04/08/2022 15:27

Có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi?

Có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi?

Tôi muốn hỏi quy định pháp luật có cho phép xử lý kỷ luật và đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi không? Và thực tiễn xét xử vấn đề này như thế nào?

- Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật lao động 2019 thì nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động

...

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng lao động không được tiến hành xử lý kỷ luật người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng. Và trong quy định này cũng hoàn toàn không có sự phân biệt giữa nam và nữ nên NLĐ nam đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì NSDLĐ không được xử lý kỷ luật.

Đồng thời, tại Điều 37 Bộ luật lao động 2019 cũng có quy định sau:

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Vậy, NSDLĐ cũng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Về thực tiễn xét xử, hiện tại chúng tôi chỉ mới thu thập được một bản án có nội dung xử lý kỷ luật và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Cụ thể, Bản án số 01/2021/LĐ-PT có nội dung như sau:

“Anh T là người lao động của Trung tâm đăng kiểm 82.01S. Trong quá trình làm việc, anh T có những sai phạm trong việc đăng kiểm phương tiện xe ô tô. Anh T không chấp hành ý kiến chỉ đạo điều hành của cấp trên, có hành vi kiến nghị, gọi điện đến các cơ quan cấp trên không đúng nguyên tắc, nội quy quy chế đơn vị gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Do đó, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 82.01S ký Quyết định về việc đình chỉ công tác đối với anh thời hạn đình chỉ 45 ngày từ ngày 19/11/2018. Ngày 21/01/2019, Trung tâm Đăng Kiểm có Quyết định kỷ luật anh T với hình thức kỷ luật cảnh cáo, đồng thời có Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh T. Không đồng ý với việc đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động trên, anh T khởi kiện đến yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc Trung tâm đăng kiểm nhận anh trở lại làm việc...

Hội đồng xét xử nhận định:

Đối với nội dung cho rằng anh T đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, HĐXX thấy rằng anh T không phải là người duy nhất của gia đình đang trực tiếp nuôi con nhỏ nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này… Từ những phân tích trên thấy yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đức T là không có cơ sở để chấp nhận.”

Có thể thấy, theo bản án trên thì Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum đã căn cứ vào việc anh T không phải là người duy nhất của gia đình đang trực tiếp nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên không áp dụng Điều 37 và Điều 122 Bộ luật lao động 2019 để xác định Trung tâm đăng kiểm 82.01S xử lý kỷ luật cũng như chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh T là trái luật.

Như vậy, pháp luật lao động quy định không được xử lý kỷ luật và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng trong thực tiễn xét xử thì Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum lại không đương nhiên áp đụng quy định này mà xem xét lao động nam này có phải người duy nhất của gia đình đang trực tiếp nuôi con nhỏ hay không.

Xét thấy, trong trường hợp này vẫn còn một khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tiễn xét xử. Cần thiết có văn bản hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Sáng
2804

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn