Bản án 21/2019/DS-ST ngày 27/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BẮC GIANG, TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 21/2019/DS-ST NGÀY 27/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 20, 21, 22, 23, 24 và 27 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 279/2018/TLST-DS ngày 11 tháng 9 năm 2018 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2019/QĐXXST-DS ngày 26 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Lương Thị K, sinh năm 1931 (Có mặt).

Địa chỉ: TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

2. Bị đơn:

2.1. Ông Đoàn Văn D, sinh năm 1963 (Có mặt).

Địa chỉ: TDP T, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

2.2. Ông Đoàn Trường G, sinh năm 1974 (Có mặt).

Địa chỉ: TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đoàn Thị V, sinh năm 1955 (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án). 

Địa chỉ: TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

3.2. Bà Đoàn Thị O, sinh năm 1960 (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

Địa chỉ: TDP T, phường V, thành phố B, tỉnh B.

3.3. Bà Đoàn Thị T, sinh năm 1960 (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

Địa chỉ: TDP H, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

3.4. Bà Đoàn Thị T1, sinh năm 1967 (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

Địa chỉ: Khu H, phường T, thành phố B, tỉnh B.

3.5. Ông Đoàn Văn D1, sinh năm 1970 (vắng mặt).

Địa chỉ: TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

(Ông Đoàn Văn D1, bà Đoàn Thị T1, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị O đã ủy quyền cho bà Đoàn Thị V tham gia tố tụng trong vụ án).

3.6. Bà Dương Thị N, sinh năm 1973 (Vắng mặt)

Địa chỉ: TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B.

(Bà Dương Thị N đã ủy quyền cho ông Đoàn Trường G tham gia tố tụng trong vụ án).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn là cụ Lương Thị K trình bày:

Chồng cụ là cụ Đoàn Văn Doanh, sinh năm 1924. Các cụ có 07 người con đẻ bao gồm Đoàn Văn D, Đoàn Trường G, Đoàn Thị V, Đoàn Thị O, Đoàn Thị T, Đoàn Thị T1, Đoàn Văn D1. Cụ Doanh đã chết năm 2016, khi chết cụ Doanh không để lại di chúc. Bố mẹ đẻ cụ Doanh đã chết trước cụ Doanh từ lâu.

Trong thời kỳ hôn nhân, cụ và cụ Doanh có tạo nên được khối tài sản là quyền sử dụng thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011. Hiện thửa đất đang do ông Giang và ông Dục tạm thời quản lý, sử dụng.

Do nguồn gốc tài sản trên là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng nên cụ đề nghị Tòa án phân chia ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất cho cụ, còn ½ giá trị quyền sử dụng đất còn lại thì sẽ phân chia đều cho các đồng thừa kế bao gồm: Cụ, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1.

Nay, cụ có nguyện vọng được quyền sử dụng toàn bộ thửa đất và trích chia kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế bằng tiền. Ngoài ra, việc lo mai táng cho cụ Doanh thì do ông Dục thực hiện và thờ cúng cụ Doanh.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, bị đơn là ông Đoàn Văn D và ông Đoàn Trường G thống nhất trình bày:

Các ông là con đẻ của cụ Lương Thị K và cụ Đoàn Văn Doanh. Bố mẹ các ông có 07 người con đẻ bao gồm Đoàn Văn D, Đoàn Trường G, Đoàn Thị V, Đoàn Thị O, Đoàn Thị T, Đoàn Thị T1, Đoàn Văn D1. Cụ Doanh, cụ Khiếu không còn người con riêng, con nuôi nào khác. Cụ Doanh đã chết năm 2016 và không để lại di chúc.

Các ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cụ Khiếu về việc phân chia di sản thừa kế của ông Doanh để lại tại thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011. Các ông xác định thửa đất này là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Doanh, cụ Khiếu.

Về việc phân chia di sản thừa kế thì các ông đồng ý để Tòa án chia ½ quyền sử dụng thửa đất cho cụ Khiếu, còn phần còn lại thuộc di sản thừa kế của cụ Doanh thì các ông đề nghị Tòa án chia đều cho 8 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1, cụ Lương Thị K. Tại biên bản hòa giải ngày 26/4/2019 thì các ông đều đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc lo mai táng cho cụ Doanh và việc thờ cúng thì do ông Dục thực hiện.

Đối với khoản tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản và đo đạc đất đai ông yêu cầu tất cả các đồng thừa kế phải chịu đều như nhau.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 thống nhất trình bày:

Các ông, bà là con đẻ của cụ Lương Thị K và cụ Đoàn Văn Doanh. Bố mẹ các ông, bà có 07 người con đẻ bao gồm Đoàn Văn D, Đoàn Trường G, Đoàn Thị V,

Đoàn Thị O, Đoàn Thị T, Đoàn Thị T1, Đoàn Văn D1. Cụ Doanh, cụ Khiếu không có người con riêng, con nuôi nào khác. Cụ Doanh đã chết năm 2016 và không để lại di chúc.

Các ông, bà đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cụ Khiếu về việc phân chia di sản thừa kế của cụ Doanh để lại tại thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011. Các ông, bà xác định thửa đất này là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Doanh, cụ Khiếu.

Về việc phân chia di sản thừa kế thì các ông, bà đồng ý để Tòa án chia ½ quyền sử dụng thửa đất cho cụ Khiếu, còn phần còn lại thuộc di sản thừa kế của ông Doanh thì các ông, bà đề nghị Tòa án chia đều cho 8 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Đoàn Văn D, Đoàn Trường G, Đoàn Thị V, Đoàn Thị O, Đoàn Thị T, Đoàn Thị T1, Đoàn Văn D1, cụ Lương Thị K. Nguyện vọng của các ông, bà là muốn nhận kỷ phần thừa kế dưới dạng quyền sử dụng đất chứ không nhận bằng tiền và bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 đều thống nhất tặng cho kỷ phần thừa kế cho bà Đoàn Thị O. Tại biên bản hòa giải ngày 26/4/2019 thì các ông bà đều đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc lo mai táng cho cụ Doanh và việc thờ cúng thì do ông Dục thực hiện.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền bà Dương Thị N là ông Đoàn Trường G trình bày: Đối với việc giải quyết vụ án này thì bà không có ý kiến gì, không có yêu cầu gì.

Ngày 03/01/2019, Tòa án thụ lý bổ sung giải quyết yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 trong vụ án.

Ngày 27/3/2019, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp là quyền sử dụng thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011. Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá như sau: Thửa đất có vị trí, diện tích như trong Giấy chứng nhận có giá trị 320.000.000 đồng; Tài sản gắn liền thửa đất bao gồm: 01 nhà lợp mái fibroximang có giá trị 18.109.000 đồng và 01 móng nhà chạy quanh thửa đất (Các đương sự không yêu cầu định giá).

Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án căn cứ vào giá trị quyền sử dụng đất là 320.000.000 đồng như trong Biên bản định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án. Riêng tài sản trên đất thì các đương sự đều không yêu cầu Tòa án phân chia, giải quyết trong vụ án này.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành mở phiên họp hòa giải nhiều lần nhưng các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Tại phiên toà:

Các đương sự giữ nguyên quan điểm như đã trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:

- Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:

+ Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

+ Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chưa chấp hành đúng quyền lợi và nghĩa vụ của mình

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử, xử:

Áp dụng khoản 5 Điều 26; Điều 35 và Điều 39; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụng Điều 649, Điều 650, Điều 651, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xử:

Xác định phân chia 1/2 (một phần hai) thửa đất số 234 tờ bản đồ số 14, diện tích: 160 m2 tại thôn Đọ, xã Đa Mai (nay là TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Lương Thị K, 1/2 diện tích đất còn lại là di sản thừa kế để lại của chồng cụ Lương Thị K là (cụ Đoàn Văn Doanh, đã chết năm 2016).

Chia di sản thừa kế của ông Doanh thành 8 phần cho cụ Lương Thị K và 7 người con là: Đoàn Thị V, Đoàn Thị O, Đoàn Thị T, Đoàn Văn D, Đoàn Thị T1, Đoàn Văn D1, Đoàn Trường G, mỗi phần là 20.000.000 đồng.

Giao cho ông Đoàn Trường G và Đoàn Văn D quản lý, sử dụng 1/2 diện tích thửa đất số 234 tờ bản đồ số 14, diện tích: 160 m2 tại thôn Đọ, xã Đa Mai (nay là TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B) nhưng ông Đoàn Trường G và Đoàn Văn D phải trích chia bằng tiền cho: cụ Lương Thị K, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1, mỗi người là: 20.000.000 đồng.

Về chi phí xem xét, thẩm định định giá, đo đạc đất là: 4.000.000 đồng, mỗi người gồm: cụ Khiếu, bà Vui, bà Oanh, bà Túy, ông Dục, bà Tuệ, ông Dực, ông Giang, phải chịu 500.000 đồng, để trả lại cho ông Giang.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Cụ Khiếu, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O là người cao tuổi được miễn án phí (theo Điều 12 Nghị Quyết 326); Còn lại: Bà Đoàn Thị T, ông Đoàn Văn D, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1, ông Đoàn Trường G mỗi người phải chịu án phí là 1.000.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng:

1.1. Về thẩm quyền giải quyết vụ án:

Quan hệ tranh chấp giữa cụ Lương Thị K với ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 là quan hệ dân sự giữa cá nhân với cá nhân, các bên không tự giải quyết được tranh chấp phát sinh, nguyên đơn làm đơn khởi kiện theo thủ tục tố tụng tại Tòa án. Ngày 31/7/2018, cụ Khiếu nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang. Tài sản tranh chấp, các đương sự đều cư trú ở thành phố Bắc Giang. Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang thụ lý, giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật và thẩm quyền được qui định tại các Điều 26; Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

1.2. Về thời hiệu khởi kiện, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng:

Về thời hiệu khởi kiện và quan hệ pháp luật tranh chấp thì thấy: Cụ Đoàn Văn Doanh chết ngày 28/12/2016. Ngày 31/7/2018, cụ Khiếu làm đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung và phân chia di sản thừa kế của cụ Doanh để lại. Đây là “Tranh chấp thừa kế tài sản”, theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

[2] Về nội dung:

2.1. Xét yêu cầu phân chia ½ quyền sử dụng đất và chia thừa kế tài sản của cụ Lương Thị K, thì thấy:

Thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B đã được UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 ngày 09/4/2011 cho cụ Đoàn Văn Doanh và cụ Lương Thị K. Quyền sử dụng thửa đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa cụ Doanh và cụ Khiếu, các con của cụ Doanh, cụ Khiếu đều xác định thửa đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Doanh, cụ Khiếu, không có công sức đóng góp gì hình thành nên tài sản. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định, quyền sử dụng thửa đất là tài sản chung hợp nhất của cụ Doanh và cụ Khiếu. Cụ Doanh, cụ Khiếu có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với khối tài sản này.

Năm 2016, cụ Doanh chết không để lại di chúc. Giữa cụ Doanh và cụ Khiếu không có thỏa thuận nào liên quan đến việc phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nêu trên. Do vậy, căn cứ vào Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình cần chấp nhận yêu cầu của cụ Khiếu, giao ½ quyền sử dụng thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B cho cụ Khiếu toàn quyền sử dụng; ½ quyền sử dụng thửa đất còn lại sẽ là di sản thừa kế mà cụ Doanh để lại và được giải quyết theo pháp luật thừa kế.

2.2. Xét yêu cầu phân chia di sản thừa kế của các đương sự:

Theo Đơn đề nghị xác nhận hàng thừa kế tại địa phương và theo lời khai của các đương sự thì tại thời điểm mở thừa kế thì cha đẻ, mẹ đẻ cụ Doanh đều đã chết trước cụ Doanh từ lâu, cụ Doanh không có cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi nào và hiện tại hàng thừa kế thứ nhất của cụ Doanh chỉ có vợ và các con đẻ của cụ Doanh bao gồm: Vợ cụ Doanh là cụ Lương Thị K; Các con đẻ là: ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1. Cụ Khiếu, ông Dục, ông Giang, bà Vui, bà Oanh, bà Túy, bà Tuệ, ông Dực đều không thuộc các trường hợp không được hưởng di sản quy định tại Điều 621 của Bộ luật dân sự.

