Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 23/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Số hiệu: 23/2024/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Lê Minh Ngân
Ngày ban hành: 26/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Quy định về thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

Ngày 26/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành Thông tư 23/2024/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Quy định về thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

Theo đó, quy định về thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:

- Đưa vị trí tọa độ cắm mốc giới trên bản đồ chuyển ra thực địa.

- Đánh dấu phục vụ thi công: vị trí các mốc ngoài hiện trường được đánh dấu bằng cọc tạm có thể dùng cọc tre, cọc gỗ đảm bảo ổn định trong quá trình triển khai thi công chôn mốc.

- Lập bản mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước:

+ Quy định chung về mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước: mô tả được lập cho tất cả các tuyến hành lang; số liệu trong bản mô tả phải phù hợp với sơ đồ vị trí cắm mốc, mỗi tuyến hành lang có thể mô tả liên tục theo toàn tuyến hoặc chia thành một số đoạn.

+ Nội dung mô tả bao gồm: hiện trạng trên thực địa; vị trí và khoảng cách giữa các mốc; các điểm đặc trưng đã được xác định trên thực địa.

+ Phương pháp mô tả: mô tả rõ ràng để diễn đạt chính xác vị trí của đường hành lang trên thực địa một cách tuần tự theo hướng đã chọn; việc mô tả phải dựa theo các yếu tố địa lý tồn tại ổn định trên thực địa.

- Thi công cắm mốc giới: việc thi công cắm mốc ngoài hiện trường được xác định dựa trên sơ đồ vị trí mốc và các vị trí mốc đã được đánh dấu bởi cọc tạm; Công tác triển khai chôn mốc phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

+ Điểm đặt mốc được chọn ở những nơi có nền cứng chắc, ổn định, thuận lợi, bảo đảm tồn tại lâu dài, không bị phá hoại do cấu tạo địa chất và do các công trình xây dựng;

+ Lập sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 23/2024, trong đó thể hiện vị trí mốc giới, các yếu tố địa hình, địa vật;

+ Vị trí mốc giới phải đảm bảo thuận tiện cho công tác đo ngắm, không ảnh hưởng đến độ chính xác;

+ Mốc không được chôn ở những nơi dễ bị ngập nước, mực nước ngầm quá cao, những nơi sắp xây dựng.

- Đo tọa độ mốc giới: tọa độ mốc giới (X, Y) được xác định dựa trên tọa độ của điểm tâm đỉnh mốc, độ sai số đảm bảo không quá 0,3 m đối với khu vực đồng bằng và 0,5 m đối với khu vực đồi núi, khu vực có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn.

- Việc thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đồng thời phải phù hợp với quy định về lập bản đồ địa chính theo pháp luật về đất đai.

Xem chi tiết tại Thông tư 23/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/01/2025.

 

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2024/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Nội dung thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ:

a) Thu thập, rà soát dữ liệu, thông tin liên quan;

b) Điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ;

c) Tổng hợp, chỉnh lý số liệu thu thập và điều tra thực địa;

d) Xác định chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước;

đ) Tổng hợp nội dung Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ;

e) Lập hồ sơ trình phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và hồ sơ phục vụ thẩm định, nghiệm thu sản phẩm lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

2. Thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính.

3. Xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

4. Triển khai thực hiện cắm mốc giới theo phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được phê duyệt.

5. Lập hồ sơ phục vụ kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

6. Cập nhật, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi bản đồ địa chính được thành lập.

Chương II

QUY TRÌNH KỸ THUẬT LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Mục 1. LẬP DANH MỤC NGUỒN NƯỚC PHẢI LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Điều 4. Thu thập, rà soát dữ liệu, thông tin liên quan

1. Nghiên cứu mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng, thời gian, nội dung khối lượng, phương pháp áp dụng trong thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề cương phê duyệt.

2. Thu thập, tổng hợp các tài liệu liên quan đến vùng điều tra:

a) Tài liệu về điều kiện kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, các chương trình, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế có ảnh hưởng đến tài nguyên nước;

b) Đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, mương, rạch;

c) Hiện trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt và hiện trạng khai thác, sử dụng nước mặt trong vùng điều tra;

d) Đặc trưng hình thái các sông, suối, kênh, rạch gồm: tên, chiều dài, vị trí điểm đầu, điểm cuối, phạm vi hành chính;

đ) Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối;

e) Tình hình sạt lở của các đoạn sông, suối, kênh, rạch và hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp;

g) Các trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp;

h) Hiện trạng xả chất thải, nước thải vào nguồn nước, chất lượng nước mặt và các báo cáo đánh giá về tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt của nguồn nước;

i) Các khu bảo tồn thiên nhiên, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch, hệ sinh thái liên quan đến nguồn nước;

k) Sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông; hiện trạng sử dụng đất, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực ven nguồn nước;

l) Tài liệu về tình hình cấp phép khai thác nước mặt, cấp phép môi trường;

m) Thu thập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ địa chính;

n) Tài liệu về hiện trạng hoạt động giao thông đường thủy nội địa và phạm vi hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa, thông tin về phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển đã được thiết lập (nếu có) đối với các nguồn nước ven biển (đầm, phá, ao, hồ và các đối tượng có liên quan) phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước;

o) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Rà soát, thống kê, đánh giá tính đầy đủ, mức độ tin cậy của các tài liệu đã thu thập.

4. Thống kê, lập danh mục các thông tin, dữ liệu, tài liệu thu thập:

a) Lập danh mục các thông tin, dữ liệu có đủ độ tin cậy phục vụ cho công tác điều tra, lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ;

b) Xác định các thông tin, dữ liệu, tài liệu còn thiếu cần điều tra, khảo sát bổ sung;

c) Lập báo cáo kết quả thu thập, rà soát thông tin, dữ liệu và bàn giao sản phẩm.

Điều 5. Điều tra, khảo sát phục vụ lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

1. Chuẩn bị:

a) Nhận nhiệm vụ điều tra thực địa;

b) Xác định nội dung, đối tượng, phạm vi điều tra thực địa (nghiên cứu nhiệm vụ điều tra thực địa và các tài liệu liên quan; nghiên cứu các loại bản đồ, xem xét sự phân bố của các khu dân cư, xác định các đối tượng cần tập trung điều tra và sơ bộ khoanh vùng phạm vi tập trung điều tra trên bản đồ);

c) Lập kế hoạch, phương án, lộ trình đi điều tra tại thực địa: lập kế hoạch chi tiết cho việc triển khai lộ trình điều tra; vạch tuyến lộ trình và thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc bản đồ địa chính (tại khu vực có bản đồ địa chính); xây dựng phương án bố trí nhân lực, phương án di chuyển máy móc thiết bị trong quá trình điều tra thực địa;

d) Chuẩn bị nhân công, vật liệu, dụng cụ và máy móc, thiết bị và tài liệu điều tra: chuẩn bị trang thiết bị phục vụ công tác điều tra; lắp đặt, kiểm tra, hiệu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm hoạt động của máy móc trước khi đi điều tra thực địa; chuẩn bị tài liệu, giấy tờ cần thiết và phiếu điều tra; chuẩn bị các trang thiết bị, đồ bảo hộ lao động; đóng gói thiết bị, tài liệu, dụng cụ, vật tư để phục vụ cho công tác vận chuyển tới nơi tập kết tại hiện trường;

đ) Liên hệ địa phương và các công tác chuẩn bị khác.

2. Tiến hành điều tra thực địa:

a) Điều tra, thu thập, cập nhật bổ sung dữ liệu tại các cơ quan có liên quan ở địa phương: đặc điểm nguồn nước mặt, hiện trạng khai thác sử dụng nước mặt và xả nước thải vào nguồn nước, hiện trạng tiêu thoát nước; hiện trạng chất lượng nước mặt và tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối; tình hình phát triển kinh tế, xã hội; các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành kinh tế trong khu vực ảnh hưởng đến tài nguyên nước; hiện trạng sử dụng đất, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực ven nguồn nước; công tác quản lý tài nguyên nước, các vấn đề nổi cộm liên quan đến khai thác, sử dụng nước mặt và xả nước thải vào nguồn nước; các công trình xây dựng (bao gồm công trình nổi, công trình ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật) khu vực ven nguồn nước; bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ địa chính;

b) Đi theo lộ trình điều tra tổng hợp theo các tuyến đã xác định dọc hai bên bờ và tuyến vuông góc với sông, suối, kênh, mương rạch; đi khảo sát xung quanh các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các ao, hồ thuộc danh mục không được san lấp để quan sát, mô tả, chụp ảnh sơ họa, thu thập thông tin về đặc điểm, đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, đặc điểm ao, hồ, đầm, phá.

Khảo sát, đo đạc, lên vị trí trên bản đồ nhằm phục vụ xác định đường mép bờ: xác định hiện trạng, vị trí đường mép nước, địa hình khu vực đối với đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch không có đê, kè; đỉnh bờ kè đối với sông, suối, kênh, mương, rạch đã được kè bờ; mực nước cao nhất đối với đầm, phá, ao, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo (không phải là hồ chứa thủy điện, thủy lợi) và mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm đối với đầm, phá ven biển.

c) Tiến hành điều tra chi tiết đối với các đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch: xác định tên nguồn nước, vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối; chiều dài đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch; hướng dòng chảy; chức năng của nguồn nước; quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về địa hình, địa chất, thủy văn, môi trường, sinh thái; diễn biến lòng dẫn, bờ sông, suối, kênh, mương, rạch tại khu vực khảo sát; các hoạt động khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; tình hình dân cư sinh sống ở ven nguồn nước; các công trình cơ sở hạ tầng ven nguồn nước, các thông tin khác có liên quan và một số trường hợp cần bổ sung các thông tin như sau:

Đối với đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở: vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối đoạn sạt lở; quy mô đoạn sạt lở (chiều dài, chiều rộng); quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về: nguyên nhân sạt lở; đặc điểm địa hình, địa chất, lớp phủ thực vật.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo phục hồi nguồn nước: cảm quan về chất lượng nước (màu, mùi); hiện tượng liên quan đến ô nhiễm môi trường (cá nhảy, tảo nở hoa và các hiện tượng khác có liên quan), thu thập, điều tra các công trình xả nước thải vào nguồn nước, thông tin về mực nước, dòng chảy trên sông; nguyên nhân chính gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và các thông tin khác có liên quan.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch là trục tiêu thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp: quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về tên khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp; các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, loại hình xả thải, hiện trạng chất lượng nước và thông tin khác có liên quan.

Đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông: các hoạt động gắn liền với sinh kế của người dân sống ven sông (nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, trồng hoa màu), quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, thu thập thông tin về tình hình dân cư sinh sống ở ven nguồn nước; các công trình cơ sở hạ tầng ven nguồn nước và các thông tin khác có liên quan.

d) Tiến hành điều tra chi tiết đối với các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch: xác định tên nguồn nước, vị trí hành chính, tọa độ các vị trí điểm đầu, điểm cuối; chức năng nguồn nước, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch và các thông tin khác có liên quan;

đ) Tiến hành điều tra, thu thập thông tin chi tiết đối với hồ, ao, đầm, phá không được san lấp: tên, vị trí hành chính, tọa độ, diện tích mặt nước hồ, ao, đầm, phá; đơn vị quản lý; chức năng của hồ, ao, đầm, phá; quan sát, chụp ảnh, sơ họa, mô tả đặc điểm hồ, ao và tình trạng kè bờ, tình hình sạt lở xung quanh bờ, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Đối với hồ, ao có chức năng cấp nước cho sinh hoạt thì bổ sung thu thập thêm các thông tin về lưu lượng khai thác, đơn vị khai thác, tình hình cấp phép và các thông tin khác có liên quan.

e) Tiến hành điều tra chi tiết đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các công trình khai thác, sử dụng nước khác trên sông, suối: xác định tên công trình, loại công trình, vị trí hành chính, tọa độ vị trí các hạng mục công trình chính, tên nguồn nước khai thác; các thông số chủ yếu của công trình về mục đích sử dụng nước, dung tích, diện tích tưới, công suất lắp máy, lưu lượng khai thác, đơn vị quản lý, thông tin về giấy phép khai thác và các thông tin khác có liên quan; quan sát, chụp ảnh, sơ họa, mô tả tình hình dân cư sinh sống ở ven công trình;

g) Các thông tin điều tra được ghi chép vào phiếu, sổ nhật ký điều tra thực địa;

Mẫu phiếu điều tra thực địa được quy định chi tiết tại Mẫu số 01 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

h) Chỉnh lý số liệu điều tra thực địa, bảo dưỡng thiết bị máy móc hàng ngày: kiểm tra, chỉnh lý tài liệu, số liệu điều tra thực địa trong ngày (phiếu điều tra thực địa, sổ nhật ký điều tra và các tài liệu khác có liên quan); rà soát, kiểm tra nội dung, khối lượng các công việc đã thực hiện ngoài thực địa; điều chỉnh kế hoạch, phương án đi lộ trình điều tra; điều chỉnh, bổ sung khối lượng, nội dung công việc điều tra thực địa (nếu cần); kiểm tra, hiệu chỉnh máy móc thiết bị phục vụ công tác điều tra sau mỗi ngày làm việc.

3. Tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện kết quả điều tra thực địa và giao nộp sản phẩm:

a) Chỉnh lý, hoàn thiện các dữ liệu, thông tin thu thập và kết quả điều tra thực địa;

b) Nhập kết quả điều tra vào máy tính;

c) Xử lý, chỉnh lý tổng hợp các dữ liệu, thông tin, kết quả điều tra;

d) Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, sơ đồ các tuyến và vị trí các điểm điều tra trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc bản đồ địa chính; các biểu, bảng thống kê tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát và đề xuất các vị trí dự kiến cắm mốc;

đ) Hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu kết quả điều tra và bàn giao sản phẩm.

