Án lệ 17/12/2014 07:35 AM

Làm sao để áp dụng án lệ tại Việt Nam?

Trong hội thảo về án lệ do TAND Tối cao tổ chức tại TP.HCM hai ngày 15 và 16-12, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng án lệ tại Việt Nam là cần thiết nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta.

“Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến án lệ mà từ thời nhà Nguyễn đã có. Đến năm 1921, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, án lệ cũng theo chân họ vào và xuất hiện tại các phiên xử của tòa án Việt Nam. Đến năm 1965, án lệ không được dùng nữa. Cho đến những năm 2000 thì TAND Tối cao bắt đầu nghiên cứu về án lệ” - ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao) nói.

Thay đổi tư duy của thẩm phán

Theo ông Cường, đến nay án lệ đã được ghi nhận trong các nghị quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. TAND Tối cao hiện đã có đề án về án lệ và sắp được triển khai.

“Việc cần thiết phải áp dụng án lệ là không phải bàn cãi vì đó là xu thế chung của thế giới. Ngoài ra, dù có ban hành bao nhiêu bộ luật đi nữa thì cũng không thể phủ khắp được diễn biến sinh động của xã hội. Hơn nữa, một điều luật có thể hiểu nhiều cách khác nhau. Án lệ giúp chúng ta hiểu thống nhất và dự đoán trước được kết quả xét xử trong vụ tương tự, đồng thời hạn chế được việc kháng cáo, khiếu nại giám đốc thẩm của đương sự” - ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Cường, muốn áp dụng án lệ thì tư duy xét xử của thẩm phán các cấp phải thay đổi, thậm chí cách viết bản án cũng phải khác. Bản án không đơn thuần chỉ là chép lại nội dung cáo trạng hay đơn kiện của đương sự mà thẩm phán phải có tư duy tóm gọn phần nội dung lại. Trên cơ sở đó, thẩm phán phải biết lập luận về những vấn đề pháp lý cần rút ra, đồng thời khái quát lại là từ nội dung này thì phải áp dụng nguyên tắc gì để giải quyết.

Việc áp dụng án lệ là cần thiết nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta. Ảnh T.TÙNG

Không nên có quá nhiều văn bản dưới luật

Ông Jacob Gammelgaard (cố vấn trưởng Chương trình Đối tác tư pháp do Ủy ban châu Âu, chính phủ Đan Mạch và chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ) cho biết ở Việt Nam, tư duy về cách áp dụng pháp luật cũng phải thay đổi khi đưa án lệ vào áp dụng.

Theo ông Jacob Gammelgaard, ở các nước, chức năng giải thích pháp luật được hiểu là giải thích theo đúng nghĩa đen của văn bản pháp luật đó. Nhưng ở Việt Nam, chức năng giải thích này phức tạp hơn nhiều vì ngoài các bộ luật, luật thì còn có nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư liên tịch.

Việc có nhiều loại văn bản hướng dẫn như vậy có khi gây bối rối cho người áp dụng vì không ít trường hợp chính bản thân văn bản hướng dẫn cũng chưa rõ và cần phải giải thích. Chưa kể nếu các văn bản dưới luật hướng dẫn không khớp tinh thần của luật thì sẽ khó áp dụng, gây cản trở cho quá trình áp dụng án lệ. “Vì thế không nên có quá nhiều các văn bản dưới luật, gây sự chồng chéo và khó hiểu” - ông Jacop Gammelgaard nói.

Án lệ phải ổn định

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Cường (Phó Chánh tòa Hành chính TAND Tối cao), án lệ là những quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và các tòa chuyên trách của TAND Tối cao. Án lệ phải là bản án chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề pháp lý chưa được hướng dẫn hoặc còn chung chung, thiếu cụ thể. Án lệ cũng là bản án được thẩm phán viện dẫn làm căn cứ trong phần lập luận, quyết định của bản án mà mình xét xử. Án lệ còn là quyết định giám đốc thẩm sau cùng của TAND Tối cao về vấn đề pháp lý đó, được các tòa án khác vận dụng giải quyết vụ việc có nội dung tương tự.

Theo ông Ngô Cường, “án lệ phải ổn định, chúng ta không thể thay đổi liên tục, nay xử thế này, mai xử thế khác rồi nói đó là án lệ”. Ông Cường cũng đặt vấn đề: “Nền tảng của án lệ phải là những bản án, quyết định của các tòa án cấp dưới. Việc bãi bỏ một án lệ nào đó cũng chính là thay đổi từ cấp xét xử dưới. Chẳng hạn, cùng vụ việc tương tự nhưng thẩm phán cấp tỉnh lại quyết định khác với một án lệ có sẵn và thể hiện sự đúng đắn. Khi đó TAND Tối cao sẽ xem xét và nếu chấp nhận lập luận cũng như tính chính xác của bản án mới thì nó đương nhiên trở thành án lệ mới.

Ông Cường dẫn chứng trước kia BLDS nước Nhật phân biệt quyền thừa kế của con ngoài giá thú và trong giá thú khác nhau, trong khi Hiến pháp nước này không phân biệt. Sau đó có một bản án của tòa cấp tỉnh xử tuyên một trường hợp đi ngược lại quy định đó, tức trao quyền cho con ngoài giá thú và trong giá thú giống nhau. Từ bản án đó Quốc hội Nhật đã thống nhất bãi bỏ quy định trên trong BLDS và coi bản án đó là án lệ, được áp dụng cho đến nay.

Ông Jacob Gammelgaard nhận xét dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng án lệ sẽ tạo ra cơ hội cho tòa án có quyền tư pháp cao hơn và tạo ra quyền bình đẳng cho các bên đương sự. Việc áp dụng án lệ là điều cần thiết cho pháp luật Việt Nam nhưng phải xây dựng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện có.

Án lệ là nguồn luật độc lập

GS-TS Marc Loth (Trường ĐH Erasmus, Rotterdam, nguyên thành viên của Tòa án Tối cao Hà Lan) cho biết ở Hà Lan án lệ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp, kể cả luật công và luật tư. Như nhiều quốc gia châu Âu khác, trong hoạt động xét xử thì việc diễn giải pháp luật của Tòa án Hà Lan là rất cần thiết. Vì vậy án lệ được coi là một nguồn luật độc lập bên cạnh luật thành văn, các quy ước và các điều ước quốc tế. Đặc biệt, khi trong mối quan hệ giữa các nhà lập pháp và tòa án có xung đột về vai trò và trách nhiệm mỗi bên thì án lệ được coi là nguồn luật độc lập để giải quyết. Trong cả luật công và luật tư ở Hà Lan, thẩm phán ngày càng thể hiện tính tích cực, chủ động và phản ứng nhanh nhưng việc giám hộ thẩm phán cũng được đặt ra.

 Thanh Tùng

Theo Plo.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,390

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn