Án lệ 06/10/2023 16:38 PM

Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” trong tội 'Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản'

Án lệ số 64/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 và được công bố theo Quyết định số 364/QĐ-CA ngày 01 tháng 10 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/HS-GĐT ngày 04/10/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hình sự “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Văn N và đồng phạm.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 7, 8, 12, 13 và 14 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ 1:

Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.

- Giải pháp pháp lý 1:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.

- Tình huống án lệ 2:

Trong số các bị cáo có bị cáo là người cầm đầu, khởi xướng, trực tiếp rủ các bị cáo khác tham gia việc bắt giữ bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác; giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi nhất quán theo sự chỉ đạo của bị cáo cầm đầu.

- Giải pháp pháp lý 2:

Trường hợp này, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Từ khóa của án lệ:

“Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”; “Định khung hình phạt”; “Có tổ chức”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Khoảng tháng 8/2018, Trần Văn N cho anh Lưu Mạnh T vay 150.000.000 đồng nhưng đòi nợ nhiều lần anh T không trả và bỏ trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh nên N nảy sinh ý định lừa anh T ra Hà Nội để bắt giữ đòi nợ. N mượn tài khoản Zalo của Nguyễn Diệu L, mạo danh L để kết bạn, nói chuyện và hẹn anh T đi chơi ở huyện A, tỉnh Vĩnh Phúc vào chiều ngày 15/01/2019.

Ngày 12/01/2019, N rủ L, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Văn Đ, Phan Văn Q tham gia bắt giữ anh T để đòi nợ; L, T1, Đ và Q đồng ý. N chuẩn bị 03 gậy rút (mỗi gậy dài khoảng 60cm), 01 bình xịt hơi cay, 01 bật lửa điện và 01 còng số 8.

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 15/01/2019, N bảo Đ thuê xe taxi của anh Trịnh Anh T2 để chở N, L, Đ, Q, T1 ra sân bay Nội Bài. Trên xe, N bàn bạc cách thức bắt giữ anh T với L, Đ, Q và T1 nên anh T2 biết rõ việc các đối tượng trên đến sân bay bắt giữ anh T để đòi nợ. Trên xe, L nhận được điện thoại của anh T thông báo 19 giờ cùng ngày anh sẽ đến sân bay Nội Bài.

Khoảng 15 giờ ngày 15/01/2019, T2 chở N, L, Đ, Q, T1 đến sân bay Nội Bài và thuê 02 phòng nghỉ gần sân bay. Tại đây, N và Đ nói cho T2 biết kế hoạch bắt giữ anh T, cụ thể: L sẽ thuê xe taxi khác đi trước đón anh T, T2 chờ mọi người theo sau; khi xe taxi của L và anh T dừng lại, T2 đỗ xe phía sau để mọi người chạy lên bắt giữ anh T. T2 đồng ý.

