20/06/2024 09:51

Trục lợi bảo hiểm có thể bị phạt lên tới 7.000.000.000 đồng

Trục lợi bảo hiểm có thể bị phạt lên tới 7.000.000.000 đồng

Hình thức lừa đảo bằng gian lận trong bảo hiểm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và phổ biến hiện nay. Vậy trục lợi bảo hiểm là gì? Các mức xử phạt của trục lợi bảo hiểm? 

1. Bảo hiểm là gì? 

Thuật ngữ “bảo hiểm” là một từ được dùng thường xuyên và phổ biến. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa định nghĩa cụ thể khái niệm “bảo hiểm” là gì? Tại điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, các loại hình bảo hiểm được liệt kê bao gồm: 

(1) Bảo hiểm nhân thọ;

(2) Bảo hiểm sức khỏe;

(3) Bảo hiểm phi nhân thọ. 

Trong đó: 

Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết;

Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe; 

Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm là một là sự cam kết bồi thường hoặc chi trả về mặt kinh tế, trong đó người tham gia bảo hiểm phải đóng một khoản phí cho đối tượng được bảo hiểm theo các điều kiện mà bảo hiểm đã quy định. Người bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường hoặc chi trả tiền cho đối tượng được bảo hiểm trong trường hợp có rủi ro xảy ra.  

2. Trục lợi bảo hiểm là gì?

Hiện nay, hành vi trục lợi bảo hiểm đa phần đến từ việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm thu lợi bất chính. Các hoạt động kinh doanh bảo hiểm được nêu tại khoản 1 điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Vậy, có 04 hoạt động kinh doanh bảo hiểm được pháp luật cho phép sau: 

(1) Kinh doanh bảo hiểm;

(2) Kinh doanh tái bảo hiểm;

(3) Nhượng tái bảo hiểm;

(4) Các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm: 

+ Đại lý bảo hiểm;

+ Môi giới bảo hiểm;

+ Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. 

Đồng thời, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 tại khoản 4 Điều 9 quy định các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm bị nghiêm cấm gồm: 

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

… 

Như vậy, trục lợi bảo hiểm là hành vi cố tình vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm để thu lợi bất chính từ đối tượng được bảo hiểm. Việc trục lợi có thể đến từ người thụ hưởng hoặc đến từ doanh nghiệp bảo hiểm. 

3. Các mức xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm

Theo đó, căn cứ Điều 213 Bộ luật hình sự 2015, mức xử phạt của tội gian lận trong bảo hiểm được định khung hình phạt tùy vào đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và số tiền chiếm đoạt của hành vi này, cụ thể như sau: 

Đối với cá nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng khi thực hiện các hành vi sau

+ Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

+ Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu vi phạm:  

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

+ Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu: 

+ Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:

- Phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 213 Bộ luật hình sự 2015, với số tiền chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng: Phạm tội với số tiền chiếm đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên

- Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, mức phạt của gian lận trong kinh doanh bảo hiểm của pháp nhân phạm tội có thể lên đến 7.000.000.000 đồng và đối với cá nhân có thể bị phạt từ đến 07 năm tù.

Nguyễn Hải Phương Thảo
13

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn