22/03/2024 14:27

Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung thêm 03 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung thêm 03 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo tôi được biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Việc làm. Tôi muốn hỏi về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp? "Viết Đức - Bảo Lộc"

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố Dự thảo Luật Việc làm quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.

Những quy định có trong Dự thảo Luật Việc làm được áp dụng với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Dự thảo Luật Việc làm: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/du-thao-luat-viec-lam.docx

1. Đề xuất bổ sung thêm 03 đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Dự thảo, những đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

Đối tượng tham gia

Cụ thể

Người lao động

- Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên. Kể cả trường hợp 02 bên sử dụng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

- Trường hợp người lao động nêu trên không làm việc trọn thời gian mà có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

- Người làm việc theo HĐ làm việc.

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Trường hợp đang giao kết nhiều HĐLĐ thì người lao động và người sử dụng lao động của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 Dự thảo Luật Việc làm.

Đối tượng khác

Những đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Theo đó, 03 đối tượng mới được Bộ LĐTBXH đề xuất tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

- Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên.

- Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ những đối tượng không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Người đang làm việc theo HĐ thử việc.

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng.

- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng.

- Người giúp việc trong gia đình.

2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo đề xuất của Bộ LĐTBXH

Theo Điều 96 Dự thảo Luật Việc làm quy định có tất cả là 05 loại chế độ bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.

Đồng thời, quy định trên cũng nêu rõ Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm dựa theo tình hình kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo đề xuất của Bộ LĐTBXH

Cụ thể, Dự thảo Luật Việc làm đề xuất mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng.

- Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Đồng thời, tại Dự thảo Luật Việc làm cũng nêu rõ, hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định nêu trên và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này.

Trân trọng!

Phạm Ngô Hồng Phúc
285

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]