Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 113/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 113/2018/KDTM-PT NGÀY 25/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày 27 tháng 12 năm 2017; ngày 08, ngày 18 và ngày 25 tháng 01 năm 2018, tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 116/2017/TLPT-KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 37/2017/KDTM-ST ngày 22-8-2017 của Toà án nhân dân Quận 2 bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2690/2017/QĐ-PT ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Các đương sự:

Nguyên đơn: Tập đoàn công nghiệp C

Địa chỉ: 210 đường N, Phường N1, Quận N2, TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện: Ông Trần Thành P, sinh năm 1976 Giấy ủy quyền số 3316/UQ-CSVN ngày 26-10-2016. có mặt

Bị đơn: Ông Lê Thanh N, sinh năm 1974

Địa chỉ: 30 Đường 32, Khu phố 2, phường B1, Quận B2, TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện: Bà Trần Ngọc Kim C, sinh năm 1975.

Địa chỉ: 34 đường T, phường T1, Quận T2, TP. Hồ Chí Minh.

Giấy ủy quyền được công chứng số 041924 ngày 23-12-2016. có mặt

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty cổ phần đầu tư KQ Trụ sở: 6-8 Đường D, Phường D1, Quận D2, TP. Hồ Chí Minh.

Có đơn xin vắng mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Mạnh N – Văn phòng luật sư Nguyễn Mạnh N, có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

I) Tóm tắt nội dung vụ án theo bản án sơ thẩm:

1- Đại diện Nguyên đơn trình bày:

Ngày 15-4-2011, khách hàng Lê Thanh N ký kết Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD vay của Công ty tài chính TNHH một thành viên C (hiện nay đã sáp nhập vào Tập đoàn công nghiệp C) số tiền 4.000.000.000 đồng;

Thời hạn vay: 12 tháng (từ ngày 15-4-2011 đến ngày 15-4-2012);

Mức lãi suất vay trong hạn là 21%/năm (quá hạn tính 150% trong hạn); Mục đích vay: góp vốn vào Công ty thép HT.

Hình thức trả nợ: lãi thanh toán hàng tháng, vốn trả cuối kỳ.

Tài sản cầm cố bảo đảm nợ vay: Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần của ông Lê Thanh N đối với 1.000.000 CP (mệnh giá 10.000đ/cổ phần) do Công ty cổ phần đầu tư KQ phát hành, thành tiền 10.000.000.000 đồng.

Thực hiện hợp đồng tín dụng: Ngày 15-4-2011 các bên ký Khế ước nhận nợ số 01 theo Giấy đề nghị giải ngân và ông N đã nhận nợ số tiền 4.000.000.000 đồng (cụ thể theo phiếu Ủy nhiệm chi ngày 15-4-2011 là số tiền 720.000.000đ; và Phiếu chi ngày 15-4-2011 số tiền 3.280.000.000đ). Ông Lê Thanh N đã thanh toán lãi trong hạn phát sinh từ ngày 15-4-2011 đến ngày 15-7-2011 là 221.000.000 đồng, sau đó ông N ngưng thực hiện thanh toán lãi và trả vốn vay cho đến nay. Công ty tài chính TNHH một thành viên C nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc nhưng ông N vẫn chưa thực hiện việc trả nợ theo hợp đồng.

Tại Đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu: Buộc ông Lê Thanh N phải trả cho Tập đoàn công nghiệp C toàn bộ nợ tính đến ngày 31-10-2016, gồm các khoản: Vốn vay 4.000.000.000 đồng, lãi trong hạn 654.760.000 đồng, lãi phạt do chậm trả lãi 32.738.000 đồng, lãi quá hạn 3.878.473.333 đồng. Tổng cộng nợ phải trả là 8.565.971.333 đồng.

Lãi tiếp tục phát sinh trên dư nợ vốn tương ứng, kể từ ngày 01-11-2016 cho đến khi tất toán vốn vay, theo mức lãi suất nợ quá hạn của hợp đồng tín dụng (điều chỉnh ngày 15-5-2013) là 21%/năm.

Trường hợp ông Lê Thanh N không chịu trả nợ vay, Tập đoàn công nghiệp C yêu cầu cho phát mãi tài sản cầm cố và tài sản khác của ông Lê Thanh N để thu hồi nợ.