Điều 6. Tổng hợp, chỉnh lý số liệu thu thập và điều tra, khảo sát thực địa

1. Rà soát, phân loại, các dữ liệu, thông tin thu thập và điều tra thực địa phục vụ cho việc đánh giá, theo các nhóm sau:

a) Các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hồ chứa khác trên sông, suối;

b) Hồ, ao, đầm, phá được xác định trong danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và các nguồn nước khác có diện tích mặt nước từ 02 ha trở lên và nhỏ hơn 02 ha theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

c) Các đoạn sông, suối, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất;

d) Các đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở;

đ) Các sông, suối, kênh, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp;

e) Các đoạn sông, suối, kênh, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo, phục hồi nguồn nước;

g) Sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông;

h) Các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch không thuộc quy định tại điểm b khoản này;

i) Tổng hợp các khu vực đã có bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

2. Đánh giá độ tin cậy của các số liệu, tài liệu thu thập và lựa chọn, lập danh mục các tài liệu phục vụ cho việc đánh giá theo nội dung yêu cầu.

3. Nhập số liệu vào máy tính, kiểm tra, đồng bộ hóa dữ liệu:

a) Thiết kế hình thức trình bày file dữ liệu;

b) Rà soát, nhập số liệu để phục vụ xây dựng danh mục thông tin số liệu về hiện trạng nguồn nước và đánh giá theo các nội dung yêu cầu;

c) Nhập kết quả điều tra thực địa và số liệu thu thập;

d) Kiểm tra, chỉnh lý, xử lý dữ liệu, thông tin đã nhập, đồng bộ hóa dữ liệu.

4. Xử lý, tổng hợp dữ liệu, thông tin và xây dựng các biểu, bảng, đồ thị.

5. Tổng hợp, phân loại và lập Danh mục nguồn nước theo các nhóm đã rà soát, phân loại.

Điều 7. Xác định chức năng, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Xác định chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước.

Trên cơ sở kết quả điều tra, thu thập tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này, thực hiện xác định chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:

a) Đối với chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước: xác định các đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở; các đoạn sông, suối, kênh, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp; các đoạn sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông; các đoạn sông, suối, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất; các ao, hồ, đầm phá trong danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nhưng bị sạt lở, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, điều hòa tạo cảnh quan và bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị sạt lở, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, điều hòa tạo cảnh quan và bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch;

b) Đối với chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước: xác định khu dân cư sinh sống tập trung ven sông; các đoạn sông, suối, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất; các đoạn sông, suối, kênh, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp; các ao, hồ, đầm phá, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch;

c) Đối với chức năng bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước: xác định các đoạn sông, suối, kênh, rạch có liên quan đến sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; xác định các ao, hồ, đầm phá, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có liên quan đến sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;

d) Đối với chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước: xác định các đoạn sông, suối, kênh, rạch có các hoạt động bảo tồn tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa: đoạn sông tổ chức các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng; các đoạn sông, suối, kênh, rạch có nguồn đa dạng sinh học, gắn liền với môi trường sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài động, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các đoạn sông, suối, kênh, rạch có các hoạt động phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước; các ao, hồ, đầm, phá, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện gắn với bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, yêu cầu bảo vệ nguồn nước, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định cho toàn bộ hành lang hoặc từng đoạn hành lang.

3. Xác định phạm vi hành lang bảo vệ của từng nguồn nước.

Trên cơ sở kết quả điều tra, thu thập, xác định chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này và quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP để xác định cụ thể phạm vi, tọa độ vị trí các điểm giới hạn hành lang bảo vệ của từng nguồn nước.

4. Quy định khoảng cách giữa các mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa thủy điện và các hồ, ao, đầm, phá.

Việc xác định khoảng cách mốc để thể hiện mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính hoặc đưa vào phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính.

Căn cứ địa hình, dân cư sinh sống tại khu vực dự kiến cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau không nhỏ hơn 200 m. Tại những điểm chuyển hướng, giao cắt của đường chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước với địa vật thì phải bổ sung mốc bên cạnh công trình đó.

5. Chuẩn bị thông tin, dữ liệu, lập sơ đồ các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ:

a) Chuẩn bị thông tin, dữ liệu phục vụ lập sơ đồ các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm: tên nguồn nước; chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; vị trí các điểm giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; vị trí các đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hồ, ao, đầm, phá, công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt; vị trí tiêu thoát nước; các điểm bị sạt lở; khu vực bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; khu vực đã có bản đồ địa chính.

b) Lập sơ đồ các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

Điều 8. Tổng hợp nội dung Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

1. Nội dung Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 53/2024/NĐ-CP được cụ thể như sau:

a) Tên, địa giới hành chính của các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ: ghi rõ cụ thể xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã), quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);

b) Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước: nêu rõ chức năng, chiều dài của toàn bộ hành lang hoặc từng đoạn hành lang theo yêu cầu bảo vệ nguồn nước;

c) Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; tọa độ vị trí các điểm giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 3º);

d) Danh sách nguồn nước phải thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 và khoản 1 Điều 29 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP và kế hoạch cắm mốc giới hành lang vệ nguồn nước: nêu rõ tên nguồn nước; địa giới hành chính; chức năng hành lang bảo vệ nguồn nước; tên, vị trí công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt với công suất từ 5.000 m3/ngày đêm trở lên; vị trí tọa độ các điểm bị sạt lở; thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ.

2. Chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu để thể hiện được phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở khu vực theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 9. Lập hồ sơ trình phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và hồ sơ phục vụ thẩm định, nghiệm thu sản phẩm lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

1. Lập hồ sơ phục vụ lấy ý kiến, trình phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước:

a) Hồ sơ phục vụ gửi lấy ý kiến tuân thủ theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 26 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP;

b) Hồ sơ phục vụ trình phê duyệt Danh mục tuân thủ theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 26 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

2. Lập hồ sơ phục vụ thẩm định, nghiệm thu sản phẩm lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

Hồ sơ sản phẩm dạng giấy và dạng số bao gồm: Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; báo cáo thuyết minh tổng hợp kết quả thực hiện và các báo cáo chuyên đề liên quan; sơ đồ nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; bảng dữ liệu kết quả thu thập, điều tra, khảo sát chi tiết theo các nhóm thông tin quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này và các tài liệu khác có liên quan; USB lưu trữ toàn bộ báo cáo, thông tin, dữ liệu.

Điều 10. Thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính

Việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP sau khi Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được phê duyệt.

Mục 2. XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN CẮM MỐC GIỚI HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Điều 11. Nội dung thực hiện xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Điều tra, khảo sát khu vực và xác định vị trí cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

3. Lập hồ sơ trình phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và hồ sơ sản phẩm phục vụ thẩm định, nghiệm thu.

Điều 12. Điều tra, khảo sát, xác định vị trí cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Nghiên cứu nhiệm vụ, xác định vị trí các điểm dự kiến cắm mốc trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

2. Khảo sát khu vực cắm mốc giới hành lang bảo vệ đối với các nguồn nước khác theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP bao gồm các thông tin: địa hình, địa chất khu vực; quan sát, mô tả, thu thập thêm thông tin về tình hình sạt lở, tình hình khai thác của các công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt; hiện trạng dân sinh, công trình xây dựng, các tài sản gắn liền với đất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; khảo sát điều kiện cung cấp vật tư, vật liệu trong việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; hiện trạng các hành lang bảo vệ có liên quan trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

3. Khảo sát khu vực cắm mốc giới hành lang bảo vệ đối với các nguồn nước theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP bao gồm các thông tin: địa hình, địa chất khu vực; hiện trạng dân sinh, công trình xây dựng, các tài sản gắn liền với đất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; khảo sát điều kiện cung cấp vật tư, vật liệu trong việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; hiện trạng các hành lang bảo vệ có liên quan trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

4. Khảo sát, thu thập dữ liệu địa hình, xác định các vị trí cắm mốc giới.

Điều 13. Tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát theo quy định tại Điều 12 và danh sách các nguồn nước phải thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Thông tư này đã được phê duyệt, thực hiện việc tổng hợp, xử lý, phân tích các thông tin, dữ liệu như sau:

1. Thông tin, dữ liệu về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan; quản lý tài nguyên nước, các vấn đề trong khai thác tài nguyên nước mặt và các thông tin, tài liệu khác có liên quan.

2. Thông tin, dữ liệu về địa hình, địa chất khu vực; tình hình sạt lở, tình hình khai thác của các công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt; hiện trạng dân sinh, công trình xây dựng, các tài sản gắn liền với đất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; điều kiện cung cấp vật tư, vật liệu trong việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; hiện trạng các hành lang bảo vệ có liên quan trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

3. Tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu phục vụ lập hồ sơ xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước: đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); điều kiện phục vụ việc thi công cắm mốc (vật tư, vật liệu, trang thiết bị, nhân lực); giải pháp kỹ thuật để triển khai trên hiện trường.

Điều 14. Lập hồ sơ trình phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và hồ sơ sản phẩm phục vụ thẩm định, nghiệm thu

1. Nội dung phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 53/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ nguồn nước trên sơ đồ mặt bằng: sơ đồ mặt bằng thể hiện phạm vi của hành lang; ranh giới hành chính; vị trí các mốc hành lang bảo vệ nguồn nước dự kiến (mốc chôn, mốc được gắn vách); vị trí mốc hành lang giao thông, đê điều và các thông tin, đối tượng khác có liên quan;

b) Tọa độ các mốc giới (theo tọa độ VN2000 kinh tuyến trục, múi chiếu 3º); vị trí hành chính (xã, huyện), khoảng cách của các mốc giới;

c) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định (nếu có);

d) Phương án tổ chức, huy động vật tư, vật liệu, trang thiết bị, nhân lực, giải pháp kỹ thuật để triển khai trên hiện trường đối với các nội dung: nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện của các bên tham gia thực hiện cắm mốc; cung cấp vật tư, vật liệu, trang thiết bị phục vụ cắm mốc; nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo thi công, nội nghiệp, giám sát kỹ thuật và kiểm tra nghiệm thu; giải pháp kỹ thuật để triển khai trên hiện trường phục vụ thi công cắm mốc giới;

đ) Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện: căn cứ lập dự toán; các chi phí chủ yếu: chi phí vật liệu, dụng cụ; chi phí nhân công; chi phí máy móc, thiết bị; chi phí chung; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có); chi phí khác; thuế giá trị gia tăng;

e) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới;

g) Cơ quan thực hiện cắm mốc giới; cơ quan nhận giao mốc giới để quản lý, bảo vệ.

2. Nội dung phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP được cụ thể như sau:

a) Thông số cơ bản của hồ chứa: dung tích hồ chứa, cao trình mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế; cao trình đỉnh đập, cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ;

b) Hiện trạng quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa: nêu rõ thông tin về hiện trạng quản lý, sử dụng các loại đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Xác định phạm vi cụ thể hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa trên sơ đồ mặt bằng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

d) Tọa độ, vị trí hành chính của các mốc giới, khoảng cách của các mốc giới theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

đ) Phương án huy động nhân lực, vật tư, vật liệu, thi công, giải phóng mặt bằng trên thực địa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

e) Tiến độ cắm mốc, bàn giao mốc giới, kinh phí thực hiện.

3. Chuẩn bị hồ sơ phục vụ trình phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, gồm: dự thảo tờ trình; dự thảo quyết định phê duyệt kèm theo phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; các văn bản pháp lý, tài liệu có liên quan.

4. Lập hồ sơ phục vụ thẩm định, nghiệm thu sản phẩm xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hồ sơ sản phẩm dạng giấy và dạng số bao gồm: phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; báo cáo thuyết minh tổng hợp kết quả thực hiện và các báo cáo chuyên đề liên quan; bảng dữ liệu điều tra, khảo sát chi tiết gồm các thông tin quy định tại Điều 12 của Thông tư này và các tài liệu khác có liên quan; USB lưu trữ toàn bộ báo cáo, thông tin, dữ liệu.

Mục 3. THỰC HIỆN CẮM MỐC GIỚI HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Điều 15. Quy trình thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Công tác chuẩn bị thực hiện cắm mốc giới.

2. Thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

3. Lập hồ sơ sản phẩm phục vụ kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao mốc giới.

Điều 16. Công tác chuẩn bị thực hiện cắm mốc giới

1. Chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị, vật dụng, sơ đồ mặt bằng phạm vi cụ thể của hành lang bảo vệ nguồn nước theo phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.

2. Chuẩn bị mốc:

a) Mốc chôn sử dụng trong cắm mốc là loại mốc đúc sẵn, cấu tạo bởi bê tông cốt thép, được chôn dưới đất và cố định bởi bê tông lót đáy và bê tông gia cố xung quanh chân cọc, sau khi chôn cọc, hố thi công được san lấp lại bằng đất đắp đầm chặt tới cao trình mặt đất tự nhiên. Cụ thể cấu tạo, kích thước mốc chôn và cấu tạo biển mốc theo quy định tại Mẫu số 04Mẫu số 05 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp đối với khu vực không chôn được, thì sử dụng mốc gắn lên vách (vách núi, nền đường và các đối tượng khác có liên quan) được quy định tại điểm b khoản này.

b) Mốc gắn lên vách chỉ sử dụng biển mốc, gắn chìm trên vách, mặt biển mốc bằng mặt vách được quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 17. Thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

Việc thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện như sau:

1. Đưa vị trí tọa độ cắm mốc giới trên bản đồ chuyển ra thực địa.

2. Đánh dấu phục vụ thi công: vị trí các mốc ngoài hiện trường được đánh dấu bằng cọc tạm có thể dùng cọc tre, cọc gỗ đảm bảo ổn định trong quá trình triển khai thi công chôn mốc.

3. Lập bản mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước:

a) Quy định chung về mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước: mô tả được lập cho tất cả các tuyến hành lang; số liệu trong bản mô tả phải phù hợp với sơ đồ vị trí cắm mốc, mỗi tuyến hành lang có thể mô tả liên tục theo toàn tuyến hoặc chia thành một số đoạn.

Nội dung mô tả bao gồm: hiện trạng trên thực địa; vị trí và khoảng cách giữa các mốc; các điểm đặc trưng đã được xác định trên thực địa.

b) Phương pháp mô tả: mô tả rõ ràng để diễn đạt chính xác vị trí của đường hành lang trên thực địa một cách tuần tự theo hướng đã chọn; việc mô tả phải dựa theo các yếu tố địa lý tồn tại ổn định trên thực địa.

4. Thi công cắm mốc giới: việc thi công cắm mốc ngoài hiện trường được xác định dựa trên sơ đồ vị trí mốc và các vị trí mốc đã được đánh dấu bởi cọc tạm. Công tác triển khai chôn mốc phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Điểm đặt mốc được chọn ở những nơi có nền cứng chắc, ổn định, thuận lợi, bảo đảm tồn tại lâu dài, không bị phá hoại do cấu tạo địa chất và do các công trình xây dựng;

b) Lập sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó thể hiện vị trí mốc giới, các yếu tố địa hình, địa vật;

c) Vị trí mốc giới phải đảm bảo thuận tiện cho công tác đo ngắm, không ảnh hưởng đến độ chính xác;

d) Mốc không được chôn ở những nơi dễ bị ngập nước, mực nước ngầm quá cao, những nơi sắp xây dựng.

5. Đo tọa độ mốc giới: tọa độ mốc giới (X, Y) được xác định dựa trên tọa độ của điểm tâm đỉnh mốc, độ sai số đảm bảo không quá 0,3 m đối với khu vực đồng bằng và 0,5 m đối với khu vực đồi núi, khu vực có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn.

6. Việc thi công cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đồng thời phải phù hợp với quy định về lập bản đồ địa chính theo pháp luật về đất đai.

Điều 18. Lập hồ sơ sản phẩm phục vụ thẩm định, nghiệm thu và bàn giao mốc giới

1. Hồ sơ sản phẩm phục vụ kiểm tra, nghiệm thu thi công cắm mốc giới bao gồm:

a) Bản mô tả hành lang bảo vệ nguồn nước, sơ đồ vị trí mốc giới;

b) Tài liệu kiểm nghiệm máy, bảng thống kê tọa độ các điểm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này, USB chuyển giao dữ liệu đo đạc và các tài liệu khác;

c) Báo cáo tổng kết kỹ thuật và hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu các cấp;

d) Biên bản bàn giao mốc giữa tổ chức, cơ quan chủ trì thực hiện cắm mốc giới và đơn vị thi công cắm mốc giới.

2. Bàn giao mốc giới:

a) Đối với hồ chứa thủy điện: tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện thực hiện cắm mốc giới bàn giao hồ sơ sản phẩm thi công cắm mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ;

b) Đối với các nguồn nước khác: việc bàn giao mốc giới được thực hiện giữa cơ quan chủ trì thực hiện cắm mốc và cơ quan nhận bàn giao mốc giới quy định trong phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ đã được phê duyệt.

Điều 19. Cập nhật, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi bản đồ địa chính được thành lập

Việc cập nhật, bổ sung mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sau khi bản đồ địa chính được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Quy định chuyển tiếp

Trường hợp thuộc quy định chuyển tiếp về hành lang bảo vệ nguồn nước tại điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 97 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2025.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Cục Quản lý tài nguyên nước chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này./.

Nơi nhận:
- TTgCP và các PTTgCP (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, VP, KHCN, TNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Minh Ngân

PHỤ LỤC 01

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THỰC HIỆN LẬP HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC
(Kèm theo Thông tư số 23/2024/TT-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PHỤ LỤC 02

CÁC MẪU PHIẾU, BIÊN BẢN VÀ CẤU TẠO MỐC GIỚI
(Kèm theo Thông tư số 23/2024/TT-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Kí hiệu

Tên mẫu

Mẫu số 01

Phiếu điều tra thực địa

Mẫu số 02

Sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

Mẫu số 03

Bảng thống kê tọa độ các điểm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước

Mẫu số 04

Cấu tạo, kích thước mốc chôn

Mẫu số 05

Cấu tạo biển mốc

Mẫu số 01. Mẫu phiếu điều tra thực địa

ĐƠN VỊ THỰC HIỆN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHIẾU ĐIỀU TRA THỰC ĐỊA

Dự án: ……………………………………………………………………………………………

Tên nguồn nước: ………………………………………………………………………

Loại nguồn nước: Sông, suối, kênh, mương, rạch □   Hồ chứa □   Ao, hồ, đầm phá □

Toạ độ điểm khảo sát: X = ……………………………; Y = …………………………

(Hệ VN 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 3º)

Vị trí hành chính (xã, huyện, tỉnh)……………………………………………………..

1. Đối với nguồn nước:

- Là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất □

- Là trục tiêu thoát nước cho đô thị, khu dân cư tập trung, khu/cụm công nghiệp □

- Nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học và phát triển du lịch

- Nguồn nước gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông □

- Đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở □

- Đoạn sông, suối, kênh, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt cần cải tạo, phục hồi □

- Nguồn nước khác □

Thông tin về nguồn nước có liên quan:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...................................................................................................................................

