26/11/2022 09:23

Tổng hợp giải đáp vướng mắc liên quan đến Án lệ kinh doanh thương mại và lao động

Tổng hợp giải đáp vướng mắc liên quan đến Án lệ kinh doanh thương mại và lao động

Tôi có thắc mắc: tôi đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc. Hết thời gian thử việc, tôi vẫn tiếp tục làm việc mà công ty không có thoả thuận khác thì giữa hai bên đã xác lập hợp đồng lao động chưa? "Ngoạc Hà- Đồng Tháp"

Phòng án lệ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đã tổng hợp giải đáp vướng mắc liên quan đến án lệ. Trong đó, có một số giải đáp liên quan đến Án lệ kinh doanh thương mại và lao động, cụ thể:

1. Giải đáp vướng mắc liên quan đến Án lệ Kinh doanh thương mại:

Câu hỏi 1: Người tiêu dùng có được quyền khởi kiện ra Tòa án Việt Nam trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài hay không?

Trả lời:

Theo Án lệ số 42/2021/AL có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2021, Trong hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khởi kiện ra Tòa án Việt Nam. Trường hợp này, phải xác định người tiêu dùng không lựa chọn trọng tài và có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết.

Quy định của pháp luật có liên quan:

- Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010;

- Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

- Khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

Câu hỏi 2: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai Công ty bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán. Trường hợp này Tòa án xác định tiền lãi do chậm thanh toán như thế nào?

Trả lời:

Án lệ số 09/2016/AL hướng dẫn như sau:

“- Tình huống án lệ:

Hp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm hướng dẫn như sau:

“Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì trong trường hợp này, để xác định tiền lãi do chậm thanh toán thì Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả.”

Quy định của pháp luật liên quan:

- Điều 34, Điều 37, khoản 3 Điều 297, 306 Luật thương mại 2005;

Câu hỏi 3: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai Công ty có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại. Trường hợp này, Tòa án có chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền lãi trên số tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại của không?

Trả lời:

Án lệ số 09/2016/AL hướng dẫn như sau:

“- Tình huống án lệ:

Hp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, người có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó.” Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì Tòa án xác định bên có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại.

Quy định của pháp luật liên quan:

- Các điều 300, 301, 302, 307 Luật thương mại 2005;

- Các điều 307, 422 Bộ luật dân sự năm 2005.

Câu hỏi 4: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại Quốc tế) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ thì L/C có bị mất hiệu lực thanh toán không?

Trả lời:

Áp dụng Án lệ số 13/2017/AL thì trường hợp này, Tòa án phải xác định thư tín dụng (L/C) không bị mất hiệu lực thanh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng (L/C) bị hủy bỏ.

Quy định của pháp luật có liên quan:

- Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015);

Quyết định số 226/2002/QĐ-NHNN ngày 26-3-2002 của Ngân hàng Nhà nước về “Quy chế hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”;

- Bản sửa đổi về quy tắc thực hành thống nhất tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại Quốc tế.

2. Giải đáp vướng mắc liên quan đến Án lệ lao động:

Câu hỏi 5: Người sử dụng lao động có thư mời làm việc với nội dung xác định loại hợp đồng lao động và thời gian thử việc. Người lao động đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc. Hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác thì người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập hợp đồng lao động chưa?

Trả lời:

Trường hợp này, theo Án lệ số 20/2018/AL, phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.

Quy định của pháp luật liên quan:

Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2012

Trân trọng!

Như Ý
1569

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]