Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 94/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C, TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 94/2022/DS-ST NGÀY 12/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong ngày 12 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 25/2022/TLST- DS ngày 25 tháng 01 năm 2022 về việc tranh chấp hợp đồng vay tín dụng, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 63/2022/QĐXX-ST ngày 13 tháng 6 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 60/2022/QĐST-DS ngày 12 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP S; trụ sở tại: Số 266-268, N, Phường T, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đức Thạch D – Chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hồng S – Chức vụ: Giám đốc Chi nhánh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Sơn: Ông Cao Hiền Trí P, sinh năm 1972; chức vụ: Chuyên viên quản lý nợ - Ngân hàng TMCP S, Chi nhánh Tây Ninh.

2. Bị đơn: Anh Phạm Ngọc H, sinh năm 1994, cư trú tại: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tây Ninh, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn – ông Cao Hiền Trí P trình bày:

Ngày 02-10-2019, anh Phạm Ngọc H có ký Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng với Ngân hàng TMCP S (bao gồm Giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng kiêm hợp đồng và Bản Điều khoản và điều kiện phát hành và sử dụng thẻ tín dụng Ngân hàng), với hạn mức là 15.000.000 đồng, mục đích sử dụng tiêu dùng cá nhân, lãi suất 2,6%/tháng, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

Ngày 10-10-2019, anh H rút tiền mặt 12.000.000 đồng; ngày 12-10-2019 anh H rút 1.500.000 đồng, cuối kỳ ngày 22-10-2019, số tiền anh H giao dịch là 13.500.000 đồng.

Số tiền lãi vào kỳ tháng 10 năm 2019: Số tiền giao dịch x (số ngày giao dịch)/30 ngày x lãi suất tháng.

Số tiền lãi kỳ tiếp theo: (Số tiền cuối kỳ - số tiền thanh toán) x (số ngày giao dịch)/30 ngày x lãi suất.

Phí thường niên là 299.000 đồng/năm, năm đầu tiên được giảm 50% là 149.000 đồng. Do thẻ chỉ khuyến khích tiêu dùng mua sắm qua hình thức chi trả chuyển khoản, việc rút tiền mặt sẽ phát sinh phí. Ngày 22-7-2020, anh H rút tiền mặt 500.000 đồng nên phí rút tiền là 60.000 đồng. Ngày 22-9-2020, anh H tra cứu số dư tài khoản nên phát sinh phí là 8.000 đồng. Ngày 22-10-2020, anh H phải nộp phí thường niên là 299.000 đồng.

Anh H có thanh toán cho Ngân hàng tổng cộng 10.689.000 đồng, qua 14 lần chi trả. Tiền anh H thanh toán sẽ ưu tiên thanh toán nợ lãi trước, sau đó đến phí và nợ gốc.

Ngày 22-7-2021, anh H không thanh toán nữa nên dư nợ tính đến thời điểm này là 15.104.441 đồng. Căn cứ vào Điều 23 của Bản Điều khoản và điều kiện phát hành sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng thì sau 03 tháng kể từ thời điểm khách hàng không thanh toán số tiền được cộng lại (gồm gốc, lãi trong hạn, phí) thì toàn bộ dư nợ chuyển sang nợ quá hạn, đồng thời Ngân hàng chấm dứt quyền sử dụng thẻ tín dụng.

Tính đến ngày 12-8-2022, tiền gốc anh H còn nợ là 16.742.362 đồng (bao gồm gốc, lãi trong hạn và phí); lãi quá hạn anh H còn nợ là 6.398.910 đồng; tổng cộng là 23.141.272 đồng.

Nay Ngân hàng khởi kiện yêu cầu anh H trả tiền nợ gốc và nợ lãi quá hạn là 23.141.272 đồng và tiền lãi phát sinh kể từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi anh H thanh toán xong tiền nợ lãi, theo lãi suất đã thỏa thuận tương ứng với thời gian chậm trả trên số tiền nợ gốc chưa thanh toán.

Bị đơn – anh Phạm Ngọc H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt, không có văn bản trình bày ý kiến.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tây Ninh phát biểu quan điểm:

- Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, Thẩm phán và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc chấp hành của người tham gia tố tụng thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung:

Căn cứ Điều 91 và Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 466, 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 4, Điều 13 của Thông tư 39/2016/TT- NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Điều 5, 6, 8, 9 của Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong Hợp đồng tín dụng; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; đề nghị HĐXX:

+ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP S, buộc anh H phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền tạm tính đến ngày 12-8-2022 là 22.049.180 đồng.

+ Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP S đối với yêu cầu còn lại 1.092.092 đồng.

+ Anh H phải chịu tiền lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Ngân hàng khởi kiện anh Phạm Ngọc H, cư trú tại ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tây Ninh về hợp đồng tín dụng nên Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tây Ninh thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập hợp lệ anh H nhiều lần nhưng anh H vắng mặt không lý do, không có văn bản trình bày ý kiến, do đó, Tòa án tiến hành giải quyết, xét xử vắng mặt anh H theo điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì thấy rằng:

[2] Ngân hàng cấp thẻ tín dụng cho anh H có hạn mức là 15.000.000 đồng. Theo Bảng tóm tắt sao kê do Ngân hàng cung cấp thể hiện từ ngày 22-10- 2019, anh H bắt đầu sử dụng thẻ và đến nay tổng số tiền phát sinh giao dịch là 16.400.000 đồng. Anh H có thanh toán cho Ngân hàng qua 14 lần, tổng số tiền là 10.689.000 đồng.

[3] Theo Điều 23, 24 của Bản Điều khoản và điều kiện phát hành và sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng; các Bảng tóm tắt sao kê do Ngân hàng cung cấp và lời trình bày của đại diện Ngân hàng thì dư nợ gốc được xác định gồm: số tiền anh H đã giao dịch, dư nợ gốc cuối kỳ trước chuyển sang (tiền nợ gốc, nợ phí, tiền nợ lãi chưa thanh toán), tiền phí, tiền nợ lãi phát sinh trong kỳ. Tiền nợ lãi kỳ tiếp theo được tính trên số dư nợ gốc kỳ trước trừ tiền đã thanh toán theo lãi suất 2,6%/tháng; đến 22-10-2021 chuyển toàn bộ sang nợ quá hạn thì tính theo lãi suất 3,9%/tháng. Nếu trong kỳ anh H thanh toán thì sẽ được trừ theo thứ tự ưu tiên là tiền nợ phí trước, sau đó đến tiền nợ lãi, đến tiền nợ gốc.

Như vậy, cách tính tiền lãi nêu trên của Ngân hàng là tính tiền lãi trên cả tiền nợ phí và tiền nợ lãi trong hạn theo lãi suất 2,6%/tháng và 3,9%/tháng nên có việc tính lãi trên nợ lãi, đồng thời gộp cả tiền lãi, tiền phí thành tiền nợ gốc để tính tiền lãi.

Theo điểm b khoản 4 Điều 13 của Thông tư số: 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì “…trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất …đã thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên dư nợ lãi chậm trả tương ứng”. Xét thấy, Ngân hàng được phép tính tiền lãi của tiền nợ lãi chậm trả, tuy nhiên cách tính gộp cả tiền nợ gốc, nợ lãi chưa trả để tính cùng lãi suất 2,6%/tháng hoặc 3,9%/tháng là không đúng, vượt mức lãi suất 10%/năm đối với tiền nợ lãi chậm trả.

Ngoài ra, theo điểm c khoản 4 Điều 13 của Thông tư số: 39/2016/TT- NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “…trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn”. Trong vụ án này, Ngân Hàng tính tiền lãi quá hạn trên cả tiền nợ lãi chậm trả và tiền phí là không đúng.

[4] Do Ngân hàng tính tiền nợ lãi không đúng dẫn đến việc xác định nợ gốc, nợ lãi không đúng, nên Hội đồng xét xử tính lại cho đúng theo quy định nêu trên. Theo đó, tiền nợ gốc và tiền nợ lãi phải được tách ra hàng tháng và được tính riêng nợ gốc theo lãi suất các bên thỏa thuận là 2,6%/tháng trên dư nợ gốc thực tế, không bao gồm phí và tiền nợ lãi, đối với nợ lãi chậm trả được tính theo lãi suất 10%/năm trên số dư nợ chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Tiền nợ lãi quá hạn được tính trên dư nợ gốc quá hạn, không bao gồm tiền nợ lãi, tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất là 3,9%/tháng.

Kết quả tính đến ngày 12-8-2022, nợ gốc anh H còn nợ là: 14.239.391 đồng; nợ lãi trong hạn: 1.757.748 đồng; nợ lãi quá hạn: 5.440.458 đồng; nợ lãi của nợ lãi chậm trả: 141.583 đồng; nợ phí chưa thanh toán: 470.000 đồng.

[5] Từ những nhận định trên, xét thấy có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đối với tiền nợ gốc là 14.239.391 đồng; nợ lãi trong hạn: 1.757.748 đồng; nợ lãi quá hạn: 5.440.458 đồng; nợ lãi của nợ lãi chậm trả: 141.583 đồng; nợ phí chưa thanh toán: 470.000 đồng; tổng cộng là 22.049.180 đồng. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đối với số tiền 1.092.092 đồng.

Theo điểm a khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 11-01-2019 thì kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, anh H phải tiếp tục chịu tiền nợ lãi quá hạn trên tiền nợ gốc chậm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán, theo mức lãi suất quá hạn các bên đã thỏa thuận. Riêng đối với tiền nợ phí, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn do thỏa thuận của các bên không phù hợp quy định của pháp luật nên kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, anh H còn phải chịu tiền lãi chậm thanh toán theo mức lãi suất của khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

[6] Về án phí: Anh Phạm Ngọc H phải chịu tiền án phí trên số tiền buộc phải trả cho Ngân hàng.

Ngân hàng phải chịu tiền án phí đối với phần không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng; Điều 13, 14 của Thông tư số: 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Điều 8, 13 của Nghị quyết số: 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP S đối với anh Phạm Ngọc H về Tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Buộc anh Phạm Ngọc H trả cho Ngân hàng TMCP S số tiền nợ gốc là 14.239.391 (mười bốn triệu, hai trăm ba mươi chín nghìn, ba trăm chín mươi mốt) đồng; nợ lãi trong hạn: 1.757.748 (một triệu, bảy trăm năm mươi bảy nghìn, bảy trăm bốn mươi tám) đồng; nợ lãi quá hạn: 5.440.458 (năm triệu, bốn trăm bốn mươi nghìn, bốn trăm năm mươi tám) đồng; nợ lãi của nợ lãi chậm trả:

141.583 (một trăm bốn mươi mốt nghìn, năm trăm tám mươi ba) đồng; nợ phí chưa thanh toán: 470.000 (bốn trăm bảy mươi nghìn) đồng; tổng cộng là 22.049.180 (hai mươi hai triệu, không trăm bốn mươi chín nghìn, một trăm tám mươi) đồng.

Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, anh H phải tiếp tục chịu tiền nợ lãi quá hạn trên tiền nợ gốc chậm thanh toán tương ứng với thời gian chậm thanh toán, theo mức lãi suất quá hạn các bên đã thỏa thuận. Riêng đối với tiền nợ phí, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, anh H còn phải chịu tiền lãi chậm thanh toán theo mức lãi suất của khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thanh toán.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP S đối với số tiền là 1.092.092 đồng.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Anh Phạm Ngọc H phải chịu 1.102.459 (một triệu, một trăm lẻ hai nghìn, bốn trăm năm mươi chín) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngân hàng TMCP S phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho Ngân hàng TMCP S tiền tạm ứng án phí chênh lệch là 165.000 (một trăm sáu mươi lăm nghìn) đồng theo Biên lai thu số: 0017097 ngày 25-01-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tây Ninh.

3. Nguyên đơn được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc niêm yết hợp lệ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

106
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 94/2022/DS-ST

Số hiệu:94/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Tây Ninh - Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về