19/01/2021 13:47

Học bổng đã cấp, nhà tài trợ có đòi lại được không?

Học bổng đã cấp, nhà tài trợ có đòi lại được không?

Học bổng là khoản tiền trợ cấp nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên học tập từ các nhà tài trợ thiện nguyện. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nhà tài trợ đòi lại học bổng mà mình đã cấp. Vậy theo quy định hiện nay, liệu học bổng đã cấp thì có đòi lại được?

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 51/2020/DS-PT ngày 02/06/2020 về tranh chấp giao dịch dân sự cấp học bổng cho sinh viên có nội dung như sau:

Trường Đại học T4 có quỹ học bổng ITA do Công ty cổ phần đầu tư T sáng lập, Sinh viên Đỗ Nhật MT đã được quỹ học bổng này cấp 156.337.000 đồng, đến tháng 12 năm 2016 MT chính thức xin nghỉ học do nhà trường tăng học phí quá cao, sau đó nhà trường đã hai lần yêu cầu MT trả lại số tiền học bổng nhưng MT không trả nên Công ty CPT khởi kiện yêu cầu anh Đỗ Nhật MT phải “hoàn trả số tiền học bổng 156.337.000 đồng và số tiền bồi thường là 156.337.000 đồng, số tiền lãi tính từ ngày 01/3/2017 đến tháng 10 năm 2017 với lãi suất 1,4%/ tháng nên số tiền lãi là 43.774.360 đồng cùng lãi suất từ tháng 10 năm 2017 đến khi tòa án đưa vụ án ra xét xử””.

Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang nhận định: Hình thức tài trợ của Quỹ ITA là tài trợ trực tiếp cho người học thông qua cơ sở giáo dục nên thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 35/2011/TT-BGDĐT. MT có đủ điều kiện để được xét học bổng như Trường Đại học T đưa ra và M T cũng thực hiện đúng trách nhiệm của người được nhận học bổng. Do đó, Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu hoàn trả số tiền học bổng của nguyên đơn.

Trong vụ án trên, tranh luận giữa nguyên đơn và bị đơn chủ yếu xoay quanh việc xác định hình thức tài trợ của Quỹ ITA thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 35/2011/TT-BGDĐT hay không. Trường hợp quỹ tài trợ thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 35 thì việc tài trợ được pháp luật quy định rõ là “mặc nhiên không hoàn lại”. Song song với đó, nếu xác định quỹ tài trợ không thuộc đối tượng điều chỉnh của thông tư này thì việc đòi lại số tiền học bổng mà nguyên đơn đã cấp là có cơ sở. Như vậy việc xác định Thông tư 35 có điều chỉnh hình thức tài trợ của Quỹ ITA đã trở thành điểm mấu chốt để đưa ra kết quả giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 35/2011/TT-BGDĐT về các hình thức tài trợ mà thông tư điều chỉnh là mặc nhiên không hoàn lại:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

"

2. Học bổng, trợ cấp quy định tại Thông tư này là học bổng, trợ cấp được tài trợ không hoàn lại bằng tiền hoặc hiện vật từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài (sau đây gọi chung là nhà tài trợ) cho người học trong các cơ sở giáo dục với mục đích để hỗ trợ, khuyến khích người học phấn đấu học tập, rèn luyện và phát triển sự nghiệp giáo dục."

Trong đó, Thông tư 35/2011/TT-BGDĐT không điều chỉnh các hình thức tài trợ sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

"…

2. Thông tư này không áp dụng đối với các hình thức tài trợ sau:

a) Tài trợ trực tiếp cho người học không thông qua cơ sở giáo dục hoặc các cơ quan quản lý giáo dục;

b) Tài trợ cho người học tham gia tham quan, du lịch, giao lưu hoặc các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoài chương trình đang học tại cơ sở giáo dục;

c) Các tài trợ cho hoạt động chung của nhà trường."

Hội đồng xét xử đã giải thích theo hướng xác định việc tài trợ không thuộc điểm a khoản 2 Thông tư 35 “tài trợ trực tiếp cho người học không thông qua cơ sở giáo dục hoặc các cơ quan quản lý giáo dục”, vì khi không thuộc trường hợp trên thì việc tài trợ hiển nhiên sẽ thuộc đối tượng điểu chỉnh của thông tư 35 và cách gọi “tài trợ trực tiếp cho người học thông qua cơ sở giáo dục” chỉ là để phân biệt rõ là hình thức tài trợ không thuộc trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 35.

Trong vụ án, mặc dù nguyên đơn không thừa nhận mối quan hệ tài trợ với nhà trường, và không có văn bản, kết luận chính thức nào quy định rõ quỹ ITA hoạt động là tài trợ trực tiếp thông qua Đại Học T. Nhưng thông qua những văn bản và hoạt động thực tế mà trường Đại học T đã thực hiện như: “tại Quy định về học bổng ITA có ghi “Quỹ ITA vì tương lai giao cho trường Đại học T4 thực hiện và báo cáo hàng năm”, tại các Quyết định cấp học bổng đều thể hiện các sinh viên được nhận học bổng được xét theo danh sách đề nghị của Ban Giám hiệu trường Đại học T4, Phòng Học vụ Đại học T4 trách nhiệm thông báo đến sinh viên các quyết định này và Đại học T4, cùng các phòng ban, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành các quyết định này.” Đặc biệt, tại Kết luận Thanh tra số 04/KL-TTr ngày 23/01/2017 có đề nghị Trường Đại học T4 ban hành quy định về quy trình, thủ tục xét chọn và trao học bổng, trợ cấp của cơ sở giáo dục theo đúng quy định tại Thông tư 35/2011/TT-BGDĐT.

Với những căn cứ này, Tòa án đưa ra kết luận quỹ ITA tài trợ trực tiếp cho người học thông qua cơ sở giáo dục. Đồng thời, các công việc hỗ trợ của trường Đại học T4 cũng phù hợp với quy định Thông tư 35 điều chỉnh về việc tiếp nhận, xét chọn và trao tặng học bổng, trợ cấp. Việc Tòa án áp dụng Thông tư 35 để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư T về việc yêu cầu anh T1 phải trả số tiền học bổng đã nhận là đúng pháp luật.

Như vậy, có thể thấy rằng học bổng đã cấp cho học sinh, sinh viên vẫn có khả năng xảy ra tranh chấp nên khi nhận bất kỳ loại học bổng nào chúng ta cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trách nhiệm pháp lý để tránh những rủi ro tranh chấp về sau.

Đình Thiên
2267

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]