Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 46/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 46/2022/DS-PT NGÀY 15/03/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 15 tháng 3 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 42/2021/TLPT-DS ngày 02 tháng 02 năm 2021 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh T.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1600/2022/QĐ-PT ngày 27 tháng 2 năm 2022 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông H, sinh năm 1969; địa chỉ: Xóm 1, xã Z, huyện N, tỉnh T; có mặt tại phiên tòa.

* Bị đơn: Ông P, sinh năm 1960; địa chỉ: Xóm 7, xã A, huyện N, tỉnh T; có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Anh Q , sinh năm 1981; địa chỉ: Xóm 1, xã Z, huyện N, tỉnh T, vắng mặt.

- Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh T; Vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Ủy ban nhân dân xã A, huyện N, tỉnh T; Vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 30/10/2020 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông H trình bày:

Năm 2002, ông mua một mảnh đất của ông X (xóm 7, xã A, huyện N) diện tích 1.177 m2 (đính chính lại ngày 11/12/2013 là 1.117 m2), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số 300842, ngày 12/11/2002, tại tờ bản đồ số 3, số thửa 278, vào sổ cấp giấy số 297. Năm 2004, ông mua của Ủy ban nhân dân (UBND) xã A một mảnh đất liền kề, diện tích 100 m2. Do hôm nộp tiền đất ông đi vắng nên đưa tiền nhờ em trai ông là Q nộp hộ nên giấy CNQSDĐ mang tên Q , số BE 110670, cấp ngày 29/3/2011, tại thửa số 44, tờ bản đồ số 9, vào sổ cấp giấy số 00237. Từ năm 2002 đến năm 2016, ông sử dụng hai mảnh đất này không có vấn đề gì, nhưng đến năm 2017 thì ông P (con trai ông X) mang cây cối đến trồng vào mảnh đất của ông, ông đã nói nhiều lần mà ông P không nghe, còn chửi bới, đe dọa. Ông đã làm đơn báo cáo với UBND xã A và UBND xã A đã nhiều lần giải quyết và hòa giải giữa hai bên nhưng ông P tiếp tục lấn chiếm, gần đây ông P chở đá vào để đào móng xây tường trên mảnh đất của ông. Nay ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông P trả lại đất cho ông, đồng thời di dời toàn bộ cây cối cũng như đá trả lại mặt bằng cho ông.

* Tại bản tự khai ngày 15/11/2017, ngày 10/9/2018 và quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông P trình bày:

Năm 1985, ông được UBND xã A, huyện N xét cấp đất ở với diện tích khoảng 400 m2. Năm 1986-1987, vợ chồng ông vào miền Nam làm ăn, ông chưa hoàn thành thủ tục gì về việc cấp đất ở. Năm 2002, bố ông là ông X đã bán cho anh H một mảnh đất ở cạnh Ba Hàng, trị giá 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng), diện tích bao nhiêu ông không biết, ông không yêu cầu gì về mảnh đất này. Đối với thửa đất liền kề, có nguồn gốc là đất bỏ hoang, gia đình ông đã khai phá cải tạo trồng cây và làm màu các loại từ năm 1985. Khi gia đình ông đi miền Nam, toàn bộ diện tích đất trên vẫn có người ở nhà chăm sóc, cải tạo và thu hoạch. Thời điểm năm 2003, xã thực hiện chủ trương thu hồi và bán đất, có thông báo cho bố ông hay không thì ông không biết, còn khi đó gia đình ông đang ở trong miền Nam nên không nhận được thông báo nào cả. Thời điểm bố ông chết năm 2006, mẹ ông chết năm 2011, ông đều về quê, nhưng đến năm 2014 gia đình ông mới chính thức về xã A để sinh sống. Hiện tại gia đình ông có một vườn cây trên thửa đất đang tranh chấp gồm khoảng 20 đến 30 cây (trong đó gồm mít, nhãn, bạch đàn, dừa), sau năm 2017 thì ông H múc đi một số cây, nên ông trồng thêm khoảng 16 cây bạch đàn, 20 cây mít.

Nay ông yêu cầu Tòa án hủy 02 giấy CNQSDĐ số 297/QĐUBND cấp ngày 12/11/2002 mang tên ông H và giấy CNQSDĐ số BE 110670 cấp ngày 29/3/2011 mang tên ông Q vì đất của hai người này chồng lấn lên đất của gia đình ông.

* Tại bản tự khai ngày 10/11/2017 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Q trình bày:

Năm 2004, UBND xã A có chủ trương bán đất, trong đó có 100 m2 liền kề thửa đất anh H (là anh trai anh) đã mua năm 2002, nên anh H tiếp tục mua thửa đất này. Khi làm thủ tục nộp tiền mua đất do anh H bận công việc nên nhờ anh đi nộp tiền hộ, do đó khi được cấp giấy CNQSDĐ đã mang tên Q , thửa đất số 44, tờ bản đồ số 9, diện tích 100 m2. Thực tế đất này là của anh H, anh chỉ là người đứng tên hộ.

* Tại văn bản số 1189/UBND-TNMT ngày 31/7/2020, Phó chủ tịch UBND huyện N là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trình bày:

Đối với toàn bộ thủ tục hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ số 00297 ngày 12/11/2002, thửa số 278 tờ số 3 diện tích 1.117 m2, trong đó 200 m2 đất ở và 917 m2 đất vườn mang tên hộ ông H được đính chính thành ông H ngày 11/12/2013 tại trang giấy chứng nhận trên. Năm 2010, toàn bộ hồ sơ lưu trữ tại kho tầng 4 nhà cũ của UBND huyện do bị mưa bão tài liệu về đất đai của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện bị ngập nước nên đã bị mục nát không sử dụng được. Do đó, UBND huyện không thể cung cấp được hồ sơ cho TAND tỉnh T.

Đối với toàn bộ thủ tục hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ số 00237 ngày 29/3/2011, thửa số 44 tờ số 9 diện tích 100 m2 mang tên hộ ông Q . Giấy CNQSDĐ trên là hồ sơ được cấp theo quyết định trúng đấu giá sau khi UBND huyện phê duyệt mặt bằng và UBND xã A gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký QSDĐ thụ lý và thực hiện cấp giấy theo đúng quy định của pháp luật.

* Tại các văn bản số 01/CV-UBND ngày 19/12/2017, số 05/CV-UBND ngày 22/01/2018, số 03/BC-UBND ngày 07/01/2021, bản tự khai ngày 12/9/2018 và quá trình giải quyêt vụ án, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của UBND xã A, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trình bày:

- Đối với thửa đất ông H đang đứng tên trong giấy CNQSDĐ tại thửa số 278, tờ bản đồ số 3, được UBND huyện cấp ngày 12/11/2002:

+ Về nguồn gốc đất: Thửa đất này do ông X mua của UBND xã A và đứng tên ông P là con trai ông X. Năm 2002, ông P đi làm ăn xa nên đã làm giấy ủy quyền cho ông X đứng ra bán thửa đất này cho ông H. Theo đo đạc địa chính năm 2000 là thửa đất số 45, tờ bản đồ số 9, diện tích 812 m2.

+ Về cấp giấy CNQSDĐ: Năm 2002, ông H và ông X có đến UBND xã A làm thủ tục chuyển nhượng và được cán bộ địa chính xác nhận thửa đất ông X bán cho ông H là thửa 45, tờ bản đồ số 9, diện tích là 812 m2. Ngày 12/11/2002, UBND huyện đã cấp giấy CNQSDĐ mang tên ông H diện tích là 1.177 m2 (đã được đính chính lại là 1.117 m2), trong đó đất ở là 200 m2, đất làm vườn là 917 m2, diện tích bị lệch là 305 m2, như vậy diện tích đất này thuộc quỹ đất 5% của địa phương. Do ông H là người xã Z nên sau khi nhận giấy CNQSDĐ ông H không quay lại xã A để đăng ký ghi vào sổ mục kê quản lý tại xã nên diện tích cấp lệch nói trên địa phương không nắm được. Các tài liệu liên quan đến việc mua bán đất giữa ông X và anh H hiện đang được phòng ban cấp giấy CNQSDĐ của UBND huyện N lưu giữ và quản lý.

- Đối với thửa đất ông H mua của UBND xã A năm 2004, nhưng anh Q (em trai anh H) được UBND huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 44, tờ bản đồ số 9, cấp ngày 29/3/2011 với diện tích 100 m2:

+ Về nguồn gốc đất: Đây là quỹ đất hoang thuộc cồn gai, mả dứa của xã A, gia đình ông X đã tự ý khai hoang, trồng một số cây lâm nghiệp và cây ăn quả. UBND xã A không có văn bản hợp đồng và không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về các khoản đóng góp đối với gia đình ông X.

+ Về trình tự thủ tục bán đất: Năm 2003, UBND xã có chủ trương thu hồi diện tích đất khai hoang để phục vụ xây dựng kênh mương và công trình công cộng của xã nên đã ra thông báo cho các hộ gia đình có diện tích khai hoang trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả trong toàn xã, trong đó có hộ ông X biết để chủ động thu hoạch các loại cây trên đất và trả lại đất cho UBND xã. Sau khi giải tỏa thu hồi xong năm 2004 ông H xin mua luôn mảnh đất liền kề nay ông Q đang đứng tên. Mặc dù năm 2004 đã hoàn thiện thủ tục mua bán đất nhưng đến năm 2011 mới làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

Nay UBND xã A có ý kiến: Việc cấp giấy CNQSDĐ đối với hai thửa đất nói trên là đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục nên không có căn cứ hủy hai giấy CNQSDĐ này.

* Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 20/10/2020:

+ Diện tích đất đang tranh chấp tại thửa số 278, tờ bản đồ số 03 (BĐ ĐC xã A) là 210,8 m2, trong đó có 37,6 m2 đất ở và 173,2 m2 đất làm vườn, giá trị quyền sử dụng đất là: 232.528.000 đồng.

+ Diện tích đất đang tranh chấp tại thửa số 44, tờ bản đồ số 09 (BĐ ĐC xã A) là 152,9 m2, trong đó có 32,9 m2 đất ở, còn lại 120 m2 là đất lưu không, giá trị quyền sử dụng đất ở là: 197.400.000 đồng (không định giá đất lưu không).

+ Các tài sản trên đất gồm: mít to (02 cây) trị giá 2.200.000 đồng; mít nhỏ (08 cây mới trồng năm 2020) trị giá 200.000 đồng; cau (05 cây mới trồng năm 2020) trị giá 55.000 đồng; nhãn (02 cây) trị giá 900.000 đồng; bạch đàn (05 cây) trị giá 790.0000 đồng; xoan (02 cây) trị giá 190.000 đồng Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2021, Tòa án nhân nhân tỉnh T đã căn cứ vào: Điều 400, 455, 705, 709 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 75 Luật đất đai năm 1993; Điều 38, Điều 49 Luật đất đai năm 2003; Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26; Điều 34; điểm a khoản 1 Điều 37; khoản 1 Điều 147; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, buộc ông P phải trả lại cho ông H và ông Q quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp tại thửa đất số 278, tờ bản đồ số 03, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số w 300842 ngày 12/11/2002 đứng tên ông H và thửa đất số 44, tờ bản đồ số 09, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 110670 ngày 29/3/2011 đứng tên ông Q .

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông P về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số w300842 ngày 12/11/2002 của UBND huyện N cấp cho ông H và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 110670 ngày 29/3/2011 của UBND huyện N cấp cho ông Q .

3. Công nhận sự tự nguyện của ông H về việc ông H bồi thường cho ông P giá trị cây cối trồng lâu năm trên đất với số tiền là 4.080.000đ (bốn triệu không trăm tám mươi nghìn đồng).Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

4. Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông P giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị xem xét hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số w300842 ngày 12/11/2002 của UBND huyện N cấp cho ông H và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 110670 ngày 29/3/2011 của UBND huyện N cấp cho ông Q do diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc do ông khai hoang, nay được xác định bởi cây cối đã trồng 36 năm (có bản ảnh kèm theo). Ông H cho rằng không có căn cứ hủy hai Giấy chứng nhận trên nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Cây cối trên đất (7 cây) thuộc quyền của ông vì đã có từ thời điểm ông nhận chuyển nhượng; một số cây mới được trồng mới nên không thể chấp nhận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trình bày quan điểm: Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình thụ lý, giải quyết và tại phiên toà, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, đề nghị áp dụng Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của ông P, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Nguyên đơn ông H yêu cầu ông P trả lại tài sản là quyền sử dụng diện tích đất đang tranh chấp, tại thửa đất số 278, tờ bản đồ số 03, được cấp giấy CNQSDĐ số w 300842 ngày 12/11/2002, và thửa đất số 44, tờ bản đồ số 09, được cấp giấy CNQSDĐ số BE 110670 ngày 29/3/2011; bị đơn ông P yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông H và Q , nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh T là phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 26; Điều 34; điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nguồn gốc sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất:

Diện tích tranh chấp hiện hữu tại hai thửa đất (số 278, tờ bản đồ số 03, được cấp giấy CNQSDĐ số w 300842 ngày 12/11/2002 và thửa đất số 44, tờ bản đồ số 09, được cấp giấy CNQSDĐ số BE 110670 ngày 29/3/2011) trong đó thửa 278 mang tên ông H và thửa 44 mang tên ông Q (em trai ông H).

Tại văn bản báo cáo số 96/BC-UBND ngày 26/10/2020 và sổ 03/BC-UBND ngày 07/01/2021 của UBND xã A thì thửa đất số 278, tờ bản đồ số 03 có diện tích 5.529 m2 thuộc đất nông nghiệp của xã. Sau khi chỉnh lý theo bản đồ địa chính năm 2000 chia ra nhiều thửa khác nhau, trong đó thửa 45 tờ bản đồ số 09 (BĐ-ĐC xã A) thuộc hộ ông P có diện tích 812 m2. Thửa đất số 44a, tờ bản đồ số 09, diện tích 100 m2 cấp cho ông Q theo giấy CNQSDĐ số BE 110670, ngày 29/3/2011 thuộc một phần thửa số 45 và một phần thửa số 17, tờ bản đồ số 04 (BĐ-ĐC xã A).

[3] Ông H trình bày: Năm 2002, ông X (bố ông P) đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa 278 cho ông, sau đó ông X đưa tài liệu giấy tờ để ông H làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ông H đã được cấp giấy CNQSDĐ số w300842 ngày 12/11/2002. Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thể thu thập được (lý do: hồ sơ lưu trữ tại UBND huyện N bị ngấm nước, hư hỏng) nhưng ông H trình bày nội dung chuyển nhượng phù hợp nội dung giấy nhận tiền ngày 13/11/2002 (BL 45); phù hợp với nội dung UBND xã A cung cấp. Như vậy, mặc dù diện tích tranh chấp được ông P khai phá và trồng một số cây nhưng có căn cứ xác định thửa đất 278 đã được chuyển nhượng cho ông H; ông P biết và nhất trí việc chuyển nhượng của bố mình nên ông P cho rằng chỉ chuyển nhượng 400 m2 đất ở, còn phần diện tích ông khai phá để trồng cây không chuyển nhượng nhưng không có tài liệu chứng cứ chứng minh. Mặt khác, kể từ thời điểm chuyển nhượng cho đến khi ông H khởi kiện, ông P không đăng ký, kê khai, không làm các thủ tục về quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích còn lại thể hiện nội dung ông P cho rằng chỉ chuyển nhượng một phần đất là không có cơ sở. Vì vậy, không có căn cứ hủy giấy CNQSDĐ số w300842 do UBND huyện N cấp ngày 12/11/2002 cho ông H.

[4] Đối với diện tích thửa 44, tờ bản đồ số 9 có diện tích 100 m2: UBND xã A (tại công văn số 01/CV-UBN D ngày 19/12/2017) đã xác định diện tích trên thuộc quỹ đất hoang thuộc Cồn gai, mả dứa của xã, ông X khai phá và trồng một số cây nhưng không làm hợp đồng với xã, cũng chưa thực hiện nghĩa vụ về tài chính cho UBND xã. Năm 2003, UBND xã A thực hiện chủ trương quy hoạch, thu hồi những diện tích đất hoang hóa để đưa vào sử dụng, bán những người có nhu cầu. UBND xã đã thông báo đến các hộ (trong đó có hộ ông X) để ông X thu hoạch cây trên đất và trả lại đất nhưng ông X không thực hiện. Ồng H là người đăng ký mua đất và nộp tiền mua đất (do ông Q nộp) nên việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Q là có căn cứ.

Gia đình ông P sinh sống tại miền Nam (từ những năm 1986, 1987, đến năm 2014 mới trở về địa phương) nên UBND xã đã thông báo cho ông X (bố ông P) theo thông báo ngày 15/5/2003. Do UBND xã A quyết định thu hồi đất khai hoang để thực hiện việc quản lý đất và giao cho những người có nhu cầu sử dụng đất nên ông H (do ông Q đứng tên) là người mua đất, đã nộp tiền và được cấp giấy CNQSDĐ. UBND huyện N cấp giấy CNQSDĐ đứng tên Q là đúng trình tự thủ tục.

[5] Đối với một số cây cối trên đất tranh chấp được xác định là do ông P trồng nhưng một số cây trên đất đã chuyển nhượng từ năm 2002 nên thuộc về người nhận chuyển nhượng là ông H; ông P cho rằng cây cối trồng 36 năm vẫn là tài sản của gia đình ông là không có căn cứ bởi lẽ quá trình thu hồi đất, chính quyền địa phương đã có thông báo thu hoạch cây cối đã trồng trên đất khai hoang, nếu không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn H có ý kiến sẽ tự nguyện bồi thường giá trị những cây trồng lâu năm trên đất. Cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của ông H về việc bồi thường cho ông P số tiền trị giá các cây trồng lâu năm trên đất là 4.080.000 đồng là hợp lý.

[6] Từ phân tích trên cho thấy, việc ông P cho rằng diện tích đất ông H đang sử dụng đã chồng lấn lên phần đất thuộc quyền sử dụng của ông là không có cơ sở. Mặt khác, ông P không xuất trình được tài liệu chứng minh về quyền sử dụng diện tích đối với diện tích tranh chấp nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo về việc hủy giấy CNQSDĐ mà UBND huyện N cấp cho ông H và ông Q , cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩn.

Về án phí: Kháng cáo của ông P không được chấp nhận, nhưng do ông P là người cao tuổi nên được miễn án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự ; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2021/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân nhân tỉnh T.

2. Về án phí: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông P.

3. Các quyết định khác của bản án không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

282
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 46/2022/DS-PT

Số hiệu:46/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về