2. Đối với công trình khai thác, sử dụng nước

Tên công trình KTSD:…………………………………………………………………...

Loại công trình:………………………………………………………………………….

Toạ độ công trình chính: X = ……………………………; Y = ……………………

Xã, huyện, tỉnh:………………………………………………………………………….

Mục đích KTSD:………………………………………………………………………...

Quy mô KTSD: …………………………………………………………………………

Tổ chức, cá nhân quản lý KTSD:………………………………………………………..

Thông tin về Giấy phép (nếu có):………………………………………………………..

3. Đối với hồ, ao, đầm, phá không được san lấp:

Toạ độ điểm khảo sát : X = ……………………………; Y = ……………………

Xã, huyện, tỉnh:………………………………………………………………………….

Diện tích mặt nước:……………………………………………………………………...

Đơn vị quản lý:………………………………………………………………………….

Chức năng của ao, hồ, đầm, phá:………………………………………………………..

Thông tin về nguồn nước có liên quan:

……………………………………………………………………………….………….

4. Đối với đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi

Tên công trình:……………………………………………………………………..…...

Loại công trình:………………………………………………………………………….

Toạ độ công trình chính: X = ……………………………; Y = ……………………

Xã, huyện, tỉnh:………………………………………………………………………….

Dung tích hồ chứa/chiều dài, chiều cao đập:…………………………………………….

Diện tích tưới:……………………………………………………………………………

Công suất lắp máy:………………………………………………………………………

Đơn vị quản lý:…………………………………………………………………………..

Thông tin về Giấy phép (nếu có):………………………………………………………..

Thông tin về nguồn nước có liên quan:

…………………………………………………………………………………………..

5. Thông tin khác

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………

6. Sơ hoạ vị trí điểm khảo sát

……………, ngày …… tháng … năm……..
Cán bộ điều tra

Mẫu số 02. Sơ đồ vị trí mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

SƠ ĐỒ VỊ TRÍ MỐC GIỚI HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

1. Số hiệu mốc:………………………………………………………………………

2. Thuộc sông (tên sông, suối, kênh, mương, rạch): ……………………………………

3. Giá trị khái lược: Độ cao: …………… Kinh độ: …………… Vĩ độ:..........................

(Hệ VN 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 3º)

Tỷ lệ:…………………………………………………………………………………….

4. Diện tích đất xây dựng mốc:…….. m2

5. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước: …………………

Nơi cắm mốc: …………….., cách ……………………………………………………...

Tại: thôn …….. - xã ……. - huyện ……- tỉnh………………………………………….

Số TT

Tên vật chuẩn

Số liệu đo từ mốc

Ghi chú

Góc phương vị

Khoảng cách

A

B

C

ĐƠN VỊ THI CÔNG

(Ký tên)

ĐƠN VỊ CHỦ ĐẦU TƯ

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

UBND CẤP XÃ

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

PHÒNG TN & MT …………….

(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

Mẫu số 03. Bảng thống kê tọa độ các điểm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

BẢNG THỐNG KÊ TỌA ĐỘ

CÁC ĐIỂM MỐC GIỚI HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

(Tên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa) ......................................................................

TT

Tên mốc

Hệ tọa độ VN 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu 3º (đơn vị: mét)

Ghi chú

X

Y

H

1

2

3

ĐƠN VỊ THI CÔNG
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

ĐƠN VỊ CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

Mẫu số 04: Cấu tạo, kích thước mốc chôn

Cụ thể cấu tạo, kích thước mốc được trình bày cụ thể như sau: phần cột mốc được chế tạo bằng bê tông cốt thép có tiết diện 15cm x 15 cm; chiều dài 90cm, trong đó phần nổi trên mặt đất là 50cm; phần chôn dưới đất là 40 cm; mặt đỉnh mốc gắn biển mốc (gắn chìm, mặt trên biển mốc bằng mặt đỉnh bê tông của cột mốc) theo Mẫu số 05 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này; số hiệu mốc được thể hiện ở vị trí dưới đỉnh mốc 10 cm tại 2 mặt của mốc, cỡ chữ số hiệu mốc có chiều cao 03 cm; màu cột mốc ngoài phần đầu cột mốc được sơn phủ màu xanh, mã màu R,G,B=0,0,255, phần còn lại của mốc được sơn màu trắng; kích thước đế gia cố bê tông lót: 35cm x 35cm.

Mẫu số 05: Cấu tạo biển mốc

Biển mốc làm bằng sứ, nền trắng, hình tròn, đường kính 12 cm, bề dầy 3,8cm và có khả năng chịu lực tốt. Nội dung biển ghi chữ in hoa, màu xanh, mã màu R,G,B=0,0,255, chiều cao chữ 0,6 cm, cách thể hiện như hình số 2.

Hình 2. Biển mốc

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 23/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


908

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.8.177
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!