18/04/2024 11:00

Quy trình thành lập khu công nghệ cao thực hiện thế nào?

Quy trình thành lập khu công nghệ cao thực hiện thế nào?

Tôi muốn hỏi quy trình thành lập khu công nghệ cao thực hiện thế nào? “Đức Hòa - Bình Dương”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Quy trình thành lập khu công nghệ cao được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 10/2024/NĐ-CP. Cụ thể:

1. Hồ sơ thành lập khu công nghệ cao gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 10/2024/NĐ-CP thì hồ sơ thành lập khu công nghệ cao gồm những giấy tờ sau:

- Thành phần hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập bao gồm:

+ Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị thành lập khu công nghệ cao;

+ Đề án thành lập khu công nghệ cao.

- Đề án thành lập khu công nghệ cao gồm các nội dung sau:

+ Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu công nghệ cao;

+ Đánh giá hiện trạng, các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội, các hạn chế và lợi thế so sánh của khu vực đề xuất thành lập khu công nghệ cao so với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện thành lập khu công nghệ cao theo quy định tại Điều 5 Nghị định 10/2024/NĐ-CP (kèm theo các tài liệu có liên quan);

+ Dự kiến phương hướng phát triển khu công nghệ cao gồm: mục tiêu phát triển, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ cao; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong khu công nghệ cao; định hướng tổ chức các khu vực chức năng để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Luật Công nghệ cao 2008, sơ bộ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ quản lý;

+ Dự kiến tổng vốn đầu tư, các phương thức huy động các nguồn lực và phân định trách nhiệm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu công nghệ cao; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao;

+ Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;

+ Thể hiện phương án thành lập khu công nghệ cao trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000.

- Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đề nghị thành lập khu công nghệ cao bao gồm các nội dung chính như sau: căn cứ pháp lý; sự cần thiết và quá trình xây dựng đề án thành lập khu công nghệ cao; nội dung tóm tắt đề án thành lập khu công nghệ cao; đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí thành lập khu công nghệ cao; kiến nghị về việc thành lập khu công nghệ cao.

- Hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Nghị định 10/2024/NĐ-CP được lập thành 10 bộ (trong đó có 02 bộ hồ sơ bản chính), gửi cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ thành lập khu công nghệ cao theo quy định tại Điều 8 Nghị định 10/2024/NĐ-CP.

Như vậy, hồ sơ thành lập khu công nghệ cao bao gồm tờ trình Thủ tướng Chính phủ và đề án thành lập do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập. Nội dung đề án phải thể hiện được căn cứ pháp lý, đánh giá hiện trạng, phương hướng phát triển, vốn đầu tư,  giải pháp, bản đồ thể hiện phương án... Đồng thời, hồ sơ phải lập thành 10 bộ với 2 bộ gốc để trình Thủ tướng xem xét quyết định.

2. Trình tự, thủ tục thành lập khu công nghệ cao thực hiện thế nào?

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 10/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục thành lập khu công nghệ cao thực nhiện như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 10/2024/NĐ-CP, gửi cơ quan chủ trì trình thành lập khu công nghệ cao quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 10/2024/NĐ-CP;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thành lập khu công nghệ cao theo quy định, cơ quan chủ trì theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 10/2024/NĐ-CP gửi hồ sơ và văn bản lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có liên quan;

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và hồ sơ kèm theo, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản đối với nội dung thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình cho cơ quan lấy ý kiến;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ văn bản ý kiến, cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao đánh giá tổng hợp hồ sơ theo các nội dung quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 10/2024/NĐ-CP đối với thành lập, mở rộng khu công nghệ cao.

Lưu ý: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành lập Hội đồng tư vấn để làm rõ những vấn đề liên quan;

- Trong thời gian đánh giá hồ sơ, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, cơ quan chủ trì trình thành lập, mở rộng khu công nghệ cao có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện. Thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian đánh giá hồ sơ;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có), cơ quan chủ trì trinh thành lập khu công nghệ cao lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 10/2024/NĐ-CP trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập khu công nghệ cao.

Nội dung đánh giá hồ sơ thành lập khu công nghệ cao bao gồm:

- Cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập khu công nghệ cao;

- Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập khu công nghệ cao quy định tương ứng tại Điều 6 Nghị định 10/2024/NĐ-CP;

- Đánh giá tính khả thi về phương hướng phát triển của khu công nghệ cao; phương án huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu công nghệ cao và sự kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng của khu công nghệ cao đã được đầu tư; khả năng cân đối của ngân sách nhà nước;

- Đánh giá sơ bộ về hiệu quả đóng góp về khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội của việc thành lập khu công nghệ cao;

- Tính khả thi của các giải pháp thực hiện việc thành lập khu công nghệ cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan đánh giá hồ sơ đề nghị thành lập đối với khu công nghệ cao quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao 2008 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, trình tự, thủ tục thành lập khu công nghệ cao thực hiện theo các bước sau:

(1) UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị gửi cơ quan chủ trì trình thành lập khu công nghệ cao.

(2) Trong 05 ngày làm việc kể từ nhận đủ hồ sơ, cơ quan chủ trì gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

(3) Các cơ quan được lấy ý kiến có 20 ngày làm việc để gửi ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc lĩnh vực quản lý.

(4) Trong 05 ngày làm việc sau khi nhận đủ ý kiến, cơ quan chủ trì đánh giá tổng hợp hồ sơ theo các nội dung đề nghị thành lập khu công nghệ cao.

(5) Cơ quan chủ trì có thể tổ chức họp với các bên liên quan hoặc thành lập hội đồng tư vấn để làm rõ các vấn đề liên quan (nếu cần).

(6) Nếu có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, thời gian thực hiện không tính vào thời hạn đánh giá.

(7) Trong 05 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung, cơ quan chủ trì lập hồ sơ trình Thủ tướng quyết định.

Đồng thời, nội dung đánh giá hồ sơ bao gồm: cơ sở pháp lý, đáp ứng điều kiện, phương hướng phát triển, nguồn lực đầu tư, hiệu quả khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội, giải pháp thực hiện. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đánh giá trước khi trình Thủ tướng đối với khu công nghệ cao.

Hứa Lê Huy
255

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]