TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VĨNH LONG, TỈNH VĨNH LONG
BẢN ÁN 39/2022/DS-ST NGÀY 28/04/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ
Trong các ngày 27 và 28 tháng 4 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long xét xử sơ thẩm công khai vụ án, thụ lý số: 57/2020/TLST-DS, ngày 25/3/2020, về "Tranh chấp thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 29/2022/QĐXXST-DS ngày 31 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Biện Công N, sinh năm 1956; địa chỉ: đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (Vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông N: Ông Nguyễn Minh T, sinh năm 1969;
địa chỉ: đường N, phường M, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (theo giấy ủy quyền ngày 24/4/2020) (Có mặt).
- Bị đơn: Bà Biện Thị B, sinh năm 1951; địa chỉ: đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long. Tạm trú: đường N, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (Vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của bà B: Chị Võ Ngọc Bích H, sinh năm 1977; địa chỉ: đường M, phường B, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (theo giấy ủy quyền ngày 15/6/2020) (Có mặt).
- Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1954 (Vắng mặt) 2. Anh Biện Công Th sinh năm 1988 (Có mặt) Cùng địa chỉ: đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long.
Người đại diện theo ủy quyền của bà L và anh Th: Ông Nguyễn Minh T, sinh năm 1969; địa chỉ: đường N, phường M, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (theo giấy ủy quyền ngày 24/4/2020) (Có mặt).
3. Chị Võ Ngọc Bích H, sinh năm 1984 (Vắng mặt).
4. Anh Biện Công Phú Q sinh năm 1995 (Vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long.
5. Bà Lư Thị Lan H, sinh năm 1953 (Vắng mặt).
6. Anh Biện Công D, sinh năm 1979 (Vắng mặt).
7. Anh Biện Công T, sinh năm 1981 (Vắng mặt).
8. Chị Biện Thị Bích Ph, sinh năm 1985 (Vắng mặt).
9. Chị Biện Thị Hồng Nh, sinh năm 1995 (Vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Ấp Ph, xã L, huyện L, tỉnh Vĩnh Long.
Người đại diện ủy quyền của bà H, anh T, chị Ph và chị Nh là: Anh Biện Công D, sinh năm 1979; địa chỉ: ấp Ph, xã L, huyện L, tỉnh Vĩnh Long (Vắng mặt) 10. Chị Võ Ngọc Bích H, sinh năm 1977; địa chỉ: Đường M, phường B, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 02/01/2020 của ông Biện Công N và lời trình bày tiếp theo của ông Nguyễn Minh T là người đại diện ủy quyền của ông N như sau:
Cụ Biện Công C chết năm 1960 và cụ Lê Thị H chết năm 2018 đều không để lại di chúc. Cụ C và cụ H có 03 người con gồm: Biện Thị B, Biện Công N và Biện Công T. Cụ C và cụ H không có con nuôi, con riêng nào khác.
Cụ C và cụ H để lại di sản gồm: Ngôi nhà cấp 4 gắn liền quyền sử dụng đất thửa số 124 tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2 loại đất ở đô thị và thửa 130 tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa trang tọa lạc tại đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long.
Ông N yêu cầu chia di sản gồm căn nhà và quyền sử dụng đất thửa số 124 tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2 và thửa 130 tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa trang. Ông N yêu cầu chia ba phần cho ông N, bà B và ông T mỗi người nhận một phần. Ông N yêu cầu nhận hiện vật, hoàn giá trị cho bà B và hàng thừa kế của ông T. Do thửa đất 130 loại đất nghĩa trang nhưng không có mồ mã, hiện trạng sử dụng là giáp phía sau thửa đất 124, tờ bản đồ số 5, loại đất ở đô thị, trên thửa đất 130 có nhà ở gắn liền tiếp theo nhà trên thửa đất 124, hiện trạng cũng vách tường, nền gạch men, mái tole nên ông Nhân yêu cầu chia thừa kế kể cả thửa đất 130 trên. Ngoài ra, cụ H không còn di sản nào khác. Riêng phần đất cụ Hạnh giao ông T canh tác khi cụ H và ông T còn sống đã được cụ H tặng cho ông T và ông T đã đăng ký quyền sử dụng đất nên không phải là di sản và ông N không tranh chấp tài sản này.
