Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 29/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 29/2023/DS-PT NGÀY 07/02/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 07 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT-DS ngày 06 tháng 01 năm 2021 về tranh chấp thừa kế tài sản.Do Bản án sơ thẩm số 26/2020/DS-ST ngày 11-9-2020 (được sửa chữa, bổ sung tại Quyết định số 414/2020/QĐ-SCBA ngày 21-9-2020) của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 346/2023/QĐPT-DS ngày 12-01-2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: ông Trần Thanh S sinh năm 1948; trú tại: khu 1, phường D, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; có mặt.

- Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê H L - Công ty luật hợp danh H; có mặt.

- Bị đơn: ông Trần Xuân T sinh năm 1952 và bà Nguyễn Thị D sinh năm 1957; đều trú tại: khu 8, xã V, huyện L, tỉnh Phú Thọ; đều vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Phú Thọ; đề nghị xét xử vắng mặt.

+ Ông Trần Thanh H sinh năm 1960; trú tại: tổ 6, phố P, phường T, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông H ủy quyền cho ông S tham gia tố tụng; có mặt.

+ Chị Trần Thị Hồng N sinh năm 1984; trú tại: xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; vắng mặt.

+ Chị Trần Thị A sinh năm 1986; trú tại: khu 6, xã V, huyện L, tỉnh Phú Thọ; vắng mặt.

- Người kháng cáo: nguyên đơn ông Trần Thanh S và bị đơn bà Nguyễn Thị D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Trần Thanh S trình bày: bố mẹ ông là cụ Trần Khương X và cụ Nguyễn Thị Y sinh được 03 người con là Trần Thanh S, Trần Xuân T, Trần Thanh H. Cụ X chết năm 1982 và cụ Y chết năm 1983, hai cụ không để lại di chúc. Hai cụ để lại 01 thửa đất diện tích 500 m2 ở tại khu 11, xã V, huyện L, tỉnh Phú Thọ. Khi bố mẹ chết thì ông Trần Xuân T và vợ con tiếp tục sử dụng và ở trên diện tích đất cho đến nay. Năm 1997 được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phong Châu cấp GCNQSDĐ đứng tên bà Nguyễn Thị D. Năm 2014 được UBND huyện L cấp lại GCNQSDĐ mang tên hộ bà Nguyễn Thị D và ông Trần Xuân T diện tích là 573,6 m2. Ông S và ông H đã nhiều lần nói chuyện với ông T, bà D về việc để lại 1 phần đất để xây nhà từ đường nhưng ông T và bà D không đồng ý. Ông đề nghị Tòa án chia thừa kế theo qui định của pháp luật đối với tài sản bố mẹ ông để lại là thửa đất diện tích trên và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà D và ông T.

Bị đơn bà Nguyễn Thị D trình bày: năm 1977 bà kết hôn với ông Trần Xuân T. Sau khi cưới, ông T đi bộ đội, bà ở cùng bố mẹ chồng, ở tại mảnh đất hiện nay khu 8, xã V, huyện L, tỉnh Phú Thọ. Ngày 06/2/1979 (âm lịch) bố mẹ chồng cho bà ăn riêng nhưng vẫn ở cùng nhà. Ra ở riêng cũng trên mảnh đất hiện nay đang ở. Thời gian bố mẹ mất không đúng như ông S đã trình bày. Trong quá trình chung sống cùng bố mẹ chồng bà là người chăm sóc và lo toàn bộ công việc gia đình, còn khi bố chồng mất thì bà và ông S (anh trai ông T) cùng lo liệu khi đó ông H chưa có vợ. Sau khi mẹ chồng mất thì bà và ông T cùng con gái lớn vẫn ở trên nhà và đất hiện tại, khi đấy trên đất có ngôi nhà xây cấp bốn, 04 gian nhà ở và 02 gian bếp). Ông S có nói với vợ chồng bà là cho vợ chồng bà ở nhà và đất của bố mẹ chồng bà nhưng phải lo việc công việc thờ cúng ngày rằm mùng 1 và giỗ chạp bố mẹ chồng. Từ khi bà về ở cùng bố mẹ chồng thì bố mẹ chồng bà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 1993 UBND huyện đo đạc lại toàn bộ diện tích đất. Năm 1997 thì gia đình bà được cấp GCNQSD mang tên Nguyễn Thị D, quyền sử dụng đất 3076 m2. Trong đó có 500 m2 đất thổ cư (200 m2 đất ở, 300 m2 đất vườn), tờ bản đồ số 10, thửa số 283, số còn lại là đất trồng trọt. Khi cấp 500 m2 đất ở thì có 140 m2 là đất trồng trọt theo khẩu của bà chuyển vào.

Năm 2014 gia đình bà được cấp lại GCNQSD thửa đất trên cho vợ chồng bà và mang tên Trần Xuân T và Nguyễn Thị D, thửa 293, tờ bản đồ số 29, diện tích 573,6 m2. Do nhà của bố mẹ chồng thấp hơn so với mặt đê nên hàng năm vợ chồng bà vẫn cải tạo đất, tôn đất cho nhà ở cao lên. Năm 1996 vợ chồng bà làm một ngôi nhà cấp ba trên đất giáp đường đê, năm 1998 vợ chồng bà làm bếp 2,5 gian hiện vẫn còn, đến năm 2016 gia đình bà đập nhà cấp 3 đi và xây nhà hai tầng hiện nay.

Ông S khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông S, vì gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ UBND huyện L trình bày:

Năm 1993 thực hiện chủ trương cấp giấy CNQSD đất cho nhân dân trên địa bàn xã V, sau khi đo đạc xong đã thực hiện việc kê khai. Căn cứ kết quả kê khai, Hội đồng đăng ký đất đai xã V đã tiến hành xét duyệt và làm thủ tục để UBND huyện Phong Châu cấp giấy CNQSD đất cho hộ bà D. Việc ông S yêu cầu hủy bỏ giấy CNQSD đất đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

+ UBND xã V:

Việc triển khai cấp đổi giấy CNQSD đất cho nhân dân trong toàn xã từ năm 2001, tiến hành đo đạc đến 2014 mới hoàn thiện và được cấp giấy CNQSD đất, không cấp lẻ nên việc tranh chấp giữa những hộ thì UBND xã không nắm được. Việc diện tích đất của hộ bà D tăng lên là do đo đạc chứ bà D không có chuyển nhượng gì. Đề nghị bà D cắt một phần đất cho ông S để tránh việc thu hồi giấy CNQSD đất và giữ được tình cảm gia đình.

Tại biên bản định giá của Hội đồng định giá đất là 9.300.000 đồng/m2.

Tại Bản án số 26/2020/DS-ST ngày 11-9-2020 (được sửa chữa, bổ sung tại Quyết định số 414/2020/QĐ-SCBA ngày 21-9-2020), Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã căn cứ Điều 36 pháp lệnh thừa kế năm 1990; các điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 618 và khoản 1 Điu 623 Bộ luật dân sự năm 2015; các điều 50 và 138 Luật đất đai năm 2003; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; khoản 5 Điều 26; khoản 4 Điều 34; khoản 2 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thanh S đề nghị chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị D và ông Trần Xuân T.

Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BV 962553 ngày 08/9/2014 của UBND huyện L đã cấp cho hộ bà Nguyễn Thị D và ông Trần Xuân T.

Xác định diện tích 307,6 m2 đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông T bà D (tại diện tích có ngôi nhà ba tầng, có sơ đồ kèm theo).

Xác định di sản của cụ X và cụ Y để lại là 266 m2 đất (trong đó có 133,3 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm).

Xác định hàng thừa kế gồm ba người là: ông Trần Thanh S, Trần Xuân T và ông Trần Thanh H. Mỗi người được hưởng là 88,66 m2 đất.

Chia di sản như sau:

+ Giao cho ông Trần Thanh S và ông Trần Thanh H diện tích 177,3 m2 đất = 164.889.000 đồng (trong đó có 133,3 m2 đất ở, 44 m2 đất trồng cây lâu năm) tại khu 8, xã V, huyện L, tỉnh Phú Thọ (có các điểm: 3’, 4, 5, 6, 6’, 3’ - có sơ đồ kèm theo).

+ Giao cho ông S và ông H để sở H và sử dụng một số tài sản trên đất đã được giao gồm: một ngôi nhà cấp bốn = 155.331.000 đồng, một bức lan can giáp với nhà mới xây = 3.038.843 đồng, một bức tường dài 5,5 m = 3.038.843 đồng, một nhà tắm, trên có một bể nước, một giếng khoan năm 1996 (đều đã hết khấu hao), tổng đoạn tường rào xây bao quanh diện tích đất được giao 5,9 m + 6,5 m + 27,79 m = 40,19m dài = 27.301.000 đồng.

Tổng hai ông được giao trị giá tài sản là 353.598.000 đồng (lấy số chẵn).

+ Buộc ông Trần Thanh S và ông Trần Thanh H phải thanh toán cho ông T, bà D các khoản tiền sau:

- Thanh toán 2/3 trị giá ngôi nhà cấp bốn là 103.554.000 đồng, một bức lan can giáp với nhà mới xây = 3.038.843 đồng, một bức tường dài 5,5m = 3.038.843 đồng. Tổng các đoạn tường rào xây bao quanh diện tích đất = 27.301.000 đồng.

- Tiền đổ đất 177,32 m2 = 39.897.000 đồng.

- Tiền bảo quản duy trì tài sản: 500.000 đồng /năm x 37 năm = 18.500.000 đồng.

Tổng là 195.329.000 đồng (lấy số chẵn).

+ Buộc ông T, bà D phải di dời toàn bộ cây cối có trên phần diện tích đất của ông S, ông H, nhưng ông S, ông H phải trả công di dời 100.000 đồng/cây (số cây có trong biên bản thẩm định tại chỗ - theo biên bản định giá ngày 27/3/2020).

Ngoài ra Tòa án án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí thẩm định, định giá tài sản; về nghĩa vụ thanh toán tiền lãi đối với khoản tiền chưa thi hành án theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Ngày 22/9/2020, nguyên đơn là ông Trần Thanh S kháng cáo cho rằng di sản thừa kế bố mẹ để lại là 573,6 m2 đất. Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 307,6 m2 (có ngôi nhà 3 tầng) thuộc phần sử dụng của gia đình bà T nên cho rằng di sản thừa kế còn lại là 266 m2 là không đúng.

Ngoài ra, ông S còn đề nghị xem xét lại quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về các khoản tiền tôn tạo đổ đất, bảo quản duy trì tài sản và việc buộc nguyên đơn thanh toán 2/3 trị giá ngôi nhà cấp 4, do gia đình bà T cố ý xây dựng trên thửa đất đang có tranh chấp.

Ngày 25/9/2020, bị đơn là bà Nguyễn Thị D kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm thụ lí, giải quyết vụ án là không đúng, vì thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Nguyên đơn và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đề nghị chấp nhận kháng cáo, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên.

Bị đơn kháng cáo vắng mặt không có lí do.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có ý kiến:

- Đối với kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị D:

Bà D đã được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng đều vắng mặt (không có lí do) nên bị coi là từ bỏ kháng cáo, đề nghị Tòa án tiến hành xét xử đối với kháng cáo của nguyên đơn.

- Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy có căn cứ xác định di sản của cụ X, cụ Y để lại là 573,6 m2 đất. Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 307,6 m2 (có ngôi nhà 3 tầng) thuộc phần sử dụng của gia đình bà T nên cho rằng di sản thừa kế còn lại là 266 m2 để chia thừa kế là không đúng; đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]. Về kháng cáo của bị đơn Nguyễn Thị D Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo. Bị đơn là bà D đã được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vào ngày 04-01-2023 và triệu tập hợp lệ lần thứ hai vào ngày 07-02-2023 nhưng bà D đều vắng mặt (không có lí do) nên bị coi là từ bỏ việc kháng cáo; tuy nhiên, trong trường hợp này vụ án còn kháng cáo của nguyên đơn nên không thuộc trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm.

[2]. Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền và thời hiệu khởi kiện: nguyên đơn là ông Trần Thanh S đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Nguyễn Thị D, ông Trần Xuân T để chia di sản thừa kế do cụ X, cụ Y để lại đối với diện tích đất 573,6 m2; việc khởi kiện của ông S là bảo đảm thời hiệu khởi kiện theo quy định. Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ thụ lí, giải quyết vụ án là đúng.

[3]. Về nội dung - Về việc xác định di sản thừa kế Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có căn cứ xác định cụ X và cụ Y có 3 người con là các ông Trần Thanh S, Trần Thanh T và Trần Thanh H. Hai cụ để lại di sản là thửa đất diện tích, theo sổ mục kê là 500 m2; đo thực tế là 573,6 m2, theo xác minh diện tích tăng thêm là do đo đạc không có chuyển nhượng, khai hoang; sau khi hai cụ chết, vợ chồng ông T, bà D quản lí, sử dụng thửa đất này. Khi chết, hai cụ không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, toàn bộ thửa đất 573,6 m2 nêu trên là di sản thừa kế; vào các năm 2103, 2014, ông S đã đề nghị phân chia tài sản nhưng gia đình bà D không đồng ý.

Khi yêu cầu của ông S chưa được giải quyết thì năm 2016, gia đình bà D đã đập bỏ nhà cũ xây dựng ngôi nhà 3 tầng trên diện tích 307,6 m2. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng diện tích 307,6 m2 nêu trên thuộc quyền quản lí, sử dụng của gia đình bà D, ông T nên xác định di sản thừa kế còn lại là 266 m2 để phân chia thừa kế cho các đương sự là không đúng.

- Về việc xác định công sức đóng góp trong việc san lấp, tôn tạo, bảo quản di sản Tòa án cấp sơ thẩm xác định công bảo quản duy trì tài sản từ khi cụ Y chết vào năm 1983 đến khi xét xử sơ thẩm là 37 năm là 18.500.000 đồng (mỗi năm 500.000 đồng. Không xác định cụ thể là bảo quản tài sản nào, phần tài sản phân chia cho nguyên đơn hay toàn bộ di sản trong đó có phần tài sản chia cho gia đình bà D nhưng lại buộc ông S, ông H thanh toán toàn bộ số tiền nêu trên là không có căn cứ.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, bà D khai chi phí san lấp, tôn tạo thửa đất, cụ thể tôn phần đất nhà cao 7 m và phần đất vườn lên 5 m; trong khi đó nguyên đơn là ông S cho rằng thực tế chỉ tôn nền lên 3 m; các tình tiết liên quan đến việc xác định cụ thể phần công sức san lấp, tôn tạo thửa đất chưa được thu thập, xác minh làm rõ (chi phí mua đất, thuê san lấp …) để có quyết định chính xác.

Các tình tiết liên quan nêu trên chưa được thu thập đầy đủ và không thể giải quyết tại phiên tòa phúc thẩm; nên có căn cứ hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

[4]. Về án phí: các đương sự không phải nộp án phí phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 và khoản 3 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Hủy Bản án số 26/2020/DS-ST ngày 11-9-2020 (được sửa chữa, bổ sung tại Quyết định số 414/2020/QĐ-SCBA ngày 21-9-2020) của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

254
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 29/2023/DS-PT

Số hiệu:29/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về