11/10/2022 16:44

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ

Do nhu cầu thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự để duy trì sản xuất nên công ty tôi muốn cho thôi việc một số nhân viên. Vậy pháp luật quy định thế nào về trường hợp này? “Minh Thư-Bình Dương”

Đối với thắc mắc của chị, THƯ VIỆN BẢN ÁN xin giải đáp như sau: 

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ

Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thay đổi cơ cấu công nghệ gồm các trường hợp sau:

- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

- Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.

2. Phải có phương án sử dụng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do thay đổi cơ cấu công nghệ

Tại Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2019 quy định trước khi chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do thay đổi cơ cấu công nghệ thì trước đó phải lập phương án sử dụng lao động với những nội dung cơ bản.

Theo đó, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;

- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;

- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;

- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.

Như vậy, Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải trả trợ cấp cho người lao động theo quy định pháp luật. Cụ thể:

- Trợ cấp thôi việc:

Khi hợp đồng lao động chấm dứt trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

- Trợ cấp mất việc làm:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã...

3. Một số bản án về chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu công nghệ

Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 20/2018/LĐ-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

- Trích dẫn nội dung: “Mặc dù trong phương án và các danh sách chấm dứt hợp đồng lao động có chữ ký của bà Th và đóng dấu của Ban chấp hành Công đoàn nhưng không có bất cứ biên bản nào thể hiện khi xây dựng phương án sử dụng lao động có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn. Tại biên bản làm việc ngày 24/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã làm việc đối với Ban chấp hành Công đoàn của Công ty thì những thành viên của Ban chấp hành Công đoàn đều cho rằng khi Công ty xây dựng phương án tái cơ cấu tổ chức vào ngày 09/5/2016 thì Công ty có mời Ban chấp hành Công đoàn tham gia trao đổi thống nhất số người được tiếp tục làm việc và số người phải nghỉ việc nhưng khi Công ty xây dựng phương án sử dụng lao động, Công ty không mời Ban chấp hành tham gia nên Ban chấp hành Công đoàn không biết được những người lao động nào bị Công ty cho nghỉ việc.”

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 08/2018/LĐ-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

- Trích dẫn nội dung: “Công ty trình bày lí do chấm dứt hợp đồng lao động vì Khách sạn B V kinh doanh không hiệu quả nên phải cho Công ty T thuê lại toàn bộ Khách sạn, thời điểm đó kinh tế khó khăn, khủng hoảng, kết quả kinh doanh của Khách sạn B theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán xác nhận thì năm 2014 Khách sạn B chỉ đạt lợi nhuận 71 triệu đồng, buộc Công ty phải tính toán lại hiệu quả kinh doanh, thay đổi cơ cấu cho thuê Khách sạn là hợp lý và không trái pháp luật. Hội đồng xét xử thấy Pháp luật không cấm người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu cho phù hợp để có thể mang lại hiệu quả cao hơn.”

Như Ý
10920

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]