Tại Tòa, ông Tđại diện ủy quyền của ông N trình bày thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện như sau: Nguồn gốc quyền sử dụng thửa đất 124 và 130 là của cụ H nhưng do năm 1998 cụ H đã kê khai hai thửa đất trên là đất của hộ gia đình gồm có 03 thành viên cụ H, bà B và ông N do đó đất là tài sản chung của hộ cụ H và trong đó chỉ có 1/3 diện tích là của cụ H, còn lại là của bà B, ông N mỗi người 1/3 diện tích. Về căn nhà gắn liền trên hai thửa đất hiện trạng nhà cấp 4, mái tole, vách tường, nền gạch men. Theo ông N thừa nhận nhà có hai lần sửa chữa, chi phí sửa chữa do bà B chi trả nhưng ông N là người phụ giúp công sức. Cụ H trước khi chết có bệnh phải chăm sóc nhưng việc chăm sóc cụ H là do bà L và bà B cùng chăm sóc, bà L trực tiếp chăm sóc nhiều hơn vì bà L là hộ lý tại bệnh viện nên thuận tiện và chăm sóc tốt hơn.
Ông N yêu cầu chia quyền sử dụng đất cho mỗi thành viên hộ và phần di sản của cụ H là giá trị 1/3 quyền sử dụng đất mới chia thừa kế, còn căn nhà gắn liền trên thửa đất 124 và 130 ông N yêu cầu chia 4, trong đó bà B có 2/4 do công sức đóng góp nhiều, ¼ là di sản của cụ H và ¼ là công sức của ông N đóng góp. Ông T yêu cầu chia tài sản chung của hộ và chia di sản của cụ H theo giá Hội đồng thẩm định giá công bố giá ngày 30/6/2020 giá đất ở đô thị 3.600.000đ x 49.9m2 = 179.640.000đ, giá đất nghĩa địa 2.700.000đ x 8.8m2 = 23.760.000đ, nhà ở gắn liền thửa đất 124 và thửa 130 là 57.170.696đ. Ông T đại diện ông N giữ nguyên yêu cầu nhận hiện vật, hoàn giá trị cho bà B, không đồng ý chia tài sản chung của hộ và chia di sản thừa kế theo giá thị trường do bà B cung cấp. Đối với di sản ông T được hưởng những người thừa kế thế vị của ông T có thỏa thuận với ông N sẽ giao cho ông N quản lý, ông N đồng ý quản lý phần di sản ông T được hưởng đến khi nào những người thừa kế thế vị ông T có yêu cầu nhận thì do ông N và những người này thỏa thuận với nhau để giao lại.
Bị đơn bà Biện Thị B có đại diện theo ủy quyền là chị H trình bày: Chị thống nhất với lời trình bày của ông T là người đại diện theo ủy quyền của ông N về mối quan hệ huyết thống, thời gian chết của cụ C và cụ H. Cụ C và cụ H có 03 người con gồm: Bà Biện Thị B, ông Biện Công N và ông Biện Công T. Ông Biện Công T chết ngày 27/11/2016 và hàng thừa kế thứ nhất của ông T gồm: Vợ tên Lư Thị Lan H, các con: Biện Công D, Biện Công T, chị Biện Thị Bích P, Biện Thị Hồng N. Ông T không có con riêng hay con nuôi nào khác.
Cụ H chết không có để lại di chúc, di sản của cụ H gồm: Thửa đất số 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2, loại đất ở đô thị và thửa đất số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2, loại đất nghĩa trang, nghĩa địa gắn liền căn nhà cấp 4 có kết cấu: Vách tường, mái tole, nền lót gạch men tọa lạc tại đường X cấp cho hộ bà Lê Thị H. Trên thửa đất 124 có căn nhà cấp 4, nền lót gạch bông nhưng đã xuống cấp và sử dụng vách nhờ. Tiếp giáp thửa 124 là thửa 130 trước đây là phần đất nghĩa địa làm nơi chôn cất ông bà, sau đó đã được bốc mộ và cải tán. Trong quá trình sinh sống, do nhà xuống cấp nên hư hỏng chỗ nào thì bà Búp thuê người đến sửa chữa và sửa chữa nhiều lần như: Nâng nền, lót gạch men, xây hàng rào, làm lại cửa chính bằng kiếng, xây giường bằng gạch cho cụ Hạnh ngủ, xây dựng gác bằng gỗ, lợp lại mái tole, làm nhà bếp, nhà vệ sinh và xây lại phòng cho bà B. Trong quá trình sinh sống tại căn nhà, bà B làm nghề mua bán thức ăn sáng hàng ngày, chị H là người trực tiếp phụ bà B mua bán, ông N phụ bà B dọn dẹp, rửa chén bát. Mọi thu nhập mua bán do bà B quản lý và chi tiêu hàng ngày trong nhà. Riêng ông N ngoài phụ giúp bà B thì không có làm công việc nào khác, vợ ông N làm hộ lý tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, ông N làm nghề bán vé số khoảng hai, ba năm nay.
Tại Tòa, chị H đại diện theo ủy quyền của bà B trình bày: Thửa đất 124 và thửa 130 cụ H đăng ký hộ gia đình nhưng ông T yêu cầu chia tài sản của hộ cho bà B và ông N, chia di sản của cụ H là 1/3 diện tích hai thửa đất nên trên thì chị không biết nên không có ý kiến về việc thay đổi yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn. Đối với yêu cầu chia thừa kế của ông N, chị yêu cầu giải quyết như sau: Bà B đồng ý yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ H theo pháp luật gồm nhà đất thuộc thửa số 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2, loại đất ở đô thị và thửa số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2, loại đất nghĩa trang có căn nhà kết cấu vách tường, mái tole, gác lửng, nền lót gạch men gắn liền trên các thửa đất nêu trên. Bà B cũng đồng ý chia thừa kế thửa đất 130 loại đất nghĩa trang do hiện nay đất không có mộ và gia đình sử dụng vào mục đích ở, ngoài ra thửa đất giáp thửa 124, xung quanh không có lối đi khác. Bà B yêu cầu chia di sản thừa kế thành 04 phần bằng nhau theo giá thị trường đã thẩm định, bà B được nhận 02 phần, ông N và ông T (ông T có vợ là bà H và các con gồm: D, Tiến, Bích Ph, Hồng Nh) mỗi người nhận 01 phần. Bà B nhận hai phần do có công sức đóng góp lớn hơn vào việc sửa chữa nhà, chăm sóc cụ H bệnh lao phổi nhiều năm. Chị H yêu cầu giao bà B nhận hiện vật, bà B hoàn giá trị tài sản cho ông N và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T theo giá thị trường chị cung cấp. Ngoài ra, tại tòa chị H còn trình bày khi cụ H còn sống co giao cho ông T phần đất ruộng ở huyện Long Hồ để canh tác từ nhiều năm trước nhưng chị không xác định cụ H đã tặng cho ông T chưa, ông T đã đăng ký quyền sử dụng đất chưa nên chị không yêu cầu giải quyết trong vụ án này. Chị H đồng ý chỉ giải quyết tranh chấp di sản cụ H như đơn kiện của ông N.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị L do ông T đại diện theo ủy quyền trình bày: Bà L là vợ của ông N, bà L thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông N. Bà L không có đóng góp công sức, tài sản để tôn tạo vào khối di sản thừa kế trên.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Biện Công T trình bày: Anh Th là con ruột của ông N và bà L, anh Th thống nhất với ý kiến của ông T là người đại diện theo ủy quyền của ông N đã trình bày, hiện nay anh Th đang sinh sống tại địa chỉ đường X, phường H, thành phố V. Anh Th không có đóng góp công sức, tiền bạc để tôn tạo khối tài sản này.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Võ Ngọc Bích H1 trình bày (BL 150): Chị H1 là con ruột của bà B, đang chấp hành án tại Trại giam Long Hòa. Lúc nhỏ chị H1 sinh sống tại nhà đường X, sau đó chị H1 về Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Bà B sinh sống tại nhà này làm nghề mua bán cơm và nhiều lần sửa chữa nhà (từ nhà lá thành nhà tường), do không có đủ tiền nên việc sửa chữa thực hiện nhiều lần. Chị H1 đi làm có cho tiền bà B nên bà dành dụm và sửa nhà, tuy nhiên bà B sửa nhà là do bà dành dụm, chị H1 không có đóng góp vào việc sửa chữa nhà. Chị H1 không có ý kiến gì, không có yêu cầu gì đối với tranh chấp chia di sản thừa kế trong vụ án. Chị H1 có lời khai yêu cầu xét xử vắng mặt do đang chấp hành án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Biện Công Phú Q trình bày: Anh Q là con ruột của ông N và cháu gọi bà B bằng cô. Nhà số 56 đường X là của bà Nội anh, khi sinh sống tại nhà này thì anh biết nhà có sửa chữa, tiền điện nước do ông N và bà B chia ra mỗi người trả ½. Anh Q không đóng góp gì vào tài sản nhà đất nêu trên. Anh Q không có ý kiến gì, không có yêu cầu gì đối với tranh chấp chia di sản thừa kế trong vụ án. Anh Q có lời khai yêu cầu xét xử vắng mặt do đang chấp hành án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Biện Công D là người đại diện theo ủy quyền của bà Lư Thị Lan H, anh Biện Công T, chị Biện Thị Bích Ph, chị Biện Thị Hồng Nh trình bày (BL 93-94): Anh có ông Nội là Biện Công C chết năm 1960, bà Nội là Lê Thị H chết năm 2018, không để lại di chúc. Ông C bà H có 3 người con là Biện Thị B, Biện Công N và Biện Công T. Ông T chết năm 2016, hàng thừa kế thứ nhất của ông T gồm vợ là bà Lư Thị Lan H, các con Biện Công D, Biện Thị Bích Ph, Biện Công T, Biện Thị Hồng Nh. Di sản của cụ C và cụ H gồm: 01 căn nhà cấp 4 gắn liền thửa đất 124 tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2 loại đất ở đô thị và thửa đất 130 tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa trang.
Anh D đại diện ủy quyền của bà H, chị Ph, anh T, chị Nh và ý kiến của anh D đồng ý giao kỷ phần thừa kế của ông T được hưởng cho ông N được nhận. Anh D không có yêu cầu gì khác. Anh D có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt ghi ngày 20/7/2020.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Võ Ngọc Bích H trình bày: Chị H là con bà B. Khi còn nhỏ tuổi chị phụ bà B buôn bán thức ăn sáng. Sau khi lớn hơn chị đi làm tại Công ty Đông lạnh Vĩnh Long, giữ trẻ em. Chị làm được bao tiền đều đưa cho bà B lo chi tiêu trong gia đình, sinh hoạt hàng ngày. Đối với tranh chấp giữa ông N và bà B thì chị không có ý kiến gì khác. Chị H đồng ý ý kiến bà B yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49.9m2, loại đất ở đô thị và thửa đất số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2, loại đất nghĩa trang và căn nhà có kết cấu vách tường, mái tole, nền lót gạch men tọa lạc tại số 56, đường X, Phường H, thành phố V chia thành 04 phần bằng, bà B nhận 02 phần, ông N và ông T (ông T có vợ là bà H và các con là D, T, Ph, Nh) mỗi người nhận 01 phần theo giá thị trường đã thẩm định, yêu cầu bà B được nhận hiện vật hoàn giá trị tài sản cho ông N và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T.
Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa:
Về thủ tục tố tụng: Vụ án thụ lý đúng thẩm quyền loại việc theo quy định tại Điều 26, Điều 35 và 39 Bộ luật Tố tụng dân sự. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án tiến hành đầy đủ các thủ tục tố tụng về việc thu thập chứng cứ và hòa giải. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng và tuân thủ đúng các bước thu thập chứng cứ, đảm bảo về thời hạn xét xử; Hội đồng xét xử đã tiến hành phiên tòa đúng trình tự, thủ tục theo qui định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 26, 35, 39, 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 649, 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 12, 14, 15 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Biện Công N.
Công nhận thửa số 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2, loại đất ở đô thị và thửa số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2, loại đất nghĩa trang có căn nhà kết cấu vách tường, mái tole, gác lửng, nền lót gạch men gắn liền trên các thửa đất nêu trên. Ông N được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Ông Biện Công N có nghĩa vụ hoàn giá trị nhà đất cho bà B là 211.927.711đ.
Ghi nhận sự tự nguyện của hàng thừa kế của ông T giao một kỷ phần thừa kế lại cho ông N.
Chi phí tố tụng các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật. Án phí ông N và bà B được miễn theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền: Quan hệ pháp luật tranh chấp giữa nguyên đơn ông Biện Công N và bị đơn bà Biện Thị B được xác định là tranh chấp thừa kế tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn bà Biện Thị B cư ngụ tại phường 2, thành phố Vĩnh Long nên Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long thụ lý giải quyết là phù hợp quy định tại Điều 35 và 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về thủ tục tố tụng: Chị Võ Ngọc Bích H1, anh Biện Công Phú Q, anh Biện Công D và anh D cũng là người đại diện theo ủy quyền của bà Lư Thị Lan H, anh Biện Công T, chị Biện Thị Bích Ph, chị Biện Thị Hồng Nh có yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt đương sự theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tại Tòa ông T đại diện nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, tuy nhiên việc thay đổi yêu cầu vẫn trong phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu về việc tranh chấp nhà đất tọa lạc tại 56 đường X, phường H, thành phố V nên không vượt yêu cầu khởi kiện, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Người thừa kế và thời hiệu chia thừa kế: Cụ Lê Thị H chết ngày 17/12/2018, nguyên đơn khởi kiện còn trong thời hiệu quy định Điều 623 Bộ luật Dân sự. Cụ C và cụ H có 03 người con gồm ông Biện Công N (nguyên đơn), bà Biện Thị B (bị đơn) và ông Biện Công T (chết ngày 27/11/2016) (BL 14).
Ông N và bà B xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của ông T gồm: vợ ông T là bà Lư Thị Lan H, các con Biện Công D, Biện Thị Bích Ph, Biện Công T, Biện Thị Hồng Nh. Ngoài ra không còn ai khác.
[2.2] Xét yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của ông N: Ông N, bà B và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T đều thừa nhận cụ H chết không để lại di chúc, do đó ông N có yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ H theo pháp luật là phù hợp với Điều 650 Bộ luật Dân sự.
[2.3] Di sản thừa kế: Xét nguồn gốc thửa đất số 124 và thửa đất số 130 do cụ H tạo lập nhưng đến ngày 26/02/1998 cụ H kê khai đăng ký bổ sung ghi nhận đất của hộ gia đình gồm cụ H, bà B và ông N (BL 160). Do đó quyền sử dụng đất thửa đất số 124, diện tích 49.9m2, loại đất ở đô thị và thửa đất số 130, diện tích 8.8m2, loại đất nghĩa địa được xác định là tài sản chung của hộ gia đình, phù hợp khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 và Điều 212 Bộ luật dân sự năm 2015. Năm 2018, cụ H chết các thửa đất trên chưa chia tài sản chung của hộ nên di sản của cụ H được xác định là 1/3 diện tích thửa đất 124 và 130 theo nguyên đơn yêu cầu là có căn cứ chấp nhận.
