Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (quản lý sỉ nhục, gây ức chế, ép NLĐ phải viết đơn nghỉ việc) số 263/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 263/2021/LĐ-PT NGÀY 24/03/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 16 và ngày 24 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 82/2020/TLPT-LĐ ngày 21 tháng 12 năm 2020, về việc: “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.Do Bản án lao động sơ thẩm số 103/2020/LĐ-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 955/2021/QĐ-PT ngày 09/3/2021; Quyết định hoãn phiên tòa số 2292/2021/QĐ-PT ngày 16/3/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thảo N, sinh năm 1992; Cư trú tại: 15B đường B, phường M, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1956 – Là Luật sư của Công ty Luật N thuộc Đoàn Luật sự thành phố T; Cư trú tại: 14/50 đường T, phường C, quận K, thành phố T (có mặt).

- Bị đơn: Ngân hàng V Trụ sở tại: Tòa nhà T, 111A đường P, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

1. Ông Nguyễn Anh V, sinh năm 1988; Cư trú tại: Tòa nhà T, 111A đường P, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền số 34299.20 ngày 26/6/2020 của Ngân hàng V) (có mặt)

2. Ông Bùi Đức T1; Cư trú tại: Tòa nhà T, 111A đường P, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền số 47383.21 ngày 12/3/2021 của Ngân hàng V) (có mặt).

Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Quá trình tham gia tố tụng sơ thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N trình bày:

Bà vào làm việc tại Ngân hàng V (sau đây gọi tắt là Ngân hàng), chi nhánh Phú Nhuận theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng từ ngày 20/12/2017 đến ngày 19/12/2018. Đến tháng 6/2018, Ngân hàng thay đổi cơ cấu tổ chức kinh doanh nên chuyển bà đến Trung tâm kinh doanh trực tiếp vay UPL South 1 làm việc dưới sự quản lý trực tiếp của ông Trương Châu Quốc D (Giám đốc phòng) và ông Phạm Hoàng L (Giám đốc chi nhánh). Ngày 30/11/2018, bà tái ký Hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng từ ngày 20/12/2018 đến ngày 19/12/2019, mức lương cơ bản là 6.500.000 đồng/tháng, lương thực lãnh bao gồm lương cơ bản và lương kinh doanh tổng cộng khoảng 10.000.000 đồng/tháng, hình thức trả lương qua tài khoản của người lao động mở tại Ngân hàng.

Từ ngày làm việc dưới sự quản lý của ông D, trong những cuộc họp triển khai kinh doanh bà liên tục bị ông D miệt thị kinh thường, phân biệt đối xử, phân biệt vùng miền, hăm he đe dọa đuổi việc vì cho rằng bà không đạt được chỉ tiêu kinh doanh, trong khi doanh số hàng tháng của bà đều vượt mức chỉ tiêu đối với chức danh theo hợp đồng lao động đã ký. Đỉnh điểm tại cuộc họp kết thúc Quý I ngày 29/3/2019, ông D đã lớn tiếng sỉ nhục và tuyên bố trước mọi người là bà chính thức bị đuổi việc, yêu cầu bà phải bàn giao toàn bộ khách hàng đang quản lý lại cho nhân viên khác. Ngày 30/3/2019, ông D tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu bà phải nộp đơn xin nghỉ việc nhưng vì quá sốc và bị ức chế nên bà đã ở nhà để ổn định tinh thần. Những ngày sau đó, bà xin nghỉ phép từ ngày 31/3/2019 đến ngày 06/4/2019 nhưng ông D liên tục gọi điện thoại, nhắn tin ra lệnh cho bà lên Ngân hàng làm thủ tục nghỉ việc, nếu bà không làm sẽ báo cho nhân sự giam lương. Hết thời gian nghỉ phép, bà đi làm thì ông L không cho bà tham gia cuộc họp triển khai công việc Quý II, kéo ghế ra khỏi phòng và đóng cửa phòng họp. Ông L ra lệnh cho bà phải làm thủ tục nghỉ việc trên hệ thống ngay ngày 08/4/2019 và ngày chấm dứt công việc là ngày 16/4/2019. Ông L chưa từng tổ chức cuộc họp kỷ luật hay có biên bản làm việc nhắc nhở về tiến độ làm việc của bà mà chỉ đe dọa bằng lời nói và nhắn tin qua điện thoại yêu cầu bà phải nghỉ việc. Bà cho rằng trong suốt quá trình làm việc bà không vi phạm bất kỳ quy định nào và cũng chưa từng bị xử lý kỷ luật nhưng lại bị các lãnh đạo là ông D và ông L lợi dụng chức vụ quyền hạn để chèn ép bà trong công việc, sỉ nhục, hạ thấp uy tín danh dự và la hét đuổi việc bà trước tất cả đồng nghiệp. Từ những áp lực này buộc bà phải nộp đơn xin nghỉ việc và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động chứ thực tế bà không tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc. Việc Ngân hàng ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên bà khởi kiện yêu cầu Ngân hàng phải thực hiện các yêu cầu như sau:

1. Hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 và nhận nguyên đơn trở lại làm việc;

2. Bồi thường tổng số tiền 153.650.000 đồng, tính theo mức lương trung bình 10.000.000 đồng/tháng, gồm các khoản:

+ Bồi thường 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 20.000.000 đồng;

+ Bồi thường tiền lương và Bảo hiểm xã hội từ ngày 16/4/2019 đến ngày Toà án đưa vụ án ra xét xử, tạm tính đến ngày 01/4/2020 (11 tháng): tiền lương 110.000.000 đồng; tiền Bảo hiểm xã hội (21,5% x 11 tháng) là 23.650.000 đồng, tổng cộng: 133.650.000 đồng;

3. Trường hợp Ngân hàng không nhận nguyên đơn trở lại làm việc thì bồi thường thêm số tiền 51.538.462 đồng, gồm:

+ 04 tháng tiền lương: 40.000.000 đồng;

+ Tiền lương cho những ngày không báo trước: 10.000.000 đồng/tháng :

26 ngày x 30 ngày = 11.538.462 đồng.

4. Bồi thường tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương tối thiểu: 14.900.000 đồng.

5. Trả tiền lương của những ngày phép chưa nghỉ của năm 2019 là 3.000.000 đồng;

6. Trả tiền thưởng cổ phần tính trên kết quả kinh doanh của năm 2018 sẽ được nhận vào tháng 7/2019 là 10.800.000 đồng.

Nguyên đơn xác nhận đã nhận đủ tiền lương đến hết ngày 15/4/2019, nhận sổ bảo hiểm xã hội ngày 24/6/2019, đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 25/7/2019 đến ngày 24/10/2019 và được nhận tiền vào ngày 26/7/2019. Về quy trình giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động của Ngân hàng, bà xác nhận về việc có đăng ký nghỉ việc lên hệ thống online vào ngày 08/4/2019, khi Ngân hàng xác nhận và gửi email hướng dẫn thủ tục, bà truy cập vào địa chỉ đường dẫn để lấy mẫu trong file đính kèm, hoàn thiện hồ sơ sau đó gửi bản scan qua email và bản gốc cho Ngân hàng như hướng dẫn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:

Thời điểm nguyên đơn đang làm việc tại Ngân hàng và tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn là người có sức khoẻ tốt, có đủ năng lực hành vi dân sự để làm việc và nhận biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trong mọi hoạt động. Mặc dù nguyên đơn là người ký nộp đơn xin nghỉ việc nhưng giờ lại khởi kiện Ngân hàng đều có lý do, đó là trong thời gian làm việc nguyên đơn đã bị những người là lãnh đạo cấp phòng gây sức ép làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần nên mới dẫn đến việc làm đơn xin nghỉ. Rồi sau đó nguyên đơn đi xin việc, khi nói về lý do xin nghỉ việc ở chổ cũ thì những nơi đó họ đều không nhận. Vì uy tín danh dự của mình, nguyên đơn phải khởi kiện để có được phán quyết của Toà án thì mới có thể xin được việc làm khác. Thực tế ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì người sử dụng lao động cũng có thế mạnh hơn người lao động nên người lao động luôn chịu thiệt về quyền lợi, họ nắm rõ quy định pháp luật thì luôn có biện pháp gây áp lực để người lao động phải nghỉ việc mà vẫn không bị vi phạm pháp luật. Trong trường hợp giữa nguyên đơn và những người lãnh đạo cấp phòng có sự xung đột, bất hoà trong công việc như vậy, nếu tổ chức Công đoàn của Ngân hàng kịp thời thăm hỏi nguyên đơn để tìm hiểu về lý do xin nghỉ thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc này.

Do đó, Ngân hàng cũng cần phải xem xét về việc đã đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nguyên đơn hay chưa, nếu nguyên đơn làm chưa tốt công việc được giao thì những người lãnh đạo cũng phải thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình như quan tâm hướng dẫn, động viên để nguyên đơn nhận biết điểm yếu và cố gắng làm tốt công việc hơn, việc này không những bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động mà còn xây dựng uy tín của Ngân hàng. Đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tôi kính mong Hội đồng xét xử quan tâm xem xét tâm tư nguyện vọng của nguyên đơn và những vấn đề khúc mắc bên trong để có phán quyết phù hợp.

Quá trình tham gia tố tụng sơ thẩm, bị đơn Ngân hàng Thương hàng V có ông Nguyễn Anh V và ông Võ Nguyên H là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Nguyên đơn (mã nhân viên 20994) làm việc tại Ngân hàng từ ngày 20/10/2017 theo Hợp đồng lao động, cụ thể:

+ Hợp đồng lao động số 20994.2 ký ngày 19/12/2017, xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/12/2017 đến hết ngày 19/12/2018;

+ Hợp đồng lao động số 20994.3 ký ngày 30/11/2018, xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/12/2018 đến hết ngày 19/12/2019; mức lương cơ bản thoả thuận tại hợp đồng là 6.500.000 đồng/tháng, lương thực lãnh hàng tháng gồm: lương cơ bản, lương kinh doanh được xác định hàng tháng dựa trên mức độ đóng góp của mỗi vị trí công việc và phụ cấp tiền điện thoại, ăn trưa. (Theo bảng lương từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, trung bình mức lương kinh doanh của Nguyên đơn thực nhận khoảng 2.066.600 đồng/tháng, phụ cấp tiền điện thoại 200.000 đồng/tháng, tiền ăn từ khoảng 680.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng).

Mỗi người lao động khi vào làm việc tại Ngân hàng đều được cấp mã nhân viên, tài khoản và mật khẩu riêng chỉ họ biết để sử dụng truy cập vào hệ thống phần mềm trong quá trình làm việc, được phổ biến đầy đủ về nội quy lao động trong đó có quy trình xử lý về việc xin chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên đơn đã chủ động xin nghỉ việc được Ngân hàng chấp thuận và ban hành Quyết định số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn từ ngày 16/4/2019, tiền lương và các quyền lợi liên quan nguyên đơn đã được Ngân hàng chi trả đầy đủ đến ngày 15/4/2019.

Nay nguyên đơn khởi kiện cho rằng Ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, buộc Ngân hàng phải huỷ quyết định và thực hiện các nghĩa vụ liên quan do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nêu trên là không có căn cứ. Bởi lẽ:

1. Nguyên đơn là người tự khởi tạo đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động trên hệ thống phần mềm quản lý quy trình nhân sự của Ngân hàng vào ngày 08/4/2019 và gửi bản chính Đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao đồng ngày 15/4/2019 để hoàn thiện thủ tục theo quy định. Dựa trên các tài liệu hồ sơ giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động lưu trữ tại Ngân hàng thể hiện nguyên đơn là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn ý thức được việc làm của mình và tự nguyện thể hiện ý chí quyết tâm muốn chấm dứt Hợp đồng lao động với Ngân hàng qua hai lần đề nghị, lý do xin nghỉ là “có việc gia đình cần giải quyết nên không thể tiếp tục công việc”, dự kiến nghỉ việc vào ngày 15/4/2019. Ngân hàng đồng ý và ban hành Quyết định số 20994.CDHD ngày 15/04/2019 về việc chấm dứt Hợp đồng lao động số 20994.3 ngày 30/11/2018 với nguyên đơn kể từ ngày 16/4/2019. Ngày 24/5/2019, Nguyên đơn ký biên bản thanh lý Hợp đồng lao động. Ngày 31/5/2019, Ngân hàng thông báo cho nguyên đơn biết sổ bảo hiểm xã hội đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội Quận A chốt bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội. Ngày 24/6/2019, Nguyên đơn đã đến Ngân hàng nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội;

2. Trong suốt quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chấm dứt Hợp đồng lao động theo đề nghị của nguyên đơn, Ngân hàng không nhận được bất cứ ý kiến thắc mắc, yêu cầu hay khiếu nại nào, dù là chính thức hay phi chính thức từ phía nguyên đơn liên quan đến các quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ lao động;

3. Ban nhân sự Ngân hàng đã tiến hành phỏng vấn nghỉ việc đối với nguyên đơn theo đúng quy trình giải quyết đối với những nhân viên có đề nghị chấm dứt Hợp đồng lao động để thông qua bảng phỏng vấn họ có thể trình bày đầy đủ, chi tiết và khách quan lý do xin nghỉ việc, hoặc có ý kiến đề xuất khác với Ban nhân sự mà không phải chịu áp lực từ cán bộ quản lý. Tuy nhiên theo ghi nhận tại bảng phỏng vấn, nguyên đơn không đề cập đến việc bị cấp quản lý ép buộc nghỉ việc, chỉ phản ánh về phát ngôn và ứng xử của cấp quản lý trực tiếp. Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp xác minh về ý kiến phản ánh này của nguyên đơn và đánh giá đây là những va chạm mang tính chất cá nhân giữa các đồng nghiệp với nhau, không có hành vi vi phạm nội quy lao động hay vi phạm về quản lý lao động của cấp quản lý trực tiếp.

Như vậy, Ngân hàng ban hành quyết định về chấm dứt hợp đồng lao động đối với nguyên đơn đúng trình tự thủ tục, đúng nguyện vọng của nguyên đơn và Ngân hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012. Thực tế từ sau khi nhận quyết định nghỉ việc cho đến khi khởi kiện, nguyên đơn không có bất kỳ khiếu nại nào, đồng thời đã làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định pháp luật càng thể hiện việc nguyên đơn cho rằng bị lãnh đạo phòng ép làm đơn nghỉ việc là rất vô lý. Do đó, Ngân hàng không chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 103/2020/LĐ-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147 và các Điều 203, 264, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 16, Điều 22, khoản 3 Điều 36, Điều 201, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án;

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực ngày 01/7/2009.

1. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thảo N yêu cầu huỷ Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 của Ngân hàng V, nhận bà Nguyễn Thị Thảo N trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bồi thường tổn thất tinh thần do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 09/10/2020, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N trình bày:

Bà giữ nguyên yêu cầu kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm với lý do: Bà bị cách hành xử thiếu văn hóa của lãnh đạo phòng là ông D. Ông D thường xuyên miệt thị, khinh thường, hăm he đuổi việc, sỉ nhục bà, chèn ép bà trong công việc. Vì thế, bà phải nộp đơn xin nghỉ việc và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Việc Ngân hàng ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tại Tòa án, bà Thảo N không cung cấp thêm chứng cứ nào khác. Bà yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm giao Tòa án nhân dân Quận A xét xử lại từ đầu theo hướng huỷ Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 của Ngân hàng V nhận bà Nguyễn Thị Thảo N trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bồi thường tổn thất tinh thần do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật vì bản án tuyên chưa xem xét hết và đầy đủ chứng cứ có trong hồ sơ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:

Thời điểm nguyên đơn đang làm việc tại Ngân hàng và tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn là người có sức khoẻ tốt, có đủ năng lực hành vi dân sự để làm việc và nhận biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trong mọi hoạt động. Tuy nguyên đơn là người ký nộp đơn xin nghỉ việc, lý do là nguyên đơn đã bị những người là lãnh đạo cấp phòng gây sức ép làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần nên mới dẫn đến việc làm đơn xin nghỉ.

Tôi kính mong Hội đồng xét xử quan tâm xem xét tâm tư nguyện vọng của nguyên đơn và những vấn đề khúc mắc bên trong nhất là vấn đề bị gây sức ép, lăng mạ của lãnh đạo phòng tại nơi nguyên đơn làm việc để có những phán quyết hợp tình, hợp lý bảo vệ người lao động.

Bị đơn Ngân hàng Thương hàng V có ông Nguyễn Anh V và ông Bùi Đức T1 là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Phía Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện để người lao động yên tâm công tác. Trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Thảo N, bà Thảo N tự thảo đơn xin nghỉ việc nộp cho Ngân hàng, ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:

Về tố tụng: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét việc những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Về nội dung vụ án:

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, phía nguyên đơn là bà Thảo N cho rằng bị lãnh đạo quản lý trực tiếp ép buộc nhưng lại không có chứng cứ chứng minh. Thực tế thể hiện, bà Thảo N tự nộp đơn xin nghỉ việc và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 103/2020/LĐ-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N khởi kiện yêu cầu tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Căn cứ khoản 5 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định phù hợp khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên được chấp nhận.

[2]. Về nội dung:

Xét thấy, Ngân hàng V và bà Nguyễn Thị Thảo N xác nhận ký 02 Hợp đồng lao động:

+ Hợp đồng lao động số 20994.2 ký ngày 19/12/2017, xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/12/2017 đến hết ngày 19/12/2018;

+ Hợp đồng lao động số 20994.3 ký ngày 30/11/2018, xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/12/2018 đến hết ngày 19/12/2019; mức lương cơ bản thoả thuận tại hợp đồng là 6.500.000 đồng/tháng, lương thực lãnh hàng tháng gồm: lương cơ bản, lương kinh doanh được xác định hàng tháng dựa trên mức độ đóng góp của mỗi vị trí công việc và phụ cấp tiền điện thoại, ăn trưa. (Theo bảng lương từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, trung bình mức lương kinh doanh của nguyên đơn thực nhận khoảng 2.066.600 đồng/tháng, phụ cấp tiền điện thoại 200.000 đồng/tháng, tiền ăn từ khoảng 680.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng). Mã số nhân viên của nguyên đơn là 20994. Nguyên đơn đã ký đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 15/4/2019 và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động vào ngày 24/5/2019.

Ngày 31/5/2019, Ngân hàng thông báo cho nguyên đơn biết sổ bảo hiểm xã hội đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội Quận A chốt bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội. Ngày 24/6/2019, Nguyên đơn đã đến Ngân hàng nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội. Nguyên đơn xác nhận đã nhận đủ tiền lương đến hết ngày 15/4/2019. Sự việc trên hoàn toàn có thật.

Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo N cho rằng bà đã bị ông Trương Châu Quốc D (Giám đốc phòng) và ông Phạm Hoàng L (Giám đốc chi nhánh) đe dạo bằng lời nói và nhắn tin qua điện thoại yêu cầu bà phải nghĩ việc. Do áp lực này nên bà đã nộp đơn xin nghỉ việc và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Do đó, Ngân hàng ban hành Quyết định số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 chấm dứt hợp đồng lao động với bà là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Vì vậy, bà Thảo N yêu cầu hủy bản án sơ thẩm giao Tòa án nhân dân Quận A xét xử lại từ đầu theo hướng huỷ Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 20994.CDHD ngày 15/4/2019 của Ngân hàng V nhận bà Nguyễn Thị Thảo N trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bồi thường tổn thất tinh thần do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Tuy nhiên, bà Thảo N không hề đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào khác chứng tỏ là bị đe dọa, áp lực, phải làm đơn xin nghỉ việc và ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động. Do đó, hoàn toàn không có cơ sở chấp nhận kháng cáo. Nghĩ nên bác đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thảo N giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3]. Về án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N không phải nộp án phí.

Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 32; khoản 5 Điều 33; khoản 1 Điều 273; khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 16, Điều 22, khoản 3 Điều 36, Điều 201, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

[1]. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N.

[2]. Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 103/2020/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3]. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thảo N yêu cầu huỷ Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động số 20994.CDHD ngày 15 tháng 4 năm 2019 của Ngân hàng V, nhận bà Nguyễn Thị Thảo N trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bồi thường tổn thất tinh thần do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

[4]. Về án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thảo N không phải nộp án phí. Bị đơn Ngân hàng V không phải chịu án phí.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

392
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (quản lý sỉ nhục, gây ức chế, ép NLĐ phải viết đơn nghỉ việc) số 263/2021/LĐ-PT

Số hiệu:263/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 24/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về