Gạt bỏ nhà thầu yếu kém
Việc lập danh sách các nhà thầu yếu kém về năng lực và công khai trước dư luận đã được nhắc tới nhiều, tuy nhiên từ trước tới nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng triển khai triệt để. Chính vì vậy, tình trạng nhà thầu yếu kém về cả năng lực thi công lẫn tài chính vẫn trúng thầu các dự án giao thông lớn diễn ra phổ biến. Thậm chí hiện tượng nhà thầu chỉ vừa bị “đuổi“ khỏi dự án này, chỉ sau đó một thời gian ngắn lại nộp hồ sơ thầu và trúng thầu một công trình khác của chính chủ đầu tư dự án trước vẫn tồn tại.
Cần sớm công khai danh sách nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn yếu kém để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình |
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên tại hội nghị về tiến độ, chất lượng công trình giao thông cho rằng, nếu làm chặt chẽ, bài bản công tác đấu thầu thì chắc chắn rất nhiều nhà thầu trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. Bởi năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp đang rất yếu kém, các ngân hàng không cung cấp vốn nên không có tiền thi công. Nhà thầu có năng lực thì bản thân nhà thầu đó phải đưa ra xã hội những sản phẩm có trách nhiệm chứ không phải làm dối trá rồi tìm cách móc nối với tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để ký thông qua. Chính vì vậy, việc lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực là yếu tố quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Ông Lâm Văn Hoàng, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 2 cho rằng, việc chưa công khai được danh sách các nhà thầu yếu kém trong thời gian qua là một bất cập lớn. Muốn nâng cao chất lượng dự án thì trước hết phải chọn được các nhà thầu có đủ năng lực. Tuy nhiên, việc lựa chọn này lại không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn khó khăn, nhà thầu thiếu việc và nợ đọng nhiều.
Do vậy, công khai các nhà thầu yếu kém và có riêng một “danh sách đen” các nhà thầu không đảm bảo, đồng thời thông tin rộng rãi trong toàn Ngành là điều rất quan trọng. Điều này không những tạo áp lực buộc các nhà thầu phải làm tốt trách nhiệm của mình mà khi các chủ đầu tư, cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu, chấm điểm thưởng phạt, trao thầu có cơ sở từ danh sách đen này.
Một số chủ đầu tư trước đây từng đề xuất dựa vào số liệu thống kê, theo dõi tình hình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu để tính điểm thưởng, phạt khi đấu thầu. Tuy nhiên, do chưa có danh sách các nhà thầu yếu kém trong toàn Ngành nên điều này vô hình chung lại trở thành lợi bất cập hại và không công bằng.
Bởi trên thực tế có nhiều nhà thầu vi phạm ở những dự án của chủ đầu tư khác hoặc nhiều nhà thầu không trung thực trong quá trình kê khai các dự án vi phạm nên không bị trừ điểm. Tình trạng này dễ nảy sinh tình trạng khiếu kiện kéo dài khi trao hợp đồng cho các nhà thầu. Chính vì vậy, chỉ khi công khai được danh sách các nhà thầu yếu kém để làm cơ sở chấm điểm thầu thì mới có thể đạt được sự công bằng.
Tư vấn và chủ đầu tư cũng cần công khaiKhông chỉ các nhà thầu mới cần lập danh sách đen, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng kể cả tư vấn, chủ đầu tư cũng phải có danh sách riêng và hàng năm công khai trước dư luận. Chỉ khi nào tư vấn và chủ đầu tư đủ năng lực mới được xét tham gia vào dự án thì khi đó tiến độ, chất lượng công trình mới có thể được đảm bảo.
Ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục quản lý CLCT xây dựng chia sẻ, trong thời gian qua còn một bộ phận không nhỏ những cá nhân, chủ thể yếu kém, cố tình làm chậm tiến độ, chất lượng công trình. Nhiều chủ đầu tư còn tìm cách móc ngoặc với tư vấn, nhà thầu và các địa phương để công trình triển khai không đúng kế hoạch. Do vậy, nếu chỉ giám sát hợp đồng của đại diện chủ đầu tư, tư vấn qua danh tiếng thì chỉ như “đười ươi giữ ống”.
Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long cũng cho rằng, năng lực của nhiều nhà thầu đủ sức quản lý tiến độ, chất lượng công trình. Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn cũng không nhỏ. Khi công trình xảy ra sự cố thì trách nhiệm đương nhiên thuộc về nhà thầu. Nhưng nếu chủ đầu tư và tư vấn tốt, phát hiện ra sớm những sai sót hoặc không cố tình móc ngoặc với nhà thầu thì sẽ không thể xảy ra sự cố, công trình kém chất lượng.
DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải