Dưới đây là tổng hợp 10 bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức xa thải:
1. Bản án 30/2018/LĐ-PT ngày 27/11/2018 về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
- Tóm tắt nội dung: Ngày 05/7/2016, ông Vũ Trọng Đ có đơn xin nghỉ phép với lý do (việc riêng) từ ngày 27/7/2016 đến ngày 30/9/2016 gửi bà Ngô Quỳnh L là Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự của Công ty. Tuy nhiên, từ ngày 05/7/2016 cho đến ngày xử lý kỷ luật lao động ông Đ, Công ty hoàn toàn không nhận được đơn xin nghỉ phép nào của ông Đ. Sau khi Công ty ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động thì ngày 13/10/2016, ông Đ mới đến Công ty nộp các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với lý do là “bị rối loạn tiêu hóa, viêm họng hay viêm phế quản, chăm con ốm...” cho Công ty là không chính đáng.
2. Bản án 22/2017/LĐ-PT ngày 01/12/2017 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động và tiền lương
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
- Tóm tắt nội dung: Ngày 09/12/2015, giữa Công ty TH và ông Tr ký Hợp đồng lao động số T847. Thời gian hợp đồng là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 09/12/2015 đến ngày 08/12/2016, mức lương tối thiểu là 3.400.000 đồng/01 tháng, ngoài ra tùy từng nơi làm việc sẽ có phụ cấp. Ông Tr thừa nhận chữ ký và chữ viết của mình tại Hợp đồng lao động số T847/02 nhưng không thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng. Ông Tr cho rằng Công ty TH chỉ trả lương cho ông Tr lương giờ hành chính là 9.500 đồng/01 giờ, lương làm thêm là 19.000 đồng/01 giờ, lương ngày lễ, tết là 29.000 đồng/giờ. Như vậy là không đúng với thỏa thuận tại Hợp đồng T847 mà hai bên đã ký kết.
3. Bản án 01/2019/LĐ-ST ngày 20/06/2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Sơ thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
- Tóm tắt nội dung: Ngày 28/01/2019, chị Đặng Thị Ngọc D ký hợp đồng lao động làm việc tại Công ty V thời hạn 12 tháng. Ngày 07/3/2019, Cty V có Quyết định số 001/2019/QĐ-V xử lý kỷ luật sa thải chị D; lý do là do chị D đánh người gây thương tích. Không đồng ý việc xử lý kỷ luật nêu trên chị D khởi kiện.
4. Bản án 01/2019/LĐ-ST ngày 04/07/2019 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm kỷ luật lao động
- Cấp xét xử: Sơ thẩm
- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
- Tóm tắt nội dung: Ngày 01/3/2017, công ty TNHH N ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với anh Đinh Công S. Ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương (10/3) công nhân sẽ được nghỉ. Tuy nhiên, ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 gần với ngày lễ 30/4 và 01/5 nên lãnh đạo công ty TNHH N có chủ trương cho công nhân hoán đổi ngày làm việc. Chiều ngày 24/4/2018, lãnh đạo công ty đã mời anh S lên văn phòng công ty để giải thích, thuyết phục anh S đi làm ngày 25/4/2018 nhưng anh S vẫn giữ nguyên ý kiến yêu cầu nếu đi làm thì phải được trả 300% lương, nếu không trả thì sẽ không đi làm và lãnh đạo công ty không đồng ý trả cho anh S 300% lương.
5. Bản án 372/2019/LĐ-PT ngày 03/05/2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Tóm tắt nội dung: Ông Hồng Châu Quốc H và ông T thuộc tổ Kho vận, Phòng kinh doanh đã xảy ra tranh cãi với nhau. Ông T được đồng nghiệp chở đi cấp cứu tại bệnh viện 115, quá trình mổ và điều trị từ ngày 07/02/2017 đến ngày 14/02/2017. Ngày 17/2/2017, Công ty P gọi ông T và ông H đến nhưng không nói rõ lý do để làm gì. Khi đến Công ty P, ông T mới biết là tham dự một buổi xử lý kỷ luật lao động. Kết quả là ông T và ông H bị sa thải. Công ty P đã không thông báo trước vì thế ông T không có thời gian tìm hiểu kiến thức luật lao động nên đã ký tên vào biên bản xử lý kỷ luật.
6. Bản án 07/2019/LĐ-PT ngày 10/05/2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai
- Tóm tắt nội dung: Ông Trần Xuân D là nhân viên hợp đồng của Trường B. Hàng tháng ông chỉ ký đối chiếu bảng lương cho Trường và nhận tiền lương nên ông không được cung cấp các bảng lương. Trong thời gian làm việc tại Trường thì ông không có bất kỳ một vi phạm kỷ luật lao động nào nhưng vào ngày 29/9/2015 thì Trường lại không cho ông vào làm việc với lý do là ông đã vệ sinh máy lạnh bằng nước bẩn. Đến ngày 19/10/2015 thì nhân viên của Trường giao cho ông Thông báo v/v chấm dứt hợp đồng lao động. Tại buổi làm việc này thì Trường thuyết phục ông làm đơn thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động chứ không có họp xét kỷ luật lao động.
7. Bản án 02/2018/LĐ-PT ngày 08/05/2018 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Tóm tắt nội dung: Bà H bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH vào ngày 15/10/2012. Ngày 04/3/2016 Công ty H ban hành Quyết định xử lý kỷ luật số 00415-HR/2016 sa thải bà H kể từ ngày 04/3/2016, với lý do bà H tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày không có lý do chính đáng. Theo bà H thì việc Công ty H cho rằng bà H nghỉ việc không phép từ ngày 26/9/2015 đến ngày 02/10/2015 là không đúng vì bà H có làm đơn xin nghỉ được ông Steve C - Phó chủ tịch bộ phận tiếp thị kinh doanh quốc tế ký duyệt. Sau đó bà H giao đơn này cho nhân viên trực tiếp dưới quyền là bà Trần Huỳnh Vũ L chuyển đơn nghỉ phép của bà H cho bộ phận chấm công của Công ty H.
8. Bản án 09/2019/LĐ-PT ngày 23/05/2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai
- Tóm tắt nội dung: Ông Ung Hoài T được Công ty trách nhiệm hữu hạn H tuyển dụng làm Tổng Giám đốc. Ngày 28/9/2015, ông T được mời tham dự cuộc mạn đàm giữa các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư tại Việt Nam. Ông T khuyến nghị các doanh nghiệp nước ngoài nên sử dụng dịch vụ của các công ty luật chuyên xin phép đầu tư hay các công ty tư vấn thuế. Một số ý kiến của các cử tọa khác (người Đan Mạch) không đồng ý với ý kiến của ông T vì cho rằng là gián tiếp hối lộ. Các cử tọa được tự do tham dự, phát biểu bằng tiếng Anh nên ông T không có phiên dịch cũng như biên bản cuộc họp. Ông T nhận được điện thoại từ một lãnh đạo của tập đoàn ở Đan Mạch yêu cầu trình bày lại sự việc ngày 28/9/2015 và Công ty H đã ban hành quyết định tạm đình chỉ đối với ông T gửi qua email và bưu điện. Sau đó, Công ty H khóa email và ông T không thể liên lạc được với công ty.
9. Bản án 02/2019/LĐ-PT ngày 12/04/2019 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai
- Tóm tắt nội dung: Ngày 28/7/2017, Công ty R thông báo do bà Trần Thị Thanh C, bà K có mâu thuẫn với nhau và phòng thí nghiệm đang dư người nên chuyển bà C xuống xưởng làm thống kê nhưng bà C không đồng ý. Công ty K thỏa thuận trả cho bà C 01 tháng lương để chấm dứt hợp đồng nhưng bà C yêu cầu 04 tháng lương. Ngày 07/8/2017, Công ty R tiếp tục thỏa thuận đền bù 02 tháng lương để chấm dứt hợp đồng với điều kiện bà C phải tự viết đơn xin nghỉ việc nhưng bà C không đồng ý. Công ty R tiếp tục gọi bà C lên phòng nhân sự và yêu cầu ký vào Biên bản họp xử lý kỷ luật đã được chuẩn bị từ trước, không có ghi ngày tháng nhưng bà C không đồng ý ký tên.
10. Bản án 01/2018/LĐ-ST ngày 22/05/2018 về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
- Cấp xét xử: Sơ thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Dương
- Tóm tắt nội dung: Ngày 20-5-2017, công ty A ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động sa thải ông Lê Ngọc S với nội dung ông S đã có hành vi tắc trách trong công việc gây ra hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến quyền lợi công ty A. Công ty A không mở phiên họp xử lý kỷ luật lao động, ông S không được mời dự bất kỳ phiên họp nào. Chủ công ty A chỉ gọi ông S lên phòng làm việc và đưa cho ông S xem một số bức ảnh về hàng bị lỗi, cũng không nói rõ lô hàng này xuất đi từ thời gian nào, lỗi tại công đoạn nào. Đến ngày 20-5-2017, ông S vẫn đi làm bình thường thì công ty A giao quyết định và nói ông S nghỉ việc luôn ngày 20-5-2017.