Theo quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 về giấy phép xây dựng được định nghĩa, như sau:
Văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Theo quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng 2014 về nội dung của giấy phép xây dựng, như sau:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung trên còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
Theo quy định tại Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019) về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị tại Việt Nam như sau:
- Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành
- Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai
- Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
- Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật xây dựng 2014
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 Luật xây dựng 2014.
Theo quy định tại Điều 106 Luật Xây dựng 2014 về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng, như sau:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng có các quyền sau:
+ Yêu cầu cơ quan cấp giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp giấy phép xây dựng.
+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng.
+ Được khởi công xây dựng công trình theo quy định của Luật.
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng có các nghĩa vụ sau:
+ Nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
+ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
+ Thông báo ngày khởi công xây dựng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014.
+ Thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng.
Như vậy, người đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng đã đăng ký, nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng, thông báo ngày khởi công xây dựng…