Xét căn nhà có kết cấu khung BTCT, vách tường, mái tole, nền lót gạch men gắn liền thửa đất số 124 và thửa đất số 130 theo ông T đại diện ông N cho rằng di sản cụ H trị giá ¼ do nhà đã nhiều lần sửa chữa, các lần sửa chữa do bà Búp trả chi phí, bà B mua bán thức ăn sáng ông N phụ giúp bà mua bán, tuy ông N không đóng góp tiền của phụ bà B sửa chữa nhưng cũng đóng góp công sức như phụ bà B mua bán thu nhập hàng ngày bà B giữ. Ông N thừa nhận công sức đóng góp của bà B lớn hơn nên đồng ý tính công sức đóng góp tôn tạo nhà của bà Búp là trị giá 2/4 căn nhà, phần công sức của ông N là ¼. Còn lại di sản cụ H là ¼ giá trị nhà gắn liền hai thửa đất trên. Hội đồng xét xử xét thấy, tại Tòa chị H trình bày bà B trực tiếp chi trả tiền sửa chữa nhà nhiều lần, công sức bà B phải được nhận hai phần. Mặc dù, bà B không giao nộp tài liệu các lần sửa chữa nhà nhưng việc này được ông T đại diện ông N thừa nhận và đồng ý chia công sức cho bà B trị giá 2/4 giá trị nhà, ông N có đóng góp công sức nhưng ít hơn nên chia một phần công sức bằng ¼ giá trị nhà. Xét thấy lời khai của các bên thừa nhận, ông N cũng sinh sống tại nhà cùng bà B, khi bà B mua bán thức ăn sáng ông N cũng phụ giúp việc mua bán, thu nhập từ việc mua bán bà B giữ để chăm lo sửa chữa nhà và chăm sóc cụ H nên việc ông N yêu cầu chia công sức cho bà B trị giá 2/4 giá trị nhà, ông N có một phần công sức trị giá ¼ và phần còn lại là di sản cụ H là có căn cứ chấp nhận.
Ông N và bà B cùng có yêu cầu chia thừa kế đối với di sản thuộc thửa đất số 130, diện tích 8.8m2, loại đất nghĩa địa. Ông N, bà B và những người thừa kế thế vị của ông T cũng thừa nhận trên thửa đất nghĩa địa không có mồ mả, sử dụng vào việc ở và sinh hoạt gia đình. Do các đương sự thống nhất yêu cầu chia thừa kế và thửa đất 130 có diện tích nhỏ, giáp phía sau và gắn liền nhà đất thửa số 124, trường hợp bên nhận hiện vật thửa 124 sẽ quản lý, sử dụng thửa đất số 130 để thuận tiện hơn cho nên Hội đồng xét xử giải quyết yêu cầu này dựa trên sự thỏa thuận thống nhất của các đương sự và hiện trạng sử dụng là phù hợp quy định pháp luật.
[2.4] Xét phân chia di sản và giá trị phân chia: Tại tòa, ông T đại diện ông N yêu cầu lấy bình quân của giá Hội đồng công bố ngày 30/6/2020 và giá thị trường do chị H cung cấp làm căn cứ phân chia tài sản và hoàn giá trị nhưng đại diện bị đơn không đồng ý giá này. Về phía chị H đại diện bà B yêu cầu di sản chia bằng giá thị trường theo chứng thư thẩm định của Công ty Sao Việt do chị cung cấp. Căn cứ chứng thư thẩm định giá số 26/2021/CT-BĐS-VL ngày 10/5/2021 của Công ty cổ phần đầu tư và thẩm định giá Sao Việt (BL173-177), giá trị thửa đất số 124 là 522.003.900đ, giá trị thửa đất số 130 là 92.056.800đ (10.461.000đ/m2), giá trị nhà ở là 96.960.007đ, tổng cộng 711.021.000đ. Hội đồng xét xử xét thấy mức giá thị trường bà B cung cấp nêu trên gần tương đương mức giá anh Th rao bán nhà trên trang web điện tử chotot.com giá 750.000.000đ (BL 85- 86), căn cứ quy định Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc phân chia di sản được tính bằng giá thị trường và đảm bảo quyền lợi của các bên, do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào mức giá thị trường bà B cung cấp làm cơ sở hoàn giá trị tài sản cho thành viên hộ và phân chia di sản thừa kế của cụ H là phù hợp quy định pháp luật.
Phần tài sản mỗi thành viên hộ được xác định: Thửa đất 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2 : 3 = 16,63m2; Thửa đất 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 : 3 = 2,93m2. Phần di sản của cụ H được chia thừa kế theo diện tích là: 16,63m2 : 3 = 5,54 m2; 2,93m2 :
3 =0,97m2.
Như vậy, phần đất bà B là thành viên hộ được nhận và di sản bà B được nhận là:
16,63m2 + 5,54m2 = 22,17m2 đất ở và 2,93m2 + 0,97m2 = 3,9m2 đất nghĩa địa; tương tự ông N cũng nhận 22,17m2 đất ở và 3,9m2 đất nghĩa địa.
Phần di sản đất những người thừa kế ông T được hưởng của cụ H là 5,54m2 đất ở và 0,97m2 đất nghĩa địa.
Căn nhà theo giá thị trường 96.960.000đ, công sức của bà B trị giá 2/4 là 48.480.000đ; công sức ông N trị giá ¼ là 24.240.000đ; di sản cụ H là 24.240.000đ. Như vậy, bà B, ông N, hàng thừa kế thứ nhất của ông T được hưởng di sản nhà của cụ H mỗi người là 8.080.000đ.
Do hiện trạng thửa đất 124 và 130 có diện tích nhỏ, còn là tài sản chung của hộ và di sản của cụ H chỉ có 1/3 diện tích đất của mỗi thửa nên không thể chia bằng hiện vật. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 660 Bộ luật Dân sự phân chia bằng giá trị để đảm bảo quyền lợi của các bên, hiện nay bà B cũng đã tạo lập chỗ ở khác, do đó giao nhà cho ông N và buộc ông N hoàn giá trị là phù hợp và đảm bảo chỗ ở ổn định cho gia đình ông N là phù hợp.
16,63m2 + 5,54m2 = 22,17m2 đất ở và 2,93m2 + 0,97m2 = 3,9m2 đất nghĩa địa = 26.07 x 10.461.000đ = 272.718.270 đồng. Tổng cộng ông N phải hoàn cho bà B giá trị nhà đất gồm 48.480.000đ + 8.080.000đ + 272.719.000đ = 329.279.000đ.
Riêng phần di sản ông T được hưởng, tại Tòa ông T đại diện ông N xác định, giữa ông N và những người thừa kế của ông T có thỏa thuận chỉ giao ông N nhận quản lý khi nào những người thừa kế ông T có yêu cầu nhận thì thỏa thuận với ông N để giao lại. Do anh D có yêu cầu giải quyết vắng mặt, xét yêu cầu của ông N việc tạm giao phần di sản chia cho ông T cho ông N quản lý khi nào những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T có yêu cầu nhận thì thỏa thuận với ông N vẫn đảm bảo được quyền lợi của những người này. Do đó, tạm giao phần di sản đất những người thừa kế ông T được hưởng của cụ H có diện tích 5,54m2 đất ở thuộc thửa 124 và diện tích 0,97m2 đất nghĩa địa thuộc thửa 130 cho ông N quản lý sử dụng và tạm giao ông N quản lý giá trị nhà những người thừa kế ông T được hưởng của cụ H là 8.080.000đ. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T có yêu cầu nhận phần di sản của cụ H thì có quyền thỏa thuận với ông N để nhận nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện vụ án dân sự khác. [3] Phát biểu đề nghị của Kiểm sát viên có căn cứ chấp nhận. [4] Về chi phí tố tụng và án phí:
- Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản: Căn cứ Điều 157 và 165 Bộ luật Tố tụng dân sự: Ghi nhận sự tự nguyện của chị H đại diện bà B chịu chi phí thẩm định giá thị trường là 2.200.000đ. Bà B đã nộp đủ.
Các đương sự phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản là 2.565.000đ. Ông N, bà B và những người thừa kế của ông T mỗi bên phải chịu 1/3 số tiền chi phí trên. Do phần di sản ông T hưởng được những người thừa kế của ông T giao cho ông N quản lý nên ông N phải chịu 2/3 chi phí này là 1.710.000đ và bà B phải hoàn trả lại cho ông N 855.000 đồng.
- Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 12, 14, 15 và Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Ông Biện Công N, bà Biện Thị B có đơn xin miễn án phí do thuộc trường hợp người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 26, 35, 39, 147, 157, 165 và 228 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 212 và Điều 609, 623, 649, 650, 651 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 29 Điều 3, Điều 95, 167 Luật Đất đai 2013; Điều 12, 14, 15 và Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án tuyên xử:
1. Về nội dung:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Biện Công N.
Xác định quyền sử dụng đất thửa đất số 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2, loại đất ở đô thị và thửa đất số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2, loại đất nghĩa địa là tài sản chung của hộ gia đình cụ H, bà B và ông N; trong đó tài sản của bà B, ông N mỗi người có diện tích 16,63m2 thuộc thửa đất 124 và diện tích 2,93m2 thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa địa và di sản của cụ Lê Thị H có diện tích 16,63m2 thuộc thửa đất 124, tờ bản đồ số 5, diện tích 49,9m2 loại đất ở đô thị và diện tích 2,93m2 thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa địa; căn nhà khung BTCT nền gạch men, vách tường, mái tole gắn liền thửa đất 124 và 130 có trị giá ¼ là di sản cụ H, trị giá 2/4 là tài sản của bà B và ¼ là tài sản của ông N.
Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ H gồm bà Biện Thị B, ông Biện Công N và những người thừa kế thế vị của ông T là bà H, anh D, anh T, chị Ph và chị Nh.
Công nhận cho ông Biện Công N được quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền quyền sử dụng đất thửa đất số 124, tờ bản đồ 5, diện tích 49,9m2, loại đất ở đô thị và thửa đất 130, tờ bản đồ số 5, diện tích 8,8m2 loại đất nghĩa địa cùng căn nhà kết cấu khung BTCT, vách tường, mái tole, nền lót gạch men tọa lạc số 56 đường X, phường 2, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Theo Trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 13/8/2020 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố V, kèm theo bản án). Ông N được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền đăng ký theo quy định pháp luật.
Ông N có nghĩa vụ hoàn lại giá trị nhà đất cho bà B là 329.279.000đ (Ba trăm hai mươi chín triệu hai trăm bảy mươi chín ngàn đồng).
Tạm giao cho ông N quản lý sử dụng phần di sản đất của cụ H mà những người hàng thừa kế thứ nhất của ông T được hưởng có diện tích 5,54m2 thuộc thửa 124, tờ bản đồ số 5, loại đất ở đô thị và diện tích 0,97m2 thuộc thửa 130, đất nghĩa địa tờ bản đồ số 5, loại đất nghĩa địa tọa lạc số 56 đường X, phường H, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long và tạm giao ông N quản lý giá trị nhà những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T được hưởng là 8.080.000đ (Tám triệu không trăm tám mươi ngàn đồng). Khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông T có yêu cầu nhận phần di sản của cụ H thì có quyền thỏa thuận với ông N để nhận, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện vụ án dân sự khác.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về chi phí tố tụng và án phí:
Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, thẩm định giá và khảo sát đo đạc: Ghi nhận sự tự nguyện của chị H đại diện ủy quyền của bà B chịu chi phí thẩm định giá thị trường là 2.200.000đ (Hai triệu hai trăm ngàn đồng). Bà B đã nộp đủ.
Ông N phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản là 1.710.000 đồng, bà Búp phải chịu 855.000 đồng. Do ông N đã nộp tạm ứng chi phí này nên bà B phải hoàn trả lại cho ông N 855.000 đồng (Tám trăm năm mươi lăm ngàn đồng).
Về án phí: Ông Biện Công N và bà Biện Thị B thuộc trường hợp người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được niêm yết hợp lệ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án về tranh chấp thừa kế số 39/2022/DS-ST
Số hiệu: | 39/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Vĩnh Long - Vĩnh Long |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về