Khoảng 19 giờ 20 phút ngày 15/01/2019, L đón anh T và thuê xe taxi đi theo hướng huyện A, tỉnh Vĩnh Phúc. T2 chở N, Đ, Q, T1 đi theo sau. Trên xe, N đưa cho Đ và T1 mỗi người 01 gậy rút, đưa cho Q 01 bình xịt hơi cay. Đi được khoảng 15 km thì xe taxi chở L và anh T dừng lại, xe của anh T2 dừng phía sau. N, Q, Đ, T1 xuống xe và chạy sang xe taxi của anh T. T1 đưa L sang xe của T2. N mở cửa sau bên trái, Đ mở cửa sau bên phải, Q mở cửa trước ghế phụ xe taxi của anh T và xịt hơi cay vào mặt anh T. N và Đ dùng gậy đánh anh T, N và Q dùng tay đấm vào mặt anh T đến khi anh T xin trả tiền nợ thì N, Q, Đ mới dừng lại. N và Đ giữ tay anh T, N đưa còng số 8 để Đ khóa một đầu vào tay phải của anh T, một đầu khóa vào gầm ghế lái. Đ lấy áo trùm đầu anh T và yêu cầu lái xe đi về hướng Bắc Ninh. Đến Bắc Ninh, N bảo T1 đưa anh T về giữ tại kho tập kết phế liệu của T1 một hôm. N sang xe của T1 và L (do anh T2 lái) đi trước; xe taxi chở Q, Đ và anh T đi theo sau. Đến nơi, Đ bảo lái xe taxi đi thẳng vào trong kho, xe của T2 đỗ ngoài cửa còn N và L đi vào trong kho. Khoảng 05 phút sau, T2 lái xe về trước, T1 đóng cửa kho lại. Q xuống xe cầm theo ba lô, anh T vẫn bị khóa trên xe taxi. N lấy và xóa hết tin nhắn, lịch sử cuộc gọi giữa anh T và L trên điện thoại của anh T. Q kiểm tra ví của anh T và giữ lại ví, thẻ ATM, CMND, còn số tiền 2.700.000 đồng Q trả lại cho anh T. Sau đó, N, Đ và Q đưa anh T xuống xe, đưa vào nhà vệ sinh. Q dùng còng số 8 khóa tay anh T, dùng dây trói 2 tay anh T ra phía sau, dùng băng dính quấn vào tay, bịt miệng anh T. N và Đ đi taxi về nhà N, N lấy đoạn dây xích dài khoảng 1,5m rồi đi mua đồ ăn và quay lại nhà kho. N trả tiền và lái xe taxi đi về. L, N, T1, Đ, Q và anh T ngồi ăn tại kho. Lúc ngồi ăn, Q bảo anh T trả tiền cho N thì sẽ được thả. Ăn xong, Q và Đ chuyển anh T ra góc kho bên phải, dùng băng dính buộc chân, tay bên trái của anh T, tay phải vẫn khóa bằng còng số 8 buộc với dây xích vào cột sắt trong kho để anh T không trốn hoặc tự tử được. Khoảng 24 giờ ngày 15/01/2019, N, T1 và L về còn Đ và Q ở lại kho trông giữ anh T.

Trưa ngày 16/01/2019, N, T1, Đ, Q và L tập trung tại nhà kho. N đưa điện thoại bắt anh T gọi về nhà, bảo người nhà chuyển tiền vào tài khoản của anh T và rút tiền trả nợ cho N. Khoảng 13 giờ cùng ngày, Đ gọi anh T2 đến nhà kho đón Đ. N dùng tay đấm vào mắt phải của anh T, đưa điện thoại bắt anh T gọi về nhà, yêu cầu gia đình chuyển 150.000.000 đồng vào tài khoản của anh T. Anh T gọi cho vợ cũ là chị Đàm Thị Phương L1, nói việc bị bắt giữ vì nợ tiền và nhờ chị L1 sang nhà bảo bố mẹ anh T đi vay tiền chuyển vào tài khoản của anh T thì anh mới được thả. Do đã ly hôn nên chị L1 không làm theo lời anh T. Anh T gọi cho cô ruột là bà Lưu Thị L2, nói đang nợ tiền, bị bắt, đánh, trói và bảo bà L2 nhắn bố mẹ anh T vay tiền cứu anh. Bà L2 đến nhà thông báo nhưng bố mẹ anh T không có tiền gửi. Anh T gọi cho bạn là Hoàng Thị L3, nói nợ tiền và đang bị giữ ở Bắc Ninh, nhờ chị L3 chuyển tiền để anh được thả về.

Khoảng 14 giờ ngày 16/01/2019, không thấy người nhà anh T chuyển tiền nên Q dùng điếu cày đánh anh T. N cầm bình cứu hỏa ném về phía anh T, dùng chân đạp anh T. Tối cùng ngày, L thuê taxi về Hà Nội; N mượn xe ô tô cùng Đ, T đưa anh T về phòng trọ của Q. Q lấy dây xích trói anh T vào chân giường. Đ, T1 về.

Q giữ anh T từ ngày 17/01/2019 đến sáng ngày 18/01/2019. Ở phòng trọ của Q, anh T nhờ N chụp ảnh anh T bị đánh và trói gửi cho chị Hoàng Thị L3 và gọi cho chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) để gia đình anh T tin và chuyển tiền vào tài khoản của anh T để trả nợ cho N. N bảo anh T nói với chị H, nếu không chuyển tiền trả nợ thì N chặt tay anh T nên chị H đồng ý lo tiền chuộc, trả nợ cho anh T.

Khoảng 01 giờ ngày 19/01/2019, T2 chở Q, Đ, anh T ra nghĩa trang thôn X, xã Y, huyện P. Q và Đ dọa đốt anh T. Sau đó, T2 lái xe chở Q, Đ, anh T đến quán karaoke ở thôn A, xã Y1, huyện P. Q đưa anh T lên phòng 701 và trông giữ anh T, Đ và T2 đi về. Khoảng 08 giờ ngày 19/01/2019, Đ đến thay Q trông giữ anh T. Đ bắt anh T gọi điện về nhà yêu cầu chuyển tiền và kiểm tra tài khoản của anh T thì thấy có 38.928.049 đồng, trong đó: tiền có sẵn trong tài khoản là 23.928.049 đồng, tiền chị Lưu Thị H chuyển hồi 10 giờ 12 phút ngày 19/01/2019 là 10.000.000 đồng và hồi 10 giờ 30 phút ngày 19/01/2019 là 5.000.000 đồng.

Khoảng 11 giờ ngày 19/01/2019, Đ đưa anh T đến trụ sở Công an đầu thú. Sau đó, T2, N, T1, Đ đi đầu thú. Ngày 19/02/2019, Q ra đầu thú. Ngày 21/02/2019, L ra đầu thú.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 08/10/2019, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh áp dụng điểm e khoản 2 Điều 169; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, xử phạt:

- Trần Văn N 42 tháng tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Phan Văn Q 36 tháng tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Nguyễn Văn Đ 36 tháng tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Nguyễn Diệu L 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Nguyễn Quang T1 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Trịnh Anh T2 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21/10/2019, Trần Văn N, Phan Văn Q và Nguyễn Văn Đ kháng cáo xem xét lại tội danh, giảm hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 535/2020/HSPT ngày 30/10/2020, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; áp dụng khoản 1 Điều 169, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, xử phạt Trần Văn N và Phan Văn Q 24 tháng tù, Nguyễn Văn Đ 24 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Diệu L, Nguyễn Quang T1, Trịnh Anh T2 18 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC ngày 31/8/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 535/2020/HSPT ngày 30/10/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn N, Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Diệu L và Trịnh Anh T2. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 08/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về phần trách nhiệm hình sự của Trần Văn N, Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Diệu L và Trịnh Anh T2 để xét xử sơ thẩm lại theo hướng áp dụng điểm a, e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự đối với tất cả các bị cáo, tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 535/2020/HSPT ngày 30/10/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 08/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về phần trách nhiệm hình sự của Trần Văn N, Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Diệu L và Trịnh Anh T2 để xét xử sơ thẩm lại theo hướng áp dụng điểm a, e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự đối với tất cả các bị cáo, tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với các bị cáo chủ mưu, cầm đầu và thực hành tích cực.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tội danh:

[2] Quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định:

[3] Vào khoảng tháng 8/2018, anh Lưu Mạnh T vay của Trần Văn N 150.000.000 đồng. Do nhiều lần đòi nợ nhưng anh T không trả và nghỉ việc, trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh nên N đã nghĩ cách bắt giữ anh T để đòi nợ. Sau khi bàn bạc, các bị cáo Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Diệu L, Nguyễn Quang T1 và Trịnh Anh T2 đã đồng ý tham gia. Các bị cáo đã dùng dây trói, đánh, bắt nhốt anh T từ khoảng 19 giờ 20 phút ngày 15/01/2019 đến khoảng 11 giờ ngày 19/01/2019 để gây áp lực, nhằm mục đích buộc anh T phải thông báo cho gia đình chuyển 150.000.000 đồng vào tài khoản của anh T để trả nợ cho N.

