động sản, vì ai?

04/04/2014 13:33 PM

Vì động cơ gì mà cơ quan quản lý nhà nước lại muốn can thiệp hành chính quá mức vào thị trường như vậy?

Trong một báo cáo bằng văn bản mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương “không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới” trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Lý do cơ bản của đề xuất này, theo Bộ Xây dựng, là nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ. Bộ này cho biết, đến cuối năm 2013, cả nước có hơn 4.000 dự án khu đô thị mới với tổng diện tích hơn 102.000 héc ta, tổng giá trị gần 4,5 triệu tỉ đồng, tổng giá trị tồn kho khoảng 94.500 tỉ đồng đến cuối năm 2013. Trong bối cảnh cung đã “thừa mứa” như vậy, thì việc chặn các dự án mới nghe có vẻ logic để “tháo gỡ khó khăn” thị trường.

Tuy nhiên, với lập luận đó, Bộ Xây dựng lại mâu thuẫn với chính mình. Cũng trong bản báo cáo nói trên, Bộ Xây dựng khẳng định, thị trường bất động sản sang đầu năm 2014 “tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc”, “tan băng” và lượng giao dịch “tăng trưởng khá” so với cùng kỳ năm trước. Một khi thị trường đã “khởi sắc”, thì sao lại cần được giải cứu nữa?

Thị trường bất động sản ấm lên, trong khi giá vẫn cao hơn so với phần lớn khả năng chi trả của người dân, thì có thể kết luận, những nỗ lực giải cứu nó không vì lợi ích của người tiêu dùng mà vì lợi ích của các công ty bất động sản.

Trên thực tế, giá bất động sản mới là điều đáng bàn. “Bong bóng bất động sản ở Việt Nam còn quá lớn”, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Marc Townsend đã khẳng định như vậy khi được Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch hỏi gần đây. Bản thân ông Lịch cũng cho rằng giá bất động sản nói chung vẫn “đang bong bóng”. Một nghiên cứu của Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno công bố tuần trước cho thấy, giá đất của phố cổ ở Hà Nội cao hơn nhiều so với các quận Hongo, Shirokanedai hay Iidabashi, những nơi được xem là trung tâm Tokyo. Giáo sư nhận xét, giá đất cao ở Hà Nội là “rất ngạc nhiên” khi khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa hai nước là rất lớn, trong năm 2012, ở Nhật gấp 31 lần Việt Nam. Nhận định trên cũng tương tự như một báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội năm 2012, rằng giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2-4 lần).

Rõ ràng, thị trường bất động sản ấm lên, trong khi giá vẫn cao hơn so với phần lớn khả năng chi trả của người dân, thì có thể kết luận, những nỗ lực giải cứu nó không vì lợi ích của người tiêu dùng mà vì lợi ích của các công ty bất động sản.

Thực tế là các công ty phát triển bất động sản đã thành công khi đòi được giải cứu. Lĩnh vực bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước, sau khi chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có Bộ Xây dựng, đưa ra khỏi danh mục phi sản xuất nhằm khơi thông luồng tín dụng cho nó. Các gói tín dụng hỗ trợ hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng được tuyên bố.

Trong mấy năm gần đây, các công ty phát triển bất động sản đã quá tập trung vào phân khúc nhà ở trung và cao cấp, dẫn đến thiếu cung nhà ở giá rẻ. Cung thừa và cầu lớn nhưng đường cung và đường cầu không gặp nhau, không có lựa chọn nào hơn, là các công ty phải giảm giá bán. Công ty bất động sản kêu khó nhưng trên thực tế vẫn có tới 80% đang kinh doanh có lãi, theo tính toán của Giáo sư Đặng Hùng Võ và số lượng mua bán và sáp nhập trong ngành không cao.

Hiện tại, giá nhà đất đang giảm theo hướng tích cực cho nhiều người dân có nhu cầu thực. Đây là xu hướng đáng khuyến khích. Hành động giải cứu họ, qua việc chặn các dự án bất động sản mới, chính là cổ vũ cho xu hướng tiêu cực mà nền kinh tế này đã và đang còn phải trả giá. Việc này cũng vô hình trung chặn người dân tiếp cận các dự án bất động sản có giá hợp lý.

Hãy để các doanh nghiệp khi tham gia thị trường phải chấp nhận luật chơi, thắng có tiền bỏ túi, thua phải mất tiền. Họ cũng cần một sân chơi minh bạch được đảm bảo bởi các quy định của pháp luật, thay vì phải “đi đêm” chạy dự án, chạy chính sách. Thị trường cần những thiết chế minh bạch để phát triển, thay vì các biện pháp hành chính như vậy.

Tư Giang

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,994

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn