09/03/2020 16:55

Tranh chấp với công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng

Tranh chấp với công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng

Hiện nay có rất nhiều công ty mang danh công ty tài chính để thực hiện cho vay tiêu dùng mặc dù không có đủ điều kiện thực hiện hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật. Vậy hợp đồng tín dụng ký kết với các công ty này khi có tranh chấp sẽ giải quyết như thế nào?

Tại Bản án 02/2018/DS-ST ngày 10/01/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản có nội dung tóm tắt như sau:

“Ngày 16/8/2016, bà Q có vay vốn tại Công ty Tài chính Q số tiền 30.000.000 đồng vay tiền theo hình thức tín chấp, trả góp hàng tháng. Thời hạn vay 30 tháng, với lãi suất 3.42%/tháng, mục đích vay tiêu dùng.

Từ ngày 13/9/2016 đến ngày 25/02/2017 Bà Quyền trả được 9.705.000 đồng, sau đó thì bà Q không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng cam kết trong hợp đồng vay vốn đã ký kết.

Khi nộp đơn khởi kiện, Công ty chỉ tính lãi đến ngày 21/5/2017, cụ thể tiền vốn vay là 26.191.840 đồng và tiền lãi 2.901.000 đồng, lãi 53.909 đồng, phí tất toán hợp đồng trước thời hạn 1.500.000 đồng, tổng cộng 30.647.500 đồng. Đến ngày Tòa án tiến hành hòa giải 29/11/2017 thì số nợ gốc và lãi là 36.320.000 đồng.

Nay Công ty Tài chính TNHH một thành viên Q yêu cầu bà Q thanh toán số nợ gốc và lãi tổng cộng số tiền nợ 36.320.000 đồng đủ một lần. Đồng thời yêu cầu bà Q tiếp tục thanh toán cho công ty Q tiền lãi phát sinh do nợ quá hạn cho đến khi trả dứt nợ."

Tòa án nhân dân huyện Tịnh Biên, An Giang đã áp dụng Điều 468 Bộ luật dân sự về lãi suất lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015, quyết định:

Buộc bà Nguyễn Thị Thu Q có nghĩa vụ thanh toán cho trả cho Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Q số tiền vốn vay là số nợ gốc là 26.191.000 đồng + tiền lãi phát sinh là 2.320.000 đồng = 28.711.000 đồng (Hai mươi tám triệu bảy trăm mười một ngàn đồng).

Công ty Tài chính Q khởi kiện dựa trên Luật Tổ chức Tín dụng, Thông tư 43/2016/TT-NHNNThông tư 39/2016/TT-NHNN để làm căn cứ tính lãi suất vay hàng tháng là 3.42% (khoảng hơn 36%/năm). Đây là lãi suất cao hơn so với quy định của Bộ luật dân sự 2015 (20%/năm), nên chỉ có thể áp dụng lãi suất này khi bên cho vay là một tổ chức tín dụng, có thể tự do thỏa thuận lãi suất vay theo điều 91 Luật tổ chức tín dụng.

Theo Luật tổ chức tín dụng thì công ty tài chính là tổ chức tín dụng có chức năng cho vay tiêu dùng theo Điểm d Khoản 1 Điều 108:

Điều 108. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính

" 1. Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng sau đây:

a) Nhận tiền gửi của tổ chức;

b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;

c) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

d) Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;

đ) Bảo lãnh ngân hàng;

e) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;

g) Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.”

2. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1 Điều này.”

Tuy nhiên, Tòa án cho rằng Công ty Tài chính Q không phải là tổ chức tín dụng nên phải áp dụng Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết. Có nghĩa là lãi suất các bên thỏa thuận theo hợp đồng vay này phải không được quá 20%/năm theo Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 chứ không được tự do thỏa thuận. Tòa án xác định đây là hợp đồng dân sự vay tài sản giữa một tổ chức và một cá nhân chứ không phải giữa cá nhân và tổ chức tín dụng.

Mặc dù Công ty tài chính Q có cụm từ “tổ chức tín dụng” nhưng có thể trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án phát hiện công ty Q tuy có tên là công ty tài chính nhưng không có đủ cơ sở để chứng minh công ty có đủ điều kiện để thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng. Bởi vì muốn thực hiện hoạt động này công ty cần đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 9 của Nghị định 39/2014/NĐ-CP:

“Điều 5. Hoạt động ngân hàng của công ty tài chính

1. Điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng:

2.… (khoản này đã bị bãi bỏ)

3. Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động ngân hàng được ghi trong Giấy phép.

4.…(khoản này đã bị bãi bỏ)

Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 9. Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng

"Công ty tài chính được cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này.”

Vì vậy Tòa án áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết tranh chấp, quyết định buộc bà Q trả gốc và lãi còn lại với lãi suất 20%/ năm.

Trong thực tế cũng có nhiều công ty mang danh là công ty tài chính nhưng họ không có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tín dụng theo pháp luật. Từ đó các công ty tài chính “giả” này có thể mang danh nghĩa tổ chức tín dụng để cho vay với mức lãi suất cao, trái với quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính.

Quang Chính
4354

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn