27/01/2022 08:49

Có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế?

Có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế?

Để giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định rõ di sản thừa kế, cụ thể cần xem xét về hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản... liên quan đến người để lại di sản; di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào

Thực tế hiện nay các tranh chấp về thừa kế chiếm số lượng ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp. Tại Điều 612 BLDS năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Theo đó, di sản chính là các tài sản (động sản và bất động sản) thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại sẽ căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Mục đích cuối cùng của người thừa kế là xác định một cách chính xác khối di sản thừa kế của người chết để lại, phần di sản mà họ được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do đó, để giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định rõ di sản thừa kế, cụ thể cần xem xét về hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản... liên quan đến người để lại di sản; di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào? Yêu cầu, ý kiến của người quản lý di sản đối với việc trích công sức quản lý di sản? Trong nội dung bài viết, tác giả xin nêu một vụ án cụ thể về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và quan điểm để làm rõ hơn cơ sở của việc xác định tài sản là di sản thừa kế.

Nội dung vụ án

Cụ M (chết năm 1926) và cụ K (chết năm 1929) có 5 người con chung, hai cụ chết không để lại di chúc. Di sản hai cụ để lại là một căn nhà 03 gian, vách ván, mái lợp ngói, nền đất, ngang 9,5m dài 20m và một mảnh đất kế bên nhà chiều ngang 9m tọa lạc tại thị trấn L, huyện T, tỉnh S. Năm 1978, các con của 2 cụ đã họp bàn và tự phân chia di sản do các cụ để lại. Nội dung phân chia: Ông T sử dụng một gian nhà, bà L sử dụng 02 gian nhà và mảnh đất trống. Việc phân chia không lập thành văn bản. Sau đó, ông T đã cùng vợ là bà Z sửa chữa lại gian nhà và sử dụng khoảng 8 năm. Do khó khăn nên ông T bán nhà, bà L ngăn cản. Bà Z khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất diện tích 287,64mlà tài sản của cụ M và cụ K để lại theo luật định.

Bị đơn là L xác định sau khi cụ M và cụ K chết, bà L và em gái ở tại căn nhà cha mẹ để lại, sau đó chỉ còn bà L quản lý, sử dụng nhà và thờ phụng ông bà. Năm 1958 do căn nhà bị mục nát và sập nên bà xin sửa chữa lại và được sự chấp thuận của chính quyền cũ. Bà L xây dựng nhà kiên cố phía sau như hiện nay, nhà phía trước chỉ tu sửa tạm; hiện nay nhà chính không còn. Bà sống trên phần đất tranh chấp từ nhỏ cho đến nay, bà yêu cầu giữ lại căn nhà để thờ phụng, không phân chia.

Về quan điểm đối với vụ án

Tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế: “Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác”. Điểm b Mục 10 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định: “Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990, do đó: Sau ngày 10-9-2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác…”. Cụ M chết năm 1926, cụ K chết năm 1929, căn cứ quy định nêu trên thì thời điểm nguyên đơn khởi kiện là năm 1997 nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Quan điểm thứ nhất: Quá trình giải quyết vụ án, bà L trình bày: “Khi cha mẹ tôi qua đời có để lại tài sản gồm 01 ngôi nhà 3 gian, nhà vách ván, lợp ngói, nền đất tọa lạc tại huyện T. Nhà có chiều ngang 9,5m, dài khoảng 20m, ngoài ra còn có một khoảng đất trống chiều ngang 9m cặp bên căn nhà”. Thời điểm có lời khai trên bà K còn minh mẫn, lời khai hoàn toàn tự nguyện. Như vậy, theo quy định của Điều 612 BLDS 2015 thì phần đất tranh chấp là di sản để phân chia cho các đồng thừa kế. Do đó có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu chia di sản thừa kế. Căn cứ Án lệ số 05/2016/AL thì bà L thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế (sửa chữa nhà và tôn tạo làm tăng giá trị phần đất). Mặc dù bà L không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp nhưng Tòa án vẫn cần xem xét vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức. Do đó, bà L sẽ được hưởng phần công sức đóng góp tương đương 1/6 di sản. Đồng thời, phần di sản còn lại (sau khi trừ đi 1/6) được phân chia cho 05 người thừa kế của cụ M và cụ K.

Quan điểm thứ hai (quan điểm của tác giả):

Cụ M và cụ K chết không để lại di chúc nên năm 1978 các anh em đã thống nhất thỏa thuận cho vợ chồng ông T 01 gian nhà,  bà L 02 gian nhà và phần đất trống kế bên phần đất của bố mẹ để lại. Sau khi khi phân chia xong, vợ chồng ông T sửa chữa nhà và ở được khoảng 8 năm, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn ông T muốn sang nhượng nhà và đất nhưng cụ L không đồng ý nên phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, phía nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng minh quá trình gia đình ông T sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1976 đến năm 1996.

Quá trình hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường, bà L trình bày: Căn nhà trên đất là của cha mẹ để lại cho bà sử dụng, bà sinh sống trên phần đất với cha mẹ từ nhỏ, năm 1958 bà L đứng ra xây cất nhà sau và ở đến nay, con cháu không có chỗ ở thì đến ở không được sang bán. Quá trình giải quyết vụ án, bà L vẫn xác định tài sản đang tranh chấp là của cha mẹ để lại. Như vậy, có cơ sở xác định, nguồn gốc thửa đất tranh chấp là của cụ M và cụ K. Bà L sống cùng bố mẹ từ nhỏ, khi cha mẹ chết bà L vẫn tiếp tục sinh sống trên phần đất này. Năm 1958, do nhà cũ hư hỏng nên bà L có đơn xin xây dựng nhà mới và được chính quyền chế độ cũ chấp thuận. Sau này, bà L xây dựng thêm căn nhà trên thửa đất nhưng các anh em không ai có ý kiến hay tranh chấp. Bà L là người đứng tên Sổ mục kê thửa đất năm 1995 và năm 2007, thửa đất này đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại Khoản 1 Mục II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về xác định quyền sử dụng đất là di sản quy định:

1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.

1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.

1.3. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới, tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Trong trường hợp đương sự có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.

b) Trong trường hợp đương sự không có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.

c) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.

1.4. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu mục 1.1, tiểu mục 1.2 mục 1 này và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 này, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai.

Căn cứ quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP nêu trên thì thửa đất tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 mục II Nghị quyết 02/2004 nên không còn là di sản của cụ M và cụ K. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi và ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Luật gia CHU MINH ĐỨC

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1748

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]