24/03/2021 11:18

Lừa dối trong giao dịch dân sự - thực tiễn xét xử

Lừa dối trong giao dịch dân sự - thực tiễn xét xử

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể tính chất đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó. Vậy làm sao để có thể xác định được thế nào là lừa dối trong một vụ án thực tiễn và giải quyết giao dịch đó như thế nào?

Cụ thể trong Bản án số 13/2019/DSST ngày 20/08/2019 về tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có nội dung tóm tắt như sau:

“Khoảng thời gian năm 2016-2017 ông L nói với bà T Nhà nước có chính sách cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tin lời ông L, bà T đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L làm thủ tục cấp đổi. Sau đó ông L có yêu cầu bà T đến Văn phòng công chứng ký giấy, bà T có ký và điểm chỉ vào giấy để làm tủ tục cấp đổi giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một thời gian sau không thấy ông L giao lại giấy chứng nhận QSD đất, bà T yêu cầu ông L giao giấy để bà T chia đất lại cho các con, nhưng ông L lánh mặt. Đến năm 2018 bà T mới biết ông L chuyển quyền từ bà T sang tên ông L bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Nay, bà T yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T với ông L là giao dịch dân sự vô hiệu lý do bị lừa dối, yêu cầu Tòa án hủy các hợp đồng tặng cho.”

Kết quả Toà án nhân huyện Đất Đỏ đã tuyên giao dịch dân sự vô hiệu, hủy các hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nói của bà T cho ông L.

Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về việc lừa dối trong giao dịch dân sự nhưng việc xử lý lừa dối chỉ giới hạn ở chế tài hình sự. Ngày nay, hành vi lừa dối bị xử lý bằng các biện pháp dân sự. Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 cho phép tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối nhưng không cho biết lừa dối là gì. Bộ luật dân sự năm 1995 tiến bộ hơn và đã đưa ra khái niệm lừa dối tại khoản 1 điều 142 theo đó: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể tính chất đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó”. Bộ dân sự năm 2005 kế thừa Bộ luật dân sự năm 1995 với một số thay đổi. Cụ thể Theo Điều 132 Bộ luật dân sự 2005: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên để xác lập giao dịch đó”. Bộ luật dân sự 2015 duy trì quy định trên tại điều 127 theo đó “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự đến đã xác lập giao dịch đó”.

Vụ án được bình luận ở đây liên quan đến Hợp đồng được xác lập do lừa dối. Thông qua việc bình luận chúng ta sẽ làm rõ hai câu hỏi lớn là: Làm thế nào để xác định lừa dối? Nếu lừa dối tồn tại cần phải xử lý như thế nào? 

Với quy định của Bộ luật dân sự lừa dối là “hành vi”. Thông thường hành vi là những công việc cụ thể. Đó có thể là một hành động hoặc một lời nói hay cả hành động và lời nói. 

Theo bản án, ông L đã nói bà T đưa cho ông giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhà nước cấp lại giấy khiến bà T đưa cho ông L các giấy tờ để thực hiện việc cấp đối. Sau đó ông L có yêu cầu bà T đến Văn phòng công chứng ký giấy, bà T có ký và điểm chỉ vào giấy để làm tủ tục cấp đổi giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó cho thấy ông T có hành vi làm bà T hiểu sai lệch về hợp đồng tặng cho.

Để xác định lừa dối trong hợp đồng trên, tòa án xác minh và lập luận như sau:

- Nhận thấy bà T là người không biết chữ, việc công chứng phải có người làm chứng, người làm chứng phải là người không có quyền, lợi ích liên quan đến việc công chứng, trong khi đó ông N là người làm chứng và sau đó ông tham gia vào giao dịch đối tượng mà ông ký làm chứng.

- Bà T lớn tuổi không còn sức lao động, không có khả năng tạo ra tài sản thu nhập cho bản thân, quyền sử dụng đất là tài sản duy nhất.

- Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mặc dù được chuyển quyền cho bà T, bà T có quyền định đoạt nhưng bà T là người không biết chữ, bị hạn chế về hành vi dân sự, các con của bà T cũng cần phải biết việc chuyển quyền này, nhưng việc chuyển quyền trên các con bà T không được biết.

Từ những tình tiết đã phân tích như trên, Tòa có căn cứ cho rằng ông L đã có hành vi cố ý làm cho bà T hiểu sai lệch về nội dung giao dịch như bà T trình bày nên đã xác lập giao dịch, do đó yêu cầu của bà T là có căn cứ để chấp nhận. Xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa người tặng cho là bà Trần Thị T, với bên nhận tặng cho là ông Dương Văn L là giao dịch dân sự vô liệu do bị lừa dối, hủy các hợp đồng nêu trên.

Như vậy kết quả của giao dịch dân sự này là vô hiệu. Theo điều 132 Bộ luật dân sự 2005: ” Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc đe dọa thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu…”. Bộ luật dân sự 2015 duy trì quy định vừa nêu tại Điều 127 theo đó “ Khi một bên tham gia giao dịch dân sự cho bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”.

Quy định tương tự đã tồn tại trong Bộ luật dân sự năm 1995 tại khoản 1 Điều 142. Có lẽ Bộ luật dân sự đã kế thừa Pháp lệnh hợp đồng dân sự về việc cho phép tuyên bố hợp đồng được giao kết do lừa dối. Bởi lẽ pháp lệnh quy định khi một bên hợp đồng bị lừa dối thì có quyền yêu cầu tòa án xác định hợp đồng vô hiệu.

Trên đây là bản án về thực tiễn xét xử đối trường hợp ký kết hợp đồng do lừa dối, thường liên quan đến các tài sản có giá trị lớn như nhà, đất nên những người tham gia cần cẩn thận khi tham gia giao dịch.

Quang Chính
23433

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]