[4] Hành vi nêu trên của các bị cáo N, Q, Đ, L, T1, T2 đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự. Việc Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án các bị cáo theo tội danh này là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Về hình phạt:

[6] Về tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[7] Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh Lưu Mạnh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho gia đình, người thân chuyển số tiền 150.000.000 đồng mà anh T đã vay của Trần Văn N vào tài khoản của anh T, trả nợ cho N thì anh T mới được thả về. Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) mới chuyển vào tài khoản của anh T 02 lần với tổng số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

[8] Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T. Các bị cáo phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[9] Về lập luận của Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các bị cáo trong vụ án này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự với lý do các bị cáo chưa chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T, thì thấy: tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là tội phạm có cấu thành hình thức. Do đó, thời điểm tội phạm hoàn thành là khi các bị cáo có hành vi bắt giữ anh Lưu Mạnh T, gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển số tiền 150.000.000 đồng theo yêu cầu của các bị cáo vào tài khoản của anh T, để anh T rút trả nợ cho N thì anh T mới được thả. Tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc các bị cáo đã chiếm đoạt được số tiền 150.000.000 đồng này hay chưa? Tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” là tình tiết định khung tăng nặng của khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự nên vẫn tuân theo nguyên tắc cấu thành hình thức của khoản 1, theo đó “số tiền chiếm đoạt” để định khung ở đây vẫn phải xem xét theo mục đích chiếm đoạt của các bị cáo khi thực hiện hành vi bắt giữ anh T. Việc Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” ở khoản 1 và cụm từ “số tiền chiếm đoạt” ở khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự phải được hiểu khác nhau, theo đó cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” ở khoản 1 được hiểu là chỉ cần các bị cáo có mục đích chiếm đoạt tài sản của gia đình người bị bắt cóc, còn thực tế có chiếm đoạt được hay không không ảnh hưởng đến cấu thành tội phạm; còn cụm từ “số tiền chiếm đoạt” ở khoản 2 được hiểu là phải chiếm đoạt được số tiền này trên thực tế thì mới cấu thành tội phạm ở khung tăng nặng là không có căn cứ.

[10] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng cần xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật, cần chấp nhận.

[11] Về tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự:

[12] Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng; trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như còng số 8, dây trói, xịt hơi cay ...; là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác từ việc dùng zalo của bị cáo L mạo danh để kết bạn, rủ anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chọn địa điểm đón anh T (sân bay Nội Bài), phân công L đi đón anh T, chọn địa điểm, thời gian để xe taxi chở L và anh T phải tạm dừng dọc đường để xe taxi chở N và đồng bọn tiếp cận, bắt giữ anh T, chọn địa điểm nhốt anh T, phân công người trông giữ anh T ... do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T nhằm gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển tiền theo yêu cầu của N vào tài khoản của anh T từ đó chiếm đoạt số tiền này, cấn trừ khoản nợ mà anh T đã vay của N trước đó. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12/01/2019 đến ngày 19/01/2019. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[13] Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” ở điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” như phân tích ở trên là thiếu sót.

[14] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, cần được chấp nhận.

[15] Về hình phạt:

[16] Vai trò của các bị cáo trong vụ án:

[17] Bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng, giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

[18] Các bị cáo Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ khi được bị cáo Trần Văn N rủ tham gia bắt giữ anh Lưu Mạnh T để đòi nợ đã giúp sức tích cực cho N, Q và Đ còn có hành vi bắt giữ, trói, đánh, đe dọa bị hại nên có vai trò thứ 2 sau N.

[19] Các bị cáo Nguyễn Quang T1, Trịnh Anh T2 có vai trò thứ 3 trong vụ án. Bị cáo Trịnh Anh T2 mặc dù không được bàn bạc từ trước nhưng tại nhà nghỉ gần sân bay Nội Bài, khi N bàn bạc về việc bắt anh T, T2 đã đồng ý và lái xe theo sự chỉ đạo của N.

[20] Bị cáo Nguyễn Diệu L có hành vi cho bị cáo Trần Văn N mượn tài khoản zalo để kết bạn, hẹn anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tham gia đón và đưa anh Lưu Mạnh T đến điểm hẹn theo kế hoạch của N. Tuy nhiên, khi nhóm của N bắt giữ anh T thì L đã bỏ về Hà Nội và không tham gia nữa. Do đó, L giữ vai trò thấp nhất trong vụ án.

[21] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo

[22] Tình tiết tăng nặng: các bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

[23] Tình tiết giảm nhẹ: các bị cáo đều ra đầu thú, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và ăn năn hối cải, các bị cáo đã bồi thường cho bị hại 20.000.000 đồng và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo. Do đó, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[24] Bị cáo L, Q, T1 và T2 có bố, mẹ, ông, bà nội, ngoại được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến nên được áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[25] Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Đ có thêm tình tiết giảm nhẹ: có công tố giác 02 vụ án về cướp tài sản và trộm cắp tài sản được Công an huyện P, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận. Bị cáo Trần Văn N xuất trình thêm tài liệu thể hiện bị cáo đang thờ cúng liệt sĩ, ông bà nội bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; bị cáo còn cung cấp thông tin để cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, bị cáo được chính quyền địa phương xác nhận đã tự nguyện tham gia tích cực trong phong trào chống dịch Covid 19.

[26] Về nhân thân: các bị cáo N, Q, Đ, L đều có nhân thân tốt. Bị cáo T1 và bị cáo T2 tuy từng bị xét xử nhưng đã được đương nhiên xóa án tích trước khi phạm tội trong vụ án này thời gian khá lâu.

[27] Về quyết định hình phạt:

[28] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng Thẩm phán thấy rằng:

[29] Hành vi phạm tội của các bị cáo N, Q, Đ, L, T1, T2 trong vụ án này phải bị xem xét trách nhiệm hình sự theo các điểm a, e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[30] Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo với 01 tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự, áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự (từ 05 năm đến 12 năm tù) là không nghiêm.

[31] Việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 169 Bộ luật Hình sự và giảm hình phạt cho tất cả các bị cáo là không có căn cứ.

[32] Do sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt nên không thể xét xử phúc thẩm lại theo hướng tăng hình phạt, bất lợi cho các bị cáo. Vì vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, để xem xét toàn diện, khách quan tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo, từ đó trên cơ sở vị trí, vai trò của từng bị cáo mà quyết định mức hình phạt phù hợp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 382, khoản 3 Điều 388, Điều 391 và Điều 394 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 29/QĐ-VKSTC ngày 31/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 535/2020/HSPT ngày 30/10/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2019/HSST ngày 08/10/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn N, Phan Văn Q, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Quang T1, Nguyễn Diệu L và Trịnh Anh T2.

3. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[7] Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh Lưu Mạnh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho gia đình, người thân chuyển số tiền 150.000.000 đồng mà anh T đã vay của Trần Văn N vào tài khoản của anh T, trả nợ cho N thì anh T mới được thả về. Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) mới chuyển vào tài khoản của anh T 02 lần với tổng số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

[8] Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T. Các bị cáo phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.”

“[12] Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng; trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như còng số 8, dây trói, xịt hơi cay ...; là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác từ việc dừng zalo của bị cáo L mạo danh để kết bạn, rủ anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chọn địa điểm đón anh T (sân bay Nội Bài), phân công L đi đón anh T, chọn địa điểm, thời gian để xe taxi chở L và anh T phải tạm dừng dọc đường để xe taxi chở N và đồng bọn tiếp cận, bắt giữ anh T, chọn địa điểm nhốt anh T, phân công người trông giữ anh T ... do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T nhằm gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển tiền theo yêu cầu của N vào tài khoản của anh T từ đó chiếm đoạt số tiền này, cấn trừ khoản nợ mà anh T đã vay của N trước đó. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12/01/2019 đến ngày 19/01/2019. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[13] Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” ở điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” như phân tích ở trên là thiếu sót.

[14] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức ” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, cần được chấp nhận.”

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,285

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]