Hợp đồng dịch vụ là một hình thức hợp đồng phổ biến hiện nay. Vậy hợp đồng dịch vụ là gì? Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là gì? Có phải đóng bảo hiểm xã hội khi ký kết hợp đồng dịch vụ không?
Hợp đồng dịch vụ là loại hợp đồng được quy định tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc có thể thực hiện được, tuy nhiên công việc này không trái với quy định của pháp luật và trái với đạo đức xã hội.
Như vậy, dựa vào những điều trên, hợp đồng dịch vụ là việc bên sử dụng dịch trả tiền một khoản phí để bên cung ứng dịch thực hiện một công việc cụ thể. Có thể kể đến những hợp đồng dịch vụ phổ biến hiện nay như: Hợp đồng dịch vụ tổ chức sự kiện; hợp đồng dịch vụ quảng cáo trực tuyến; hợp đồng dịch vụ cho thuê phần mềm,...
Ngoài việc thực hiện một công việc không trái với quy định của pháp luật và trái với đạo đức xã hội, khi ký kết hợp đồng dịch vụ với bên sử dụng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ có những quyền và nghĩa vụ sau đây căn cứ vào Điều 517 và Điều 518 Bộ luật dân sự 2015:
Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Quyền của bên cung ứng dịch vụ
1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ cũng được pháp luật nêu rõ tại Điều 515 và Điều 516 Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa hai bên, các bên cần tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ để tránh những sai phạm không đáng có.
Theo điểm a khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, những đối tượng sau đây phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
….
Tuy nhiên, hợp đồng dịch vụ là thỏa thuận giữa hai bên về việc cung cấp dịch vụ và thanh toán cho dịch vụ đó, thời hạn của hợp đồng dịch vụ cũng do hai bên thỏa thuận, không phụ thuộc về thời gian, địa điểm mà chỉ cung ứng các dịch vụ theo yêu cầu. Do vậy, người cung ứng dịch vụ khi ký kết hợp đồng dịch vụ không phải là một trong những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, người cung ứng dịch vụ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khoản 4 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Mẫu Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ban hành kèm theo Quyết định 3511/QĐ-BHXH năm 2022: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/mau-to-khai-dang-ky-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-tren-cong-dich-vu-cong.docx