Biểu mẫu 16/03/2024 13:01 PM

Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
16/03/2024 13:01 PM

Báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp là mẫu nào và cách lập như thế nào? – Tấn Toàn (Hà Tĩnh)

Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp là Mẫu số B01/BCTC được quy định tại Phụ lục số 04 Thông tư 107/2017/TT-BTC.

Mẫu báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp (Mẫu số B01/BCTC)

2. Mục đích báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Báo cáo tình hình tài chính là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản của đơn vị kế toán tại thời điểm 31/12 hàng năm, bao gồm tài sản hình thành từ nguồn NSNN cấp; nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; nguồn thu phí (phần được khấu trừ để lại đơn vị theo quy định) và các nguồn vốn khác tại đơn vị.

Số liệu trên Báo cáo tình hình tài chính cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của đơn vị theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành tài sản. Căn cứ vào Báo cáo tình hình tài chính có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của đơn vị.

3. Nguyên tắc trình bày báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

Đơn vị phải trình bày các chỉ tiêu theo mẫu quy định, mẫu này áp dụng chung cho cả đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp, khi lập báo cáo chỉ tiêu nào không có phát sinh thì bỏ trống phần số liệu.

Trường hợp đơn vị có các hoạt động đặc thù mà các chỉ tiêu trên mẫu báo cáo chưa phản ánh được thì có thể bổ sung thêm chỉ tiêu nhưng phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

4. Cơ sở để lập Báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

- Nguồn số liệu để lập Báo cáo tình hình tài chính là số liệu trên sổ kế toán tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết tài khoản.

- Báo cáo tình hình tài chính kỳ trước.

5. Nội dung và phương pháp lập Báo cáo tình hình tài chính của đơn vị hành chính sự nghiệp

(1) Chỉ tiêu cột:

- Cột STT, chỉ tiêu và cột mã số (cột A, cột B, cột C): Đơn vị phải chấp hành theo đúng mẫu quy định, không sắp xếp lại.

- Cột thuyết minh (cột D): Dùng để đánh mã số chỉ tiêu thuyết minh có liên quan trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính, mục đích để người đọc báo cáo tài chính có thể dẫn chiếu nhanh chóng tới nội dung thuyết minh chi tiết của các chỉ tiêu này.

- Cột số liệu: Số liệu ghi vào Báo cáo tình hình tài chính chia làm 2 cột:

+ Cột 1: phản ánh số cuối năm là số dư thời điểm 31/12 năm lập báo cáo sau khi đã khóa sổ kế toán.

+ Cột 2: phản ánh số đầu năm là số dư thời điểm 01/01 năm lập báo cáo sau khi đã khóa sổ kế toán.

(2) Phương pháp lập các chỉ tiêu báo cáo

(i) Tài sản

- Tiền - Mã số 01

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của đơn vị tại thời điểm báo cáo. Các khoản tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng, kho bạc, tiền đang chuyển.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của các tài khoản 111 “Tiền mặt”; TK 112 “Tiền gửi ngân hàng, kho bạc”; TK 113 “Tiền đang chuyển”.

- Đầu tư tài chính ngắn hạn-Mã số 05

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá gốc của các khoản đầu tư tài chính của đơn vị có thời hạn thu hồi từ 12 tháng trở xuống tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của tài khoản 121 “Đầu tư tài chính” được phân loại và theo dõi là khoản đầu tư ngắn hạn.

- Các khoản phải thu - Mã số 10

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu, bao gồm: Phải thu khách hàng; trả trước cho người bán; phải thu nội bộ và phải thu khác.

Mã số 10 - Mã số 11 + Mã số 12 + Mã số 13 + Mã số 14.

+ Phải thu khách hàng- Mã số 11

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản phải thu khách hàng về bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo hợp đồng nhưng chưa thu tiền tại thời điểm báo cáo.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của tài khoản 131 “Phải thu khách hàng”.

+ Trả trước cho người bán- Mã số 12

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền mà đơn vị đã tạm ứng, thanh toán trước cho số hàng hóa, dịch vụ chưa nhận được tại ngày lập báo cáo tài chính, số trả trước cho người bán sẽ trừ vào số tiền phải thanh toán cuối cùng cho người bán khi nhận được hàng hóa/dịch vụ.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ chi tiết của tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở cho từng người bán.

