Điển hình tại Bản án 177/2020/HNGĐ-ST ngày 23/07/2020 về ly hôn giữa ông H và bà T, theo đó:
“Ông H kết hôn với bà T ngày 19-4-2016; có đăng ký kết hôn tại UBND xã H, huyện H, tỉnh Nam Định. Trước khi kết hôn hai bên đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của nhau và tự nguyện kết hôn. Trong thời gian chung sống giữa ông và bà T thường hay xảy ra cãi nhau, nguyên nhân do bất đồng quan điểm, tính cách không hợp nhau, cách ứng xử của bà T không tế nhị nên ông nhận thấy không có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Nay ông xác định không thể sống chung với bà T nữa nên xin được giải quyết cho ly hôn.
Bà T trình bày: Bà và ông H trong quá trình sống chung cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn cãi nhau nhưng mâu thuẫn không lớn. Từ khoảng tháng 09-2017 khi thấy bà bị bệnh tim thì ông H đối xử lạnh nhạt. Nay bà xác định tuổi đã cao, chỉ muốn yên phận gia đình, khi kết hôn ông H đã viết giấy cam kết yêu thương bà đến cuối đời nên bà không nhất trí ly hôn, yêu cầu ông H thực hiện theo đúng cam kết.”
Tòa án nhận định: Trong thời gian chung sống ông H và bà T có xảy ra mâu thuẫn bất hòa, tuy các bên còn có lời khai khác nhau về nguyên nhân xảy mâu thuẫn vợ chồng nhưng đều thừa nhận mâu thuẫn là có thật, ông H thường xuyên vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống với các con riêng. Xét thấy mâu thuẫn giữa ông H và bà T đã trầm trọng, đến nay ông H vẫn giữ yêu cầu xin ly hôn, tuy bà T không đồng ý ly hôn nhưng cũng không có giải pháp gì để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Do đó cần chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông Vương Thanh H đối với bà Đỗ Thị T là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình.
Qua bản án có thể thấy rằng, giấy cam kết yêu thương bà T đến cuối đời của ông H là không có giá trị pháp lý. Bởi vì, tuy Tòa án không trực tiếp bác bỏ giấy cam kết trên nhưng vẫn tuyên ông H được ly hôn với bà T dựa vào mối quan hệ hôn nhân của ông bà đã trầm trọng.
Như vậy, pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành không quy định khi hai bên kết hôn phải ký giấy cam kết bắt buộc sống với nhau suốt đời và không được ly hôn nên việc lập văn bản thỏa thuận như trên là không phù hợp. Vì vậy, “giấy cam kết yêu thương” không có giá trị pháp lý.