Người mua nhà mất tiền oan vì luật

12/11/2013 09:40 AM

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản liên tiếp xảy ra các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ chung cư. Nguyên nhân ở chỗ người mua không hiểu hết về luật trong khi chủ đầu tư lại lựa được lỗ hổng của luật để "lách".


Cho tới thời điểm này, không ít người mua nhà vẫn thấp thỏm chờ sự phân giải đúng sai từ phía cơ quan chức năng. Liên tiếp trong hai tháng, tại các dự án Đại Thanh, Keangnam, Văn Lương Residential, cảnh đám đông người dân treo băng rôn khẩu hiệu "đòi đàm phán" với nhà đầu tư diễn ra thường xuyên.

Trả lời báo chí về cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) lý giải: Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP không có quy định cụ thể về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư mà chỉ có quy định về phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. Việc tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư thì Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Lý giải thêm về cách tính này, ông Hà cho rằng, không phải nếu tính diện tích theo tim tường thì chủ đầu tư bán cả phần sở hữu chung (như tường, cột) và phần cột, tường được chuyển thành sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, hoặc nếu tính diện tích theo thông thủy thì chủ sở hữu căn hộ không có quyền sử dụng phần tường, cột nằm phía trong căn hộ của mình.

Thậm trí gần đây có hiện tượng người dân bị người của chủ dự án xô xát, co kéo và bị đánh khi đến đòi quyền lợi. Vấn đề vẫn là việc chủ đầu tư tính phần diện tích hộp cột kỹ thuật chung của tòa nhà vào diện tích riêng của căn hộ khiến cho người mua thiệt một khoản tiền từ vài chục triệu đến cả trăm triệu.

Dân dựa vào Nghị định 71, chủ đầu tư "vin" vào Thông tư 16 của Bộ Xây dựng

Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP chỉ rõ cột hột kỹ thuật là phần diện tích chung của tòa nhà chung cư, nhưng theo Thông tư 16, diện tích căn hộ có thể được tính theo tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ.

Khi ký hợp đồng mua nhà, hầu hết người dân nghĩ diện tích sàn nhà mua là diện tích thực có thể sử dụng. Đến khi giao nhà, người mua mới tá hỏa khi phát hiện phải trả cả phần diện tích hộp cột kỹ thuật nằm trong căn hộ. Tranh chấp, co kéo xảy ra khi chủ đầu tư khăng khăng cho rằng đã thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Mới đây, trong công văn gửi tập đoàn Nam Cường ngày 7/11, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư khu Chung cư Lê Văn Lương Residentials của Nam Cường với các hộ dân, doanh nghiệp này đã cung cấp rõ ràng, minh bạch thông tin về giá bán nhà dựa trên cách tính diện tích theo tim tường theo Thông tư 16 của Bộ Xây dựng.

Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hàng lang, cầu thang… cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán các căn hộ.

Hủy Thông tư 16, vô hiệu hóa hợp đồng mới giải quyết được tranh chấp

Luật sư Bùi Quang Hưng- Trưởng văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho rằng: "Nếu Thông tư 16 có lỗi trong văn bản thì việc sửa đổi không có gì khó. Một khi văn bản hướng dẫn pháp luật và gây ra nhiều tranh cãi thì phải sửa đổi. Chưa nói thông tư 16 đúng hay sai nhưng nếu không sửa đổi thì sẽ không bao giờ chấm dứt được tranh chấp".

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): "Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái pháp luật.

Trong trường hợp trên, hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực được quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự nên có thể bị vô hiệu".

Bên lề Quốc hội, Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, khẳng định, quy định cách tính diện tích căn hộ theo Nghị định 71 và Thông tư 16 rõ ràng không nhất quán, không thống nhất và thể hiện sự không minh bạch về mặt chính sách. Điều này cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Bộ Xây dựng cần phải làm rõ.

Cũng theo ông Thảo, về nguyên tắc, các văn bản dưới (thông tư - PV) không được trái với nghị định. Thông tư chỉ được hướng dẫn và làm rõ nghị định hơn thôi. Trường hợp thông tư sai thì phải sửa, hủy thông tư đó, và người đã chịu thiệt sẽ được bồi thường. Thông tư 16 là của Bộ Xây dựng, còn Nghị định 71 của Chính phủ, rõ ràng trường hợp này nghị định của Chính phủ cao hơn. Trong trường hợp ra tòa, tòa sẽ căn cứ vào văn bản có giá trị cao hơn.

Huyền Thương

Theo NDH.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,878

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn