Sẽ có quy định mới về tách thửa đất tại TPHCM (Hình từ internet)
Quyết định 60/2017/QĐ-UBND về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa do UBND TPHCM ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2021, thì Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM nhận thấy quy định tách thửa có hình thành đường giao thông của Quyết định 60/2017/QĐ-UBND không còn phù hợp với Nghị định 148/2020/NĐ-CP.
Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành quy định chi tiết tách thửa đất như sau:
“Điều 75a. Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.”
Do đó, tháng 4/2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM có văn bản hướng dẫn nội bộ đề nghị tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp tách thửa đất trong thời gian chờ điều chỉnh Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
Kể từ thời điểm đó đến nay, TPHCM vẫn chưa ban hành quy định tách thửa mới để thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ hướng dẫn tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ của các trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông. Còn các nội dung khác như tách thửa đất nông nghiệp hay tách thửa đất phi nông nghiệp vẫn tiến hành bình thường.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã thông tin về tiến độ thực hiện dự thảo quyết định quy định điều kiện tách thửa và hợp thửa trên địa bàn thành phố.
Theo đó, dự thảo quyết định này sẽ thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu tách thửa.
Một trong những điểm mới của dự thảo là: Để tách thửa đất ở, theo dự thảo, phải căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Trong khi trước đây chỉ cần căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 (là quy hoạch không gian, quy hoạch tổng mặt bằng).
Dự thảo này cũng yêu cầu thửa đất ở trước và sau khi tách đều phải tiếp giáp với đường giao thông.
Văn phòng UBND TPHCM đã có Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp nghe báo cáo về hồ sơ tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay.
Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình cá nhân, hiện nay pháp luật đất đai đã có quy định về thẩm quyền, điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai Thành phố và các quận, huyện triển khai thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân và đã giải quyết cấp được 1.579.274 Giấy chứng nhận (đạt tỷ lệ 99,19%).
Tuy nhiên, công tác này hiện nay còn gặp khó khăn vướng mắc đối với trường hợp người dân tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay, dẫn đến còn một số lượng hồ sơ chưa được giải quyết cấp Giấy chứng nhận do pháp luật đất đai qua nhiều thời kỳ có các quy định khác nhau và cần phải có sự phối hợp xử lý nhiều vấn đề của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để giải quyết tình trạng trên và nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức căn cứ tình hình của địa phương và Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai thực hiện theo quy định; trong đó cần phân loại các dạng hồ sơ, xác định thời gian thực hiện, xây dựng cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý các vấn đề có liên quan; đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng và quy hoạch, không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định.
Đối với nhóm hồ sơ chưa tiếp nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hệ thống các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận, có kế hoạch công khai thông tin rộng rãi và tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện theo đúng quy định; kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).