Tại phiên tòa, nguyên đơn xác định lại các yêu cầu khởi kiện: ông Lê Thanh N phải trả cho Tập đoàn công nghiệp C toàn bộ nợ tính đến ngày 21-8-2017, gồm các khoản:

- Vốn vay: 4.000.000.000 đồng - Lãi trong hạn: 654.760.000 đồng - Lãi quá hạn: 4.368.473.334 đồng Tổng cộng nợ phải trả: 9.055.971.334 đồng.

Nguyên đơn rút lại yêu cầu đòi lãi phạt do chậm trả lãi 32.738.000 đồng.

Yêu cầu tính lãi phát sinh trên dư nợ vốn tương ứng kể từ ngày 22-8-2017 cho đến khi tất toán vốn vay là 15%/năm (theo mức lãi suất nợ quá hạn được điều chỉnh ngày 01-4-2015 là 10% x 150%/năm);

Thời hạn trả: Ngay sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ: Trường hợp ông Lê Thanh N không thực hiện việc trả nợ thì Tập đoàn công nghiệp C được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi toàn bộ 1.000.000 cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Lê Thanh N do Công ty cổ phần đầu tư KQ phát hành ngày 25-04-2010 (theo Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD ngày 15-04- 2011), để Tập đoàn công nghiệp C thu hồi nợ.

Bị đơn phải chịu án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật.

2- Đại diện bị đơn trình bày:

Ông Lê Thanh N xác nhận việc ký kết và thực hiện Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011 và Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD ngày 15-04-2011 là đúng;

Ông Lê Thanh N xác nhận số vốn vay còn nợ là 4.000.000.000 đồng; xác nhận lãi phát sinh sau ngày 15-7-2011 đến nay ông N chưa trả.

Về các yêu cầu của nguyên đơn: Ông Lê Thanh N không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Tập đoàn công nghiệp C về việc đòi số nợ vốn 4.000.000.000 đồng, lãi trong hạn 654.760.000 đồng, lãi quá hạn 4.368.473.334 đồng. Tổng cộng nợ phải trả: 9.055.971.334 đồng.

Lý do: Toàn bộ số nợ này đã hết thời hiệu đòi nợ, vì hợp đồng tín dụng vay trong thời hạn một năm (12 tháng, từ ngày 15-4-2011 đến hết ngày 15-4-2012). Quá thời hạn này nguyên đơn phải xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ nhưng phía nguyên đơn không thực hiện, kéo dài làm phát sinh lãi quá hạn nhiều, ông Lê Thanh N mất khả năng thanh toán. Vì vậy, đề nghị nguyên đơn phải nhận chính tài sản cầm cố thay cho nghĩa vụ trả nợ của ông Lê Thanh N theo quy định tại mục 8.3.2 Điều 8 của Hợp đồng cầm cố số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD.

Ngày 06-01-2017 ông Lê Thanh N có nộp Đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và ngày 26-7-2017 đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, nội dung các yêu cầu phản tố như sau:

-Buộc Tập đoàn công nghiệp C phải bán tài sản cầm cố là 1.000.000 cổ phần để thu hồi nợ. Nếu không thực hiện việc bán tài sản cầm cố hoặc chưa bán được tài sản thì Tập đoàn công nghiệp C phải nhận chính tài sản cầm cố này (1.000.000 cổ phần) để thay thế, bù trừ tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ vốn và lãi vay của ông Lê Thanh N theo đúng quy định tại điều 8.3.2 của Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011HĐCTCG-TD lập ngày 15-4-2011.

- Bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu ông Lê Thanh N phải thanh toán nợ vay và lãi vay theo Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-4-2011.

3- Đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

- Về quan hệ vay tín dụng và quan hệ cầm cố tài sản bảo đảm nợ vay được ký kết và thực hiện giữa Tập đoàn công nghiệp C với ông Lê Thanh N là quan hệ pháp luật có tranh chấp, đây là quan hệ riêng, không liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư KQ và đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu của đương sự theo quy định của pháp luật.

- Về số 1.000.000 cổ phần theo Giấy chứng nhận đứng tên ông Lê Thanh N. Công ty cổ phần đầu tư KQ thừa nhận ông Lê Thanh N có sở hữu số 1.000.000 cổ phần và đã cầm cố giấy chứng nhận số cổ phần này để bảo đảm nợ vay tại Tập đoàn công nghiệp C. Công ty cổ phần đầu tư KQ cam kết trách nhiệm hỗ trợ, giải quyết và thực hiện thủ tục khi phát mãi số 1.000.000 cổ phiếu theo phán quyết của Tòa án, hoặc cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

- Về xác minh thông tin sổ chứng nhận sở hữu cổ phần của ông Lê Thanh N. Công ty cổ phần đầu tư KQ đã trình bày cụ thể tại văn bản số 01- 07/2017/CV-KQ ngày 17-7-2017.

4- Ý kiến Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

Toàn bộ số nợ này đã hết thời hiệu đòi nợ, vì hợp đồng tín dụng vay trong thời hạn một năm (12 tháng). Quá thời hạn này nguyên đơn chỉ được quyền đòi lại tài sản là số nợ gốc, không được quyền đòi lãi phát sinh vì quan hệ tranh chấp giữa các bên là quan hệ vay tài sản. Tập đoàn công nghiệp C phải xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ nhưng Tập đoàn công nghiệp C không thực hiện, để nợ kéo dài làm phát sinh lãi quá hạn nên ông Lê Thanh N mất khả năng thanh toán nợ. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn công nghiệp C phải nhận chính tài sản cầm cố 1.000.000 cổ phần để bù trừ cho nghĩa vụ trả nợ của ông Lê Thanh N theo quy định tại mục 8.3.2 Điều 8 của Hợp đồng cầm cố số 44/2011/HĐCTCG-TCCS- TD. Đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ các yêu cầu phản tố của ông Lê Thanh N.

II) Quyết định của bản án sơ thẩm:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:

- Buộc ông Lê Thanh N có trách nhiệm trả cho Tập đoàn công nghiệp C toàn bộ vốn và lãi (phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011), tính đến ngày 21-8-2017 gồm các khoản: Vốn 4.000.000.000 đồng, lãi trong hạn 654.760.000 đồng, lãi quá hạn 4.368.473.334 đồng. Tổng cộng nợ phải trả: 9.055.971.334đ đồng.

Lãi tiếp tục phát sinh trên dư nợ vốn tương ứng, kể từ ngày 22-8-2017 cho đến khi tất toán vốn vay, theo mức lãi suất nợ quá hạn được điều chỉnh là 15%/năm.

Thời hạn thanh toán: Trả ngay một lần, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Trước khi tài sản cầm cố được phát mãi, các đương sự tất toán được nợ thì Tập đoàn công nghiệp C có trách nhiệm trả lại cho ông Lê Thanh N tài sản cầm cố là 1.000.000 cổ phiếu theo Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần do Công ty cổ phần đầu tư KQ phát hành ngày 25-04-2010.

Sau khi tài sản cầm cố được phát mãi không trả hết toàn bộ nợ của Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011 thì người vay là ông Lê Thanh N tiếp tục có trách nhiệm trả cho đến khi hết nợ. Thi hành theo Luật Thi hành án dân sự quy định.

- Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu nguyên đơn đã rút là khoản lãi phạt chậm thanh toán lãi từ 15-7-2011 đến ngày 15-4-2012 là 32.738.000 đồng.

2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn:

Không buộc Tập đoàn công nghiệp C phải nhận tài sản cầm cố là 1.000.000 cổ phiếu theo Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần do Công ty cổ phần đầu tư KQ phát hành ngày 25-04-2010 để bù trừ tất cả nghĩa vụ thanh toán nợ vốn và lãi vay của ông Lê Thanh N.

Bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

III) Kháng cáo:

Bị đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng nguyên đơn phải nhận chính tài sản cầm cố để thay thế cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn.

IV) Tại phiên tòa phúc thẩm:

1 - Bị đơn trình bày:

Ông Lê Thanh N không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Tập đoàn công nghiệp C về việc đòi số nợ vốn vay và lãi phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011 Lý do: Toàn bộ số nợ này đã hết thời hiệu đòi nợ, vì hợp đồng tín dụng vay trong thời hạn 12 tháng (từ ngày 15-4-2011 đến hết ngày 15-4-2012). Quá thời hạn này nguyên đơn phải xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ nhưng không thực hiện, kéo dài làm phát sinh lãi quá hạn nhiều dẫn đến ông Lê Thanh N mất khả năng thanh toán. Vì vậy, đề nghị nguyên đơn phải nhận chính tài sản cầm cố thay cho nghĩa vụ trả nợ của ông Lê Thanh N theo quy định tại mục 8.3.2 Điều 8 của Hợp đồng cầm cố số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD.

Ngày 06-01-2017 ông Lê Thanh N có nộp Đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và ngày 26-7-2017 đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, nội dung các yêu cầu phản tố như sau:

- Buộc Tập đoàn công nghiệp C phải bán tài sản cầm cố là 1.000.000 cổ phần để thu hồi nợ. Nếu không thực hiện việc bán tài sản cầm cố hoặc chưa bán được tài sản thì Tập đoàn công nghiệp C phải nhận chính tài sản cầm cố này (1.000.000 cổ phần) để thay thế, bù trừ tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ vốn và lãi vay của ông Lê Thanh N theo đúng quy định tại điều 8.3.2 của Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011HĐCTCG-TD lập ngày 15-4-2011.

- Bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu ông Lê Thanh N phải thanh toán nợ vay và lãi vay theo Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-4-2011.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

2- Nguyên đơn trình bày:

Điều 8.3 trong Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011/HĐCTCG-TCCS- TD ngày 15-4-2011, các bên thỏa thuận các phương thức xử lý tài sản tài sản là bán tài sản đảm bảo hoặc nhận chính tài sản cầm cố để thay thế cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nhưng khi nợ đến hạn, hai bên đã không thỏa thuận hình thức xử lý tài sản, ông N không có văn bản đề nghị ngân hàng nhận tài sản cầm cố và ngân hàng nếu có muốn nhận thì cũng không thể tự làm thủ tục chuyển nhượng được.

Khi đến hạn trả nợ nhưng ông N không thực hiện nghĩa vụ thì nguyên đơn có Đơn khởi kiện đề ngày 09-10-2013 và được Tòa án nhân dân Quận 2 thụ lý giải quyết; ngày 25-12-2014, nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện để chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự. Nguyên đơn đã có công văn số 1040/TCCS ngày 24-12-2013 và công văn số 1864/CSVN-TCKT ngày 27-6-2016 gửi Cục Cảnh sát kinh tế Bộ công an (C46B) về việc đề nghị hỗ trợ thu hồi vốn và xử lý các sai phạm trong quá trình cho vay của nguyên đơn trong đó có khoản vay của ông N.

Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

3- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày:

Toàn bộ số nợ đã hết thời hiệu đòi nợ vì hợp đồng tín dụng vay trong thời hạn 12 tháng. Quá thời hạn này nguyên đơn chỉ được quyền đòi lại nợ gốc, không được quyền đòi lãi phát sinh vì quan hệ tranh chấp giữa các bên là quan hệ vay tài sản. Tập đoàn công nghiệp C phải xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ nhưng không thực hiện dẫn đến nợ kéo dài làm phát sinh lãi quá hạn nên ông Lê Thanh N mất khả năng thanh toán. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn công nghiệp C phải nhận chính tài sản cầm cố 1.000.000 cổ phần để bù trừ cho nghĩa vụ trả nợ của ông Lê Thanh N theo quy định tại mục 8.3.2 Điều 8 của Hợp đồng cầm cố số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp cho Đơn gửi cơ quan điều tra ngày 24-12-2013 và ngày 27-6-2016 để cho rằng nguyên đơn rút đơn khởi kiện là vì chuyển hồ sơ để Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an xử lý hành vi có dấu hiệu hình sự trong đó có hợp đồng tín dụng đang tranh chấp. Tuy nhiên, nguyên đơn không chứng minh được cơ quan điều tra đã thụ lý vụ việc theo qui định, ông N chưa bao giờ tiếp xúc, làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra liên quan đến hợp đồng tín dụng đang tranh chấp cũng như các hợp đồng mua bán cổ phiếu.Như vậy, chúng cứ của nguyên đơn không có giá trị pháp lý để xem xét thời hiệu khởi kiện.

