02/12/2022 15:32

05 Bản án áp dụng Án lệ 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc

05 Bản án áp dụng Án lệ 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc

Tôi muốn tìm một số vụ án thực tế Tòa án đã áp dụng Án lệ số 20/2018/AL để giải quyết? “Trọng Nhân-Tây Ninh”

Chào anh, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của anh như sau:

1. Nội dung Án lệ số 20/2018/AL:

“[2] Ông Trần Công T vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn L theo Thư mời nhận việc ngày 20-8-2013 với nội dung: “Loại hợp đồng lao động: Xác định thời hạn (12 tháng hoặc hơn). Thời gian thử việc: 02 tháng. Hết thời gian thử việc (từ ngày 09-9-2013 đến ngày 09-11-2013), ông T không nhận được thông báo kết quả thử việc nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Công ty trách nhiệm hữu hạn L cho rằng sau 02 tháng thử việc, ông T không đáp ứng được yêu cầu của công việc, nên Công ty đã quyết định cho ông T thử việc thêm 01 tháng để tạo điều kiện cho ông T hoàn thành nhiệm vụ và để có thêm thời gian đánh giá năng lực của ông T. Tuy nhiên, không có tài liệu nào thể hiện giữa ông T và Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã có thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời gian thử việc.

[3] Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động quy định thời gian thử việc “Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên". Tại Bản tự khai ngày 14-6-2014, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L trình bày: “Công ty hiểu rõ rằng, sau khi kết thúc thời gian thử việc (60 ngày) nếu chưa ký HĐLĐ thì người lao động được làm việc chính thức theo loại hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng”. Như vậy, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L thừa nhận rằng sau khi hết thời gian thử việc, ông T đã trở thành người lao động chính thức theo hợp đồng lao động có thời hạn là 12 tháng. Trên thực tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã thương lượng với ông T về việc chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 28-12-2013; khi thương lượng không có kết quả, ngày 29-12-2013 Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn L ra Quyết định số 15/QĐKL-2013 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định quan hệ giữa ông T với Công ty trách nhiệm hữu hạn L sau khi hết thời gian thử việc là quan hệ hợp đồng lao động."

2. Một số Bản án áp dụng Án lệ 20/2018/AL:

Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 13/2020/LĐ-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

- Trích dẫn nội dung: “Nội dung kháng cáo thứ tư bị đơn cho rằng nguyên đơn còn trong thời gian thử việc và tự ý chấm dứt hợp đồng là không phù hợp. Bởi lẽ, như nhận định phân tích ở nội dung kháng cáo thứ hai, thứ ba và lý do công ty nêu ra để chấm dứt hợp đồng lao động với bị đơn là không đáp ứng được yêu cầu của Lãnh đạo công ty. Bị đơn cho rằng nguyên đơn còn trong thời gian thử việc có nguyện vọng nghỉ việc nên công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này không được nguyên đơn thừa nhận, bị đơn cũng không có tài liệu gì chứng minh do ý chí tự nguyện của nguyên đơn còn những người làm chứng thì khai nhận là chỉ nghe nguyên đơn nói bị đơn cho nguyên đơn nghỉ việc. Bản án sơ thẩm căn cứ Điều 29 Bộ luật Lao động và án lệ số 20/2018/AL của Tòa án nhân dân tối cao xử buộc công ty Kubota Kusui Việt Nam bồi thường hợp đồng cho ông P.K.V các khoản bồi thường theo Điều 42 Bộ luật Lao động là có căn cứ.”

Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 03/2022/LĐ-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Long An

- Trích dẫn nội dung: “Xét thấy, Công ty A không chứng minh được ngày 01/7/2020 có giao cho ông D thông báo kết thúc quá trình thử việc, đồng thời Công ty vẫn trả lương cho ông D đến hết ngày 25/7/2020. Do đó cấp sơ thẩm xác định Công ty giao cho ông D Thông báo kết thúc quá trình thử việc vào ngày 24/7/2020 là có căn cứ. Như vậy, thời điểm kết thúc thử việc là ngày 04/7/2020 nhưng ông D vẫn lao động đến ngày 25/7/2020 thì Công ty mới cho ông D nghỉ việc nên cấp sơ thẩm xác định ngày 05/7/2020 là ngày giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 29 BLLĐ và Án lệ số 20/2018/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 về xác lập quan hệ lao động sau khi hết thời gian thử việc là có căn cứ.”

Bản án 14/2020/LĐ-ST ngày 30/09/2020 về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Bà Phạm Thị Mai P làm việc tại Công ty TH từ giữa 4/2019 theo thư mời làm việc ngày 24/4/2019. Trong nội dung thư mời, Ông T có đề nghị với bà P là sau 03 tháng khi vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu và có được một kết quả kinh doanh, ông sẽ đánh giá, sẽ xem xét lại lương và đề nghị mức lương xứng đáng với năng lực của bà P và tình hình công ty. Sau 03 tháng kể từ ngày nhận việc, bà P vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty và nhận đủ lương. Căn cứ vào Án lệ số 20/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì bà P đã hết thời gian 03 tháng làm việc, bà P vẫn tiếp tục làm việc mà giữa bà P và Công ty TH không có thỏa thuận nào khác, Hội đồng xét xử có cơ sở để xác định giữa Công ty TH và bà P đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.”

Bản án 886/2019/LĐ-PT ngày 09/10/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Trong quá trình thương thảo hợp đồng lao động, ngoài chi tiết công ty cố tình đưa ông đi xa xuống C 30 km, công ty còn ghi trong bảo thảo hợp đồng là nhân viên của bộ phận ông quản lý, ông Nguyễn Hồng Giang, người công ty yêu cầu ông xử lý kỷ luật trước đó lại quản lý, điều hành công việc trực tiếp của ông, tức giám đốc bộ phận thay vì chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, ông vẫn làm việc bình thường tại địa chỉ Quận G hơn 01 tháng, đó chính là cơ sở xác lập địa điểm làm việc của hợp đồng lao động chính thức. Do đó căn cứ vào các Điều 26, 27, 28, 29 Bộ luật lao động và Án lệ số 20/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao thông qua ngày 17/01/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn buộc bị đơn trả cho nguyên đơn.”

Bản án 01/2021/LĐ-PT ngày 28/01/2021 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

- Trích dẫn nội dung: “Ông B cho rằng sau hai lần ký hợp đồng thử việc nếu chưa ký hợp đồng lao động thì phải xác định ông B chính thức được làm việc theo Hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng như Án lệ số 20/2018/AL quy định về việc xác lập hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc, là không có căn cứ; bởi lẽ như ông B xác nhận: sau khi hết thời gian thử việc ông B đã nhận Giấy nhận xét kết quả thử việc ngày 15/6/2019 thông báo nội dung không đáp ứng yêu cầu công việc, kết quả thử việc không đạt yêu cầu nên Công ty không ký hợp đồng lao động với ông B. Đối chiếu với các quy định liên quan tại Quyết định số 127/VIR ngày 25/7/2013 về việc thành lập phòng ban và bộ phận nghiệp vụ của Công ty cổ phần Du lịch quốc tế V và Thông báo số 100/VIR ngày 07/5/2015 thì Trưởng bộ phận lễ tân ký Giấy nhận xét kết quả thử việc là đúng thẩm quyền. Ông B nêu ý kiến không chấp nhận thông báo kết quả thử việc, cho rằng ông Huỳnh Ngọc S, Trưởng bộ phận lễ tân Công ty cổ phần Du lịch quốc tế V không có thẩm quyền ký Giấy nhận xét kết quả thử việc và cũng không phải người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động, là không có căn cứ.”

Trân trọng!

Như Ý
4964

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn