Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị tổng kết - Ảnh: VGP/LS
Đẩy mạnh án lệ và hòa giải tại tòa án
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 800 điểm cầu tại tòa án các địa phương và tòa án quân sự trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2022, xây dựng tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, pháp quyền, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền lợi của tổ chức và cá nhân. Trong đó, toàn ngành tòa án đã hoàn thành tốt chỉ tiêu mà Quốc hội giao và của ngành đề ra.
Theo đó, điểm nhấn lớn là hệ thống tòa án đã hoàn thành tất cả các Đề án quan trọng mà Trung ương giao như Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền như đề án về cải cách tư pháp, đề án xây dựng tòa án điện tử, đề án xây dựng tòa án người chưa thành niên…
Đồng thời, việc đưa các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi được tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt, dư luận nhân dân đánh giá rất cao.
Về công tác xây dựng thể chế pháp luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã trình Quốc hội ban hành được 3 pháp lệnh, được Quốc hội đánh giá cao.
"Đặc biệt, hệ thống tòa án đã xây dựng nhiều Nghị quyết, trong đó có phát triển án lệ đã trở thành xu thế, thói quen của các thẩm phán với hơn 1.000 vụ án được viện dẫn án lệ. Ngành tòa án cũng đã thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hòa giải thành tại tòa án đạt tỉ lệ cao đã giúp tòa án giảm tải trong xét xử, bảo đảm an ninh trật tự và nguồn lực cho nhà nước và nhân dân", Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ rõ.
Bên cạnh đó, công tác xét xử trực tuyến của tòa án có nhiều nỗ lực với hơn 5.000 vụ án, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.
Hệ thống tòa án đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử, nhất là sử dụng quản lý án và trợ lý ảo đã được nhiều thẩm phán sử dụng trợ lý ảo để tham khảo trong công việc của mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là, vẫn còn yếu về xét xử án hành chính, chất lượng chưa cao, tỉ lệ sửa còn nhiều; hạn chế về giải quyết đơn giám đốc thẩm vì phát sinh nhiều quá và dồn hết lên Tòa án nhân dân tối cao.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai công tác tòa án năm 2023 - Ảnh: VGP/LS
Mỗi tòa án địa phương phải giới thiệu 1 án lệ
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, các cấp tòa án và cán bộ phải nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về xét xử mà Quốc hội giao. Nâng cao chất lượng xét xử về án hành chính với sự tham gia của các cấp chính quyền và các bên liên quan.
Trong đó, hệ thống tòa án tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 được ngành tòa án xác định trọng tâm là cải cách tư pháp, đây cũng là cơ hội để tòa án phát triển lên tầm cao mới về các mặt công tác của hệ thống tòa án.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, phải xây dựng chương trình hành động của ngành như sửa đổi Luật Tổ chức tòa án trên cơ sở phát huy thành quả và khắc phục bất cập trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức tòa án thời gian qua, muốn vậy phải có sự tham gia của toàn hệ thống.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu, mỗi địa phương phải giới thiệu 1 án lệ, các thành phố lớn thì nhiều hơn. Địa phương nào không giới thiệu thì không hoàn thành nhiệm vụ.
Đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn đảng trong hệ thống tòa án, nghiêm túc phòng ngừa để hạn chế xảy ra các vi phạm trong công tác của hệ thống tòa án.
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, áp lực công việc ngày càng cao trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện hết, trong khi chúng ta đang thực thi pháp luật, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Để không xảy ra oan sai và nâng cao chất lượng trong công tác tiến hành tố tụng phải có sự phối hợp giữa các ngành giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án ngày càng tốt hơn, nhất là năm 2022 cho thấy kết quả phối hợp rất hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng đánh giá cao sự phối hợp ngày càng chuyên nghiệp, chia sẻ kịp thời trong quá trình hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được đánh giá khách quan, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật như áp dụng quy định mới là điều tra viên tranh tụng trước tòa được bảo đảm đúng yêu cầu, được nhân dân và luật sư đánh giá cao.
Báo cáo tổng kết của TANDTC, năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỉ lệ 88,9%, tăng 7,7% so với năm 2021). Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Quốc hội và tòa án đề ra là không quá 1,5%.
Lê Sơn
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