Liên quan đến các hợp đồng mua bán cổ phiếu, trái phiếu, Tập đoàn công nghiệp C đã khởi kiện ông Lê Thanh N tại Tòa án nhân dân Quận 3 và đã được thụ lý.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

V) Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm:

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán và Hội đồng xét xử:

Thẩm phán đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như: thụ lý vụ án đúng thẩm quyền và ra thông báo thụ lý phúc thẩm; ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm còn trong thời hạn chuẩn bị xét xử và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời hạn qui định.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đúng thành phần; tiến hành xét xử phúc thẩm trong phạm vi thẩm quyền.

Trình tự thủ tục tại phiên tòa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Về chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng:

Các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ theo qui định tại điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Về nội dung kháng cáo:

1- Về kháng cáo của ông Lê Thanh N yêu cầu Tòa án chấp nhận đơn phản tố:

Nội dung thỏa thuận tại Điều 8.3.2 trong hợp đồng chỉ là một trong những phương thức các bên thỏa thuận để xử lý tài sản thế chấp chứ không phải là thỏa thuận khi xử lý nợ thì bắt buộc Tập đoàn công nghiệp C chỉ phải nhận chính tài sản cầm cố này để thay thế cho việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, tại Điều 8.3.2 cũng đã qui định việc Tập đoàn công nghiệp C được phép bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Căn cứ Khoản 2 điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 qui định về việc xử lý nợ và chấm dứt cấp tín dụng thì việc bán hay nhận chính tài sản cầm cố đều phải có sự đồng ý của Tập đoàn công nghiệp C. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Thanh N buộc Tập đoàn công nghiệp C phải nhận chính tài sản cầm cố là có cơ sở.

2- Về kháng cáo của ông Lê Thanh N không chấp nhận trả lãi:

Căn cứ Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 qui định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và sự thừa nhận của ông N thì hợp đồng tín dụng đã có hiệu lực pháp luật. Trong hợp đồng, Tập đoàn công nghiệp C và ông Lê Thanh N đã thỏa thuận về lãi suất.

Yêu cầu của ông N cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng tín dụng: điều 16 Hợp đồng tín dụng qui định hiệu lực của hợp đồng từ ngày ký cho đến khi ông N trả xong nợ vốn và lãi.

Như vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận phần yêu cầu phản tố là có cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện, Tập đoàn công nghiệp C đã rút đơn kiện với lý do chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh được là cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý đơn và khởi tố vụ án liên quan đến nội dung tranh chấp trong vụ án này nên thời gian này không thể buộc ông N trả lãi suất là phù hợp.

Bản án sơ thẩm tính án phí 235.055.971 đồng trên số tiền bị đơn phải trả là chưa chính xác.

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Thanh N; sửa một phần bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe ý kiến tranh luận của các đương sự; luật sư; nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] - Đơn kháng cáo của ông Lê Thanh N nộp cho Tòa án trong thời hạn qui định của pháp luật nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm

[2] - Về thủ tục triệu tập:

Công ty cổ phần đầu tư KQ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn xin xét xử vắng mặt đề ngày 11-12-2017.

Căn cứ Khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

[3] - Về nội dung kháng cáo.

3.1- Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011 được ký giữa Tập đoàn công nghiệp C và ông Lê Thanh N với số nợ vốn vay là 4.000.000.000 đồng, số nợ này được các bên xác nhận nên Tòa án sơ thẩm tuyên buộc ông N có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn là có căn cứ.

3.2- Về yêu cầu lãi phát sinh theo yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS-TD ngày 15-04-2011, các bên thỏa thuận thời hạn vay là 12 tháng (từ ngày 15-4-2011 đến ngày 14-4-2012). Như vậy, tính từ ngày 16-4-2012 bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Điều 319 Luật Thương mại qui định: Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm...

Theo hướng dẫn tại Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12- 2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì trường hợp quyền lợi bị vi phạm mà không khởi kiện thì mất quyễn đòi lãi phát sinh mà chỉ có quyền đòi nợ gốc.

Xem xét các chứng cứ nguyên đơn cung cấp chứng cứ chứng minh về việc khởi kiện của mình, thì thấy: Nguyên đơn có Đơn khởi kiện đề ngày 09-10-2013 và được Tòa án nhân dân Quận 2 thụ lý giải quyết; ngày 25-12-2014, nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện để chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh được là cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý đơn và khởi tố vụ án liên quan đến nội dung tranh chấp trong vụ án này. Như vậy, nguyên đơn đã tự từ bỏ quyền lợi của mình.

Đơn khởi kiện của nguyên đơn ngày 08-11-2016, được Tòa án vào sổ nhận đơn ngày 08-11-2016 và thụ lý giải quyết nên thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn được xác định bắt đầu là từ ngày 9-11-2014.

Như vậy, nguyên đơn được yêu cầu lãi phát sinh tính từ ngày 9-11-2014 cho đến khi nợ gốc được trả xong.

Thời gian từ 15-4-2012 đến 8-11-2014, nguyên đơn không được quyền tính lãi.

- Xem xét mức lãi suất:

Điều 3 trong hợp đồng qui định: Lãi suất cho vay là 21%/năm. Lãi suất được thay đổi 3 tháng/ lần tùy thuộc vào nguồn huy động của bên vay. Trong trường hợp đặc biệt khi chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà Nước thay đổi hoặc thị trường lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh (15%) thì bên cho vay sẽ điều chỉnh lãi suất. Khi điều chỉnh lãi suất, bên cho vay sẽ gửi thông báo điều chỉnh lãi suất cho bên vay và bên vay chấp nhận vô điều kiện việc điều chỉnh lãi suất này. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay.

Trong thời hạn vay, mức lãi suất được điều chỉnh 01 lần theo Thông báo số 851/TCCS-TD ngày 30-11-2011 là 22,44%/năm nên đây là mức lãi suất được áp dụng cho yêu cầu tính lãi của nguyên đơn kể từ khi có vi phạm và nguyên đơn có yêu cầu về quyền lợi này.

Yêu cầu tính lãi phát sinh trên số nợ gốc 4.000.000.000 đồng của nguyên đơn được chấp nhận như sau:

Lãi trong hạn hợp đồng:

+ Từ 15-4-2011 đến 30-11-2011, mức 21%/năm, thành tiền là 536.666.667 đồng đồng + Từ 01-12-2011 đến 14-4-2012, mức 22,44%/năm, thành tiền là 339.093.333 Lãi phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán:

+ Từ 9-11-2014 đến ngày xét xử sơ thẩm 22-8-2017 (2 năm, 9 tháng , 14 ngày), mức 22,44%/năm, mức phạt là 33,66%/năm, thành tiền là 3.754.960.000 đồng.

Như vậy, Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm về mức tính lãi suất.

3.3- Về tài sản cầm cố:

Điều 8.3 trong Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011/HĐCTCG-TCCS- TD ngày 15-4-2011, các bên thỏa thuận các phương thức xử lý tài sản tài sản: bán tài sản đảm bảo; nhận chính tài sản cầm cố để thay thế cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ; số tiền thu được từ việc xử lý tài sản trong trường hợp thừa thì trả lại cho chủ tài sản, trường hợp thiếu thì ông N tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ còn lại theo qui định. Cả nguyên đơn và bị đơn không chứng minh được đã thỏa thuận hình thức xử lý tài sản là bán tài sản đảm bảo hay nhận chính tài sản cầm cố khi ông N không trả được nợ. Trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần thì phải có sự tham gia của hai bên, đơn phương nguyên đơn không thể tiến hành thủ tục này theo qui định của pháp luật được. Lập luận của bị đơn cho rằng nguyên đơn đương nhiên phải xử lý tài sản bằng phương thức nhận chính tài sản cầm cố để thay thế cho việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không có căn cứ.

Nguyên đơn khởi kiện đòi nợ, trong trường hợp ông N không trả được nợ thì yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản cầm cố và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ, phù hợp qui định của pháp luật.

[4] – Về yêu cầu phản tố của bị đơn Ông Lê Thanh N có yêu cầu phản tố buộc Tập đoàn C phải bán tài sản cầm cố để thu hồi nợ hoặc nhận chính tài sản cầm cố để thay thế, bù trừ tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ vốn vay và lãi vay về thực chất là không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, không phải là yêu cầu phản tố nên trả lại cho ông Lê Thanh N số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 59.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AE/2014/0008272 ngày 26-7-2017.

[5] – Về ý kiến và kiến nghị của luật sư:

Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần ý kiến bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, luật sư cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết, nguyên đơn không có quyền đòi lãi và phải nhận tài sản cầm cố để trừ nợ là chưa phù hợp thỏa thuận của các bên và qui định của pháp luật theo như nhận định trên của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên không được chấp nhận.

Hội đồng xét xử nhận được bản kiến nghị của luật sư đề ngày 22-01-2018 đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm với lý do nguyên đơn không chứng minh được ông N đã bị cơ quan điều tra khởi tố liên quan đến vi phạm trong hợp đồng tín dụng đang tranh chấp, đề nghị này vượt quá nội dung mà đại diện cho bị đơn trình bày và đề nghị hội đồng xét xử xem xét. Mặt khác, theo nhận định trên, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận cho nguyên đơn được tính lãi đối với thời gian từ 09-11-2014.

[6] - Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

Với những phân tích và đề nghị sửa bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ.

[7] Về án phí:

Án phí sơ thẩm:

- Ông Lê Thanh N phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn.

- Nguyên đơn phải chịu án phí trên yêu cầu không được chấp nhận.

- Ông Lê Thanh N được nhận lại tạm ứng án phí đã nộp cho yêu cầu phản tố.

Án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015,

1) Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lê Thanh N, sửa bản án sơ thẩm, cụ thể như sau:

Buộc ông Lê Thanh N có trách nhiệm trả cho Tập đoàn công nghiệp C vốn vay và lãi phát sinh tính đến ngày 22-8-2017 của Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH- TCCS-TD ngày 15-04-2011 là 8.409.720.000 (tám tỷ bốn trăm lẻ chín triệu bảy trăm hai mươi ngàn) đồng, gồm:

- Vốn vay: 4.000.000.000 đồng - Lãi trong hạn: 654.760.000 đồng - Lãi quá hạn: 3.754.960.000 đồng.

Lãi tiếp tục phát sinh trên dư nợ vốn tương ứng, kể từ ngày 23-8-2017 cho đến khi tất toán vốn vay, theo mức lãi suất nợ quá hạn 33,66%/năm.

Thời hạn thanh toán: kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Khi ông Lê Thanh N thanh toán xong nợ thì Tập đoàn công nghiệp C có trách nhiệm trả lại cho ông N tài sản cầm cố là 1.000.000 cổ phiếu theo Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần do Công ty cổ phần đầu tư KQ phát hành ngày 25-04-2010.

Trường hợp ông Lê Thanh N không trả được nợ thì Tập đoàn công nghiệp C dược quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản cầm cố theo Hợp đồng cầm cố chứng từ có giá số 44/2011/HĐCTCG-TCCS-TD ngày 15-4- 2011 để thu hồi nợ vốn vay, lãi phát sinh. Sau khi tài sản cầm cố được phát mãi mà không trả hết toàn bộ nợ của Hợp đồng tín dụng số 38/2011/HĐNH-TCCS- TD ngày 15-04-2011 thì người vay là ông Lê Thanh N tiếp tục có trách nhiệm trả cho đến khi hết nợ.

- Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu nguyên đơn đã rút là khoản lãi phạt chậm thanh toán lãi từ 15-7-2011 đến ngày 15-4-2012 là 32.738.000 đồng.

2) Về án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Ông Lê Thanh N phải chịu án phí sơ thẩm là 116.409.720 đồng, Tập đoàn công nghiệp C phải chịu án phí là 27.850.053 đồng, trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 58.282.986 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AE/2014/0004587 ngày 23-11-2016 của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn công nghiệp C còn được nhận lại 30.433.933 đồng.

Ông Lê Thanh N được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 59.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AE/2014/0008272 ngày 26-7-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Ông Lê Thanh N được nhận lại tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng, theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AE/2014/0008344 ngày 28-8-2017 của Chi cục thi hành án Dân sự quận 2.

Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận Thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

Án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

28
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 113/2018/KDTM-PT

Số hiệu:113/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về