+ Phải thu nội bộ- Mã số 13

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu nội bộ tại ngày lập báo cáo tài chính, là khoản phải thu giữa đơn vị kế toán với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

Các đơn vị cấp dưới trong quan hệ thanh toán nội bộ là các đơn vị không có tư cách pháp nhân, có tổ chức công tác kế toán nhưng hạch toán phụ thuộc và không phải phát hành báo cáo tài chính theo quy định, chỉ lập báo cáo tài chính để cung cấp số liệu cho đơn vị kế toán (cấp trên) tổng hợp (hợp nhất) báo cáo tài chính. Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 136 “Phải thu nội bộ”.

Chỉ tiêu này chỉ phát sinh trong báo cáo riêng của các đơn vị có quan hệ thanh toán nội bộ với nhau, trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán sau khi đã tổng hợp tất cả các đơn vị trực thuộc sẽ không có số liệu của chỉ tiêu này. Trước khi lập báo cáo tài chính tổng hợp đơn vị kế toán phải kiểm tra, đối chiếu và xác nhận số phát sinh, số dư tài khoản 336 “Phải trả nội bộ”, tài khoản 136 “Phải thu nội bộ”, với các đơn vị cấp dưới có quan hệ theo từng nội dung thanh toán. Tiến hành thanh toán bù trừ theo từng khoản của từng đơn vị cấp dưới có quan hệ, đồng thời hạch toán bù trừ trên 2 tài khoản tài khoản 336 “Phải trả nội bộ” và 136 “Phải thu nội bộ” (chi tiết theo từng đối tượng). Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.

+ Các khoản phải thu khác-Mã số 14

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản phải thu khác như các khoản tạm chi, thuế GTGT được khấu trừ, tạm ứng, chi phí trả trước; đặt cọc ký quỹ, ký cược; phải thu tiền lãi; phải thu các khoản cổ tức, lợi nhuận; phải thu các khoản phí, lệ phí và các khoản phải thu khác tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của các TK 133 “Thuế GTGT được khấu trừ”, TK 137 “Tạm chi”, TK 138 “Phải thu khác”, TK 141 “Tạm ứng”, TK 242 “chi phí trả trước”, TK 248 “Đặt cọc ký quỹ, ký cược” và số dư nợ TK 338 (nếu có).

- Hàng tồn kho-Mã số 20

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị hiện có của các loại hàng tồn kho của đơn vị bao gồm nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ dở dang; sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho các hoạt động của đơn vị đến thời điểm báo cáo.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu, tài khoản 153 “Công cụ dụng cụ”, tài khoản 154 “Chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ dở dang”, tài khoản 155 “Sản phẩm”, tài khoản 156 “Hàng hóa” tại ngày lập báo cáo tài chính.

- Đầu tư tài chính dài hạn-Mã số 25

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá gốc của các khoản đầu tư tài chính của đơn vị có thời hạn thu hồi trên 12 tháng tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của tài khoản 121 “Đầu tư tài chính” được phân loại theo dõi là khoản đầu tư tài chính dài hạn.

- Tài sản cố định- Mã số 30:

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (nguyên giá trừ đi khấu hao và hao mòn lũy kế) của các loại TSCĐ tại thời điểm báo cáo.

Mã số 30 = Mã số 31 + Mã số 35

+ Tài sản cố định hữu hình- Mã số 31

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (nguyên giá trừ đi khấu hao và hao mòn lũy kế) của các loại TSCĐ hữu hình tại thời điểm báo cáo.

Mã số 31 = Mã số 32 + Mã số 33

. Nguyên giá- Mã số 32

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá tài sản cố định hữu hình của đơn vị tại thời điểm báo cáo.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 211 “Tài sản cố định hữu hình”.

. Khấu hao và hao mòn lũy kế- Mã số 33

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị khấu hao, hao mòn lũy kế của tất cả các tài sản cố định hữu hình của đơn vị được trình bày trên báo cáo tài chính tại ngày lập báo cáo.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 2141 “Khấu hao và hao mòn lũy kế tài sản cố định hữu hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn.

+ Tài sản cố định vô hình- Mã số 35

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (nguyên giá trừ đi khấu hao và hao mòn lũy kế) của các loại TSCĐ vô hình tại thời điểm báo cáo.

Mã số 35 = Mã số 36 + Mã số 37

. Nguyên giá- Mã số 36

Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá tài sản cố định vô hình của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 213 “Tài sản cố định vô hình”.

. Khấu hao và hao mòn lũy kế- Mã số 37

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị khấu hao, hao mòn lũy kế của tất cả các tài sản cố định vô hình của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 2142 “Khấu hao và hao mòn lũy kế tài sản cố định vô hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn.

- Xây dựng cơ bản dở dang- Mã số 40

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị các chi phí liên quan đến việc mua sắm TSCĐ, xây dựng cơ bản và nâng cấp TSCĐ dở dang cuối kỳ hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng hoặc chờ quyết toán.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 241 “XDCB dở dang”.

- Tài sản khác- Mã số 45

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các tài sản khác của đơn vị, bao gồm các khoản chưa được trình bày trên các chỉ tiêu tài sản nêu trên.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các tài khoản khác chưa được phản ánh ở các chỉ tiêu trên.

- Tổng cộng tài sản- Mã số 50

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị tài sản hiện có của đơn vị báo cáo tại thời điểm báo cáo.

Mã số 50 = Mã số 01 + Mã số 05+ Mã số 10 + Mã số 20+ Mã số 25 + Mã số 30+ Mã số 40+ Mã số 45.

(2) Nguồn vốn

- Nợ phải trả- Mã số 60

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số nợ phải trả của đơn vị tại thời điểm báo cáo.

Mã số 60 = Mã số 61 + Mã số 62+ Mã số 63+ Mã số 64 + Mã số 65+ Mã số 66+ Mã số 67 + Mã số 68

+ Phải trả nhà cung cấp- Mã số 61

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản nợ mà đơn vị còn phải trả cho nhà cung cấp nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định và nhà thầu XDCB cho số hàng hóa dịch vụ đã nhận nhưng chưa thanh toán tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Có chi tiết của tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở cho từng người bán.

+ Các khoản nhận trước của khách hàng- Mã số 62

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đơn vị đã nhận trước của khách hàng cho hàng hóa hoặc dịch vụ chưa cung cấp tại ngày lập báo cáo tài chính. Các khoản nhận trước chính là khoản trả trước của người mua cho hàng hóa hoặc dịch vụ mà đơn vị dự kiến sẽ cung cấp trong tương lai.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Có chi tiết của TK 131 “Phải thu khách hàng” mở cho từng khách hàng.

+ Phải trả nội bộ- Mã số 63

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản nợ phải trả còn dư tại ngày lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới với nhau về các khoản thu hộ, chi hộ hoặc các khoản phải nộp cấp trên hoặc phải cấp cho cấp dưới.

Các đơn vị cấp dưới trong quan hệ thanh toán nội bộ là các đơn vị không có tư cách pháp nhân, có tổ chức công tác kế toán nhưng hạch toán phụ thuộc và không phải phát hành báo cáo tài chính theo quy định, chỉ lập báo cáo tài chính để cung cấp số liệu cho đơn vị kế toán (cấp trên) lập báo cáo. Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 336 “Phải trả nội bộ”.

Chỉ tiêu này chỉ phát sinh trong báo cáo riêng của các đơn vị có quan hệ thanh toán nội bộ với nhau, trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán sau khi đã tổng hợp tất cả các đơn vị trực thuộc sẽ không có số liệu của chỉ tiêu này, trước khi đơn vị kế toán lập Báo cáo tài chính phải đối chiếu và bù trừ số liệu phải thu nội bộ và phải trả nội bộ.

+ Phải trả nợ vay- Mã số 64

Chỉ tiêu này phản ánh số dư của khoản vay mà đơn vị đã nhận và có nghĩa vụ trả lại căn cứ trên hợp đồng hoặc thỏa thuận vay của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 3382 “Phải trả nợ vay”.

+ Tạm thu- Mã số 65

Chỉ tiêu này phản ánh số dư các khoản thu phát sinh tại đơn vị nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu ngay, còn dư tại ngày lập báo cáo tài chính, bao gồm khoản nhận kinh phí hoạt động từ NSNN về quỹ tiền mặt hoặc tài khoản tiền gửi của đơn vị; các khoản viện trợ, vay nợ nước ngoài mà nhà tài trợ, nhà cho vay chuyển tiền vào TK tiền gửi của đơn vị tại KBNN, Ngân hàng; các khoản phí, lệ phí đơn vị thu được; các khoản rút dự toán ứng trước năm sau và các khoản tạm thu khác.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 337 “Tạm thu”.

+ Các quỹ đặc thù- Mã số 66

Chỉ tiêu này phản ánh số dư các quỹ đặc thù mà đơn vị được trích lập theo quy định tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 353 “Các quỹ đặc thù”.

+ Các khoản nhận trước chưa ghi thu- Mã số 67

Chỉ tiêu này phản ánh số dư tại ngày lập báo cáo tài chính đối với các khoản thu từ nguồn NSNN cấp; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; nguồn phí được khấu trừ, để lại đơn vị nhưng chưa được ghi doanh thu vào các TK thu tương ứng do các khoản thu này được sử dụng cho nhiều năm tiếp theo mặc dù đơn vị đã quyết toán với cơ quan có thẩm quyền về số đã sử dụng.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu”.

+ Nợ phải trả khác- Mã số 68

Chỉ tiêu này phản ánh số dư các khoản nợ phải trả khác tại ngày lập báo cáo tài chính, bao gồm các khoản phải nộp theo lương; khoản đơn vị còn phải nộp nhà nước; các khoản đơn vị còn phải thanh toán cho người lao động của đơn vị; các khoản thu hộ, chi hộ; doanh thu nhận trước; khoản nhận đặt cọc, ký quỹ, ký cược và khoản nợ phải trả khác chưa được phản ánh trên một chỉ tiêu cụ thể của Báo cáo tình hình tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của các TK 332 “Các khoản phải nộp theo lương”, TK 333 “Các khoản phải nộp nhà nước”; 334 “Phải trả người lao động”; TK 348 “nhận đặt cọc, ký quỹ, ký cược”, TK 3381 “các khoản thu hộ, chi hộ”; TK 3383 “doanh thu nhận trước”; TK 3388 “Phải trả khác”, và số dư Có của TK 138 (nếu có).

- Tài sản thuần- Mã số 70

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các tài sản thuần của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính.

Mã số 70 = Mã số 71 + Mã số 72 + Mã số 73 + Mã số 74.

+ Nguồn vốn kinh doanh- Mã số 71

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị nguồn vốn kinh doanh ở đơn vị sự nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính, chỉ tiêu này chỉ phát sinh ở đơn vị sự nghiệp công lập có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và có hình thành nguồn vốn kinh doanh riêng.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 411 “Nguồn vốn kinh doanh”.

+ Thặng dư/thâm hụt lũy kế- Mã số 72

Chỉ tiêu này bao gồm thặng dư/thâm hụt lũy kế của tất cả các hoạt động của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ hoặc Có của tài khoản 421 “Thặng dư/thâm hụt lũy kế”. Trường hợp TK 421 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn.

+ Các quỹ- Mã số 73

. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Chỉ tiêu này phản ánh số dư của các quỹ tài chính mà đơn vị được trích lập theo cơ chế tài chính, bao gồm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các quỹ khác của đơn vị. Các quỹ được hình thành từ thặng dư kết quả hoạt động thường xuyên của đơn vị và từ các nguồn khác theo quy định.

. Đối với đơn vị hành chính: Chỉ tiêu này phản ánh số dư của quỹ dự phòng ổn định thu nhập của đơn vị, được hình thành từ kinh phí quản lý hành chính được giao tự chủ mà đơn vị tiết kiệm được theo quy định.

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 431 “Các quỹ”.

+ Tài sản thuần khác- Mã số 74

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các tài sản thuần khác của đơn vị tại ngày lập báo cáo tài chính chưa được phản ánh ở các chỉ tiêu trên, bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái, các khoản khác (nếu có).

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái, TK 468 “Nguồn cải cách tiền lương” và tài khoản liên quan khác (nếu có).

- Tổng cộng nguồn vốn- Mã số 80

Phản ánh tổng số các nguồn vốn hình thành tài sản của đơn vị tại thời điểm báo cáo.

Mã số 80= Mã số 60 + Mã số 70

- Chỉ tiêu “Tổng cộng tài sản” = Chỉ tiêu “Tổng cộng nguồn vốn”.

Mã số 50 = Mã số 80

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 697

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn