12/04/2021 14:01

Áp dụng tương tự pháp luật – thực tiễn xét xử

Áp dụng tương tự pháp luật – thực tiễn xét xử

Trong thực tiễn xét xử của Tòa án, áp dụng tương tự pháp luật vẫn thường được vận dụng trong một số trường hợp. Vậy khi nào thì Tòa áp dụng tương tự pháp luật trong xét xử và với những lập luận ra sao?

Tại Bản án 25/2019/DS-ST ngày 07/06/2019 về tranh chấp hợp đồng góp hụi có nội dung như sau:

“Trong các năm 2017 và 2018, bà T1 tham gia 01 dây hụi tháng và 03 dây hụi tuần, loại hụi hoa hồng và có lãi do vợ chồng bà Mai Thị C (tên ghi trong phơi hụi là N2), anh Trần Quốc T2 làm đầu thảo. Mỗi dây hụi bà T1 tham gia 01 phần, các phần hụi đều còn sống và đã góp tiền hụi đến ngày 23/8/2018 âm lịch thì bà C tuyên bố vỡ hụi ngưng khui.

Bà T1 đã đóng hụi số tiền là 18.600.000 đồng nên khi bà C vỡ hụi, bà T1 yêu cầu buộc bà C, anh T2 trả lại cho ông và bà T1 số tiền hụi”.

Tòa án nhân dân huyện Tam Bình đã quyết định Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Tuyết T1.Buộc bà Mai Thị C và anh Trần Quốc T2 cùng có trách nhiệm trả cho bà Võ Thị Tuyết T1 và ông Nguyễn Văn T3 số tiền 18.600.000 đồng.

Áp dụng quy định tương tự của pháp luật là trường hợp vận dụng quy định của pháp luật được xác lập đối với một hoàn cảnh cụ thể cho một hoàn cảnh tương tự nhưng chưa có giải pháp rõ ràng.

Một trong những đặc trưng của pháp luật dân sự là khả năng áp dụng quy định tương tự được ghi nhận rất phổ biến. Trong nhiều trường hợp cụ thể, Bộ luật dân sự đã ghi nhận khả năng này và các quy định sau đây cho thấy điều vừa nêu.

Bộ luật dân sự 2005 có quy định về nhà ở tại Điều 492 đến điều 499 nhưng không có quy định đối với thuê nhà để ở. Đối với thuê nhà không có mục đích để ở như để kinh doanh, để làm nhà xưởng thì Bộ luật dân sự 2005 ghi nhận khả năng áp dụng quy định tương tự tại Điều 500, theo đó “trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì quy định tại các điều từ điều 492 đến 499 của bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc thuê nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là thuê nhà ở”. Tương tự, Bộ luật dân sự 2005 có quy định về mua bán nhà từ điều 450 đến điều 454 nhưng không có quy định về mua bán nhà không có mục đích để ở và tại điều 455 quy định: Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì các quy định tại các điều từ Điều 450 đến Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc mua nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là mua nhà ở.

Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2005 có các quy định về mua bán tài sản từ điều 428 đến 448 nhưng có rất ít quy định liên quan đến trao đổi tài sản tại điều 463 và 464. Vì vậy các nhà làm luật đã áp dụng tương tự pháp luật tại khoản 4 điều  463 theo đó: “Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 428 đến Điều 437 và từ Điều 439 đến Điều 448 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.”

Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng từ điều 385 đến điều 429 không có quy định về hợp đồng vô hiệu. Trong khi đó về bản chất cho thấy hợp đồng cũng chính là giao dịch dân sự nên tại khoản 1 Điều 407 quy định “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”. Tương tự trong bộ luật dân sự có sự áp dụng qua lại các quy định của các loại hợp đồng với nhau, như trong khoản 2 Điều 455 về hợp đồng trao đổi tài sản có quy định: “Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”; khoản 1 Điều 501 về hợp đồng về quyền sử dụng đất: “Quy định chung về hợp đồng và nội dung của hợp đồng thông dụng có liên quan trong Bộ luật này cũng được áp dụng với hợp đồng về quyền sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Trong thực tiễn xét xử tại bản án nêu trên, Tòa án áp dụng các quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để giải quyết tranh chấp. Mặc dù, pháp luật không quy định việc chủ hụi tự ý ngưng khui hụi thì hụi viên đã góp hụi chưa lĩnh hụi được xem là đương nhiên rút khỏi dây hụi và được nhận lại tiền hụi đã góp.

Tuy nhiên, Tòa đã áp dụng thêm Điều 6 của Bộ luật Dân sự 2015 về áp dụng tương tự pháp luật quy định: “ Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.” và điểm a khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: “thành viên đã góp họ mà chưa lĩnh họ…được nhận lại các phần họ theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận, thành viên rút khỏi dây họ được nhận lại các phần họ đã góp tại thời điểm kết thúc dây họ…”.

Vì vậy, việc bà T1 yêu cầu bà C, anh T2 cùng có trách nhiệm trả lại số tiền hụi đã góp cho bà và ông T3 là có căn cứ đúng với quyền của hụi viên và nghĩa vụ của chủ hụi tham gia hụi hưởng hoa hồng, có lãi được quy định tại khoản 3 Điều 15, khoản 8 Điều 18 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, phù hợp với lẽ công bằng.

Trên đây là một ví dụ thực tiễn về áp dụng tương tự pháp luật trong xét xử tại Tòa án, bạn đọc tham khảo và cho ý kiến.

Quang Chính
6168

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn