15/01/2019 15:32

Nên áp dụng Bộ luật Dân sự hay Luật các Tổ chức tín dụng khi cho vay tín chấp?

Nên áp dụng Bộ luật Dân sự hay Luật các Tổ chức tín dụng khi cho vay tín chấp?

Vay tín chấp đã rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Đúng như cái tên của nó, bản chất của việc này là việc cho vay và vay dựa trên uy tín, dùng uy tín để thế chấp chứ không phải là dùng tài sản. Thường bên cho vay sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn so với việc cho vay có tài sản đảm bảo và bên vay thì sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn thông thường.

Vì lãi suất vay cao nên cũng xảy ra nhiều vụ khách hàng không trả tiền cho tổ chức tín dụng và dẫn đến đưa nhau ra tòa.

Như nội dung của bản án 02/2018/DS-ST ngày 10/01/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản của Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nội dung vụ án xoay quanh việc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Q kiện bà Nguyễn Thị Thu Q về việc bà đã vay tiền nhưng không trả nợ theo đúng thời hạn thanh toán trong hợp đồng của hai bên. Theo hợp đồng ngày 16/8/2016, bà Nguyễn Thị Thu Q có vay vốn tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Q số tiền 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng), vay tiền theo hình thức tín chấp, trả góp hàng tháng. Thời hạn vay 30 tháng, số kỳ thành toán 30 kỳ, ngày thanh toán đầu tiên vào ngày 12/9/2016 và ngày thanh toán cuối cùng vào 12/02/2019; lãi suất tiền vay tại thời điểm ký hợp đồng 90185-000-000- 0419-000 là 3.42%/tháng, mục đích vay tiêu dùng. Tuy nhiên bà Q chỉ trả thời gian đầu với tổng cộng 9.705.000 đồng và sau đó đã không trả nợ đầy đủ cho công ty tài chính.

Tòa án đã căn cứ vào Điều 463, 468, 357 Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết vụ án.

1. Đưa vụ lãi suất cho vay về với mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là không quá 20%/năm

2. Buộc bà Q trả nợ cho công ty tài chính gồm nợ gốc là 26.191.000 đồng + tiền lãi phát sinh là 2.320.000 đồng = 28.711.000 đồng

Việc đưa ra quyết định của tòa cũng là đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhưng bản thân người viết cho rằng, đối với công ty tài chính thì nên áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng thay vì Bộ luật Dân sự.

Việc quyết định công ty tài chính thuộc sự điều chỉnh của quy định nào là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định mức lãi suất cho vay.

Nếu nó thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự thì việc Tòa tuyên mức lãi suất về 20% là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu không thì việc tuyên về mức lãi suất 20% là sai, vì Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, khi không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự thì mức lãi suất tuân theo quy định khác.

Tại khoản 4, Điều 4, Luật Các tổ chức Tín dụng 2010 đã quy định rõ ràng là “Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác”. Nếu như vậy thì phải dùng Luật Tổ chức tín dụng để điều chỉnh. Khi đó mức lãi suất 20% không còn phù hợp nữa.

Điều 9. Lãi suất cho vay tiêu dùng, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thì lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Tại Khoản 2, Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng cũng quy đinh là mức lãi suất do tổ chức tín dụng do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận.

Theo tác giả thì tại đây mức lãi suất 3.42%/tháng của Công ty tài chính là không hợp lý nhưng đưa về mức 20% cũng không có sự hợp lý. Thứ nhất việc cho vay của công ty tài chính đặc biệt là cho vay tín chấp mức rủi ro rất cao. Thứ hai công ty tài chính cũng là đi vay tiền và cho người khác vay lại. Việc vay và cho vay thì phải tuân theo hợp đồng của hai bên và các các văn bản pháp luật có liên quan đến công ty tài chính như Luật Tổ chức tín dụng 2010 và Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Bà Q ban đầu đi vay đã biết trước là cao nhưng vẫn đồng ý vay thì phải có trách nhiệm với việc mình làm do đó bà cũng phải chấp nhận việc trả nợ cho công ty tài chính với mức lãi suất đã chấp nhận vay.

Đức Phong
4856

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn