03/02/2021 13:46

Giấy vay tiền của người không biết chữ

Giấy vay tiền của người không biết chữ

Cuộc sống hiện giờ đã có nhiều tiến bộ, dân trí được nâng cao nhưng vẫn có trường hợp người không biết chữ tham gia vào giao dịch dân sự. Vậy khi xảy ra tranh chấp, tòa án sẽ xét xử như thế nào đối với những giao dịch dân sự như thế này?

Cụ thể trong Bản án số 06/2018/DS-PT ngày 16/01/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản có nội dung tóm tắt như sau:

“Từ năm 2002 đến năm 2014, bà Th khai rằng ông K’H nhiều lần vay tiền của bà (cụ thể từng lần thì bà không nhớ rõ) và mua phân bón, mua thuốc trừ sâu, mua hàng tạp hóa còn nợ của bà số tiền 157.500.000đ. Đến ngày 26/8/2014 giữa bà và ông K’H chốt nợ và có viết giấy nợ với nội dung ông K’H còn nợ bà số tiền 157.500.000đ. Đến ngày 22/01/2016, ông K’H trả cho bà được 35.000.000đ, còn nợ lại 122.500.000đ. Nay bà yêu cầu vợ chồng ông K’H phải trả số tiền còn nợ là 122.500.000đ, không yêu cầu tính lãi.

Còn ông K’H cho rằng ông không còn nợ bà Th nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà. Theo giấy nợ tiền ngày 26/8/2014 mà bà Th khởi kiện không phải là chữ ký của ông vì ông không biết chữ.”

Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Th.

Theo tòa án đã xác minh về trường hợp của ông K’H và có những chứng cứ như sau:

- Bà Nguyễn Thị Yến là thôn trưởng thôn 4, xã LN, huyện BL cho biết ông K’H, bà Ka M hiện cư trú tại thôn 4, xã LN, huyện BL không biết chữ, không biết viết, không đọc được chữ, không ký được chữ ký, không viết được tên của mình.

- Cán bộ tư pháp phụ trách việc đăng ký kết hôn của UBND xã LN cho biết vợ chồng ông K’H, bà Ka M có đăng ký kết hôn tại UBND xã LN vào ngày 30/10/2001 nhưng do không biết chữ nên không ký mà chỉ điểm chỉ vào sổ đăng ký kết hôn

Như vậy tòa án có đủ căn cứ để xác định rằng ông K’H không biết chữ, không biết viết, không đọc được chữ, không ký được chữ ký, không viết được tên của mình, vì vậy cần bảo vệ quyền lợi người không biết chữ là ông K’H.

Ở góc độ văn bản, chúng ta có thể thấy có một số quy định theo hướng bảo vệ người không biết chữ đối với giao dịch thể hiện bằng văn bản.

Trong Bộ luật dân sự chúng ta có quy định như trên. Đó là khoản 3 Điều 630, khoản 2 Điều 636 Bộ luật dân sự 2015 theo đó “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.”“Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.”

Trong Luật công chứng 2014 còn có quy định tại khoản 2 Điều 47 theo đó: “Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.”

Các quy định trên rõ ràng được đưa ra để bảo vệ người không biết chữ nhưng có phạm vi rất hẹp vì chỉ áp dụng cho di chúc và các văn bản công chứng nên sẽ có nhiều trường hợp không thể áp dụng cho các hợp đồng không có công chứng. Tuy nhiên, các quy định trên đã cho thấy việc bảo vệ người không biết chữ là cần thiết.

Theo vụ việc trên, chúng ta thấy tòa án có thiên hướng bảo vệ người không biết chữ khi họ tham gia vào giao dịch được thể hiện bằng văn bản. Tòa án đã quan tâm tới việc xác định ông K’H có biết chữ hay không chính là mấu chốt của vấn đề, xác định xong thì mới có thể đưa ra hướng xử lý. Bởi vì như vậy chúng ta mới có thể biết được họ có hiểu được những gì nêu ra trong văn bản hay không, hay giao dịch dân sự là lừa dối, giả mạo.

Sau khi xác định được ông K’H thật sự không biết chữ với những chứng cứ thuyết phục (lời chứng của trưởng thôn và Giấy đăng ký hôn) cho thấy hợp đồng vay tài sản thật sự có vấn đề khi có chữ kí của ông K’H. Tòa án xem các chứng cứ đều cho thấy giao dịch trên không hề có thật, trên cơ sở bảo vệ bảo vệ người không biết chữ đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà TH.

Trên đây là bản án về thực tiễn xét xử đối với người không biết chữ, mặc dù trong thời buổi hiện tại người không biết chữ còn rất ít nhưng thiết nghĩ, cần một văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm bảo quyền lợi khi tham gia giao dịch dân sự cho những đối tượng này.

Quang Chính
2588

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn