18/02/2021 10:40

Vợ/chồng ngoại tình có bị hạn chế quyền nuôi con?

Vợ/chồng ngoại tình có bị hạn chế quyền nuôi con?

Xã hội càng hiện đại, việc ngoại tình lại càng phổ biến. Vậy, khi vợ hoặc chồng ngoại tình có ảnh hưởng đến quyền được nuôi con không và sẽ ảnh hưởng như thế nào? Mọi người cùng tìm hiểu qua bản án sau.

Điển hình, tại Bản án 15/2018/HNGĐ-PT ngày 04/05/2018 về tranh chấp ly hôn và nuôi con có nội dung tóm tắt như sau:

“Chị M và anh D tự nguyện kết hôn và có đăng ký kết hôn vào ngày 14/5/2015. Quá trình chung sống chị M cho rằng vợ chồng bất đồng quan điểm, thường cự cãi, anh D có hành vi đánh chị M. Anh D cho rằng nguyên nhân mâu thuẫn là do chị M có ngoại tình với người đàn ông khác, sự việc bị phát hiện nên chị M bỏ nhà đi từ ngày 08/10/2017. Nay anh/chị đồng ý ly hôn với nhau.

Vợ chồng có 01 con chung tên Lê Phương Th, sinh 01/4/2016 (thời điểm xét xử dưới 36 tháng tuổi), hiện nay anh D đang trực tiếp nuôi. Cả hai anh chị đều yêu cầu được nuôi con chung, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.”

Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nhận định:

Trong thời gian vợ chồng chung sống, chị M là người có lỗi dẫn đến vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và ly hôn. Cụ thể, trong 12 bức ảnh do anh D cung cấp để chứng minh chị M ngoại tình, chị M thừa nhận có 3 bức ảnh là hình ảnh của chị và bạn trai của chị M cùng nhiều tin nhắn từ điện thoại của chị M. Do đó, chị M đã vi phạm về nghĩa vụ và quyền giáo dục con theo quy định tại Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt cho con về mọi mặt…”. Ngoài ra, chị M không có chứng cứ gì để chứng minh mức thu nhập của mình. Nên không căn cứ cho rằng chị M có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con.

Xét thấy, chị M không đủ điều kiện để nuôi con theo quy định của pháp luật, do đó cần giao con cho anh D tiếp tục nuôi là phù hợp.

Từ đó Tòa án quyết định: Giao con chung tên Lê Phương Th, sinh 01/4/2016 cho anh Lê Đình D trực tiếp nuôi dưỡng.

Tòa án đã căn cứ vào việc chị M không chứng minh được mức thu nhập nên không có căn cứ xác định đủ điều kiện kinh tế nuôi con và việc chị M ngoại tình đã vi phạm về nghĩa vụ và quyền giáo dục con để xác định chị M không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Đối chiếu khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…”

Như vậy đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi như bản án trên thì quyền nuôi con sẽ thuộc về người mẹ trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.”

Vậy, việc ngoại tình không đương nhiên làm mất quyền nuôi con sau ly hôn của cha/mẹ nhưng đó là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc Tòa án tuyên giao quyền nuôi con cho ai. Như bản án trên Tòa án đã xác định việc ngoại tình của chị M là hành vi vi phạm nghĩa vụ và quyền giáo dục con và đó là một trong những nguyên nhân làm chị M không đủ điều kiện để nuôi con, từ đó Tòa án giao con chung cho anh D.

Nguyễn Sáng
3620

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]