Tải App trên Android
iThong 07/10/2023 14:17 PM

Án lệ 30: Xử lý hành vi cố ý điều khiển xe chèn lên người bị hại sau khi gây tai nạn

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
07/10/2023 14:17 PM

Hành vi cố ý điều khiển xe chèn lên người bị hại sau khi gây tai nạn nhằm trốn tránh việc phải chăm sóc, bồi thường cho nạn nhân, vậy án lệ 30 đã có hướng xử lý thế nào với hành vi này?

Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi gây tai nạn

Xử lý hành vi cố ý điều khiển xe chèn lên người bị hại sau khi gây tai nạn (Hình từ internet)

Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi gây tai nạn

Thực tế, có nhiều tài xế sau khi gây tai nạn giao thông cố ý điều khiển xe chèn qua người nạn nhân đến chết với tâm lý bồi thường một lần còn hơn phải nuôi suốt đời, nhưng khi xét xử họ lại phủ nhận hành vi của mình. Và việc Án lệ số 30/2020/AL ra đời đã đưa ra hướng xử lý phù hợp trong những trường hợp này.

Án lệ số 30/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05/02/2020 và được công bố theo Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tình huống án lệ:

Sau khi gây ra tai nạn giao thông cho bị hại, bị cáo dừng xe xuống kiểm tra thấy bị hại nằm dưới gầm xe ô tô, không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chèn lên người bị hại. Hậu quả là bị hại chết.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Nội dung Án lệ số 30/2020/AL như sau:

“[2] Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Trong khi đang điều khiển xe ô tô phát hiện có việc va chạm, xảy ra tai nạn giao thông thì Q đã dừng xe lại để xuống kiểm tra, Khi Q nhìn thấy có một nạn nhân (sau này biết đó là em Hoàng Đức P) đang nằm ở phía trước hàng bánh phía sau xe ô tô về phía bên phải thì Q đã lên xe, điều khiển cho xe ô tô đi thẳng, nên hàng bánh sau xe ô tô của Q đã đè lên đầu, làm em P chết ngay tại chỗ.

[3] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của người làm chứng gồm: bà Dương Thị H, anh Nguyễn Xuân H, chị Phạm Thị T, anh Hoàng Khánh C; cũng như Sơ đồ hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, Kết luận giám định pháp y và đặc biệt là căn cứ vào chính lời khai của bị cáo Q ở giai đoạn ban đầu điều tra vụ án thì thấy: Trong quá trình điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh, cũng như tại phiên tòa của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh và tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thì bị cáo đã khai: "Khi xuống kiểm tra thì tôi không chắc chắn nạn nhân đang nằm dưới gầm xe ô tô là còn sống, hay đã chết, vì thực tế lúc đó tôi cũng chưa có căn cứ để xác định được là nạn nhân đã chết, hay còn sống” (Bút lục 75); bị cáo Q còn khai là mặc dù lúc đó bị cáo nhận thức được cho xe tiến lên, hay lùi lại thì cũng đều là rất nguy hiểm, vì nếu lùi xe thì thế nào bánh trước cũng sẽ tiếp tục đè lên người nạn nhân (Bút lục 64, 65, 69).

[4] Lời khai của bị cáo Phan Đình Q còn thể hiện: Khi xuống kiểm tra tôi thấy nạn nhân nằm sát về phía trước của hàng bánh sau xe ô tô, bánh xe ô tô chưa đè hẳn lên đầu người đó, bị cáo mới chỉ nhìn thấy nạn nhân đó nằm bất động về phía trước bánh xe ô tô ở hàng bánh sau phía bên phải (Bút lục 61, 68, 85, 354, 356). Ngoài ra, bị cáo Q còn có nhiều lời khai khác: Mặc dù bị cáo nhận thức được lúc đó cho xe ô tô lùi lại, hay tiến lên thì cũng đều đè qua người nạn nhân và tôi nhận thức được như vậy, nhưng tôi vẫn chấp nhận cứ cho xe đè qua người nạn nhân (Bút lục 58, 61, 64, 65, 69).

[5] Như vậy, mặc dù bị cáo Q kháng cáo cho rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo không phạm tội “Giết người ” nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ căn cứ để khẳng định: Bị cáo Q đã có hành vi phạm tội “Giết người ” như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Việc bị cáo Q luôn thay đổi lời khai và không nhận đã phạm tội “Giết người ” là chỉ để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật về tội nặng hơn tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” mà thôi; do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ pháp luật để chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo, mà cần phải giữ nguyên tội danh “Giết người” đối với bị cáo như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm khẳng định: bị cáo Q không bị kết án sai tội danh như nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và lời khai của bị cáo tại phiên tòa, cũng như bào chữa của luật sư cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.”

Có thể thấy, hướng giải quyết trong Án lệ số 30/2020/AL phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình tội phạm thực tiễn.

Việc xác định tội “Giết người” đối với hành vi chèn xe lên nạn nhân sau khi gây tai nạn giao thông có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm nhằm bảo vệ tính mạng con người.

***

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,787

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]