07/05/2019 16:53

Lỗi trong xây dựng công trình và bồi thường thiệt hại

Lỗi trong xây dựng công trình và bồi thường thiệt hại

Khi mật độ dân số ngày càng tăng, các công trình kiến trúc cũng được xây dựng ngày càng nhiều thì việc một công trình trong quá trình xây dựng gây ra thiệt hại, ảnh hưởng đến các công trình khác cũng ngày càng phổ biến. Như vậy, cần làm gì để bảo đảm quyền và lợi ích các bên khi có thiệt hại xảy ra?

Điển hình, tại bản án 94/2019/DS-PT ngày 04/04/2019 về bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ việc:

“ Năm 2014 nguyên đơn (anh S và chị V) xây dựng nhà cấp 4 tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, diện tích 68m2 (ngang 4m, dài 17m), xây dựng không giấy phép. Năm 2017, anh H xây dựng hàng rào bê tông cao 4m, sát vách sau nhà nguyên đơn đồng thời anh H cho xe lu cán nền để tập kết cát, đá gây rung chuyển làm nứt vách tường, nhà xuống cấp trầm trọng. Nay nguyên đơn yêu cầu anh H bồi thường thiệt hại theo kết quả kiểm định giá là 47.800.000 đồng.

Tại bản án dân sự phúc thẩm, Tòa án cũng quyết định: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 155/2018/DS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh S và chị V; Buộc anh H và chị T có nghĩa vụ bồi thường cho anh S và chị V số tiền 28.680.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm tám mươi ngàn đồng) (60% tổng thiệt hại);

- Anh H và chị T có nghĩa vụ hoàn trả tiền chi phí kiểm định chất lượng công trình xây dựng cho anh S và chị V là 6.124.000 đồng (Sáu triệu một trăm hai mươi bốn ngàn đồng)“ .

Quyết định của Tòa án là phù hợp với quy định của pháp luật, bởi:

Thứ nhất, căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”. Trong vụ việc này, đã chứng minh được việc xây dựng hàng rào của vợ chồng anh H có gây thiệt hại cho tường và nền nhà của anh S nên anh H và chị T có nghĩa vụ bồi thường.

Thứ hai, về việc xác định lỗi của các bên khi thiệt hại xảy ra: Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD thì “Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có)”.

Như vậy, bên gây thiệt hại là anh H đã có lỗi khi không thực hiện theo quy định này của pháp luật là kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề để có phương pháp đảm bảo an toàn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy trong quá trình xây dựng.

Đồng thời, bên bị thiệt hại là anh S cũng có lỗi đối với thiệt hại xảy ra là xây dựng nhà không có thiết kế xây dựng và không có nền móng vững chắc nên không đảm bảo an toàn về mặt kỷ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Chính vì vậy, các bên sẽ chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình đối với thiệt hại đã xảy ra (căn cứ khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015).

Do đó, khi tiến hành xây dựng công trình thì chúng ta cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thiết kế công trình, giấy phép xây dựng, kiểm tra và ghi nhận tình trạng của bất động sản liền kề… để đảm bảo tối ưu quyền lợi của mình khi gây ra thiệt hại cho công trình khác hoặc bị công trình khác gây thiệt hại.

Ngọc Nhi
1834

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn