Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 42/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 42/2022/DS-PT NGÀY 30/09/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 30 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 42/2020/TLPT-DS ngày 23/10/2020 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh bị kháng cáo, Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 68/ 2022/QĐ-PT ngày 30 tháng 8 năm 2022 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nông Thị A; có mặt.

Nơi cư trú: Xóm E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Bị đơn:

- Ông Triệu Văn B; vắng mặt.

- Ông Triệu Văn C; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Xóm E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đàm Văn D; địa chỉ: Số 10, ngõ 40, đường Trần Vỹ, phường T, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội; có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Long Xuân Q, Dương Văn R và Dương Đức S - Luật sư của Công ty Luật TNHH Bạch Long, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Luật sư Q, R và S vắng mặt;

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

-UBND xã G huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Văn Thông, chủ tịch UBND xã G; vắng mặt có lý do.

- UBND huyện Trùng Khánh Đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn Hào, phó Chủ tịch UBND huyện; vắng mặt có lý do.

- Ông Triệu Văn H; vắng mặt.

- Bà Hoàng Thị I; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Xóm E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Người làm chứng:

- Ông Long Văn K; vắng mặt.

- Ông Hứa Văn L; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Xóm E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Ông Hứa Văn M. Nơi cư trú: X, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Ông Hoàng Văn N. Nơi cư trú: Y, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt - Ông Đàm Đức O - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã G; vắng mặt.

- Ông Hoàng Nông P - Chủ tịch Hội Nông dân xã G; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Bị đơn Triệu Văn B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 26/02/2020, đơn bổ sung đơn khởi kiện ngày 31/7/2020 và các lời khai tiếp theo tại Tòa, nguyên đơn bà A trình bày: Năm 2003, gia đình bà được UBND xã xét cho di dân vào xóm E, xã G để xóa xóm trắng biên giới. Đồng thời, được Nhà nước giao đất canh tác ổn định cuộc sống. Trong số này có thửa 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 cấp ngày 11/12/2006 đứng tên bà là Nông Thị A. Sau khi vào sinh sống ở xóm E, gia đình bà đã tiến hành canh tác các thửa đất được Nhà nước cấp, nhưng năm nào ông B và C cũng đến tranh chấp. Bà có làm đơn lên UBND xã giải quyết nhiều lần nhưng không thành. Gia đình bà thuộc thế yếu lại không am hiểu pháp luật nên từ ngày được cấp đất vẫn chưa canh tác thửa đất trên được vụ nào. Nay yêu cầu ông B, ông C trả lại thửa đất 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 và chấm dứt hành vi ngăn cản để gia đình bà được quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên.

Bị đơn ông B, ông C cùng khai: Hai ông cùng Triệu Văn H là con của bà Hoàng Thị I, bố các ông đã chết. Nguồn gốc đất tranh chấp là do bố mẹ ông để lại, từ những năm 1979, các ông đã được theo bố mẹ vào canh tác thửa đất trên. Sau này bố mẹ có chia thửa đất trên cho 03 anh em là Triệu Văn B, Triệu Văn C và Triệu Văn H. Hiện nay ông B đang canh tác cả phần ông H, còn ông C canh tác phần đất của mình được chia. Năm 2003 Nhà nước có chính sách di dân vào xóm E để xóa xóm trắng biên giới nhưng gia đình ông không biết. Cũng không được thông báo và đền bù khoản tiền nào. Từ trước đến nay gia đình các ông vẫn canh tác ổn định thửa đất trên, đến năm 2019 mới biết gia đình bà A được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trên (GCNQSDĐ). Các ông thừa nhận, trước khi sáp nhập xóm thì đất tranh chấp tọa lạc tại xóm E còn các ông sinh sống tại xóm Ta Nang. Nay nguyên đơn yêu cầu trả lại thửa đất 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 và chấm dứt hành vi ngăn cản để gia đình bà A quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên bị đơn không nhất trí.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà I khai: Bà là mẹ đẻ của các ông B, C và H. Nguồn gốc đất tranh chấp là do vợ chồng bà khai phá (chồng đã chết). Năm 1979 do chiến tranh biên giới nên gia đình dừng canh tác, đến năm 1988 mới vào canh tác tiếp. Sau đó đến năm 1996 chia thửa đất tranh chấp cho 03 con, hiện nay B canh tác 02 kỷ phần (cả phần H), C canh tác 01 kỷ phần. Khi có chính sách di dân vào xóm E để xóa xóm trắng biên giới gia đình bà không biết, cũng không được thông báo và đền bù khoản tiền nào. Nay nguyên đơn yêu cầu được quản lý, sử dụng thửa đất trên bà không đồng ý, đồng thời đề nghị Tòa xét xử vắng mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông H khai: Ông là anh của các ông B và C và là con của bà I. Nguồn gốc đất tranh chấp là do bố mẹ ông để lại, từ những năm 1979, các ông đã được theo bố mẹ vào canh tác thửa đất trên. Sau này bố mẹ có chia thửa đất trên cho 03 anh em là Triệu Văn B, Triệu Văn C và Triệu Văn H. Hiện nay ông B đang canh tác cả phần ông H, còn ông C canh tác phần đất của mình được chia. Năm 2003 Nhà nước có chính sách di dân vào xóm E để xóa xóm trắng biên giới nhưng gia đình ông không biết. Cũng không được thông báo và đền bù khoản tiền nào. Nay nguyên đơn yêu cầu được quản lý, sử dụng thửa đất trên ông không đồng ý.

Những người làm chứng ông M, K, N và L cùng thống nhất khai: Nguồn gốc đất tranh chấp là của tổ tiên hộ ông C, B khai phá và canh tác liên tục từ những năm 1979 - 1980 đến năm 2019 -2020 mới xảy ra tranh chấp. Khi Nhà nước thu hồi đất E để di dân vào biên giới các ông không hề hay biết và không được thông báo, họp xóm hay đền bù khoản tiền nào.

Những người làm chứng ông O, ông P khai: Năm 1979 chiến tranh biên giới xảy ra, tất cả các hộ dân ở xóm E di dân đi nơi khác làm ăn, đến nay không ai quay lại địa phương. Sau năm 1979 nhân dân các xóm xung quanh (Ta Nang, Y) mới đến đến canh tác đất xóm E. Không có trường hợp nào là đất khai hoang hay tổ tiên để lại từ các hộ dân xóm khác đến canh tác.

Ngày 19/5/2020, UBND huyện có công văn xác nhận trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ thửa 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 24/8/2020, UBND xã G có Công văn số 93 xác nhận nguồn gốc thửa đất tranh chấp là của nhân dân xóm E đã di dân đi nơi khác sinh sống, từ đó khu đất xóm E thuộc UBND xã G quản lý. Từ những năm 1988 - 1990 một số hộ dân xóm khác đã tự ý vào canh tác, sử dụng nhưng chưa được Nhà nước giao đất hay công nhận quyền sử dụng đất.

Tòa án đã tiến hành hòa giải để các B sự thỏa thuận với nhau giải quyết vụ án nhưng không thành. Ngày 15/7/2020, Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ theo đơn yêu cầu của ông Triệu Văn B với kết quả:

*. Kiểm tra trên bản đồ: Thửa đất đang tranh chấp nằm trên thửa 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2.

*. Kiểm tra trên thực địa bằng bằng máy toàn đạc điện tử thửa đất có ranh giới, tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp thửa 63 có chiều dài 46,19m;

- Phía Tây giáp thửa 70, có chiều dài 58,70 m;

- Phía Nam giáp thửa 74 có chiều dài 38,12m;

- Phía Đông giáp núi đá có chiều dài 45,36m.

Trên đất hiện nay không có tài sản gì (có sơ đồ kèm theo). Tại phiên tòa sơ thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu buộc ông B, ông C trả lại toàn bộ thửa đất 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 và chấm dứt hành vi ngăn cản để gia đình bà được quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên.

Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng: Nguồn gốc đất là do tổ tiên để lại, đã canh tác liên tục ổn định không có tranh chấp. Khi Nhà nước có chính sách di dân vào xóm E để xóa xóm trắng biên giới thì gia đình không ai biết, cũng không được thông báo và đền bù khoản tiền nào. Nay không nhất trí trả lại đất theo yêu cầu của nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Hồ sơ hiện nay còn thiếu nhiều tài liệu, chứng cứ không thể thực hiện ngay tại phiên tòa như: Hồ sơ địa chính qua các thời kỳ; Hồ sơ thu hồi đất năm 2003; Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của Nông Thị A; Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh… Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa xác minh thu thập thêm chứng cứ, tài liệu và chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng giải quyết theo thẩm quyền.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 8/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã căn cứ khoản 9 Điều 26, 157, 158 và 229 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Các Điều 26, 100, 166 và khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn ông Triệu Văn B và Triệu Văn C trả lại toàn bộ thửa đất 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 cho bà Nông Thị A và chấm dứt hành vi ngăn cản để gia đình bà A được quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên.

Bà Nông Thị A được quyền quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất số 68, tờ bản đồ 11, diện tích 2.369,7 m2 tọa lạc tại xóm E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (có sơ đồ kèm theo).

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18/9/2020, bị đơn Triệu Văn B có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Tại phiên Tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Đàm Văn D có ý kiến: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và Bản án của Tòa cấp sơ thẩm. Yêu cầu hội đồng xét xử sửa toàn bộ bản án sơ thẩm số: 07/2020/DS-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất 68 tờ bản đồ 11 diện tích 2.369,7m².

Nguyên đơn Nông Thị A có ý kiến: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nhất trí với bản án sơ thẩm số: 07/2020/DS-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Yêu cầu ông Triệu Văn B, Triệu Văn C chấm dứt hành vi ngăn cản để nguyên đơn được quản lý, sử dụng ổn định thửa đất trên.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung và quan điểm giải quyết vụ án: Kháng cáo của bị đơn không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn Triệu Văn B. Căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 8/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự, ý kiến phát biểu của kiểm sát viên và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn ông Nông Thị A nộp đơn khởi kiện ông Triệu Văn B, Triệu Văn C yêu cầu tranh chấp quyền sử dụng đất. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” là có căn cứ và đúng pháp luật theo quy định tại khoản 2 điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về thẩm quyền: Nguyên đơn Nông Thị A, bị đơn Triệu Văn B, Triệu Văn C đều cư trú tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, đất tranh chấp là thửa đất số 68, tờ bản đồ số 11, diện tích 2.369,7m2 địa chỉ tại xã G, huyện Trùng Khánh, do đó Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng thụ lý giải quyết là là có căn cứ, đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 điều 35 và khoản 1 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Ngày 08/9/2020 Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tuyên bản án sơ thẩm số 07/2020/DS-ST về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Nông Thị A và bị đơn Triệu Văn B, Triệu Văn C. Đến ngày 18 tháng 9 năm 2020 ông Triệu Văn B có đơn kháng cáo tại tòa án. Đơn kháng cáo của đương sự được gửi trong thời hạn luật định và thuộc trường hợp miễn án phí theo quy định của pháp luật. Như vậy, đơn kháng cáo của đương sự là hợp pháp.

[4] Xét kháng cáo và các căn cứ kháng cáo của bị đơn Triệu Văn B: Bị đơn Triệu Văn B kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu TAND có thẩm quyền hủy hai quyết định trái pháp luật là: Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/02/2003 và Quyết định số 2058/QĐ- UBND ngày 23/11/2006 của UBND huyện Trùng Khánh về việc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Nông Thị A. HĐXX xét thấy:

Thứ nhất, Bị đơn cho rằng cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, hồ sơ vụ án hiện nay còn thiếu nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng cho việc giải quyết vụ án, cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ như: Hồ sơ địa chính qua các thời kỳ năm 1980, năm 1993, năm 2003 để chứng minh ai là người sử dụng đất từ năm 1980; Hồ sơ thu hồi đất năm 2003 của UBND huyện Trùng Khánh thiếu những văn bản quan trọng như: Thông báo về việc thu hồi đất cho người đang sử dụng đất, văn bản xác minh người đang sử dụng đất là ai, văn bản xác minh ai là người bị thu hồi đất, văn bản đưa ra lý do thu hồi đất, biên bản kiểm kê tài sản, phương án đền bù thiệt hại. Quyết định số 96/2002/UB-QĐ ngày 21/01/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2002 và các văn bản liên quan. Quyết Định 2885/QĐ-UB ngày 20/12/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh “v/v Phê duyệt danh sách đợt 2 năm 2002 các hộ được hỗ trợ theo Quyết định 186/TTg di dân ra biên giới” và các văn bản liên quan. Các văn bản liên quan đến việc khảo sát thực tế, tiến hành phân lô, phân khoảnh từng loại đất của ban quản lý dự án được UBND huyện Trùng Khánh giao đất để làm dự án theo Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/02/2003. HĐXX xét thấy:

Về nguồn gốc đất bị đơn thừa nhận rằng sau khi nhân dân xóm E đi Miền Nam thì bị đơn mới vào canh tác. Do vậy có thể kết luận nguồn gốc đất là của nhân dân biên giới xóm E đi miền nam và bỏ hoang không ai canh tác chứ không phải do gia đình bị đơn khai phá như lời khai của bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án.

Thực hiện dự án di dãn dân vào xóm biên giới xã G, huyện Trùng Khánh, UBND huyện Trùng Khánh đã có văn bản số 59/KH/ĐCĐC ngày 12/5/1999 về việc đăng ký di dãn dân gửi đến các xã hướng dẫn chỉ đạo thực hiện. Theo đó UBND xã G đã thực hiện và đăng ký cho các hộ dân trong xã (lập biên bản xét duyệt các hộ gia đình xin đăng ký vào vùng kinh tế mới). Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới thẩm định địa bàn dự án; Duyệt danh sách các hộ di dãn dân vào vùng dự án các đợt 1, 2, 3. Trong đó có hộ gia đình bà Nông Thị A. UBND huyện Trùng Khánh ban hành tờ trình số 149/TT-UB ngày 08/12/2002 gửi UBND tỉnh về việc xin phê duyệt danh sách các hộ di dãn dân của xã G. Ngày 29/12/2003, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 3432/QĐ-UB về việc phê duyệt các hộ di chuyển ra xóm biên giới theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg đợt 3 năm 2003 kèm theo danh sách có hộ bà Nông Thi A.

Căn cứ Quyết định phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ theo Quyết định số 186/TTg di dân ra biên giới. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 102 thu hồi toàn bộ diện tích đất thuộc khu vực E, xã G, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (trừ diện tích núi đá), tổng diện tích 604.187,9 m2. Mục đích thu hồi giao cho Ban quản lý dự án tiến hành phân lô, phân khoảnh từng loại đất giao cho các hộ dân được di dân theo dự án. Tại thời điểm thu hồi, toàn bộ diện tích 604.187,9m² không có người quản lý, sử dụng, không có hộ gia đình nào kê khai với cơ quan có thẩm quyền để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất trên. Ông B cùng những người làm chứng cho rằng nguồn gốc đất bị thu hồi theo Quyết định số 102 trong đó có đất của gia đình ông B và ông C khai phá từ những năm 1988 và sử dụng liên tục cho đến năm 2020. Ngoài lời trình bày trên của bị đơn và lời xác nhận của những người làm chứng do bị đơn đề nghị Tòa án đưa vào tham gia tố tụng, thì bị đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh về nguồn gốc đất. Trong trường hợp gia đình ông B có canh tác từ khi khai phá thì cũng không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013, không kê khai để xin cấp GCNQSDĐ nên không có căn cứ chứng minh đất thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của gia đình ông B. UBND huyện Trùng Khánh ban hành Quyết định số 102 không phải thông báo cho ông C, ông B vì ông C, ông B không phải là người sử dụng đất hợp pháp và cũng không đáp ứng các điều kiện để được bồi thường về đất quy định tại Điều 6 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính Phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nên không được bồi thường khi thu hồi đất.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình bà Nông Thị A năm 2006 thuộc trường hợp nhà nước giao quyền sử dụng đất chứ không phải công nhận quyền sử dụng đất. Do vậy không cần các giấy tờ chứng minh Quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1,2,5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, biên bản họp khu dân cư và biên bản xác minh nguồn gốc đất.

Thứ hai, bị đơn cho rằng Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/02/2003 của UBND huyện Trùng Khánh về việc thu hồi đất đai thuộc khu vực E – xã G và Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của UBND huyện Trùng Khánh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ban hành trái pháp luật. HĐXX xét thấy: Tại bản án số 06/2021/HC-ST ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có hiệu lực pháp luật nhận định Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/02/2003 của UBND huyện Trùng Khánh về việc thu hồi đất đai thuộc khu vực E – xã G và Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 23/11/2006 của UBND huyện Trùng Khánh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ban hành đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Thứ ba, bị đơn cho rằng khi tiến hành hòa giải tại UBND xã G bị đơn mới biết đến hai quyết định hành chính là quyết định số 102 và quyết định số 2058, theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, khoản 4 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì thẩm quyết giải quyết thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng. Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh không chuyển hồ sơ lên TAND tỉnh để giải quyết là không đúng với quy định của pháp luật. HĐXX xét thấy: Bà Nông Thị A khởi kiện ông Triệu Văn B yêu cầu trả lại thửa đất 68, tờ bản đồ số 11, diện tích 2369,7m2 và chấm dứt hành vi ngăn cản gia đình bà được quản lý, sử dụng thửa đất trên. Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn Triệu Văn B, Triệu Văn C không có yêu cầu phản tố yêu cầu hủy quyết định số 102 và quyết định số 2058 của UBND huyện Trùng Khánh. Do vậy TAND huyện Trùng Khánh thụ lý, giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, bị đơn cho rằng HĐXX sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn vắng mặt tại phiên tòa ngày 28/8/2020 HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa nhưng không gửi cho các đương sự. HĐXX xét thấy: Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 08/9/2020 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đều có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, được thực hiện các quyền của mình tại phiên tòa và sau phiên tòa thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Việc cấp sơ thẩm không tống đạt quyết định hoãn phiên tòa cho phía bị đơn là thiếu sót, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến đường lối giải quyết vụ án cũng như làm hạn chế quyền kháng cáo của các đương sự do vậy cấp phúc thẩm nhắc nhở để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện theo ủy quyền của bị đơn cũng khẳng định không có tài liệu chứng cứ gì nộp thêm để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả lại quyền sử dụng đất là có căn cứ. Cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn Triệu Văn B cũng như ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tại phiên tòa cũng phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về chi phí tố tụng: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng là phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 157 BLTTDS.

[6] Về án phí: Bị đơn Triệu Văn B là hộ cận nghèo, thuộc trường hợp được miễn án phí nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Triệu Văn B. Giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 07/2020/DS-ST ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

2.Về án phí: Ông Triệu Văn B thuộc trường hợp được miễn án phí nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

193
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 42/2022/DS-PT

Số hiệu:42/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về