Do vậy, căn cứ Điều 651 của Bộ luật dân sự cần chấp nhận yêu cầu phân chia di sản của các đương sự. Cụ Lương Thị K, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 được quyền hưởng di sản thừa kế mà cụ Doanh để lại và được hưởng phần di sản bằng nhau.

2.3. Phần tài sản của cụ Lương Thị K và di sản thừa kế của cụ Đoàn Văn Doanh được xác định như sau:

Tài sản cụ Đoàn Văn Doanh và cụ Lương Thị K có trong thời kỳ hôn nhân mà các bên có tranh chấp là thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B đã được UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 ngày 09/4/2011.

Phần đất của cụ Lương Thị K và phần đất là di sản của cụ Đoàn Văn Doanh được chia như sau:

Phía phải và trái được xác định là hướng của thửa đất nhìn ra phía đường Bảo Ngọc là hướng Tây Bắc (có sơ đồ kèm theo).

Điểm bên trái gianh giới đất phía Tây Bắc xác định một điểm gọi là điểm A8 (điểm góc trái của nhà tạm lợp Pro xi măng), điểm bên phải gianh giới đất phía Tây Bắc xác định một điểm gọi là điểm A1 (điểm góc phải của nhà tạm lợp Pro xi măng), điểm bên trái gianh giới đất phía Đông Nam xác định một điểm gọi là A5, điểm bên phải gianh giới đất phía Đông Nam xác định một điểm gọi là A4. Như vậy, thửa đất là kết nối các điểm A8, A1, A4 và A5 có diện tích 167,6m2. Khoảng cách A8 và A1 là 8 mét. Giữa đoạn A1A8 xác định điểm A9 (khoảng cách A8-A9 là 4 mét; khoảng cách A9-A1 là 4 mét). Từ điểm mốc A9 kéo dài về phía Đông Nam cho đến hết đất cắt gianh giới đất phía Đông Nam xác định là điểm A10 (khoảng cách A5 và A10 là 4 mét, khoảng cách A10 và A4 là 4 mét). Từ điểm mốc A8 trên gianh giới đất phía Tây Nam cách 1 mét xác định điểm mốc A7, từ điểm mốc A1 trên gianh giới đất phía Đông Bắc cách 0,9 mét xác định điểm mốc A2. Đường gianh giới đất A9-A10 cắt đường gianh giới đất A7-A2 xác định điểm mốc A11. Từ đó xác định diện tích đất có có các điểm kết nối là A8-A1-A2-A7 là diện tích đất có một phần nhà tạm lợp Pro xi măng là diện tích đất thuộc hành lang giao thông.

Phần đất có tranh chấp là thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại tổ dân phố Mai Đọ, phường Đa Mai là các điểm kết nối A7-A2-A4-A5 có diện tích 160m2. Thửa đất này được chia làm hai phần có đường gianh giới là kết nối các điểm A9-A11-A10.

Phần đất thứ nhất phía Tây Nam có các điểm kết nối A7-A11-A10-A5, có các đường gianh giới đất, gồm: A7-A11 (phía Tây Bắc) là 4 mét, A11-A10 (phía Đông Bắc) là 20,03 mét, A10-A5 (phía Đông Nam) là 4 mét, A5-A7 (phía Tây Nam) là 15,36, diện tích 80m2.

Phần đất thứ hai phía Đông Bắc có các điểm kết nối A11-A2-A4-A10 có các đường gianh giới A11-A2 (phía Tây Bắc) là 4 mét, A2-A4 (phía Đông Bắc) là 15,18 mét, A4-A10 (phía Đông Nam) là 4 mét, A10-A11 (phía Tây Nam) là 20,03 mét, diện tích 80m2.

Tài sản của cụ Lương Thị K là ½ diện tích của thửa đất nêu trên.

Di sản thừa kế mà cụ Doanh để lại là ½ quyền sử dụng thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B (tương đương diện tích 80 m2; trị giá 160.000.000 đồng). Các đương sự trong vụ án đều có nguyện vọng được nhận kỷ phần thừa kế bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu chia bằng quyền sử dụng đất thì diện tích chia cho mỗi đồng thừa kế sẽ không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Do vậy, cần thiết phải giao cho một người được quyền sử dụng toàn bộ di sản và người đó sẽ có nghĩa vụ trích chia bằng tiền cho các đồng thừa kế còn lại.

Để thuận tiện cho việc quản lý và sử dụng đất, cần giao di sản thừa của cụ Doanh cho cụ Lương Thị K quản lý và sử dụng. Đồng thời thanh toán bằng tiền cho các đồng thừa kế còn lại là Ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1.

Giá trị di sản của cụ Đoàn Văn Doanh là ½ thửa đất là 160.000.000 đồng, mỗi người thừa kế được hưởng một suất trị giá 20.000.000 đồng theo Điều 651 của Bộ luật dân sự.

Qua tài liệu và các đương sự xác định thì nguồn gốc di sản thừa kế có được là do cụ Đoàn Văn Doanh và cụ Lương Thị K, cụ Lương Thị K có công sức đóng góp để có được di sản này. Do đó cần chia cho cụ Lương Thị K một suất nhiều hơn so với một suất di sản được hưởng là 30.000.000 đồng. Ngoài ra, theo lời trình bày của các đương sự thì ông Đoàn Văn D là người đứng ra lo mai táng và ông cũng đứng ra thờ cúng cụ Đoàn Văn Doanh từ khi chết và là con trưởng sẽ tiếp tục thờ cúng cụ Đoàn Văn Doanh. Do đó, cần chia cho ông Đoàn Văn D một suất nhiều hơn so với một suất di sản được hưởng là 25.000.000 đồng theo Điều 658 của Bộ luật dân sự. Phần di sản còn lại trị giá là 105.000.000 đồng chia cho những người còn lại là 6 người các suất bằng nhau, gồm: Ông Đoàn Trường G, ông Đoàn Văn D1, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1 và bà Đoàn Thị O, mỗi người được hưởng là 105.000.000 đồng/6 người = 17.500.000 đồng.

Từ những đánh giá và phân tích trên, việc xác định tài sản của cụ Lương Thị K và phần chia di sản của cụ Đoàn Văn D cần được thực hiện như sau:

1. Giao cho cụ Lương Thị K được sử dụng phần đất thứ nhất phía Tây Nam và tài sản gắn liền trên đất là tài sản riêng của cụ, có các điểm kết nối A7-A11- A10-A5, có các đường gianh giới đất, gồm: A7-A11 là 4 mét tiếp giáp đường phố Bảo Ngọc, A11-A10 là 20,03 mét tiếp giáp phần đất còn lại phía Đông Bắc, A10- A5 là 4 mét tiếp giáp cánh đồng, A5-A7 là 15,36 tiếp giáp đất nhà ông Nguyễn Văn Kháng, diện tích 80m2.

2. Giao cho cụ Lương Thị K sử dụng phần đất thứ hai phía Đông Bắc và tài sản gắn liền trên đất là di sản của cụ Đoàn Văn Doanh, có các điểm kết nối A11- A2-A4-A10 có các đường gianh giới A11-A2 là 4 mét tiếp giáp đường phố Bảo Ngọc, A2-A4 là 15,18 mét tiếp giáp đất nhà ông Dương Văn Toàn, A4-A10 là 4 mét tiếp giáp cánh đồng, A10-A11 là 20,03 mét tiếp giáp phần đất còn lại phía Tây Nam, diện tích 80m2.

3. Cụ Lương Thị K phải có trách nhiệm trích chia chênh lệch về tài sản thừa kế cho:

Ông Đoàn Trường G 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Ông Đoàn Văn D 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng);

Bà Đoàn Thị V 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Bà Đoàn Thị O 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng);

Bà Đoàn Thị T 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Bà Đoàn Thị T1 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng);

Ông Đoàn Văn D117.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng).

[3] Vấn đề khác:

Tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá, đo đạc tài sản là 4.000.000 đồng đồng. Ông Đoàn Trường G đã tạm ứng để chi phí, nay ông yêu cầu các đồng thừa kế phải cùng chịu trách nhiệm, nên cần buộc cụ Lương Thị K, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Văn D1, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1 và bà Đoàn Thị O phải nộp mỗi người 500.000 đồng để trả lại cho ông Đoàn Trường G theo Điều 157 và Điều 158 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Về án phí:

Cụ Lương Thị K, bà Đoàn Thị V là người cao tuổi nên được miễn tiền án phí theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1 phải chịu án phí theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng vào Điều 33 và Điều 66 của Luật hôn nhân và gia đình;

Áp dụng Điều 649, Điều 651, Điều 658, Điều 660 của Bộ luật dân sự;

Căn cứ Điều 12, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Lương Thị K về xác định ½ giá trị tài sản là của cụ và chia tài sản thừa kế của cụ Đoàn Văn Doanh.

2. Chấp nhận yêu cầu của cụ Lương Thị K, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1 và ông Đoàn Văn D1 về chia tài sản thừa kế của cụ Đoàn Văn Doanh.

3. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đoàn Văn Doanh bao gồm: Cụ Lương Thị K, ông Đoàn Văn D, ông Đoàn Trường G, bà Đoàn Thị V, bà Đoàn Thị O, bà Đoàn Thị T, bà Đoàn Thị T1, ông Đoàn Văn D1.

4. Xác định:

Quyền sử dụng ½ thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại thôn Đọ, xã Đa Mai nay là TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011 mang tên ông Đoàn Văn Doanh và bà Lương Thị K là tài sản riêng của cụ Lương Thị K.

Quyền sử dụng ½ thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14, diện tích 160 m2 tại thôn Đọ, xã Đa Mai nay là TDP M, phường Đ, thành phố B, tỉnh B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BĐ 193263 do UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cấp ngày 09/4/2011 mang tên ông Đoàn Văn Doanh và bà Lương Thị K là di sản của cụ Đoàn Văn Doanh. 

5. Tài sản được phân chia như sau:

Phía phải và trái được xác định là hướng của thửa đất nhìn ra phía đường Bảo Ngọc là hướng Tây Bắc (có sơ đồ kèm theo).

Điểm bên trái gianh giới đất phía Tây Bắc xác định một điểm gọi là điểm A8 (điểm góc trái của nhà tạm lợp Pro xi măng), điểm bên phải gianh giới đất phía Tây Bắc xác định một điểm gọi là điểm A1 (điểm góc phải của nhà tạm lợp Pro xi măng), điểm bên trái gianh giới đất phía Đông Nam xác định một điểm gọi là A5, điểm bên phải gianh giới đất phía Đông Nam xác định một điểm gọi là A4. Như vậy, thửa đất là kết nối các điểm A8, A1, A4 và A5 có diện tích 167,6m2. Khoảng cách A8 và A1 là 8 mét. Giữa đoạn A1A8 xác định điểm A9 (khoảng cách A8-A9 là 4 mét; khoảng cách A9-A1 là 4 mét). Từ điểm mốc A9 kéo dài về phía Đông Nam cho đến hết đất cắt gianh giới đất phía Đông Nam xác định là điểm A10 (khoảng cách A5 và A10 là 4 mét, khoảng cách A10 và A4 là 4 mét). Từ điểm mốc A8 trên gianh giới đất phía Tây Nam cách 1 mét xác định điểm mốc A7, từ điểm mốc A1 trên gianh giới đất phía Đông Bắc cách 0,9 mét xác định điểm mốc A2. Đường gianh giới đất A9-A10 cắt đường gianh giới đất A7-A2 xác định điểm mốc A11. Từ đó xác định diện tích đất có có các điểm kết nối là A8-A1-A2-A7 là diện tích đất có một phần nhà tạm lợp Pro xi măng là diện tích đất thuộc hành lang giao thông.

Phần đất có tranh chấp là thửa đất số 234, tờ bản đồ số 14 tại tổ dân phố Mai Đọ, phường Đa Mai là các điểm kết nối A7-A2-A4-A5 có diện tích 160m2. Thửa đất này được chia làm hai phần có đường gianh giới là kết nối các điểm A9-A11-A10.

Phần đất thứ nhất phía Tây Nam có các điểm kết nối A7-A11-A10-A5, có các đường gianh giới đất, gồm: A7-A11 (phía Tây Bắc) là 4 mét, A11-A10 (phía Đông Bắc) là 20,03 mét, A10-A5 (phía Đông Nam) là 4 mét, A5-A7 (phía Tây Nam) là 15,36, diện tích 80m2.

Phần đất thứ hai phía Đông Bắc có các điểm kết nối A11-A2-A4-A10 có các đường gianh giới A11-A2 (phía Tây Bắc) là 4 mét, A2-A4 (phía Đông Bắc) là 15,18 mét, A4-A10 (phía Đông Nam) là 4 mét, A10-A11 (phía Tây Nam) là 20,03 mét, diện tích 80m2.

Giao cho cụ Lương Thị K được sử dụng phần đất thứ nhất phía Tây Nam và tài sản gắn liền trên đất là tài sản riêng của cụ, có các điểm kết nối A7-A11-A10- A5, có các đường gianh giới đất, gồm: A7-A11 là 4 mét tiếp giáp đường phố Bảo Ngọc, A11-A10 là 20,03 mét tiếp giáp phần đất còn lại phía Đông Bắc, A10-A5 là 4 mét tiếp giáp cánh đồng, A5-A7 là 15,36 tiếp giáp đất nhà ông Nguyễn Văn Kháng, diện tích 80m2.

Giao cho cụ Lương Thị K sử dụng phần đất thứ hai phía Đông Bắc và tài sản gắn liền trên đất là di sản của cụ Đoàn Văn Doanh, có các điểm kết nối A11-A2- A4-A10 có các đường gianh giới A11-A2 là 4 mét tiếp giáp đường phố Bảo Ngọc, A2-A4 là 15,18 mét tiếp giáp đất nhà ông Dương Văn Toàn, A4-A10 là 4 mét tiếp giáp cánh đồng, A10-A11 là 20,03 mét tiếp giáp phần đất còn lại phía Tây Nam, diện tích 80m2.

Cụ Lương Thị K phải có trách nhiệm trích chia chênh lệch về tài sản thừa kế cho:

Ông Đoàn Trường G 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Ông Đoàn Văn D 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng);

Bà Đoàn Thị V 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Bà Đoàn Thị O 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Bà Đoàn Thị T 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng); Bà Đoàn Thị T1 17.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng);

Ông Đoàn Văn D117.500.000 đồng (mười bẩy triệu năm trăm nghìn đồng).

6. Về chi phí thẩm định, định giá tài sản và đo đạc đất đai:

Buộc cụ Lương Thị K phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc ông Đoàn Văn D phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc ông Đoàn Văn D1 phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc bà Đoàn Thị V phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc bà Đoàn Thị O phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc bà Đoàn Thị T1 phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Buộc bà Đoàn Thị T phải trả lại cho ông Đoàn Trường G 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

7. Án phí:

- Cụ Lương Thị K và bà Đoàn Thị V được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Đoàn Văn D phải chịu 1.250.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000163 ngày 03/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Ông Đoàn Văn D còn phải nộp 750.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Đoàn Trường G phải chịu 875.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000164 ngày 03/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Ông Đoàn Trường G còn phải nộp 375.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Đoàn Thị T1 phải chịu 875.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000151 ngày 03/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Bà Đoàn Thị T1 còn phải nộp 375.500 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Đoàn Văn D1 phải chịu 875.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000153 ngày 02/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Ông Dực còn phải nộp 375.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Đoàn Thị O phải chịu 875.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000152 ngày 02/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Bà Đoàn Thị O còn phải nộp 375.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Bà Đoàn Thị T phải chịu 875.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ 500.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0000150 ngày 02/01/2019 của Chi cục thi hành án thành phố Bắc Giang. Bà Túy còn phải nộp 375.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

8. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt khi tuyên án có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy đinh tại Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7; 7a; 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

538
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2019/DS-ST ngày 27/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:21/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Bắc Giang - Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về