26/12/2011 08:30 AM

Việc hình thành các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản vượt qua khủng hoảng. Song hiện chưa có hành lang pháp lý cho các quỹ này.


Nên tạo nhiều kênh cấp vốn cho bất động sản, như quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm nhà ở...

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hải Phòng nhận định, việc hình thành các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản là giải pháp quan trọng nhằm làm tăng thêm tính khả thi của các dự án.

Trên thực tế, hiện đã có nhiều quỹ đầu tư được hình thành và tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, vào doanh nghiệp, nhưng chưa có quỹ nào chuyên sâu trong huy động vốn để đầu tư vào bất động sản. Nguyên nhân là do hoạt động của các quỹ đầu tư là hoạt động tài chính, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch về các tài sản đầu tư và các quyền có liên quan đến tài sản, như quyền sở hữu, quyền chuyển nhượng với sự thuận tiện trong mua bán, không bị cản trở bởi các thủ tục hành chính và các yêu cầu pháp lý phức tạp. Trong khi đó, nhìn chung, lĩnh vực bất động sản không đạt được các tiêu chí này, nên các quỹ dành cho bất động sản chưa thể ra đời.

“Việc tạo dựng khung pháp lý cho hoạt động của các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản là hết sức cần thiết, đồng thời phải cải cách hành chính, pháp luật về đất đai để nhà ở, đất đai thực sự trở thành hàng hoá được lưu thông dễ dàng trên thị trường. Đó là động thái then chốt cho việc hình thành thị trường tài chính hỗ trợ vốn cho thị trường”, ông Thành nhận xét.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức cho rằng, nên tạo nhiều kênh cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản, như quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm nhà ở...

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland nhận định, việc xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cho các quỹ tham gia đầu tư vào bất động sản sẽ góp phần khắc phục những khuyết tật hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia, các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản là công cụ hữu hiệu tạo sự linh hoạt, thanh khoản cao cho tín dụng bất động sản, hỗ trợ cho người mua nhà có điều kiện vay và sở hữu nhà ở, sở hữu bất động sản.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lưu ý, để cho mô hình này có thể phát triển, cần đổi mới đồng bộ hệ thống pháp luật và hành chính về đất đai, quyền sở hữu, kinh doanh bất động sản với định hướng bảo đảm các quyền sở hữu về bất động sản một cách chắc chắn nhất; việc giao dịch, định đoạt của chủ sở hữu về tất cả các loại hình bất động sản được thực hiện nhanh chóng nhất.

Còn ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng, các điểm chính yếu cần nhắm đến cho các mô hình quỹ mới là, nên là quỹ trong nước, được phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi của mọi người dân Việt Nam cho thị trường bất động sản; đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản của quỹ, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho chứng khoán hóa các bất động sản, đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù ở đây là về thuế (như việc tránh đánh thuế 2 lần đối với DN và cá nhân) cũng như việc áp dụng cơ cấu cổ đông sở hữu (tỷ lệ cổ tức cao) tránh độc quyền...

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,562

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn